Quyết định 83/2006/QĐ-UBND Quy định về biện pháp cụ thể và trách nhiệm của các ngành, các cấp trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành

Số hiệu 83/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 19/10/2006
Ngày có hiệu lực 29/10/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Phạm Thế Dũng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 83/2006/QĐ-UBND

Pleiku, ngày 19 tháng 10 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP CỤ THỂ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÀNH, CÁC CẤP TRONG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ năm 2001; Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002;
Căn cứ Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19/11/2002 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng, tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông,
Căn cứ Nghị định số 13/2003/NĐ-CP ngày 19/02/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật giao thông đường bộ; Nghị định số 152/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ;
Theo đề nghị của Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định về một số biện pháp cụ thể và trách nhiệm của các ngành, các cấp trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký; thay thế Quyết định số 120/2004/QĐ-UB ngày 11-11-2004 của UBND tỉnh về quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh. Các quy định trước đây của UBND tỉnh trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Thế Dũng

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ BIỆN PHÁP VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÀNH, CÁC CẤP TRONG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 83/2006/QĐ-UBND ngày 19 tháng 10 năm 2006 của
Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Văn bản này quy định một số biện pháp cụ thể hóa các văn bản pháp luật của Nhà nước về trật tự giao thông đường bộ và trật tự giao thông đô thị trên địa bàn tỉnh; quy định trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác nhằm tăng cường thiết lập trật tự, an toàn giao thông đường bộ và trật tự, an toàn giao thông đô thị.

2. Đối với những vấn đề không quy định cụ thể trong văn bản này thì thực hiện theo các quy định khác của pháp luật về giao thông đường bộ hiện hành.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. "Khu vực nội thành, nội thị" (sau đây gọi chung là "khu vực đô thị") quy định trong văn bản này được giới hạn theo địa giới hành chính của các phường thuộc thành phố Pleiku, các phường thuộc thị xã và các thị trấn.

2. "Hè phố" là phần vỉa hè của tất cả các đường phố thuộc khu vực đô thị.

Chương II

MỘT SỐ BIỆN PHÁP ĐẢM BẢO TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ VÀ TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐÔ THỊ

Điều 3. Quy định đối với việc sử dụng hè phố, lòng đường và nơi họp chợ

1. Hè phố có chiều rộng lớn hơn 3 mét, thì dành tối thiểu 3 mét tính từ mép bó vỉa trở vào dành cho người đi bộ, phần còn lại UBND các huyện, thị xã và thành phố Pleiku (sau đây gọi chung là UBND cấp huyện) cho phép sử dụng tạm thời tối đa không quá 3 mét tính từ chỉ giới xây dựng trở ra làm nơi kinh doanh nhưng phải tổ chức quản lý và thu phí theo quy định của pháp luật.

2. UBND cấp huyện cho phép sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để tổ chức lễ, hội, tết và các trường hợp cần thiết khác nhưng phải có phương án cụ thể bảo đảm việc phân luồng giao thông để không gây ách tắc giao thông do những hoạt động nói trên.

Đơn vị tổ chức lễ, hội phải thực hiện việc thông báo rộng rãi thời gian và địa điểm tổ chức lễ, hội trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các cơ quan, đơn vị chức năng có trách nhiệm tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông trong thời gian diễn ra lễ hội.

[...]