Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Quyết định 76/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 76/QĐ-TTg
Ngày ban hành 11/01/2016
Ngày có hiệu lực 11/01/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Hoàng Trung Hải
Lĩnh vực Thương mại

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 76/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ SẢN XUẤT VÀ TIÊU DÙNG BỀN VỮNG ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016;

Căn cứ Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi là Chương trình) với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM

1. Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả; góp phần bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo và tái cơ cấu nền kinh tế. Các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững được triển khai một cách đồng bộ, tập trung vào các hành động có tính đột phá, đồng thời lồng ghép vào nội dung của các chương trình hiện có.

2. Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững theo hướng tiếp cận vòng đời sản phẩm, đẩy mạnh liên kết trong các khâu của vòng đời sản phẩm; ứng dụng, đổi mới công nghệ, cải tiến thiết bị, quy trình quản lý nhằm sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu phát sinh chất thải và ô nhiễm môi trường; thay đổi hành vi người tiêu dùng trong quá trình mua sắm, sử dụng và thải bỏ sản phẩm.

3. Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững trên cơ sở huy động sự tham gia, đóng góp của mọi thành phần trong xã hội, trong đó doanh nghiệp và người tiêu dùng đóng vai trò trung tâm.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Từng bước thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên và năng lượng; tăng cường sử dụng các nguyên vật liệu, năng lượng tái tạo, sản phẩm thân thiện môi trường; giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải; duy trì tính bền vững của hệ sinh thái tại tất cả các khâu trong vòng đời sản phẩm từ khai thác, cung ứng nguyên liệu đến sản xuất chế biến, phân phối, tiêu dùng và thải bỏ sản phẩm.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2016 - 2020:

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững;

- Phấn đấu tỷ lệ doanh nghiệp trong các ngành sử dụng nhiều năng lượng, có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, xây dựng và thực hiện lộ trình áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch đạt 60% đến 70%; tỷ lệ các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng đạt 50%; hoạt động đổi mới sinh thái được triển khai thí điểm thành công trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, từng bước mở rộng quy mô và phạm vi áp dụng; tỷ trọng đóng góp của các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp môi trường, tái chế chất thải trong GDP từ 42% đến 45%;

- Giảm thiểu việc phát sinh chất thải trong hoạt động phân phối. Phấn đấu khoảng 50% các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối có nhận thức, được hướng dẫn thực hiện và áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; giảm đến khoảng 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các siêu thị, trung tâm thương mại và đến khoảng 50% tại các chợ dân sinh; thực hiện chứng nhận các mô hình phân phối xanh; phát triển thành công và từng bước nhân rộng các mô hình chuỗi cung ứng bền vững, chuỗi giá trị xanh cho một số nhóm sản phẩm;

- Nâng dần tỷ trọng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường trong cơ cấu hàng xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam; doanh nghiệp xuất khẩu được cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý, tiêu chuẩn về môi trường và phát triển bền vững của nhà nhập khẩu;

- Người tiêu dùng và cộng đồng được cung cấp thông tin đầy đủ về các sản phẩm thân thiện với môi trường, các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững; nâng tỷ trọng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường trong cơ cấu chi tiêu công của Chính phủ; hoàn thiện khung pháp lý quy định, hướng dẫn thực hiện mua sắm công xanh;

- Phấn đấu 90% phế liệu nhựa, giấy, dầu thải và sắt thép trong nước được tái chế; 85% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ; 75% chất thải rắn công nghiệp không nguy hại được thu hồi để tái sử dụng và tái chế và 50% chất thải rắn xây dựng phát sinh tại các đô thị được thu hồi để tái sử dụng hoặc tái chế.

b) Giai đoạn 2021 - 2030

Triển khai đồng bộ các hoạt động thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững; các mô hình, thực hành về sản xuất và tiêu dùng bền vững được phổ biến và áp dụng rộng rãi tại cộng đồng và các doanh nghiệp. Cơ bản chuyển đổi được mô hình sản xuất và tiêu dùng hiện tại theo hướng bền vững.

III. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

[...]