Quyết định 51/QĐ-UBND năm 2022 về Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030

Số hiệu 51/QĐ-UBND
Ngày ban hành 14/01/2022
Ngày có hiệu lực 14/01/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Trần Hoàng Tuấn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 51/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 14 tháng 01 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ HỆ THỐNG DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA, DANH LAM THẮNG CẢNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29/6/2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18/6/2009;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2020;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật Sửa đổi một số điều của Luật Di sản văn hóa;

Căn cứ Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh;

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 về phê duyệt chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025; số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; số 2026/QĐ-TTg ngày 02/12/2021 về phê duyệt chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Số 09/2011/TT-BVHTTDL ngày 14/7/2011 quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh; số 15/2019/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2019 Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ phục hồi di tích;

Căn cứ Kết luận số 635-KL/TU ngày 01/11/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 19/10/2016 của Tỉnh ủy khóa XIX về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 2129/TTr-SVHTTDL ngày 31/12/2021 về việc ban hành Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông; Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Thường trực Tỉnh ủy (báo cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- BTT Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh;
- Cục Di sản Văn hóa - Bộ VHTTDL;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Quảng Ngãi;
- VPUB: PCVP, KTTH, KTN, CBTH;
- Lưu: VT, KGVXvht35.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Hoàng Tuấn

 

ĐỀ ÁN

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ HỆ THỐNG DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA, DANH LAM THẮNG CẢNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 51/QĐ-UBND ngày 14/01/2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi)

Phần thứ Nhất

SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (sau đây gọi tắt là di tích) là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa lâu đời của dân tộc, là những chứng tích vật chất phản ánh sâu sắc nhất về đặc trưng văn hóa, về cội nguồn và truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước hào hùng, vĩ đại của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đồng thời là một bộ phận cấu thành kho tàng di sản văn hóa nhân loại. Di tích lịch sử - văn hóa là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Di tích danh lam thắng cảnh là cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử thẩm mỹ, khoa học.

Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích luôn là vấn đề cốt lõi, vấn đề trọng tâm gắn liền với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Quảng Ngãi là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa lịch sử, địa linh nhân kiệt, có nhiều di tích được gìn giữ, bảo vệ và phát huy hiệu quả. Nơi đây là cái nôi của Văn hóa Sa Huỳnh, có các di tích cấp quốc gia nổi tiếng và được đông đảo nhân dân và du khách trong và ngoài nước biết đến như di tích các địa điểm Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, Văn hóa Sa Huỳnh, Vụ thảm sát Sơn Mỹ, Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, Chiến thắng Vạn Tường, Ba Gia ... Quảng Ngãi với truyền thống cách mạng hào hùng, là nơi sinh ra nhiều vị tướng tài ba, danh nhân văn hóa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cho đến nay đã trở thành di tích khu lưu niệm các vị tướng lĩnh, danh nhân nổi tiếng như Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định, di tích Bệnh xá Đặng Thùy Trâm.... Có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như núi Ấn sông Trà, Cổ Lũy cô thôn, có bãi biển Sa Huỳnh, Mỹ Khê, Thác trắng Minh Long, núi Cà Dam, chùa Hang, núi Giếng Tiền, Thới Lới...

[...]