Quyết định 84/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt điều chỉnh Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà, tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2009 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 84/QĐ-TTg
Ngày ban hành 19/01/2015
Ngày có hiệu lực 19/01/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Hoàng Trung Hải
Lĩnh vực Đầu tư,Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------

Số: 84/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 19 tháng 01 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH ĐỀ ÁN ỔN ĐỊNH DÂN CƯ, PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG CHUYỂN DÂN SÔNG ĐÀ, TỈNH HÒA BÌNH GIAI ĐOẠN 2009 - 2015

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình tại Tờ trình số 39/TTr-UBND ngày 04 tháng 11 năm 2014 và ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 9849/BKHĐT-KTĐPLT ngày 30 tháng 12 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà, tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2009 - 2015 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Tên Đề án điều chỉnh: Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà, tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2009 - 2020.

2. Phạm vi: Áp dụng cho 40 xã, bao gồm: 36 xã, phường thuộc Đề án cũ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1588/QĐ-TTg ngày 09 tháng 10 năm 2009 và 04 xã bổ sung, gồm: Yên Nghiệp (huyện Lạc Sơn), Bảo Hiệu (huyện Yên Thủy), Đồng Tâm (huyện Lạc Thủy), Mỹ Hòa (huyện Kim Bôi).

3. Mục tiêu:

a) Mục tiêu chung:

Đảm bảo ổn định nơi ở của nhân dân, nâng cao đời sống và thu nhập cho nhân dân, đảm bảo không còn hộ có nguy cơ tái đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo bằng mức bình quân chung của tỉnh; chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm dần tỷ lệ lao động trực tiếp sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động được đào tạo nghề ở nông thôn; đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong vùng theo tiêu chí nông thôn mới; nâng tỷ lệ độ che phủ rừng, đảm bảo chức năng phòng hộ cho hồ thủy điện Hòa Bình, bảo vệ môi trường sinh thái; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2020:

- Hoàn thành công tác di dân ra các điểm khu tái định cư tập trung (khoảng 300 hộ) và ổn định dân cư xen ghép tại các xóm, bản thuộc các xã vùng hồ (khoảng 1.200 hộ);

- Phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, thay đổi cách thức tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, đẩy mạnh công nghiệp hóa và áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng giảm giá thành sản phẩm;

- Phấn đấu tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ đạt từ 20 - 25% trong cơ cấu kinh tế các xã vùng hồ; tạo điều kiện để người dân tiếp cận được các dịch vụ sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn 60% trong lao động xã hội, tăng tỷ lệ lao động được đào tạo nghề lên 40% trong nông thôn;

- Xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm phát triển bền vững cho nhân dân vùng hồ theo tiêu chí nông thôn mới;

- Phát triển giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội cho nhân dân vùng hồ ngang bằng với các khu vực khác trong tỉnh;

- Phát triển rừng phòng hộ kết hợp với rừng kinh tế nhằm nâng cao thu nhập của người dân và bảo vệ môi trường sinh thái; nâng tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 60%.

4. Các giải pháp và nhiệm vụ chủ yếu:

a) Về di dân, tái định cư:

- Tập trung di chuyển các hộ dân trong vùng Đề án có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét đến khu tái định cư tập trung và tạo điều kiện cho các hộ có đất ở, đất sản xuất đảm bảo đời sống lâu dài, bền vững;

- Di dãn các hộ dân từ nơi đông dân cư, nơi có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét đến xen ghép với các điểm thưa dân có đủ đất ở, sản xuất và hệ thống cơ sở hạ tầng vững chắc, ổn định.

b) Về đầu tư phát triển sản xuất:

- Tập trung huy động các nguồn vốn để phát triển sinh kế bền vững như: Trồng rừng sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông và trên hồ theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa;

- Đối với vùng còn đất có khả năng khai hoang, phục hóa hoặc tạo ruộng bậc thang để sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ theo quy định;

- Đối với hộ không có điều kiện chăn nuôi mà có nhu cầu phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tạo thu nhập thì được vay theo quy định;

- Thả bổ sung cá giống cho hồ thủy điện, tạo điều kiện cho nhân dân các xã ven hồ không có đất sản xuất, có nguồn đánh bắt thường xuyên đảm bảo cuộc sống;

[...]