Quyết định 863-LN-QĐ năm 1963 về chế độ chứng từ và sổ sách kế toán trong các đơn vị thuộc tổng cục Lâm nghiệp do Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp ban hành

Số hiệu 863-LN-QĐ
Ngày ban hành 30/12/1963
Ngày có hiệu lực 01/01/1964
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tổng cục Lâm nghiệp
Người ký Nguyễn Tạo
Lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán

TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP

 

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Số: 863-LN-QĐ

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 1963

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHẾ ĐỘ CHỨNG TỪ VÀ SỔ SÁCH KẾ TOÁN TRONG CÁC ĐƠN VỊ THUỘC TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 140-CP ngày 29-09-1961 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Lâm nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 175-CP ngày 28-10-1961 của Hội đồng Chính phủ ban hành điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước;
Xét tình hình thực tế về công tác kế toán tài vụ tại các đơn vị thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, sau khi đã được sự thỏa thuận của Bộ Tài chính;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành chế độ tạm thời về chứng từ sổ sách kế toán áp dụng trong các đơn vị thuộc Tổng cục Lâm nghiệp kèm theo quyết định này.

Điều 2. Chế độ chứng từ và sổ sách kế toán này áp dụng thống nhất cho:

- Các lâm trường quốc doanh, các xí nghiệp chế biến lâm sản, các Ty, Phòng Lâm nghiệp;

- Các công ty vận tải lâm sản;

- Các công ty lâm sản liên tỉnh, các xí nghiệp cung tiêu, cung ứng;

- Các lâm trường trồng rừng, các công trường xây dựng cơ bản.

Điều 3. Để đáp ứng các yêu cầu quản lý của đơn vị mình, các Cục quản lý, các Ty, Phòng Lâm nghiệp, các công ty, xí nghiệp, lâm trường, công trường có thể mở thêm những chứng từ phân tích và sổ sách kế toán chi tiết sau khi đã được Tổng cục đồng ý.

Điều 4. Tất cả những quy định về chứng từ, sổ sách kế toán trái với chế độ này đều bãi bỏ.

Điều 5. Ông Chánh văn phòng Tổng cục, ông Vụ trưởng Vụ Kế toán tài vụ, các ông Cục trưởng các Cục, các ông Trưởng ty lâm nghiệp, các ông Giám đốc lâm trường, xí nghiệp và các ông Chủ nghiệm công ty, công trường chịu trách nhiệm thi hành quyết định này kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1964.

 

TỔNG CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP




Nguyễn Tạo

 

CHẾ ĐỘ

CHỨNG TỪ VÀ SỔ SÁCH KẾ TOÁN

Áp dụng trong các đơn vị thuộc Tổng cục Lâm nghiệp
(ban hành kèm theo quyết định số 863-LN-QĐ ngày 30-12-1963) của Tổng cục Lâm nghiệp.

Chương 1:

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. Chứng từ và sổ sách kế toán là những chứng minh bằng giấy tờ các nhiệm vụ kinh tế đã hoàn thành. Nó có ý nghĩa rất lớn trong hoạt động kinh tế của xí nghiệp nhằm mục đích:

- Dựa vào chứng từ và sổ sách kế toán để giám đốc và phân tích hoạt động kinh tế, kiểm tra mọi chỉ tiêu sử dụng vật tư, tiền mặt,… do đó còn có tác dụng cho việc thực hành tiết kiệm, ngăn ngừa và phát hiện các hiện tượng tham ô, lãng phí, vi phạm chính sách, chế độ, kỷ luật kinh tế tài chính, đảm bảo tăng thu, tiết kiệm chi, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xây dựng cơ bản và các công tác sự nghiệp hành chính khác.

- Thúc đẩy việc chấp hành đúng đắn các điều lệ kế toán, tài chính, đảm bảo việc ghi chép và phản ảnh các hoạt động kinh tế được kịp thời chính xác.

Ngoài ra chứng từ, sổ sách kế toán còn có tác dụng giúp cho việc cung cấp các số liệu, tài liệu lập kế hoạch sản xuất và thu chi tài vụ, phục vụ cho công tác thống kê và quản lý kinh tế tài chính các cấp.

Điều 2. Chứng từ, sổ sách kế toán quy định theo chế độ này áp dụng thống nhất cho các cơ sở thuộc Tổng cục Lâm nghiệp không phân biệt sản xuất, kinh doanh hay kiến thiết cơ bản theo hình thức chứng từ ghi sổ.

Điều 3. Các tổ chức phụ thuộc khác (ngoài các đơn vị sản xuất kinh doanh, kiến thiết cơ bản…) tuy không được Nhà nước cấp vốn hoạt động, nhưng có sử dụng một phần tài sản của Nhà nước hay có hoạt động kinh doanh bằng số tiền đóng góp của cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước, bằng số tiền vay Ngân hàng, bằng quỹ xí nghiệp để phục vụ các mặt sinh hoạt, đời sống của anh chị em cán bộ, công nhân, viên chức đều phải ghi chép sổ sách rành mạch theo chế độ Nhà nước và những quy định dưới đây của Tổng cục.

Điều 4. Chứng từ và sổ sách kế toán phải đảm bảo các yêu cầu dưới đây:

- Phản ảnh đúng sự thực, chính xác, đầy đủ, kịp thời, rõ ràng dễ hiểu.

[...]