Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Nghị định 221-CP năm 1961 về việc phòng cháy và chữa cháy rừng do Hội Đồng Chính Phủ ban hành

Số hiệu 221-CP
Ngày ban hành 29/12/1961
Ngày có hiệu lực 13/01/1962
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 221-CP

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 1961 

 

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY RỪNG

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 27 tháng 09 năm 1961;
Để đẩy mạnh công tác phòng cháy và chữa cháy rừng.
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ và ông Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp;
Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 13 tháng 12 năm 1961;

NGHỊ ĐỊNH :

Chương 1: 

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. – Rừng là tài sản công cộng. Việc phòng cháy và chữa cháy rừng là nghĩa vụ của mỗi công dân. Ủy ban hành chính và nhân dân địa phương nơi có rừng, có trách nhiệm bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng.

Điều 2. – Các cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường và các lực lượng vũ trang đóng ở nơi sát rừng có trách nhiệm bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng. Thủ trưởng các đơn vị ấy có nhiệm vụ giáo dục, đôn đốc cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong đơn vị thực hiện những điều quy định về phòng cháy rừng và tích cực tham gia chữa cháy rừng.

Chương 2:

CÁC TRƯỜNG HỢP CẤM ĐỐT LỬA TRONG RỪNG

Điều 3. – Cấm đốt lửa trong các khu rừng dễ cháy như: rừng thông, rừng phi lao, rừng long não rừng hạch đàn, rừng cao su, v.v… rừng có than và các khu gây rừng trồng rừng.

Điều 4. – Cấm đốt nương trong các khu rừng ở đầu nguồn, trong các khu rừng ở ven đường giao thông, khu rừng có nhiều lâm sản quý, khu rừng đang nuôi dưỡng, khu rừng có di tích lịch sử, khu rừng dùng làm cơ sở nghiên cứu khoa học.

Điều 5. –  Cấm đốt lửa trong rừng để săn bắn, để hạ cây, để lấy củi, để dọn đường.

Chương 3: 

CÁC TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC ĐỐT LỬA TRONG RỪNG

Điều 6. – Trong các khu rừng không thuộc phạm vi quy định ở điều 3 và điều 4 trên đây, có thể đốt lửa theo những điều quy định như sau:

- Muốn đốt rừng để làm nương, làm bãi chăn nuôi trâu, bò, phải được chép của Ủy ban hành chính xã nơi có rừng. Trước khi đốt phải dọn đường ranh cản lửa rộng tối thiểu là 5 thước, phải đốt từng đống nhỏ, đốt ban ngày, lúc gió nhẹ và có bố trí người canh gác đề phòng lửa cháy lan.

- Muốn đốt lửa để đun nấu, sưởi ấm trong rừng, phải tránh chổ có nhiều lá khô, rác vụn, bụi rậm, và khi dùng lửa xong phải dập tắt hết tàn lửa.

- Muốn đốt lửa để hun tổ ong, hun chuột ở trong rừng, không được để lửa bén thành ngọn, tránh cháy lan.

- Muốn đốt than hầm, than hoa ở trong rừng phải được cơ quan Lâm nghiệp địa phương cho phép và phải thi hành đúng điều lệ khai thác rừng. Trước khi đốt phải báo cho Ủy ban hành chính xã nơi có rừng biết và phải dọn đường ranh cản lửa xung quanh lò rộng tối thiểu là 5 thước; lúc đốt phải che đậy lò không để tàn than bay ra ngoài.

Điều 7. – Muốn đốt bờ ruộng ở ven rừng, phải dọn một đường ranh cản lửa rộng ít nhất là 2 thước về phía rừng. Phải đốt từng đống nhỏ, đốt ban ngày, lúc gió nhẹ và bố trí người canh gái đề phòng lửa cháy lan.

Chương 4: 

QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI ĐƯỜNG DÂY ĐIỆN CAO THẾ, ĐƯỜNG XE LỬA VÀ CÁC LOẠI XE CHẠY BẰNG THAN ĐI QUA RỪNG

Điều 8. – Muốn đặt đường dây điện cao thế đi qua rừng, phải được sự thỏa thuận của cơ quan Lâm nghiệp từ cấp tỉnh trở lên.

Cơ quan quản lý đường dây điện cao thế chạy qua rừng, phải thường xuyên kiểm tra đường dây đó, không để cây và cành cây sà hoặc đổ vào dây điện.

Điều 9. – Ở những đoạn đường sắt đi qua rừng, Tổng cục Đường sắt có trách nhiệm:

[...]