Nghị định 40/1999/NĐ-CP về Công an xã

Số hiệu 40/1999/NĐ-CP
Ngày ban hành 23/06/1999
Ngày có hiệu lực 08/07/1999
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 40/1999/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 23 tháng 6 năm 1999

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 40/1999/NĐ-CP NGÀY 23 THÁNG 6 NĂM 1999 VỀ CÔNG AN XÃ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 195/TBTW ngày 25 tháng 01 năm 1999;
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Công an xã, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Công an xã, Công an thị trấn ở những nơi không bố trí lực lượng Công an chính quy (sau đây gọi chung là Công an xã) là lực lượng vũ trang bán chuyên trách là công cụ trọng yếu của Đảng và Nhà nước ở xã, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) để đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở, chịu sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của ủy ban nhân dân xã và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Công an cấp trên.

Điều 2. Công an xã có trách nhiệm tham mưu cho cấp ủy Đảng và ủy ban nhân dân xã về công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; làm nòng cốt xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; thực hiện các biện pháp công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trên địa bàn xã.

Điều 3. Công an xã hoạt động theo quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật. Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng danh nghĩa của Công an xã để thực hiện hành vi trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Điều 4. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp, các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân và mọi công dân có trách nhiệm tham gia xây dựng và giúp đỡ lực lượng Công an xã thực hiện nhiệm vụ.

Chương 2:

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, TỔ CHỨC VÀ TRANG BỊ CỦA CÔNG AN XÃ

Điều 5. Công an xã có nhiệm vụ sau đây:

1. Nắm vững tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã, đề xuất với cấp ủy Đảng, ủy ban nhân dân xã và cơ quan Công an cấp trên về những chủ trương, kế hoạch, biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và tổ chức thực hiện những chủ trương, kế hoạch, biện pháp đó;

2. Làm nòng cốt trong việc xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho nhân dân; hướng dẫn các tổ chức quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã;

3. Thực hiện các biện pháp công tác nghiệp vụ để phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật và hướng dẫn nghiệp vụ của Công an cấp trên;

4. Thực hiện các quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy, giữ gìn trật tự công cộng và trật tự an toàn giao thông, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, chất dễ cháy; quản lý hộ khẩu; kiểm tra việc thực hiện các quy định về an ninh, trật tự trên địa bàn xã theo thẩm quyền được phân cấp;

5. Lập hồ sơ đối với những người có hành vi vi phạm pháp luật thuộc diện cần áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác trình Chủ tịch ủy ban nhân dân xã xem xét, quyết định. Tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý, giáo dục đối tượng trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật;

6. Tổ chức bảo vệ hiện trường, cấp cứu nạn nhân; bắt người phạm tội quả tang, tổ chức bắt người có lệnh truy nã, người có lệnh truy bắt hành chính đang lẩn trốn trong địa bàn xã; tiếp nhận và dẫn giải người bị bắt lên Công an cấp trên;

7. Xây dựng lực lượng Công an xã thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và nghiệp vụ. Đẩy mạnh phong trào thi đua vì an ninh Tổ quốc theo tiêu chuẩn và hướng dẫn của Công an cấp trên;

8. Thực hiện các nhiệm vụ khác về an ninh, trật tự, an toàn xã hội do cấp ủy Đảng, ủy ban nhân dân xã và Công an cấp trên giao.

Điều 6. Công an xã có các quyền hạn sau đây:

1. Kiểm tra đôn đốc các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế đóng trên địa bàn xã và công dân trong xã thực hiện các quy định của pháp luật và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định của ủy ban nhân dân về an ninh, trật tự, an toàn xã hội; kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật;

2. Trong khi tuần tra, canh gác được kiểm tra giấy tờ, hàng hoá, phương tiện đối với người có dấu hiệu phạm tội hoặc vi phạm hành chính trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật;

3. Thực hiện các biện pháp quản lý hành chính và các quyết định xử lý vi phạm hành chính về an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Công an cấp trên;

4. Trong trường hợp đuổi bắt người phạm tội quả tang, người đang có lệnh truy nã, cấp cứu người bị nạn, được huy động người và phương tiện giao thông của công dân trên địa bàn xã và phải trả lại ngay các phương tiện giao thông khi tình huống trên đây không còn sau đó phải báo cáo ngay với Chủ tịch ủy ban nhân dân xã và phải chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Trường hợp phương tiện huy động bị hư hỏng thì chủ phương tiện được bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Trưởng Công an xã chịu trách nhiệm trước ủy ban nhân dân xã và Công an cấp trên về toàn bộ hoạt động của Công an xã.

[...]