Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Quyết định 801-QĐ năm 1986 về quy phạm phòng cháy, chữa cháy rừng thông, rừng tràm và một số loại rừng dễ cháy khác do Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp ban hành

Số hiệu 801-QĐ
Ngày ban hành 26/09/1986
Ngày có hiệu lực 26/09/1986
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Lâm nghiệp
Người ký Phan Thanh Xuân
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ LÂM NGHIỆP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 801-QĐ

Hà Nội, ngày 26 tháng 9 năm 1986

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY PHẠM PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG THÔNG, RỪNG TRÀM VÀ MỘT SỐ LOẠI RỪNG DỄ CHÁY KHÁC (QPN8-86)

BỘ TRƯỞNG BỘ LÂM NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 35-CP ngày 9-2-1981 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ trưởng và chức năng của Bộ trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước;
Căn cứ Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng của ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 6-9-1972 được công bố theo lệnh của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa số 147-LCT ngày 11-9-1972;
Căn cứ Nghị định số 22-CP ngày 29-12-1961 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng cháy chữa cháy rừng;
Căn cứ vào tình hình cháy rừng trong những năm qua, và kết quả nghiên cứu của đề tài phòng cháy chữa cháy rừng cấp Nhà nước ở rừng thông Quảng Ninh, Lâm Đồng và rừng tràm Minh Hải (đề tài mang mã số: 04.01.01.07);
Theo đề nghị của đồng chí Cục trưởng Cục kiểm lâm nhân dân và đồng chí Vụ trưởng Vụ kỹ thuật.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản "Quy phạm phòng cháy, chữa cháy rừng thông, rừng tràm và một số loại rừng dễ cháy khác" (QPN8-86).

Điều 2. Quy phạm này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Các đồng chí Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục kiểm lâm nhân dân, Vụ trưởng Vụ kỹ thuật, Thủ trưởng các Vụ, Viện, Ban trực thuộc Bộ có liên quan, Tổng giám đốc các Liên hiệp Lâm - Nông - Công nghiệp, Liên hiệp nguyên liệu giấy, Giám đốc Công ty giống và phục vụ trồng rừng, Công ty lâm sản, đặc sản xuất khẩu, Công ty gỗ mỏ, Giám đốc các Sở Lâm nghiệp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Thanh Xuân

(Đã ký)

 

QUY PHẠM

PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG THÔNG, RỪNG TRÀM VÀ MỘT SỐ LOẠI RỪNG DỄ CHÁY KHÁC (QPN8-86)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 801-QĐ ngày 26-9-1986)

Chương 1:

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 1. Quy phạm này quy định những yêu cầu về kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy rừng thông, rừng tràm và một số loại rừng dễ cháy khác và hệ thống tổ chức lực lượng về phòng và chữa cháy ở cơ sở.

Điều 2. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể mà áp dụng việc xây dựng băng trắng, băng xanh, quy vùng sản xuất nương rẫy, làm chòi canh, xây dựng hệ thống thông tin, tuyên truyền giáo dục.

Điều 3. Căn cứ vào tình hình cụ thể từng nơi mà áp dụng việc dự báo cháy rừng theo phương pháp tổng hợp với xây dựng hệ thống thông tin vô tuyến kết hợp với hệ thống thông tin đại chúng ở địa phương. Tất cả những nội dung trên đều được Cục kiểm lâm nhân dân tập huấn; nhân viên dự báo và thông tin vô tuyến phòng cháy chữa cháy rừng phải có giấy chứng nhận đã được đào tạo về nghiệp vụ kỹ thuật.

Chương 2:

XÂY DỰNG CƠ SỞ VẬT CHẤT, KỸ THUẬT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY RỪNG

MỤC I: XÂY DỰNG ĐƯỜNG BĂNG CẢN LỬA

Điều 4. Băng trắng và băng xanh nhằm ngăn chặn cách giữa rừng cây với nương rẫy ruộng, vườn, bãi gỗ, điểm dân cư, đường giao thông (đường sắt, đường bộ...), kho tàng, biên giới v.v... và phân chia khu rừng dễ cháy thành những lô, khoảnh.

Điều 5. Khi thiết kế trồng rừng thông và các loại rừng dễ cháy khác nhất thiết phải thiết kế, thi công ngay hệ thống đường băng trắng hoặc băng xanh. Nếu độ dốc trên 25 độ thì không được làm băng trắng, mà phải trồng ngay cây xanh trên băng cùng với việc trồng rừng ngay năm đó.

Điều 6. Xây dựng đường băng trắng chỉ áp dụng một, hai năm đầu ở rừng tự nhiên nơi có độ dốc dưới 25 độ vì chưa đủ điều kiện để trồng băng xanh. Khi có điều kiện thì tiến hành trồng ngay cây xanh. Băng trắng đối với rừng tự nhiên có độ rộng tối thiểu 10 - 16m. Khi xây dựng băng trắng phải xử lý thực bì, phơi khô, vun thành dải cách bìa rừng 5-8 m; đốt vào đầu mùa khô, khi đốt phải cử người canh gác, đốt lúc gió nhẹ, vào buổi sáng hoặc chiều tối, tuyệt đối không để lửa cháy lan vào rừng. Đốt xong phải tiến hành kiểm tra toàn bộ đường băng cho tới khi lửa tắt hẳn.

Điều 7. Phải xây dựng đường băng xanh hỗn giao bằng nhiều loại cây, có kết cấu nhiều tầng bao gồm:

1. Đường băng chính: Phải kết hợp với việc xây dựng đường vận xuất, vận chuyển lâm sản.

a) Đối với rừng tự nhiên lá rộng: đường băng chia rừng ra nhiều khoảnh, cự ly các đường băng chính cách nhau 2-3km.

b) Đối với rừng trồng và rừng lá kim tự nhiên: đường băng chính có cự ly cách nhau từ 1 đến 2km.

[...]