Quyết định 831/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ phát triển nuôi thủy sản quảng canh trong lòng hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030

Số hiệu 831/QĐ-UBND
Ngày ban hành 18/08/2023
Ngày có hiệu lực 18/08/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Đặng Văn Minh
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 831/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 18 tháng 8 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN NUÔI THỦY SẢN QUẢNG CANH TRONG LÒNG HỒ CHỨA THỦY LỢI, THỦY ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21/11/2017;

Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19/6/2017;

Căn cứ Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/03/2019 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản;

Căn cứ Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi;

Căn cứ Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 16/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Quyết định số 555/QĐ-UBND ngày 11/08/2017 của UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 147/QĐ-UBND ngày 18/02/2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 268/QĐ-UBND ngày 28/3/2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Chương trình phát triển thủy sản tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Quyết định số 613/QĐ-UBND ngày 12/5/2022 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2868/TTr-SNNPTNT-TS ngày 17/7/2023 và Báo cáo giải trình số 3017/BC-SNNPTNT ngày 24/7/2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này “Kế hoạch hỗ trợ phát triển nuôi thủy sản quảng canh trong lòng hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng ngãi và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- VPUB: PCVP, KTTH, CBTH;
- Lưu: VT, KTN. 436

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đặng Văn Minh

 

KẾ HOẠCH

HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN NUÔI THỦY SẢN QUẢNG CANH TRONG LÒNG HỒ CHỨA THỦY LỢI, THỦY ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 831/QĐ-UBND ngày 18/8/2023 của UBND tỉnh)

I. Sự cần thiết xây dựng Kế hoạch

Quảng Ngãi là tỉnh có tiềm năng diện tích mặt nước hồ chứa thủy lợi, thủy điện, hồ chứa tự nhiên khá lớn, rải rác ở các huyện, thị xã và thành phố; trên địa bàn tỉnh, hiện có 124 hồ chứa thủy lợi được phân bố trên địa bàn 11/13 huyện, thị xã; theo phân loại hồ chứa có 25 hồ chứa nước lớn, 36 hồ chứa nước vừa và 63 hồ chứa nước nhỏ; hầu hết các hồ chứa nước chủ yếu chỉ cung cấp nước phục vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, rất ít hồ chứa có nhiệm vụ cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp,...; đa số hồ chứa nước có độ sâu lớn hơn 10m và diện tích lưu vực khá lớn, rất thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ chứa; do đó, với tiềm năng khá lớn về mặt nước, phong phú về môi trường thủy hóa và sinh trưởng tốt nên trong những năm gần đây phong trào nuôi cá nước ngọt trên sông và các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, các hồ chứa tự nhiên đã và đang thực hiện với nhiều đối tượng nuôi truyền thống và đối tượng nuôi có giá trị kinh tế, như cá: Chình, thát lát, lăng nha, bống tượng, trắm, điêu hồng,... với hình thức nuôi như nuôi lồng bè, thả nuôi tự nhiên. Nhìn chung, việc nuôi thủy sản nước ngọt đã cải thiện bữa ăn cho người dân, góp phần xoá đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm và bước đầu mang lại thu nhập, hiệu quả kinh tế, cải thiện sinh kế cho người nuôi, nhất là người dân khu vực trung du, miền núi, vùng nông thôn khó khăn.

Qua số liệu tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hàng năm có khoảng 940 ha nuôi thủy sản nước ngọt, trong đó khoảng 800 ha nuôi thủy sản hồ chứa, còn lại là nuôi ao hồ nhỏ, sản lượng thủy sản nuôi từ các hồ chứa và theo số liệu thống kê từ các địa phương là khoảng 1.700 tấn/năm; bên cạnh đó, một số người nuôi còn tận dụng được lợi thế từ nguồn mặt nước dồi dào của các hồ chứa để phát triển theo hướng nuôi trồng kết hợp với các hoạt động dịch vụ, du lịch vừa đảm bảo được sự phát triển bền vững môi trường sinh thái ở các hồ chứa vừa mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho người dân.

Tuy nhiên, việc nuôi thủy sản trên hồ chứa vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: nuôi manh mún, nhỏ lẻ, việc quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong hồ chưa hợp lý; người dân địa phương đa phần là các vùng núi, kinh tế khó khăn nên khả năng đầu tư sản xuất thấp, chưa có sự đầu tư đồng loạt, chưa tận dụng, khai thác hết tiềm năng, lợi thế mặt nước và diện tích hiện có một cách hiệu quả, bền vững.

Do đó, để khắc phục phần nào những khó khăn nêu trên và tận dụng lợi thế mặt nước trên các hồ chứa thủy lợi, thủy điện để phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt thì việc ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hỗ trợ phát triển nuôi thủy sản quảng canh trong lòng hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi là cấp bách và rất cần thiết, phù hợp với mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp và định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh, góp phần phát triển nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt nói riêng và phát triển nông nghiệp của tỉnh nhà nói chung.

[...]