Quyết định 85/2003/QĐ-UB ban hành Quy định tiêu chí làng (xã) sinh thái-du lịch trên địa bàn ngoại thành Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 85/2003/QĐ-UB
Ngày ban hành 21/07/2003
Ngày có hiệu lực 21/07/2003
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Lê Quý Đôn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 85/2003/QĐ-UB 

Hà Nội, ngày 21 tháng 07 năm 2003 

 

QUYẾT ĐỊNH

"VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ LÀNG (XÃ) SINH THÁI - DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN NGOẠI THÀNH HÀ NỘI"

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;
Căn cứ chương trình số 12 - Ctr/TU ngày 05/12/2001 của Thành ủy về phát triển kinh tế ngoại thành và từng bước hiện đại hóa nông thôn (2001-2005);
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại tờ trình số 548/TTr/SNN-CS ngày 28/4/2003 về việc ban hành Quy định tiêu chí làng (xã) sinh thái - đô thị - du lịch trên địa bàn ngoại thành Hà Nội giai đoạn 2001-2005.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định tiêu chí làng (xã) sinh thái - du lịch trên địa bàn ngoại thành Hà Nội 2001-2005.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3: Chánh Văn phòng HĐND và UBND Thành phố, Thủ trưởng các sở, ban, ngành của Thành phố và Chủ tịch UBND các huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quý Đôn 

 

QUY ĐỊNH

TIÊU CHÍ LÀNG (XÃ) SINH THÁI - DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN NGOẠI THÀNH HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2001-2005
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 85/2003/QĐ-UB ngày 21 tháng 07 năm 2003 của UBND Thành phố Hà Nội)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Danh hiệu làng ( xã) sinh thái - du lịch.

Danh hiệu “làng (xã) sinh thái - du lịch” là danh hiệu do Uỷ ban Nhân dân Thành phố quyết định công nhận cho những làng (xã) trên địa bàn thành phố Hà Nội khi đạt các tiêu chuẩn quy định tại chương II, bản quy định này.

Điều 2: Quyết định đầu tư xây dựng điểm.

Uỷ ban Nhân dân Thành phố quyết định đầu tư xây dựng điểm làng (xã) sinh thái - du lịch theo đề xuất của UBND các huyện, Sở Nông nghiệp và PTNT.

Chương 2:

TIÊU CHÍ LÀNG (XÃ) SINH THÁI - DU LỊCH

Điều 3: Tiêu chí về cơ sở hạ tầng và văn hoá

1/ Xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2001-2010 được UBND huyện phê duyệt, với nội dung sau:

- Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông thôn.

- Xây dựng các khu dân cư theo hướng văn minh đô thị, giữ gìn truyền thống, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hoá, duy trì nét đẹp truyền thống nông thôn Việt Nam.

- Phù hợp với quy hoạch chi tiết của huyện và đúng quy chuẩn xây dựng.

2) Xây dựng cơ sở hạ tầng:

- Đường giao thông liên xã, liên thôn được rải nhựa, bê tông, hoặc lát gạch 100%. Đường trục xã rộng hơn hoặc bằng 5m, đường trục thôn rộng hơn hoặc bằng 3m, đảm bảo xe cơ giới loại nhỏ hoạt động giao thông thuận lợi.

- Hệ thống thoát nước và xử lý rác thải, không gây úng ngập và ô nhiễm môi trường.

- Hệ thống điện đảm bảo an toàn phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, có hệ thống đèn chiếu sáng đường làng, ngõ xóm.

- Trường học xây dựng kiên cố, đạt chuẩn quốc gia.

- Hệ thống cấp nước sạch đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.

- Trạm y tế xã đạt tiêu chuẩn quốc gia.

- Công trình văn hoá, thể thao đáp ứng nhu cầu của nhân dân và hoạt động của khách tham quan du lịch.

- Kiên cố hoá hệ thống kênh mương tưới, tiêu đảm bảo tưới, tiêu chủ động 100% diện tích đất trồng trọt.

- Các di tích lịch sử, văn hoá được bảo tồn, tôn tạo. Các đài liệt sỹ được xây dựng khang trang.

Điều 4: Tiêu chí về sinh thái, du lịch

1/ Bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử, văn hoá, các hoạt động thủ công nghiệp cổ truyền, nhằm tạo những mô hình sản xuất theo phương thức truyền thống trong hộ nông dân.

2/ Xây dựng mô hình vườn cây, ao cá kết hợp với bảo vệ cải thiện môi trường sinh thái của làng (xã), tạo cảnh quan để thu hút khách du lịch.

3/ Diện tích mặt nước (ao, hồ, đầm) chiếm 5% diện tích đất nông nghiệp trở lên, để nuôi trồng thuỷ sản kết hợp với điều hoà nước mưa, cải thiện môi trường cảnh quan và tiểu vùng khí hậu ở địa phương.

4/ Diện tích trồng cây xanh tại các khu di tích, dân cư, trường học, các nơi công cộng và trồng cây xanh ven đường giao thông xã thôn, đường tục đồng ruộng, kênh mương. Đảm bảo diện tích cây xanh bình quân 10m2/người trở lên.

5/ Có chợ, hoặc Trung tâm thương mại với diện tích từ 5000m2 trở lên, hệ thống dịch vụ - thương mại phát triển nhằm phục vụ cho việc tiêu thụ hàng hoá của làng nghề, những sản phẩm đặc trưng của làng (xã).

6/ Việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chế biến nông sản và sinh hoạt đời sống hàng ngày của nhân dân không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường cảnh quan của làng (xã).

7/ Công tác bảo vệ môi trường tiến hành thường xuyên, có tổ chức nhằm thu gom và xử lý rác đạt hiệu quả.

8/ Xây dựng nếp sống văn minh lịch sự cho nhân dân và có đội ngũ làm du lịch qua đào tạo, am hiểu lịch sử địa phương.

Điều 5: Tiêu chí về phát triển kinh tế

1/ Cơ cấu kinh tế hợp lý, phát triển sản xuất đạt hiệu quả cao.

2/ Sản xuất nông nghiệp:

- Xây dựng vùng sản xuất hàng hoá tập trung theo cơ chế thị trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định.

- Ứng dụng kỹ thuật - công nghệ mới, công nghệ sinh ọc tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp; Sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng nền nông nghiệp sạch, bền vững.

3/ Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

- Khôi phục các làng nghề truyền thống, phát triển ngành nghề mới tạo sản phẩm hàng hoá đặc thù mang đậm bản sắc địa phương và dân tộc Việt Nam.

- Ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới và sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.

4/ Thương mại, dịch vụ.

Phát triển hệ thống dịch vụ phục vụ du lịch, nông nghiệp, nông thôn, cung cấp nguyên liệu cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hoá.

Điều 6: Tiêu chí về đời sống văn hoá

1/ Thu nhập bình quân đầu người đạt 6 triệu đồng/năm.

2/ Hộ giàu đạt từ 30% trở lên, hộ nghèo còn dưới 5% và không có hộ đói.

3/ Xây dựng, cải tạo nhà ở hiện đại phù hợp bản sắc truyền thống dân tộc; giữ tồn tại tạo làng, xóm và các công trình kiến trúc cổ; 100% hộ gia đình có hố xí tự hoại hợp vệ sinh và hộ chăn nuôi có bể BIOSGAS để xử lý phân gia súc.

4/ Tỷ lệ sinh dưới 1,4%. Tỷ lệ sinh con thứ 3 dưới 3%.

5/ Về giáo dục:

- Đạt tiêu chuẩn phổ cập trung học cơ sở, có 70% học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học trong độ tuổi quy định.

- Có 80% trở lên trẻ em đến lớp mẫu giáo, nhà trẻ và dưới 10% trẻ em suy dinh dưỡng.

6/ Có 90% số hộ gia đình được công nhận là gia đình văn hoá; hoạt động văn hoá, văn nghệ quần chúng được tổ chức thường xuyên phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần cho nhân dân địa phương và khách du lịch; 100% số thôn trong xã đạt tiêu chuẩn làng văn hoá.

7/ Thực hiện các quy định về nếp sống văn minh trong tổ chức các lễ hội, việc cưới, việc tang.

8/ Không có tụ điểm tệ nạn xã hội; tàng trữ và sử dụng văn hoá phẩm đồi truỵ, độc hại.

9/ Xây dựng và tổ chức thực hiện Hương ước theo chỉ thị số 24/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 7: Tiêu chí về trật tự, xã hội

1/ Tuyên truyền, giáo dục pháp luật thường xuyên; các hộ gia đình chấp hành nghiêm minh chính sách, pháp luật của nhà nước; không buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng giả.

2/ Thực hiện tốt các quy chế dân chủ cơ sở; không có các vụ tranh chấp, mâu thuẫn, khiếu kiện phức tạp. Công tác hoà giải thành ở cơ sở đạt từ 80% vụ việc trở lên.

3/ Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phục vụ dân cư trong xã và khách du lịch. Thực hiệu tốt nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, có biện pháp xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật; thực hiện quy định về phòng, chống cháy nổ.

4/ Các tổ chức chính trị: đảng bộ đạt tiêu chuẩn đảng bộ hoàn thành nhiệm vụ, trong sạch vững mạnh; các đoàn thể, chính quyền đạt loại khá.

Chương 3:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8: Trách nhiệm của UBND các huyện

1/ Tuyên truyền, hướng dẫn và tổ chức đôn đốc, kiểm tra các đơn vị trực thuộc thực hiện bản quy định này.

2/ Hàng năm, căn cứ đề nghị của UBND các xã và tiêu chí ở chương II bản quy định này để lựa chọn điểm xây dựng làng (xã) sinh thái - du lịch, trình Uỷ ban Nhân dân Thành phố xem xét, quyết định.

3/ Khi xây dựng dự án làng (xã) sinh thái - du lịch phải căn cứ tiêu chí ở chương II, bản quy định này để trình Uỷ ban Nhân dân Thành phố phê duyệt.

Điều 9: Trách nhiệm của các sở, ngành thành phố.

1/ Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Địa chính Nhà đất, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các ngnàh liên quan thực hiện nhiệm vụ sau đây:

- Tổng hợp đề nghị của UBND các huyện về điểm xây dựng làng (xã) sinh thái - du lịch, trình Uỷ ban Nhân dân Thành phố xem xét, quyết định.

- Hướng dẫn UBND các huyện lập dự án xây dựng làng (xã) sinh thái - du lịch, trình Uỷ ban Nhân dân Thành phố xem xét, phê duyệt.

2/ Các sở, ngành có liên quan như Sở Giao thông Công chính, Sở Văn hoá - Thông tin, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thương mại, Sở Du lịch, Sở Y tế, Sở Tư pháp, Công an Thành phố, Uỷ ban dân số, gia đình và trẻ em Thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp, hướng dẫn, tổ chức thực hiện bản quy định này.

Điều 10: Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và PTNT.

Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp tình hình, kết quả và khó khăn vướng mắc khi thực hiện bản quy định này; định kỳ báo cáo, đề xuất trình UBND thành phố xem xét, quyết định.

2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ