Quyết định 847/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Mán Bạc và nghề gốm Bồ Bát (xã Yên Thành, huyện Yên Mô)" do tỉnh Ninh Bình ban hành

Số hiệu 847/QĐ-UBND
Ngày ban hành 29/11/2023
Ngày có hiệu lực 29/11/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Tống Quang Thìn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 847/QĐ-UBND

Ninh Bình, ngày 29 tháng 11 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH KHẢO CỔ HỌC MÁN BẠC VÀ NGHỀ GỐM BỒ BÁT (XÃ YÊN THÀNH, HUYỆN YÊN MÔ)”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18/6/2009;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;

Căn cứ Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Kết luận số 90-KL/TU ngày 12/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26 tháng 6 năm 2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XXI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tại Tờ trình số 168/TTr-SVHTT ngày 31 tháng 10 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Mán Bạc và nghề gốm Bồ Bát (xã Yên Thành, huyện Yên Mô)” (có Đề án kèm theo).

Điều 2. Giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, VP6,2,5.
TN_VP6_43.QĐ

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tống Quang Thìn

 

ĐỀ ÁN

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH KHẢO CỔ HỌC MÁN BẠC VÀ NGHỀ GỐM BỒ BÁT (XÃ YÊN THÀNH, HUYỆN YÊN MÔ)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 847/QĐ-UBND ngày 29 tháng 11 năm 2023 của UBND tỉnh Ninh Bình)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT, CƠ SỞ VÀ PHẠM VI ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỀ ÁN

Hiện nay, trên thế giới và Việt Nam, tài nguyên văn hóa hay nguồn lực văn hóa đang song hành và trong đó bao trùm cả hệ thống di sản văn hóa, kèm theo những cách nhìn nhận, quan điểm và phương pháp bảo tồn, sử dụng và phát triển nguồn tài nguyên này nhằm phát huy vai trò trong phát triển kinh tế, xã hội.

Là một tỉnh có vị trí đặc biệt, nơi giao thoa giữa ba vùng văn hóa: đồng bằng châu thổ sông Hồng, Tây Bắc bộ, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, tiếp xúc và giao lưu với nhiều nền văn hóa trong khu vực và trên thế giới, trữ lượng tài nguyên văn hóa của Ninh Bình từ truyền thống đến đương đại đều phong phú và đa dạng. Điều này được thể hiện trong hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản tư liệu, di sản hỗn hợp đồ sộ của Ninh Bình đã được vinh danh tầm quốc gia và quốc tế.

Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, nhiều năm trở lại đây, Đảng, Nhà nước ta nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng, luôn coi trọng các nguồn lực văn hóa, coi đó như là một trong những sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Cũng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Ninh Bình luôn đề cao, coi trọng hoạt động khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa. Từ đó, yêu cầu về nghiên cứu, bảo tồn và định hướng phát triển giá trị nguồn lực văn hóa cần được quan tâm. Trong đó, nổi bật lên các vấn đề quy hoạch khảo cổ dưới lòng đất; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa; khôi phục và xây dựng các lễ hội văn hóa; xây dựng quy chế quản lý di tích và lễ hội; xây dựng các thiết chế và phát huy ảnh hưởng xã hội của các danh nhân văn hóa, thực hiện các dự án bảo tồn và phát huy các tiềm năng văn hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ninh Bình là một không gian văn hóa đặc biệt, nằm ở vị trí kết nối văn hóa Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Trong suốt chiều dài lịch sử, Ninh Bình đóng vai trò cầu nối, là nơi hợp lưu của nhiều dòng văn hóa, là mạch nguồn của một không gian văn hóa đặc thù. Từ thời sơ sử, tính hội tụ văn hóa của Ninh Bình đã được thể hiện ở di tích Mán Bạc. Đây là một cộng đồng cư dân quan trọng hợp thành nền văn hóa cổ trên miền Bắc Việt Nam. Tại đây, cư dân cổ Ninh Bình đã tạo dựng một nền văn hóa đồ gốm rực rỡ, trở thành một bộ phận quan trọng của đỉnh cao gốm tiền sơ sử ở miền Bắc Việt Nam. Những đồ gốm Mán Bạc không chỉ có ý nghĩa đối với đời sống vật chất, mà còn thể hiện sâu đậm trong đời sống tinh thần của con người. Hoa văn trên đồ gốm Mán Bạc cho thấy nhận thức của con người về thế giới tự nhiên, đồ gốm trong các ngôi mộ táng cho thấy quan niệm về thế giới sau khi chết của con người nơi đây… Những đồ gốm cổ Mán Bạc đã trở thành một trong những di sản đặc trưng của Ninh Bình, ở nó vừa mang giá trị lịch sử, vừa hàm chứa giá trị văn hóa đặc sắc.

Bên cạnh di tích Mán Bạc, tại xã Yên Thành, huyện Yên Mô còn từng tồn tại một làng gốm cổ Bồ Bát thịnh vượng trong lịch sử. Theo các nguồn tài liệu dân gian tại làng gốm Bát Tràng hiện nay, nghề gốm Bát Tràng được hình thành từ những người thợ đầu tiên ở Bồ Bát và Ninh Tràng di cư đến. Gốm Bát Tràng đã nổi danh trong ngoài nước, từ thế kỷ 14 đã khởi dựng và sản xuất nhiều mặt hàng không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu nhiều nơi trên thế giới. Việc nghiên cứu nghề gốm Bồ Bát, những mối liên hệ với làng gốm Bát Tràng là một trong những vấn đề giới nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu nhiều thập kỷ nay. Việc khôi phục một làng nghề có tiếng từ hàng nghìn năm trước, cũng như mục tiêu xây dựng thương hiệu quốc gia về một sản phẩm gốm sứ Bồ Bát càng trở nên quan trọng.

Từ những lý do trên, việc xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Mán Bạc và nghề gốm Bồ Bát (xã Yên Thành, huyện Yên Mô) là cần thiết và phải được thực hiện một cách bài bản, hiệu quả thiết thực.

[...]