UỶ
BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
81/2006/QĐ-UBND
|
Tuyên
Quang, ngày 20 tháng 12 năm 2006
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THÔN, XÓM,
BẢN, TỔ NHÂN DÂN
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số
79/2003/NĐ-CP ngày 07/7/2003 của Chính phủ ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở
xã;
Căn cứ Nghị định số
40/1999/NĐ-CP ngày 23/6/1999 của Chính phủ về công an xã;
Căn cứ Quyết định số
13/2002/QĐ-BNV ngày 06/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành Quy chế
tổ chức và hoạt động của thôn và tổ dân phố;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
01/2005/TTLT/BTVUBTWMTTQVN-BNV ngày12/5/2005 của Ban Thường trực Ủy ban Trung
ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Nội vụ hướng dẫn quy trình bầu, miễn nhiệm,
bãi nhiệm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội
vụ tại Tờ trình số 292/TTr-SNV ngày 07/11/2006 về việc ban hành Quy chế tổ
chức và hoạt động của thôn, xóm, bản, tổ nhân dân,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và
hoạt động của thôn, xóm, bản, tổ nhân dân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Điều 2.
Quyết định này thay thế Quyết định số 34/2002/QĐ-UB ngày
25/01/2002 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động
của thôn, xóm, bản, tổ nhân dân.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau mười ngày kể từ
ngày ký.
Các ông (bà): Chánh Văn phòng Uỷ
ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành; Chủ tịch
Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Lê Thị Quang
|
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THÔN, XÓM, BẢN, TỔ NHÂN DÂN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 81/2006/QĐ-UBND ngày 20/12/2006 của Uỷ ban
nhân dân tỉnh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Thôn, xóm, bản, tổ nhân dân (gọi chung là thôn) là tổ
chức tự quản của cộng đồng dân cư; được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh công nhận
hoặc được thành lập mới, chia tách, sáp nhập theo quy định; thôn không phải là
một cấp hành chính và chịu sự quản lý trực tiếp của chính quyền cấp xã.
Điều 2.
Thôn có Trưởng thôn và một Phó Trưởng thôn kiêm công an
viên. Trường hợp thôn có trên 1500 dân thì có thể bố trí thêm một Phó trưởng
thôn kiêm công an viên.
Việc bố trí thêm Phó trưởng thôn
kiêm công an viên,Uỷ ban nhân dân cấp xã phải báo cáo và được sự nhất trí bằng
văn bản của Uỷ ban nhân dân cấp huyện trước khi tổ chức thực hiện.
Điều 3.
Nhiệm kỳ hoạt động của Trưởng thôn, Phó trưởng thôn là
hai năm rưỡi (30 tháng).
Trong nhiệm kỳ nếu khuyết Trưởng
thôn hoặc trường hợp thành lập thôn mới, chia tách, sáp nhập thôn mà chưa tổ chức
bầu được Trưởng thôn, thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã ra quyết định chỉ định
Trưởng thôn lâm thời hoạt động cho đến khi tổ chức bầu được Trưởng thôn mới.
Chương II
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA
THÔN
Điều 4.
Quy mô thôn:
1. Giữ nguyên các thôn hiện có;
2. Quy mô thôn khi thành lập mới,
chia tách phải đảm bảo ít nhất 50 hộ trở lên đối với xã; 70 hộ trở lên đối với
phường, thị trấn;
3. Chỉ thành lập mới, chia tách,
sáp nhập thôn khi tổ chức định canh, định cư, di dân giải phóng mặt bằng
và thực hiện quy hoạch dãn dân được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
4. Trường hợp địa bàn thôn rộng,
các nhóm dân cư trong thôn cách xa nhau hoặc số dân trong thôn đông mà việc bố trí
thêm một Phó trưởng thôn kiêm công an viên hoạt động vẫn không có hiệu quả thì
có thể xem xét chia tách thôn, nhưng vẫn phải đảm bảo quy mô thôn theo quy định.
Điều 5.
Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thành lập mới, chia tách,
sáp nhập thôn:
1. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền
thành lập mới, chia tách, sáp nhập thôn thực hiện theo quy định tại Điều 8, Điều
14 Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn và tổ dân phố ban hành kèm theo Quyết
định số 13/2002/QĐ-BNV ngày 06/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ;
2. Thôn đương nhiên chấm dứt hoạt
động khi số dân trong thôn đã di chuyển hết do di dân giải phóng mặt bằng, tổ
chức định canh định cư, hoặc thực hiện quy hoạch dãn dân được cấp có thẩm quyền
phê duyệt;
Trường hợp số hộ còn lại không bảo
đảm tổ chức và hoạt động của thôn, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã trình Uỷ ban nhân
dân cấp huyện xem xét quyết định bố trí sinh hoạt với thôn liền kề, bảo đảm thuận
lợi cho nhân dân.
Điều 6.
Hoạt động của thôn:
1. Cộng đồng dân cư trong thôn
cùng nhau thảo luận, quyết định và thực hiện các công việc tự quản, bảo đảm
đoàn kết giữ gìn trật tự an toàn xã hội và vệ sinh môi trường; xây dựng cuộc sống
mới; giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống; giữ gìn và phát huy truyền thống,
thuần phong, mỹ tục tốt đẹp; xây dựng cơ sở hạ tầng của thôn phù hợp với pháp
luật;
2. Bàn biện pháp thực hiện chủ
trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghị quyết của
Hội đồng nhân dân, quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân cấp xã, thực hiện
nghĩa vụ công dân và nhiệm vụ Uỷ ban nhân dân cấp xã giao;
3. Thảo luận, góp ý vào báo cáo
kết quả công tác và tự phê bình, kiểm điểm của Trưởng thôn, Chủ tịch Hội đồng
nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã;
4. Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm
Trưởng thôn; xây dựng hương ước, quy ước của thôn; cử các ban, nhóm tự quản,
ủy viên thanh tra nhân dân;
Hoạt động của thôn thông qua hội
nghị thôn.
Điều 7.
Hội nghị thôn:
1. Hội nghị nhân dân thôn được tổ
chức sáu tháng một lần, khi cần thiết có thể họp bất thường theo đề nghị của
Trưởng thôn hoặc ít nhất một phần ba số cử tri đại diện hộ trong thôn. Trường hợp
đặc biệt Uỷ ban nhân dân cấp xã có thể triệu tập và chủ trì hội nghị thôn.
Thành phần hội nghị thôn bao gồm toàn thể cử tri hoặc chủ hộ hoặc cử tri đại diện
hộ trong thôn;
2. Hội nghị được tiến hành khi
có ít nhất quá nửa toàn thể cử tri hoặc chủ hộ hoặc cử tri đại diện hộ tham dự.
Nghị quyết của hội nghị thôn có giá trị khi có ít nhất quá nửa số người dự họp
tán thành và không trái pháp luật.
Điều 8.
Tiêu chuẩn Trưởng thôn, Phó Trưởng thôn kiêm công an
viên:
1. Trưởng thôn, Phó Trưởng thôn
kiêm công an viên là người có hộ khẩu thường trú và cư trú thường xuyên ở thôn;
đủ 21 tuổi trở lên đối với Trưởng thôn, đủ 18 tuổi trở lên đối với Phó trưởng
thôn kiêm công an viên; lý lịch rõ ràng; có phẩm chất đạo đức tốt; có sức khoẻ;
có lập trường chính trị vững vàng, nhiệt tình công tác; có năng lực tổ chức và
vận động nhân dân thực hiện nhiệm vụ, được nhân dân trong thôn tín nhiệm;
2. Gia đình Trưởng thôn, Phó trưởng
thôn kiêm công an viên gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng,
pháp luật của Nhà nước và những quy định của địa phương.
Điều 9.
Nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của Trưởng thôn:
1. Trưởng thôn chịu trách nhiệm
trước Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện một số nhiệm vụ hành chính ở thôn, đồng
thời là người đại diện cho nhân dân để tổ chức thực hiện công việc tự quản tại
cộng đồng khu dân cư. Trưởng thôn chịu sự lãnh đạo của Chi bộ thôn hoặc Chi bộ
ghép (ở những thôn chưa có Chi bộ độc lập);
2. Chủ trì, phối hợp với Ban
công tác Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở thôn:
- Triệu tập và chủ trì hội nghị
thôn;
- Tổ chức thực hiện nhiệm vụ do
Uỷ ban nhân dân cấp xã giao và thực hiện các quyết định của thôn;
- Tổ chức nhân dân thực hiện tốt
Quy chế dân chủ ở xã; xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn; bảo đảm
đoàn kết giữ gìn trật tự, an toàn trong thôn;
- Tập hợp, phản ánh, đề nghị
chính quyền cấp xã giải quyết những nguyện vọng chính đáng của nhân dân;
- Ký hợp đồng dịch vụ phục vụ sản
xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng trên cơ sở nghị quyết hội nghị thôn.
3. Đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân
dân cấp xã xem xét ra quyết định công nhận Phó trưởng thôn, sau khi thống nhất
với Ban công tác Mặt trận Tổ quốc;
4. Định kỳ sáu tháng và một năm
báo cáo công tác tự phê bình, kiểm điểm trong hội nghị thôn; hàng tháng báo cáo
kết quả công tác với Uỷ ban nhân dân cấp xã;
5. Được Hội đồng nhân dân, Uỷ
ban nhân dân cấp xã mời dự họp khi có các vấn đề liên quan; được tham dự các lớp
tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ theo quy định; được miễn lao động công ích
theo quy định của pháp luật.
Điều 10.
Nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của Phó trưởng thôn
kiêm Công an viên:
1. Giúp Trưởng thôn thực hiện
nhiệm vụ của trưởng thôn;
2. Chịu trách nhiệm triển khai thực
hiện các chủ trương, biện pháp, kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội
ở địa bàn dân cư do mình phụ trách; thực hiện các nhiệm vụ khác về an ninh, trật
tự, an toàn xã hội do Trưởng công an cấp xã giao;
3. Hàng tháng báo cáo kết quả
công tác với Trưởng công an cấp xã;
4. Được Hội đồng nhân dân, Uỷ
ban nhân dân cấp xã mời dự họp bàn những công việc có liên quan; được học tập,
bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ công tác; được miễn lao động công ích theo quy định
của pháp luật.
Điều 11.
Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn:
Việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm
Trưởng thôn thực hiện theo Điều 13 Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn và tổ
dân phố ban hành kèm theo Quyết định số 13/2002/QĐ-BNV ngày 06/12/2002 của Bộ
trưởng Bộ Nội vụ và Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT/BTTUBTWMTTQVN-BNV ngày
12/5/2005 của Ban thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ
Nội vụ hướng dẫn quy trình bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ
dân phố.
Điều 12.
Chế độ phụ cấp hàng tháng đối với Trưởng thôn, Phó trưởng thôn kiêm công an
viên:
Chế độ phụ cấp đối với Trưởng
thôn, Phó trưởng thôn kiêm công an viên thực hiện theo Quyết định số
05/2006/QĐ-UBND ngày 15/3/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành quy định về số
lượng, chức trách, nhiệm vụ, tiêu chuẩn và mức phụ cấp đối với cán bộ không
chuyên trách cấp xã; cán bộ không chuyên trách ở thôn, xóm, bản, tổ nhân dân và
cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã kiêm thêm nhiệm vụ cán bộ không chuyên
trách.
Chương III
KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT
Điều 13.
Khen thưởng:
Trưởng thôn, Phó trưởng thôn
kiêm công an viên có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ được Uỷ ban nhân dân cấp
xã khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên xét khen thưởng theo quy định hiện hành của
Nhà nước;
Điều 14.
Kỷ luật:
1. Trưởng thôn, Phó trưởng thôn
kiêm công an viên không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm quyền làm chủ của nhân
dân, tham nhũng, lãng phí; không thực hiện chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân cấp
trên; vi phạm pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân cấp xã xem xét quyết định kỷ luật theo một trong những hình thức sau:
phê bình, cảnh cáo, cho thôi chức;
2. Trường hợp cần thiết, trong
quá trình xem xét kỷ luật, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có thể tạm đình chỉ
giữ chức vụ đối với Trưởng thôn, Phó trưởng thôn kiêm công an viên.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong phạm vi
nhiệm vụ của mình có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và triển khai thực
hiện quy chế này; hàng năm Uỷ ban nhân dân cấp huyện tổng kết đánh giá việc thực
hiện quy chế gửi Sở Nội vụ tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Điều 16.
Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các cơ quan, ban, ngành cấp
tỉnh có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn
việc thực hiện Quy chế này; định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Trong quá trình thực hiện nếu có
vướng mắc yêu cầu Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan, ban,
ngành báo cáo bằng văn bản với Uỷ ban nhân dân tỉnh (đồng gửi Sở Nội vụ tổng hợp)
để xem xét giải quyết./.