Quyết định 89/2006/QĐ-UBND Phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 do tỉnh Gia Lai ban hành

Số hiệu 89/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 31/10/2006
Ngày có hiệu lực 10/11/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Phạm Thế Dũng
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 89/2006/QĐ-UBND

Pleiku, ngày 31 tháng 10 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2006 - 2010.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XIII;

Căn cứ Nghị quyết số 11/2006/NQ-HĐND tỉnh ngày 12/7/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh kỳ họp thứ bảy khóa IX về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2006-2010;

Căn cứ Nghị quyết số 25/2006/NQ-HĐND ngày 09/10/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc bổ sung quy hoạch diện tích cao su trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 từ 70.000 lên khoảng 120.000 ha;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 với những mục tiêu chủ yếu như sau:

1/ Về kinh tế:

Tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, từng bước thu hẹp khoảng cách về GDP bình quân đầu người so với mức trung bình của cả nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

- Phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm 12,5% trong giai đoạn 2006-2010, trong đó: nông lâm nghiệp tăng 7,7%, công nghiệp - xây dựng tăng 19% và dịch vụ tăng 14,5%. Tăng đầu tư và phát triển mạnh hơn các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

- Đến năm 2010 GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành 11 triệu đồng, gấp 2,14 lần năm 2005, bằng 61% mức trung bình của cả nước; theo giá so sánh đạt 5.027 triệu đồng, gấp 1,6 lần năm 2005. Phấn đấu đạt mức tăng trưởng bình quân 12,5% trong giai đoạn 2010-2015, đến năm 2015 GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 24 triệu đồng, gấp 2,2 lần năm 2010, theo giá so sánh đạt 8,198 triệu đồng, gấp 1,63 lần năm 2010.

- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng của công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, đến năm 2010: NLN: 38%; CN-XD: 31,5%; DV: 30,5%; dự kiến đến năm 2015: NLN: 30%, CN-XD: 37%, DV: 33%.

- Tỷ lệ huy động vào ngân sách bình quân giai đoạn 2006-2010 là 13%, tăng khả năng tự cân đối của ngân sách địa phương. Thực hiện tiết kiệm chi, tăng chi cho đầu tư phát triển.

- Tăng nhanh nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm 2006-2010 là 29.660 tỷ đồng, tập trung nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục mở rộng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt chú ý tới kết cấu hạ tầng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

- Mở rộng và nâng cao hiệu quả xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 26,8%, đạt 130 triệu USD vào năm 2010.

- Tạo môi trường thuận lợi và ổn định cho các thành phần kinh tế hợp tác cạnh tranh cùng phát triển trong khuôn khổ pháp luật.

2/ Về xã hội:

- Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống còn 1,5% vào năm 2010, quy mô dân số của tỉnh đến năm 2010 khoảng 1,276 triệu người, tốc độ tăng dân số thời kỳ 2006-2010 là 2,38%, dự kiến trong 5 năm nhận dân kinh tế mới 3.500 hộ với 17.500 khẩu; bằng mọi nguồn vốn và nhiều hình thức để giải quyết cơ bản về vấn đề việc làm cho người lao động, tạo thêm nhiều việc làm mới, phấn đấu hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 2 vạn lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 27 % năm 2010, đảm bảo nhu cầu lao động kỹ thuật cho phát triển kinh tế - xã hội.

- Cơ bản xóa hộ đói, giảm hộ nghèo xuống còn dưới 19% (theo tiêu chí mới) năm 2010; cải thiện đáng kể điều kiện sinh hoạt, học hành, chăm sóc sức khỏe và từng bước nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, đặc biệt chú ý vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nâng cao dân trí, chất lượng giáo dục, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng nhân lực có trình độ cao, cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề và đào tạo cán bộ cho nông thôn, vùng đồng bào dân tộc, đến năm 2010 huy động gần 100% học sinh trong độ tuổi tiểu học đến lớp, 100% xã phường thị trấn phổ cập THCS; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể lực và tuổi thọ, giảm tỷ lệ mắc bệnh, khống chế dịch, phấn đấu trên 95% trẻ em được tiêm chủng mở rộng, 100% trung tâm cụm xã có phòng khám khu vực và 60% số xã có bác sĩ, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 25%; thực hiện Bảo hiểm Y tế toàn dân vào năm 2010; trên 90% số hộ dùng điện, 90% dân cư đô thị được dùng nước máy, 80% dân cư nông thôn được dùng nước sạch; mật độ điện thoại đạt 14 máy/100 dân vào năm 2010, gấp 2 lần năm 2005: 95% số hộ được xem truyền hình, 100% số làng với 95% số hộ đồng bào dân tộc được định canh định cư.

- Giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị từ 4% năm 2005 xuống dưới 3% năm 2010; tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn lên từ 80% năm 2005 lên 85% vào năm 2010. Hạn chế, tiến tới loại trừ các tai nạn và tệ nạn xã hội.

3/ Về phát triển khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường.

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và triển khai, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào các ngành kinh tế cơ bản là thế mạnh của tỉnh, các lĩnh vực thiết yếu của đời sống. Chú trọng ứng dụng công nghệ sản xuất mới, công nghệ thông tin trong quản lý, quản trị kinh doanh nhằm nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh. Hiện đại hóa công nghệ các ngành, lĩnh vực then chốt phù hợp với đặc thù của tỉnh để ngày càng có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh. Phấn đấu đến năm 2010, trình độ công nghệ của tỉnh đạt mức trung bình của cả nước. Hình thành đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật, trước hết cho các lĩnh vực, các khâu then chốt, đội ngũ cán bộ tham mưu hoạch định chính sách và chuyển giao công nghệ.

- Tăng cường quản lý và khai thác hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên không tái sinh; nâng độ che phủ của rừng và cây lâu năm từ 58,9% năm 2005 lên khoảng 65% vào năm 2010; ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường, xử lý nước thải, rác thải ở các đô thị, khu công nghiệp; xây dựng nếp sống vệ sinh ở nông thôn.

4/ Về an ninh quốc phòng:

- Không ngừng tăng cường sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân. Đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương đủ sức ứng phó trong mọi tình huống. Bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, đoàn kết các tầng lớp nhân dân; giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

[...]