Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 765/QĐ-UBND năm 2020 về Kế hoạch phát triển xuất khẩu tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 765/QĐ-UBND
Ngày ban hành 18/06/2020
Ngày có hiệu lực 18/06/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Nguyễn Ngọc Thạch
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 765/QĐ-UBND

Ninh Bình, ngày 18 tháng 6 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN XUẤT KHẨU TỈNH NINH BÌNH GIAI ĐOẠN 2021-2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 606/TTr-SCT ngày 03/6/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch phát triển xuất khẩu tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2021-2025.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Công Thương (BC);
- Thường trực Tỉnh ủy (BC);
- Thường trực HĐND tỉnh (BC);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lưu: VT, VP5, VP2;
NN_VP5_QDUB.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Thạch

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN XUẤT KHẨU TỈNH NINH BÌNH, GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Kèm theo Quyết định số 765/QĐ-UBND ngày 18/6/2020 của UBND tỉnh)

I. TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH GIAI ĐOẠN 2015 - 2020

1. Một số kết quả đạt được

Trong những năm qua, phát triển xuất khẩu đã có những đóng góp đáng kể vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh, trở thành một trong những động lực chủ yếu gia tăng phát triển sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Tỉnh đã ban hành và triển khai đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp các doanh nghiệp tận dụng có hiệu quả lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do mang lại, góp phần quan trọng khuyến khích, đẩy mạnh xuất khẩu.

- Về quy mô, năm 2015 kim ngạch xuất khẩu của tỉnh mới đạt 1.009 triệu USD thì đến cuối năm 2019, đã đạt 2.100 triệu USD; năm 2020 mặc dù chịu tác động mạnh của dịch bệnh Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh dự kiến vẫn đạt 2.200 triệu USD, tăng gần 2,2 lần, đạt mức tăng trưởng bình quân 17,8%/năm, vượt 8,7% so với chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2016-2020 đã đề ra.

- Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của tỉnh thay đổi theo chiều hướng tích cực: tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến có hàm lượng công nghệ cao, giảm tỷ trọng xuất khẩu hàng thô và gia công thuần túy.

- Chủ thể tham gia xuất khẩu không ngừng được mở rộng, tăng nhanh về số lượng và hoạt động ngày càng hiệu quả, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có trên 100 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, tăng 33% so với năm 2015.

- Thị trường xuất khẩu hàng hóa tiếp tục được mở rộng, năm 2020 các doanh nghiệp đã xuất khẩu hàng hóa sang trên 80 nước và vùng lãnh thổ.

2. Một số tồn tại, hạn chế

- Quy mô sản xuất hàng hóa xuất khẩu vẫn còn nhỏ, chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu diễn ra còn chậm; chủng loại hàng hóa xuất khẩu còn đơn điệu, kim ngạch xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào mặt hàng camera modul (chiếm 48,9% - năm 2019). Tăng trưởng xuất khẩu vẫn chủ yếu là tăng trưởng theo chiều rộng, hàng hóa sử dụng tài nguyên thiên nhiên và sức lao động giản đơn vẫn còn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu hàng xuất khẩu (các mặt hàng công nghiệp như may mặc, da giày, điện tử... phần lớn vẫn mang tính gia công, lắp ráp), mặt hàng giá trị nội địa lớn còn ít.

- Thị trường xuất khẩu hàng hóa mặc dù đã có bước tiến đáng kể, song vẫn ít bạn hàng, phụ thuộc vào chỉ định của bên giao gia công, nhiều doanh nghiệp còn xuất khẩu qua trung gian và chưa chủ động được thị trường.

- Dịch vụ logistics của tỉnh trong thời gian qua đã bước đầu hình thành nhưng phát triển còn nhiều hạn chế, chưa cung cấp cho khách hàng các dịch vụ tổng thể mà mới chủ yếu ở khâu vận chuyển hàng hóa, dẫn đến tăng chi phí, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu.

- Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh chưa cao; xuất khẩu phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi năng lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của hàng hóa và doanh nghiệp còn yếu dẫn đến hiệu quả xuất khẩu chưa cao.

3. Nguyên nhân tồn tại, hạn chế

[...]