Quyết định 78-CT năm 1984 về việc đặt trạm kiểm soát trên các đường giao thông do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 78-CT
Ngày ban hành 27/02/1984
Ngày có hiệu lực 30/03/1984
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Tố Hữu
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 78-CT

Hà Nội, ngày 27 tháng 2 năm 1984

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 78-CT NGÀY 27-2-1984 VỀ VIỆC ĐẶT TRẠM KIỂM SOÁT TRÊN CÁC ĐƯỜNG GIAO THÔNG

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981;
Để tăng cường quản lý thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu làm hàng giả, kinh doanh trái phép; bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an toàn giao thông; đồng thời không gây trở ngại cho việc đi lại của nhân dân và cho việc lưu thông hàng hoá; chấm dứt tình trạng tuỳ tiện lập các trạm kiểm soát dọc đường;
Theo đề nghị của Ban chỉ đạo quản lý thị trường trung ương,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. - Việc lập các trạm kiểm soát cố định hoặc lưu động trên các đường giao thông từ nay quy định như sau:

a) Việc lập các trạm kiểm soát trên các trục quốc lộ, đường sắt, đường giao thông thuỷ, bộ liên tỉnh do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định, căn cứ vào đề nghị của Ban chỉ đạo quản lý thị trường trung ương, các Bộ có liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương (dưới đây gọi tắt là tỉnh).

b) Việc lập các trạm kiểm soát trên các đường giao thông thuỷ, bộ nội tỉnh do chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định, căn cứ vào đề nghị của Ban chỉ đạo quản lý thị trường tỉnh, các sở có liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện. Quyết định lập các trạm kiểm soát của Uỷ ban nhân dân tỉnh phải gửi cho Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng để báo cáo.

c) Trường hợp đột xuất, vì nhu cầu an ninh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ được quyền quyết định lập các trạm kiểm soát tạm thời của ngành công an. Quyết định này phải gửi cho Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng để báo cáo.

d) Ngoài những cấp có thẩm quyền trên đây, không một cơ quan nào được phép đặt trạm kiểm soát cố định hay lưu động trên các đường giao thông. Những trạm kiểm soát được lập ra trái với quy định này đều phải bãi bỏ ngay.

đ) Việc tổ chức kiểm soát tại các sân bay, hải cảng, cửa khẩu biên giới và việc đặt trạm thu thuế công thương nghiệp tại các chợ, bến xe, bến cảng không thuộc phạm vi thi hành quyết định này (vẫn tiếp tục theo các quy định hiện hành).

e) Căn cứ vào những quy định trên đây, trong thời hạn một tháng kể từ ngày nhận được quyết định này, Uỷ ban nhân dân các tỉnh phải soát xét lại các trạm kiểm soát hiện có trong tỉnh và bố trí lại cho hợp lý.

Đối với những trạm thuộc quyền quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thì báo cáo lên Ban chỉ đạo quản lý thị trường trung ương xét, đề nghị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định.

Điều 2. - Trạm kiểm soát trên các đường, giao thông được tổ chức chủ yếu dưới hình thức trạm kiểm soát cố định liên ngành. Trường hợp thật cần thiết mới lập trạm kiểm soát cố định chuyên ngành hoặc đội kiểm soát lưu động (liên ngành hoặc chuyên ngành).

Thành viên của các trạm hoặc đội kiểm soát liên ngành, tuỳ theo yêu cầu của từng nơi, từng lúc, có thể bao gồm cán bộ, nhân viên của các ngành công an, thuế công thương nghiệp, kiểm lâm, kiểm dịch gia súc, kiểm soát quân nhân, v.v... Cán bộ, nhân viên của ngành nào thì thực hành chức năng kiểm soát của ngành ấy, theo quy chế và sự hướng dẫn của ngành ấy, và chịu trách nhiệm về công việc của mình trước cấp lãnh đạo trực tiếp trong ngành. Trưởng trạm và phó trưởng trạm kiểm soát liên ngành do chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh cử ra, chịu trách nhiệm điều hành những việc thuộc quy chế chung của trạm và lãnh đạo cán bộ, nhân viên trong trạm giữ đúng kỷ luật và phẩm chất đạo đức của người cán bộ cách mạng. Trưởng trạm và phó trưởng trạm kiểm soát chuyên ngành do giám đốc sở chủ quản cử ra.

Trên các đường giao thông liên tỉnh, trừ những trường hợp đặc biệt, trạm kiểm soát của mỗi tỉnh chỉ kiểm soát hàng hoá chiều ra khỏi tỉnh mình, không kiểm soát chiều vào.

Điều 3. - Các trạm và đội kiểm soát phải thực hành chức năng của mình theo đúng những quy định của pháp luật và những thủ tục do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định.

Phải bằng mọi cách rút ngắn thời gian giữ người và phương tiện vận tải tại trạm để kiểm soát. Nếu phát hiện có dấu hiệu phạm pháp thì chỉ được giữ người phạm pháp cùng tang vật ở lại để tiếp tục xử lý, không được giữ phương tiện vận tải công cộng và các hành khách khác.

Phải hết sức hạn chế việc buộc chủ hàng, chủ phương tiện bốc dỡ hàng hoá để khám xét. Nếu phát hiện có dấu hiệu phạm pháp thì trưởng trạm (hoặc phó trưởng trạm) phải ra lệnh khám xét bằng văn bản và phải lập biên bản sau khi khám xét. Lệnh khám xét và biên bản khám xét phải giao cho chủ hàng, chủ phương tiện mỗi người một bản.

Không được thu thuế về chênh lệch giá đối với những hàng hoá đang trên đường vận chuyển mà chủ hàng đã nộp thuế buôn chuyến tại gốc (việc này chỉ tiến hành ở nơi tiêu thụ hàng hoá).

Không được yêu sách chủ hàng, chủ phương tiện dưới mọi hình thức; không được có thái độ hống hách với những người bị kiểm soát.

Nghiêm cấm sử dụng tuỳ tiện các loại tang vật bị bắt giữ chờ xử lý.

Điều 4. - Uỷ ban nhân dân tỉnh, thông qua các sở chủ quản, chịu trách nhiệm chỉ đạo và quản lý mọi mặt hoạt động của các trạm và đội kiểm soát trên địa bàn tỉnh, trừ trường hợp đối với các trạm kiểm soát đột xuất do Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định lập ra.

Điều 5. - Ban hành kèm theo quyết định này danh mục các mặt hàng cấm tư nhân lưu thông, kinh doanh và danh mục và định lượng những hàng hoá được phép lưu thông, không phải chịu thuế. Các Bộ có liên quan quy định chi tiết danh mục các mặt hàng này.

Đối với những mặt hàng ngoài hai danh mục nói trên, Ban chỉ đạo quản lý thị trường trung ương cùng các Bộ có liên quan, căn cứ Nghị quyết số 188-HĐBT ngày 23-11-1982 của Hội đồng Bộ trưởng, hướng dẫn cụ thể việc lưu thông và quản lý thị trường.

Đối với những mặt hàng mà Nhà nước thống nhất thu mua, ở những vùng sản xuất tập trung, Uỷ ban nhân dân tỉnh được quyền quy định những giới hạn lưu thông thấp hơn mức trung ương quy định. Nhưng, ngoài các vùng sản xuất tập trung đó và trên các đường giao thông liên tỉnh, việc kiểm soát lưu thông hàng hoá nhất thiết phải căn cứ vào những quy định của trung ương.

Điều 6. - Trưởng ban Ban chỉ đạo quản lý thị trường trung ương chủ trì phối hợp các Bộ có liên quan soát xét lại các quy định hiện hành có liên quan đến việc kiểm soát trên các đường giao thông nhằm bổ sung, sửa đổi hoặc đề nghị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng bổ sung, sửa đổi theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 188-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng và của quyết định này.

Điều 7. - Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày công bố. Những quy định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 8. - Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước và thủ trưởng cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố đặc khu trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này được phổ biến đến các đơn vị kinh tế cơ sở, các phường, xã, các trạm kiểm soát.

 

Tố Hữu

(Đã ký)

 

DANH MỤC

CÁC MẶT HÀNG CẤM TƯ NHÂN LƯU THÔNG, KINH DOANH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 78-CT ngày 27-2-1984 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng).

1. Thuốc phiện và sản phẩm từ thuốc phiện.

2. Các loại độc dược, hoá chất độc.

3. Các loại văn hoá phẩm phản động, đồi truỵ.

4. Các loại rượu thuốc lá, giấy cuốn thuốc lá và hàng xa xỉ khác nhập từ nước ngoài.

Đối với các mặt hàng này (Điều 4) những người nhập cảnh vào Việt Nam được mang theo một số lượng giới hạn do Bộ Ngoại thương quy định; ngoài mức đó, phải chịu thuế hàng hoá theo pháp lệnh về thuế công thương nghiệp.

5. Ngoại tệ, vàng bạc, bạch kim, kim cương, đá quý.

Người nào mang những thứ này, trừ đồ trang sức của bản thân mình phải có giấy chứng nhận của Ngân hàng Nhà nước.

6. Các loại máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mà Nhà nước độc quyền nhập khẩu, sản xuất và phân phối.

Người nào vận chuyển hoặc mang theo những thứ này phải có chứng từ phân phối của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

DANH MỤC

VÀ ĐỊNH LƯỢNG NHỮNG HÀNG HOÁ ĐƯỢC PHÉP LƯU THÔNG KHÔNG PHẢI CHỊU THUẾ.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 78-CT ngày 27-2-1984 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng).

1. Lương thực (gạo tẻ, gạo nếp, ngô hạt) đến 20 kg

2. Thịt gia súc, gia cầm (quy thịt lọc) đến 5kg

3. Cá biển tươi hoặc khô (quy tươi) đến 10 kg

4. Tôm tươi hoặc khô, mực tươi hoặc khô - mỗi thứ (quy tươi) đến 5 kg

5. Muối đến 10 kg

6. Đậu (đậu nành, đậu xanh, đậu các loại, lạc (lạc nhân) - mỗi thứ đến 5 kg.

7. Thuốc lá (sợi hoặc lá), thuốc lào, cà phê (hạt hoặc bột) chè khô, hồ tiêu - Mỗi thứ đến 1 kg.

8. Đường mật (quy đường kết tinh) đến 5 kg

Đối với những mặt hàng trên đây, nếu mang trong định lượng thì không cần có giấy chứng nhận và không phải chịu thuế, nếu mang vượt định lượng thì toàn bộ số hàng mang theo phải chịu thuế buôn chuyến. Trường hợp có lý do chính đáng, được Uỷ ban nhân dân cấp huyện trở lên hoặc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh trở lên chứng nhận thì được miễn thuế.

Đối với những người làm nghề buôn chuyến, lợi dụng những quy định trên đây để trốn thuế (mỗi thứ hàng chỉ mang trong định lượng, nhưng mang nhiều thứ hàng và mang nhiều lần) thì cơ quan thuế, sau khi theo dõi, có đủ bằng chứng, có quyền tính thuế buôn chuyến trên toàn bộ số hàng mang theo và phạt về trốn thuế.