Quyết định 861/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Đề án xây dựng đảo Phú Quý thành trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 861/QĐ-TTg
Ngày ban hành 16/08/2024
Ngày có hiệu lực 16/08/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Trần Lưu Quang
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 861/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 16 tháng 8 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG ĐẢO PHÚ QUÝ THÀNH TRUNG TÂM KHAI THÁC, DỊCH VỤ HẬU CẦN NGHỀ CÁ, KẾT HỢP TÌM KIẾM CỨU NẠN TRÊN BIỂN

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ;

Căn cứ Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ;

Căn cứ Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án xây dựng đảo Phú Quý thành trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển (sau đây gọi tắt là Đề án) với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Nội dung Đề án phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

2. Phát huy tiềm năng, lợi thế vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của tỉnh, đảm bảo hiệu quả tối ưu trong phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai và cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá; gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, quy hoạch xây dựng các đô thị biển và làng cá văn minh bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.

3. Phát triển hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá đồng bộ, hiện đại, đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa giải quyết tốt các tình huống về quốc phòng an ninh, cứu hộ cứu nạn trên biển và hải đảo khi có tình huống xảy ra; kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ quốc phòng an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc.

4. Huy động tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nghề cá đồng bộ, hiện đại, phát huy vai trò, trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước.

II. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2030

1. Mục tiêu chung

Xây dựng đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận thành trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển của vùng và cả nước; chú trọng phát triển hợp lý về quy mô của từng lĩnh vực, tập trung vào khai thác hải sản xa bờ, bảo quản, sơ chế sản phẩm và các dịch vụ hậu cần nghề cá; là trung tâm cứu nạn, cứu hộ, xử lý các sự cố, tình huống khẩn cấp, cứu nạn trên biển nhằm nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống ngư dân gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc.

2. Mục tiêu cụ thể

- Đáp ứng cho tàu cá có chiều dài lớn nhất trên 30 m vào neo đậu, tránh trú bão an toàn (của tỉnh Bình Thuận và các tỉnh có tàu cá hoạt động trên ngư trường vùng biển Bình Thuận và các khu vực biển lân cận).

- Đảm bảo an toàn cho người và phương tiện thực hiện công tác cứu nạn trên vùng biển tỉnh Bình Thuận và một số tỉnh lân cận.

- Đảm bảo năng lực tập kết, bốc dỡ, phân loại, trung chuyển và dịch vụ tiêu thụ trong và ngoài tỉnh thông qua cảng cá đạt khoảng 25.000 tấn/năm, giảm thiểu tối đa tổn thất sản phẩm sau khai thác, đáp ứng các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, gia tăng giá trị thủy sản khai thác.

- Đầu tư nâng cấp, phát triển cảng cá Phú Quý kết hợp tránh trú bão cho tàu cá trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần cho khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản trên biển (nuôi biển), thương mại nghề cá của khu vực và quốc gia; hỗ trợ hiệu quả cho nuôi biển, các tàu cá trong và ngoài tỉnh hoạt động trên ngư trường vùng biển Bình Thuận và các khu vực biển lân cận. Cải thiện căn bản điều kiện hạ tầng dịch vụ nghề cá trên đảo phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương, nâng cao đời sống của ngư dân trên đảo.

- Kiểm soát, phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU); chấm dứt tình trạng tiêu thụ hải sản tại các bến tạm trên đảo, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác.

III. TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Đảo Phú Quý trở thành trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, tìm kiếm cứu nạn trên biển; phát triển đồng bộ, toàn diện, hiện đại ngang tầm với các trung tâm dịch vụ hậu cần trong khu vực và trên thế giới; tích hợp, gia tăng giá trị các sản phẩm khai thác, nuôi biển; nâng cao hiệu quả khai thác, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động khai thác, nuôi trồng và vận tải trên biển; bảo đảm quốc phòng an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc.

[...]