Quyết định 819/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án số hóa tài liệu lưu trữ lịch sử giai đoạn 2023-2025 (tài liệu từ năm 1991-2013) và triển khai Hệ thống Quản lý hồ sơ lưu trữ điện tử tỉnh Kon Tum

Số hiệu 819/QĐ-UBND
Ngày ban hành 29/12/2023
Ngày có hiệu lực 29/12/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Lê Ngọc Tuấn
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 819/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 29 tháng 12 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN SỐ HÓA TÀI LIỆU LƯU TRỮ LỊCH SỬ GIAI ĐOẠN 2023-2025 (TÀI LIỆU TỪ NĂM 1991-2013) VÀ TRIỂN KHAI HỆ THỐNG QUẢN LÝ HỒ SƠ LƯU TRỮ ĐIỆN TỬ TỈNH KON TUM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019; Luật Lưu trữ số 01/2011/QH13 ngày 11 tháng 11 năm 2011;

Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước; Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;

Căn cứ Chỉ thị số 05/2007/CT-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ;

Căn cứ Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 07 tháng 9 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy về tăng cường công tác lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan, Lưu trữ lịch sử;

Căn cứ Thông tư số 04/2014/TT-BNV ngày 23 tháng 6 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về quy định định mức kinh tế - kỹ thuật tạo lập cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ;

Căn cứ Thông tư số 02/2019/TT-BNV ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về quy định tiêu chuẩn dữ liệu thông tin đầu vào và yêu cầu bảo quản tài liệu lưu trữ điện tử;

Căn cứ Thông tư số 39/2017/TT-BTTTT ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông về việc ban hành Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 929/QĐ-UBND ngày 16 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc phê duyệt Quy hoạch ngành Văn thư - Lưu trữ đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 251/TTr-SNV ngày 15 tháng 11 năm 2023; ý kiến thẩm định của Sở Thông tin và Truyền thông tại Văn bản số 2243/STTTT-BCVT&CNTT ngày 12 tháng 11 năm 2023 và Sở Tài chính tại Văn bản số 4324/STC-QLNS ngày 11 tháng 11 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án số hóa tài liệu lưu trữ lịch sử giai đoạn 2023-2025 (tài liệu từ năm 1991-2013) và triển khai Hệ thống Quản lý hồ sơ lưu trữ điện tử tỉnh Kon Tum như đề nghị của Sở Nội vụ tại Văn bản nêu trên (có Đề án kèm theo).

Điều 2. Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án theo đúng quy định, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm. Định kỳ hằng năm (trước 30 tháng 11) Sở Nội vụ tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả triển khai thực hiện.

Điều 3. Giám đốc Sở Nội vụ; Thủ trưởng các sở, ban ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Cục Văn thư - Lưu trữ nhà nước;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- VP UBND tỉnh: CVP, PCVP;
- Lưu: VT, KTTH, KGVX.
TPC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Lê Ngọc Tuấn

 

ĐỀ ÁN

SỐ HÓA TÀI LIỆU LƯU TRỮ LỊCH SỬ GIAI ĐOẠN 2023 - 2025 (TÀI LIỆU TỪ NĂM 1991 - 2013) VÀ TRIỂN KHAI HỆ THỐNG QUẢN LÝ HỒ SƠ LƯU TRỮ ĐIỆN TỬ TỈNH KON TUM
(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 819/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)

Phần I

CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. CƠ SỞ LÝ LUẬN

Tài liệu lưu trữ là nguồn sử liệu chính xác, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu, hoạch định chính sách, chiến lược, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phản ánh toàn bộ lịch sử hình thành phát triển cǜng như đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Đặc biệt, thông tin tài liệu lưu trữ là nguồn tài nguyên hết sức phong phú và quý hiếm bởi vậy nó trở thành đối tượng nghiên cứu của đông đảo người dùng. Hàng năm có rất nhiều người dùng thực hiện khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ phục vụ các mục đích nghiên cứu và giải quyết công việc đã mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên dưới các tác động của thiên nhiên, môi trường và việc khai thác sử dụng tài liệu lưu trữ hiện nay đều đang được thực hiện trực tiếp trên tài liệu gốc dẫn đến tình trạng tài liệu này bị xuống cấp nhanh chóng.

Khối lượng thông tin ngày càng nhiều, công cụ quản lý và khai thác sử dụng tài liệu lưu trữ hiện nay chủ yếu là công cụ truyền thống (mục lục hồ sơ, tập lưu công văn đi, đến...) cho nên gặp nhiều khó khăn trong công tác tra tìm; nhiều khi thừa thông tin không cần thiết nhưng lại thiếu thông tin quan trọng bởi không biết thông tin quan trọng nằm ở đâu. Đứng trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các cơ quan, đơn vị hiện đại hóa công tác lưu trữ, quản lý tài liệu lưu trữ, tổ chức khai thác có hiệu quả và bảo quản an toàn tài liệu.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật, công nghệ thông tin đã hỗ trợ đắc lực cho nhu cầu truyền tin và khai thác thông tin dữ liệu của nhân loại. Trong đó, hệ thống thông tin điện tử được mọi người quan tâm sử dụng nhiều nhất nhờ tính thông dụng trong việc giao tiếp, tìm kiếm và đọc thông tin bằng tính năng ưu việt của các phần mềm ứng dụng về quản lý, số hóa, lưu trữ tài liệu. Trong đó tài liệu điện tử là một trong những loại tài liệu lưu trữ tiêu biểu, đại diện cho nền hành chính điện tử, là kết quả hoạt động của Chính phủ điện tử. Tài liệu lưu trữ điện tử là di sản quốc gia, cần được quản lý thống nhất, hiệu quả để phục vụ các hoạt động quản lý của Nhà nước, các cơ quan, tổ chức và nhu cầu xã hội.

[...]