Quyết định 78/2002/QĐ-BNN_KL ban hành quy phạm kỹ thuật theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trong lực lượng Kiểm lâm của do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Số hiệu 78/2002/QĐ-BNN/KL
Ngày ban hành 28/08/2002
Ngày có hiệu lực 12/09/2002
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Nguyễn Văn Đẳng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 78/2002/QĐ-BNN_KL

Hà Nội, ngày 28 tháng 08 năm 2002 

 

QUYẾT ĐỊNH

VV: BAN HÀNH QUY PHẠM KỸ THUẬT THEO DÕI DIỄN BIẾN RỪNG VÀ ĐẤT LÂM NGHIỆP TRONG LỰC LƯỢNG KIỂM LÂM  

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 73/CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn;
Căn cứ chỉ thị 32/2000/CT/BNN-KL ngày 27/3/2000 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc giao cho lực lượng Kiểm lâm tổ chức theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trong phạm vi toàn quốc;
Theo đề nghị của ông Cục trưởng Cục Kiểm Lâm,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản “Quy phạm kỹ thuật theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trong lực lượng Kiểm lâm”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông Chánh văn phòng Bộ, Thủ trưởng Các Cục, Vụ, Viện Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
THỨ TRƯỞNG




 Nguyễn Văn Đẳng


QUY PHẠM

KỸ THUẬT THEO DÕI DIỄN BIẾN RỪNG VÀ ĐẤT LÂM NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 78/2002/QĐ/BNN-KL)

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy phạm này quy định những nội dung cơ bản; giải pháp kỹ thuật; tổ chức thực hiện và chế độ báo cáo về theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trong lực lượng Kiểm lâm.

Điều 2. Mục đích theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp là: Hàng năm nắm vững diện tích các loại rừng, đất lâm nghiệp hiện có; sự biếnbiến động diện tích các loại rừng, các loại đất quy hoạch cho sản xuất lâm nghiệp theo lãnh thổ nhằm giúp hoạch định chính sách lâm nghiệp ở địa phương và trung ương phục công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Điều 3. Nguyên tắc theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp như sau:

1. Cập nhật diện tích các loại rừng và đất lâm nghiệp trên cơ sở phân loại rừng và đất rừng theo Quy phạm thiết kế kinh doanh rừng QPN 6-84 ban hành kèm theo Quyết định số 682B/QLKT ngày 01/8/1984 của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Dữ liệu cơ sở ban đầu là kết quả kiểm kê rừng đã được công bố tại Quyết định 03/2001/QĐ-TTg ngày 5/1/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kết quả tổng kiểm kê rừng toàn quốc (sau đây gọi chung là Quyết định 03/2001/QĐ-TTg).

2. Đơn vị cơ sở theo dõi và cập nhật là lô trạng thái. Đơn vị thống kê là khoảnh, tiểu khu, xã, huyện, tỉnh và toàn quốc.

3. Việc theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp được tổ chức ở thực địa trên cơ sở ứng dụng các phần mềm xử lý cơ sở dữ liệu, công nghệ xử lý bản đồ, công nghệ xử lý ảnh viễn thám phải được quản lý, sử dụng thống nhất chung trong toàn quốc.

Điều 4. Đầu tư trang thiết bị và hệ thống mạng máy tính phục vụ theo dõi diễn biến rừng, đất lâm nghiệp kết nối từ Cục Kiểm lâm đến cấp huyện gắn với tổ chức Hạt Kiểm lâm hiện có.

Điều 5. Đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật theo dõi diễn biến rừng, đất lâm nghiệp các cấp, đặc biệt là kiểm lâm viên cơ sở có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và nắm vững công nghệ thông tin để quản lý cơ sở dữ liệu trên máy tính, theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp ngoài thực địa.

Điều 6. Sử dụng công nghệ thông tin địa lý (GIS) để xử lý bản đồ trên máy tính. áp dụng công nghệ viễn thám để kiểm tra, chỉnh lý các loại rừng, đất rừng và xác định ranh giới tới lô rừng.

Điều 7. Kết quả theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp được công bố hàng năm, bao gồm:

1. Bản đồ hiện trạng rừng:

a) Cấp xã: Bản đồ tỷ lệ 1/25.000 hoặc 1/10.000,

b) Cấp huyện: Bản đồ tỷ lệ 1/50.000 (thị xã sử dụng bản đồ 1/25.000),

c) Cấp tỉnh: Bản đồ tỷ lệ 1/100.000,

[...]