Quyết định 845-TTg năm 1995 phê duyệt "kế hoạch hành động bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam" do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 845-TTg
Ngày ban hành 22/12/1995
Ngày có hiệu lực 22/12/1995
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Khánh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 845-TTg

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 1995

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT "KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG BẢO VỆ ĐA DẠNG SINH HỌC CỦA VIỆT NAM"

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Bảo vệ Môi trường ngày 27 tháng 12 năm 1993;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tại Tờ trình số 2423/MTg ngày 25 tháng 9 năm 1995,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.- Phê duyệt "Kế hoạch hành động bảo vệ đa dạng sinh học (ĐDSH) của Việt Nam" với mục tiêu lâu dài, mục tiêu trước mắt và những nội dung chính như văn bản kèm theo.

Điều 2.- Tổ chức thực hiện.

1. Các hành động cụ thể phải thực hiện dưới hình thức dự án với mục tiêu, nội dung, địa bàn, quy mô, thời hạn, sản phẩm cụ thể. Các dự án phải được thẩm định trước khi cấp vốn thực hiện, nghiệm thu từng bước và kết thúc.

2. Nhiệm vụ của các cơ quan Trung ương:

- Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường là cơ quan đầu mối thực hiện kế hoạch hành động ĐDSH, Bộ có trách nhiệm chủ động bàn bạc với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan để từng bước thực hiện kế hoạch này. Hàng năm Bộ tổng hợp chung báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện các nội dung kế hoạch.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, căn cứ vào nguồn lực trong nước và tài trợ từ nước ngoài, căn cứ vào các nội dung chính của kế hoạch đã nêu trên, trao đổi thống nhất với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường để bố trí kế hoạch cụ thể hàng năm cho các ngành và các địa phương thực hiện từng nội dung.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản và Trung tâm Khoa học tự nhiện và công nghệ quốc gia là những cơ quan chủ yếu thực hiện kế hoạch này. Hàng năm các cơ quan nói trên có trách nhiệm trao đổi thống nhất với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các kế hoạch hành động cụ thể, thông báo cho Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường biết kết quả thực hiện để tổng hợp chung trình Thủ tướng Chính phủ.

- Các Bộ giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi trong các chương trình kinh tế - xã hội do mình quản lý phải lưu ý ưu tiên cho những nội dung, địa bàn liên quan đến bảo vệ ĐDSH đồng thời chủ động bàn bạc với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về những vấn đề liên quan chung.

3. Nhiệm vụ của các địa phương:

- Uỷ ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Uỷ ban nhân dân tỉnh) chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện kế hoạch này trên địa bàn quản lý của mình.

- Hàng năm Uỷ ban nhân dân các tỉnh lập kế hoạch cụ thể, trao đổi thống nhất với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ liên quan để thực hiện, đồng thời hàng năm thông báo kết quả thực hiện cho Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường biết để tổng hợp chung trình Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3.- Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký .

 

 

Nguyễn Khánh

(Đã ký)

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG ĐA DẠNG SINH HỌCCỦA VIỆT NAM
(Đã được phê duyệt tại Quyết định số 845/TTg, ngày 22/12/1995 của Thủ tướng Chính phủ)

Việt Nam là nước được thiên nhiên ưu đãi về sự phong phú, đa dạng của các hệ sinh thái, đa dạng của các loài và đa dạng của tài nguyên di truyền, gọi chung là đa dạng sinh học (ĐDSH). Các kết quả điều tra cho thấy, nước ta cóp khoảng 12.000 loài thực vật có mạch, trong đó đã định tên được khoảng 7.000 loài, 275 loài thú, 800 loài chim, 180 loài bò sát, 80 loài lưỡng cư, 2470 loài cá, 5.500 loài côn trùng... Tính độc đáo của ĐDSH này khá cao: 10% số loài thú, chim và cá của Thế giới tìm thấy ở Việt Nam, hơn 40% số loài thực vật thuộc loại đặc hữu, không tìm thấy ở nơi nào khác ngoài Việt Nam, nhiều loài gia súc, gia cầm đã được thuần dưỡng và tuyển chọn từ hàng ngàn năm nay.

Về giá trị kinh tế, các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản... thực chất là khai thác từ nguồn ĐDSH, ước tính hàng năm đem lại cho đất nước ta khoảng 2 tỷ USD. Nhiều nơi, nhất là miền núi, nguồn lương thực - thực phẩm, nguồn thuốc chữa bệnh và mọi thu nhập chủ yếu đều dựa vào khai thác ĐDSH.

Tuy nhiên, việc gia tăng quá nhanh dân số nước ta, việc diện tích rừng bị thu hẹp, việc khai thác quá mức tài nguyên sinh vật biển, việc áp dụng quá rộng rãi các giống mới trong sản xuất nông nghiệp... đã dẫn tới sự thu hẹp hoặc mất đi các hệ sinh thái, dẫn tới nguy cơ tiêu diệt 28% loài thú, 10% loài chim, 21% loài bò sát và lưỡng cư. Sự mất đi của một loài là mất vĩnh viễn, đồng thời mất luôn cả nguồn tài nguyên di truyền. Trên thực tế tốc độ suy giảm ĐDSH của ta nhanh hơn rất nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực.

Nhận thức được các giá trị to lớn về kinh tế, khoa học, văn hoá, xã hội... của ĐDSH đối với sự phát triển hiện tại và tương lai của cả loài người, thấy được trách nhiệm nặng nề về việc phải bảo vệ ĐDSH, nước ta đã cùng nhiều nước trên thế giới ký vào Công ước ĐDSH và làm cho Công ước có hiệu lực từ giữa năm 1993.

Từ những năm 1960 nước ta đã tiến hành những bước chính thức đầu tiên nhằm bảo tồn thiên nhiên. Năm 1972, sắc lệnh về Bảo vệ rừng đã dẫn đến việc tuyển mộ 10.000 kiểm lâm viên được phiên chế vào mọi cấp ở hầu khắp đất nước. Từ những năm 1980, những cố gắng chung về bảo vệ môi trường trong đó có bảo vệ ĐDSH đã được tiến hành ngày một nhiều hơn và hệ thống hơn.

Năm 1985, Chiến lược Bảo tồn quốc gia của Việt Nam đã được soạn thảo, một chiến lược đầu tiên được xây dựng ở một nước đang phát triển. Chiến lược đã được cộng đồng quốc tế hoan nghênh.

[...]