Quyết định 80/2001/QĐ-TTg về việc xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành

Số hiệu 80/2001/QĐ-TTg
Ngày ban hành 24/05/2001
Ngày có hiệu lực 08/06/2001
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bất động sản

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 80/2001/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 5 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 80/2001/ QĐ-TTG NGÀY 24 THÁNG 5 NĂM 2001 VỀ XỬ LÝ, SẮP XẾP LẠI NHÀ, ĐẤT THUỘC SỞ HỮU NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 15 tháng 7 năm 1993 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ngày 02 tháng 12 năm 1998;
Căn cứ Pháp lệnh thực hành tiết kiệm chống lãng phí số 02/1998/PL-UBTVQH10 ngày 26 tháng 02 năm 1998 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;
Căn cứ Nghị định số 14/1998/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 1998 của Chính phủ về quản lý tài sản nhà nước;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp, cơ quan của các đoàn thể (sau đây gọi chung là cơ quan hành chính, sự nghiệp) và doanh nghiệp nhà nước thuộc cấp mình đang trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh tiến hành rà soát, kiểm tra để bố trí, sắp xếp lại trụ sở, cơ sở sản xuất, kinh doanh, đảm bảo theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành.

Riêng nhà, đất do các đơn vị thuộc hệ thống cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp quản lý thì Ban Tài chính - Quản trị Trung ương kiểm tra, sắp xếp lại nhằm sử dụng hợp lý tài sản hiện có trong phạm vi nội bộ theo đúng các quy định hiện hành.

Điều 2. Các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước gửi báo cáo kết quả rà soát, kiểm tra và sắp xếp lại trụ sở làm việc, cơ sở sản xuất, kinh doanh về: Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể, đồng gửi Bộ Tài chính và Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Trung ương); Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, đồng gửi Bộ Tài chính (đối với các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hồ Chí Minh).

Nội dung báo cáo về diện tích nhà, đất gồm : số hiện có; số cần giữ lại để sử dụng làm trụ sở, cơ sở sản xuất, kinh doanh; trụ sở làm việc nhưng đã dùng làm cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc giao cho các doanh nghiệp nhà nước sử dụng; làm nhà ở cho cán bộ, công nhân viên; cho thuê; chưa sử dụng, kèm theo văn bản kiến nghị phương án xử lý.

Điều 3. Việc xử lý kết quả sắp xếp lại trụ sở làm việc, cơ sở sản xuất, kinh doanh được thực hiện như sau :

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể và các Tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập chịu trách nhiệm kiểm tra, xem xét và có ý kiến bằng văn bản về đề nghị xử lý, sắp xếp lại trụ sở làm việc, cơ sở sản xuất, kinh doanh của các đơn vị trực thuộc, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, lập phương án xử lý trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Đối với các cơ sở nhà, đất dôi dư sau khi sắp xếp lại của Ban Tài chính - Quản trị Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thì các đơn vị này quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định và chịu trách nhiệm về xử lý, sắp xếp lại trụ sở làm việc, cơ sở sản xuất, kinh doanh của các cơ quan hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố quản lý.

Điều 4. Bộ Tài chính và Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh :

1. Xử lý theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc theo thẩm quyền số diện tích nhà, đất thuộc trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính, sự nghiệp dôi ra do sắp xếp lại theo các hình thức sau đây:

- Bố trí nơi làm việc cho các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp chưa có trụ sở làm việc hoặc bổ sung cho các cơ quan, đơn vị đã có trụ sở làm việc nhưng còn thiếu so với tiêu chuẩn, định mức;

- Tổ chức việc bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng;

- Thu hồi và quản lý số diện tích nhà, đất thuộc trụ sở làm việc dôi ra do sắp xếp lại để phục vụ nhu cầu chung của Nhà nước.

2. Hướng dẫn các doanh nghiệp nhà nước có diện tích nhà, đất dôi ra do sắp xếp lại để bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

3. Việc bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được thực hiện thông qua Hội đồng định giá và bán đấu giá nhà xưởng thuộc sở hữu nhà nước của thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Hội đồng định giá và bán đấu giá).

Trường hợp chỉ có một tổ chức hoặc một cá nhân đăng ký mua thì không phải đấu giá, Hội đồng định giá và bán đấu giá xem xét, quyết định thực hiện bán theo giá do Hội đồng định giá và bán đấu giá xác định.

Điều 5. Số tiền thu được từ việc bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất của tất cả các cơ quan hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước phải nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh (kể cả Ban Tài chính - Quản trị Trung ương ) và được sử dụng như sau:

1. Để đầu tư, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hoặc xây dựng mới trụ sở làm việc cho các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản hiện hành.

2. Các doanh nghiệp nhà nước có nhà được bán và chuyển quyền sử dụng đất được sử dụng vào các nội dung sau, nếu có các dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt:

a) Đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh mới đối với các doanh nghiệp nhà nước thuộc diện phải di dời khỏi nội thành;

b) Làm vốn đầu tư cải tạo mở rộng hoặc đầu tư chiều sâu để tăng thêm năng lực sản xuất, kinh doanh và được ghi tăng vốn ngân sách nhà nước cấp.

c) Đối với các doanh nghiệp nhà nước thuộc diện thua lỗ nhưng có phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả do cấp có thẩm quyền phê duyệt được bổ sung làm vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Đối với các doanh nghiệp nhà nước thuộc diện thua lỗ kéo dài, không có khả năng phục hồi sản xuất ( có khả năng phá sản) thì phải nộp vào ngân sách nhà nước sau khi trừ đi các khoản chi phí hợp lý.

Điều 6. Việc sắp xếp, bố trí lại nhà, đất thuộc trụ sở làm việc hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh của các cơ quan, đơn vị phải phù hợp với quy hoạch và theo các nguyên tắc sau :

[...]