Quyết định 821/QĐ-UBND năm 2019 sửa đổi Quy chế về quản lý, phối hợp công tác và chế độ thông tin báo cáo của các tổ chức ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp tỉnh Gia Lai đặt tại địa bàn cấp huyện với Ủy ban nhân dân cấp huyện; các nhân viên kỹ thuật trên địa bàn cấp xã với cấp xã kèm theo Quyết định 1097/QĐ-UBND

Số hiệu 821/QĐ-UBND
Ngày ban hành 15/08/2019
Ngày có hiệu lực 15/08/2019
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Võ Ngọc Thành
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 821/QĐ-UBND

Gia Lai, ngày 15 tháng 8 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY CHẾ VỀ QUẢN LÝ, PHỐI HỢP CÔNG TÁC VÀ CHẾ ĐỘ THÔNG TIN BÁO CÁO CỦA CÁC TỔ CHỨC NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN CẤP TỈNH ĐẶT TẠI ĐỊA BÀN CẤP HUYỆN VỚI ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN; CÁC NHÂN VIÊN KỸ THUẬT TRÊN ĐỊA BÀN CẤP XÃ VỚI ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 1097/QĐ-UBND NGÀY 12/12/2016 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 3808/QĐ-BNN-TCCB ngày 22/9/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy chế mẫu về quản lý, phối hợp công tác và chế độ thông tin báo cáo của các tổ chức ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp tỉnh đặt tại địa bàn cấp huyện với Ủy ban nhân dân cấp huyện; các nhân viên kỹ thuật công tác trên địa bàn cấp xã với Ủy ban nhân dân xã;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV ngày 25/3/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Nội vụ về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; Thông tư số 15/2015/TT-BNNPTNT ngày 26/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Hướng dẫn nhiệm vụ các Chi cục và các tổ chức sự nghiệp trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Thực hiện Quyết định số 591/QĐ-UBND ngày 18/12/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai về việc thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở hợp nhất Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Khuyến nông, biên chế khuyến công, biên chế định canh định cư tại các huyện, thị xã, thành phố;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 91/TTr-SNNPTNT ngày 27/6/2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế về quản lý, phối hợp công tác và chế độ thông tin báo cáo của các tổ chức ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp tỉnh đặt tại địa bàn cấp huyện với Ủy ban nhân dân cấp huyện; các nhân viên kỹ thuật trên địa bàn cấp xã với Ủy ban nhân dân cấp xã tại Quyết định số 1097/QĐ-UBND ngày 12/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 2 của Quy chế như sau:

“Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã, Thủ trưởng các tổ chức ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế thuộc UBND cấp huyện, các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện; các nhân viên kỹ thuật trên địa bàn cấp xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực thi nhiệm vụ quản lý Nhà nước cung cấp dịch vụ công về nông nghiệp và phát triển nông thôn ở cấp huyện, cấp xã chịu sự điều chỉnh của Quy chế này”.

2. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 3 của Quy chế như sau:

“1. Các tổ chức ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn là các tổ chức trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Thủy lợi, Chi cục Phát triển nông thôn, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản; Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Giống vật nuôi, Trung tâm nghiên cứu Giống Cây trồng, Trung tâm Giống Thủy sản; các Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng. Các tổ chức được đặt tại bàn cấp huyện, bao gồm: Trạm Kiểm dịch thực vật nội địa, Trạm Kiểm dịch Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh thuộc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Trạm Kiểm dịch động vật: Song An, Chư Ngọc thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y; các Hạt kiểm lâm, Đội kiểm lâm cơ động và Phòng chống chữa cháy rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm và các Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng.”

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 của Quy chế như sau:

“Điều 8. Phối hợp công tác lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật

1. UBND cấp huyện: Chỉ đạo xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về trồng trọt và bảo vệ thực vật trên địa bàn theo quy định pháp luật. Chỉ đạo sản xuất; quản lý, sử dụng đất trồng lúa theo quy định. Bố trí kinh phí (hoặc đề xuất bố trí kinh phí) và tổ chức phòng trừ sinh vật gây hại thực vật. Chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức sản xuất, quản lý, sử dụng đất trồng lúa theo quy định; tổ chức phòng, chống sinh vật gây hại thực vật, thu gom xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; thực hiện công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về trồng trọt, bảo vệ thực vật trên địa bàn. Thực hiện trách nhiệm, quyền hạn khác theo quy định của Chủ tịch UBND tỉnh và quy định pháp luật.

2. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế: Tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật. Chủ trì phối hợp với các tổ chức chuyên ngành về công tác chỉ đạo, công tác quản lý giống, bố trí cơ cấu giống cây trồng, kiểm tra đánh giá phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn.

3. Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện:

- Thực hiện chức năng nhiệm vụ phục vụ quản lý chuyên ngành về trồng trọt, bảo vệ thực vật. Đề xuất và phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế về: Chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển dài hạn, 05 năm và hàng năm về trồng trọt, bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện. Tham mưu hướng dẫn sản xuất, hướng dẫn sử dụng phân bón, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, phòng chống sinh vật gây hại thực vật; xác định thiệt hại do dịch hại gây ra; theo dõi, tổng hợp, đánh giá hiệu quả phòng, chống dịch hại.

- Báo cáo định kỳ, đột xuất về UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế và cơ quan tham mưu của tỉnh (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) đúng quy định: Báo cáo Chủ tịch UBND huyện trước và sau khi tổ chức thực hiện các công việc: Kế hoạch, chương trình công tác hàng tháng, quý, năm về trồng trọt và bảo vệ thực vật trên địa bàn. Kết quả tổ chức triển khai thực hiện về các lĩnh vực công tác thuộc nhiệm vụ được giao: công tác hướng dẫn sản xuất; kiểm tra sinh vật gây hại thực vật; thống kê, khảo sát; phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế và các đơn vị có liên quan ước lượng diện tích, năng suất, sản lượng cây trồng; kiểm tra, thống kê diện tích đền bù khi tiêu hủy do dịch bệnh; công tác điều tra, lấy mẫu đất, mẫu nước...

4. UBND cấp xã:

- Chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch về trồng trọt, bảo vệ thực vật trên địa bàn. Xây dựng chương trình, kế hoạch, dự án về trồng trọt, bảo vệ thực vật trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện. Tổ chức tiếp nhận các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Bố trí kinh phí (hoặc đề xuất bố trí kinh phí) và tổ chức phòng, chống sinh vật gây hại thực vật. Tổ chức sản xuất; quản lý, sử dụng đất trồng lúa; phòng, chống sinh vật gây hại thực vật theo hướng dẫn của các cơ quan nông nghiệp huyện. Kiểm tra, thống kê và thực hiện chính sách hỗ trợ khi sản xuất bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất trên địa bàn; hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; quy định địa điểm thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Phối hợp với các cơ quan nông nghiệp huyện kiểm tra hoạt động kinh doanh phân bón, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật và xử lý vi phạm theo quy định. Thực hiện trách nhiệm, quyền hạn khác theo quy định của Chủ tịch UBND tỉnh và quy định pháp luật.

- UBND cấp xã báo cáo định kỳ vào thứ 3 hàng tuần cho Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế tình hình sản xuất trên địa bàn để tổng hợp báo cáo tiến độ sản xuất cho cấp tỉnh.

5. Các tổ chức liên quan trên địa bàn cấp huyện, xã: Có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp tỉnh thực hiện thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật và thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của Chủ tịch UBND tỉnh và quy định pháp luật.

6. Nhân viên trồng trọt và bảo vệ thực vật cấp xã (đảm nhận cả nhiệm vụ chuyên ngành trồng trọt, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật) có trách nhiệm báo cáo với Chủ tịch UBND cấp xã, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế về kế hoạch công tác, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao”.

4. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 của Quy chế như sau:

“Điều 9. Phối hợp công tác lĩnh vực chăn nuôi, thú y

[...]