UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 829/QĐ-UBND
|
Vĩnh Long,
ngày 21 tháng 4 năm 2010
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC,
GIA CẦM VÀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ GIỐNG CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI, THUỶ SẢN DO THIÊN TAI,
DỊCH BỆNH
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ
ban nhân dân, ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 719/QĐ-TTg, ngày
05/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh
gia súc, gia cầm;
Căn cứ Quyết định số 142/QĐ-TTg, ngày
31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng,
vật nuôi thuỷ sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh;
Căn cứ Thông tư số 80/2008/TT-BTC, ngày
18/9/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài chính phòng, chống dịch bệnh
gia súc, gia cầm;
Xét Tờ trình số 57/TTr-STC, ngày 25/3/2010 của
Giám đốc Sở Tài chính về việc quy định các khoản chi phòng, chống dịch bệnh gia
súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản do thiên
tai, dịch bệnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Quy định mức hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm
và chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản do thiên tai, dịch bệnh
trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long như sau:
I. PHẠM VI ÁP DỤNG VÀ ĐỐI TƯỢNG
HỖ TRỢ:
1. Phạm vi áp dụng:
- Các loại thiên tai gây thiệt hại trực tiếp đối
với cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản.
- Các loại dịch bệnh nguy hiểm được công bố theo
quy định pháp luật về bảo vệ thực vật, thú y và thuỷ sản.
2. Đối tượng hỗ trợ:
- Các hộ gia đình, cá nhân, trang trại, hợp tác
xã, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm của trung ương, địa phương và các đơn vị
quân đội có gia súc, gia cầm tiêu huỷ do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch
phải tiêu huỷ bắt buộc theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn.
- Các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm giống gốc,
giống giữ quỹ gen gia súc, gia cầm quý hiếm của Nhà nước.
- Cán bộ thú y và các lực lượng tham gia phòng,
chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
II. MỨC HỖ TRỢ:
1. Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản
bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh:
1.1. Mức chi hỗ trợ đối với diện tích cây trồng
bị thiệt hại từ 30% trở lên:
- Diện tích gieo cấy lúa thuần:
+ Bị thiệt hại hơn 70%: 1.000.000đ/ha.
+ Bị thiệt hại từ 30 - 70%: 500.000đ/ha.
- Diện tích lúa lai:
+ Bị thiệt hại hơn 70%: 1.500.000đ/ha.
+ Bị thiệt hại từ 30 - 70%: 750.000đ/ha.
- Diện tích ngô và rau màu các loại:
+ Bị thiệt hại hơn 70%: 1.000.000đ/ha.
+ Bị thiệt hại từ 30 - 70%: 500.000đ/ha.
- Diện tích cây công nghiệp và cây ăn quả lâu
năm:
+ Bị thiệt hại hơn 70%: 2.000.000đ/ha.
+ Bị thiệt hại từ 30 - 70%: 1.000.000đ/ha.
1.2. Hỗ trợ đối với vật nuôi:
a) Thiệt hại do thiên tai:
- Gia cầm: 7.000đ/con giống.
- Lợn: 500.000đ/con giống.
- Trâu, bò, ngựa: 2.000.000đ/con giống.
- Hươu, nai, cừu, dê: 1.000.000đ/con giống.
b) Thiệt hại do dịch bệnh nguy hiểm:
- Hỗ trợ 100% tiền thức ăn nuôi dưỡng đàn gia
súc, gia cầm giống gốc, giống giữ quỹ gen gia súc gia cầm quý hiếm trong thời
gian có dịch (chỉ áp dụng cho đàn giống đang trong thời kỳ khai thác sản xuất
và theo số lượng giống gốc, giống giữ quỹ gen gia súc gia cầm quý hiếm được cơ
quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ nuôi cho cơ sở chăn nuôi) do không
tiêu thụ được sản phẩm.
- Hỗ trợ kinh phí cho công tác phòng chống dịch
trong thời gian có dịch trên địa bàn do cấp thẩm quyền công bố theo quy định của
pháp luật về thú y, bao gồm: Chi phí mua sắm trang thiết bị, vật tư, dụng cụ,
thuốc khử trùng tiêu độc; trang phục phòng hộ và bồi dưỡng cho người tham gia
công tác phòng chống dịch.
1.3. Hỗ trợ đối với nuôi trồng thuỷ, hải sản bị
thiệt hại từ 30% trở lên:
a) Diện tích nuôi trồng:
- Bị thiệt hại hơn 70%: 5.000.000đ/ha.
- Bị thiệt hại từ 30 - 70%: 3.000.000đ/ha.
b) Lồng, bè nuôi trồng:
- Bị thiệt hại hơn 70%: 5.000.000đ/100m3
lồng.
- Bị thiệt hại từ 30 - 70%: 3.000.000đ/100m3
lồng.
1.4. Trường hợp mức hỗ trợ bằng hiện vật giống
cây trồng, giống vật nuôi, giống thuỷ sản thì mức hỗ trợ tương đương mức hỗ trợ
bằng tiền được quy đổi theo giá tại thời điểm hỗ trợ.
2. Nội dung và mức chi hỗ trợ kinh phí phòng,
chống dịch bệnh gia súc, gia cầm như:
- Chi hỗ trợ trực tiếp cho các chủ chăn nuôi
(bao gồm hộ gia đình, cá nhân, trang trại, hợp tác xã, cơ sở chăn nuôi gia súc
gia cầm của trung ương, địa phương và các đơn vị quân đội) có gia súc gia cầm
phải tiêu huỷ bắt buộc do mắc dịch bệnh trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu
huỷ.
Mức hỗ trợ cụ thể: Trứng gia cầm, gia cầm, gia
súc các loại mức hỗ trợ bằng 70% giá trị thương phẩm của từng loại gia súc, gia
cầm của người sản xuất theo thông báo giá thị trường của Sở Tài chính tại thời
điểm hỗ trợ.
- Chi cho công tác tiêm phòng, chi phí tiêu huỷ
gia súc, gia cầm, chi hỗ trợ cho cán bộ thú y và những người trực tiếp tham gia
nhiệm vụ phòng, chống dịch… thực hiện theo quy định tại Thông tư số
80/2008/TT-BTC ngày 18/9/2008 của Bộ Tài chính.
- Về thời gian hỗ trợ được tính từ thời điểm có
dịch đến khi có quyết định công bố hết dịch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Quản lý nguồn kinh phí:
Việc lập phân bổ dự toán, quản lý, sử dụng và
quyết toán kinh phí được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và
các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp với Sở
Tài chính, Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan chuyên
môn xác định đúng đối tượng hỗ trợ và triển khai thực hiện Quyết định này đúng
qui định, tránh xảy ra tiêu cực, báo cáo kết quả, kinh phí thực hiện về Uỷ ban
nhân dân tỉnh để có chỉ đạo kịp thời.
Quyết định này thay thế Quyết định số
1080/QĐ-UBND ngày 01/7/2008 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc quy định
mức hỗ trợ phòng, chống dịch heo tai xanh trên địa bàn tỉnh.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính,
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Kho bạc Nhà nước, Chủ
tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trương Văn Sáu
|