QUY CHẾ
PHỐI HỢP TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ THÔNG BÁO VÀ HỎI ĐÁP VỀ
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 76/2007/QĐ-UBND ngày 13 tháng 11 năm 2007 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy chế này quy định việc phối hợp tổ chức thực hiện nhiệm
vụ thông báo và hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của tỉnh Bình Thuận
có liên quan đến việc thực thi Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (viết
tắt là Hiệp định TBT) của Tổ chức Thương mại thế giới (viết tắt là WTO).
Quy chế này áp dụng cho các tổ chức, cá nhân trực
tiếp hoạt động hoặc có liên quan đến việc thông báo và hỏi đáp về hàng rào kỹ
thuật trong thương mại trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện nghĩa vụ quy định trong
Hiệp định TBT.
Điều 2.
1. Sở Khoa học và Công
nghệ là cơ quan giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ thông báo và hỏi
đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Bình
Thuận (trực tiếp là cơ quan Thông báo và Điểm hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật
trong thương mại của tỉnh Bình Thuận, gọi tắt là Văn phòng TBT Bình Thuận, được
thành lập theo Quyết định số 910/QĐ-UBND ngày 11/4/2006 của Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh Bình Thuận), chủ trì phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên
quan thống nhất các biện pháp nhằm thực hiện đầy đủ và kịp thời các nghĩa vụ
quy định trong Hiệp định TBT; đồng thời, đảm bảo lợi ích chính đáng của tỉnh.
2. Các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách
nhiệm phối hợp với Văn phòng TBT Bình Thuận đảm bảo việc thực hiện đầy đủ, đúng
yêu cầu, kịp thời, đạt hiệu quả các nghĩa vụ quy định trong Hiệp định TBT.
Chương II
PHỐI HỢP TỔ CHỨC THỰC HIỆN
NHIỆM VỤ THÔNG BÁO VÀ HỎI ĐÁP
Điều 3. Nhiệm vụ
thông báo và hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại tại tỉnh Bình Thuận
được giao cho các tổ chức, cá nhân sau
1. Văn phòng TBT Bình Thuận là cơ quan đầu mối
chung của tỉnh, thực hiện nhiệm vụ thông báo và hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật
trong thương mại trong phạm vi quản lý của tỉnh.
2. Các Sở: Thương mại, Du lịch,
Công nghiệp, Văn hóa - Thông tin, Bưu chính - Viễn thông, Xây dựng, Lao động -
Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Thủy sản, Y tế, Tư pháp bố trí, phân công phòng chuyên
môn hoặc đơn vị trực thuộc làm đầu mối thực hiện nhiệm vụ thông báo và hỏi đáp
về hàng rào kỹ thuật trong thương mại thuộc phạm vi quản lý của ngành mình (gọi
tắt là Điểm TBT).
3. Thủ trưởng các cơ quan nêu tại khoản 2 của Điều
này có trách nhiệm:
a) Cử cán bộ lãnh đạo cấp phòng hoặc tương đương
phụ trách Điểm TBT và làm đại diện cơ quan trong việc phối hợp với Văn phòng
TBT Bình Thuận;
b) Đảm bảo các điều kiện về nhân lực, trang bị,
cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn chung để thực hiện các nhiệm vụ được phân
công.
4. Ban công tác liên ngành về hàng
rào kỹ thuật trong thương mại của tỉnh Bình Thuận (được thành lập theo Quyết định
số 2579/QĐ-UBND ngày 13/10/2006 của Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh Bình Thuận) là tổ chức giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường công
tác phối hợp hoạt động giữa các sở, ban, ngành trong việc thi hành Hiệp định
TBT trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; thực hiện chức năng tư vấn cho các cơ quan
Nhà nước tại tỉnh các biện pháp thi hành các nghĩa vụ quy định trong Hiệp định
TBT, tham mưu giải quyết các tranh chấp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại
phát sinh giữa các nước thành viên Tổ chức Thương mại thế giới với Việt Nam có
liên quan đến tỉnh và ngược lại.
5. Văn phòng TBT Bình Thuận chịu
trách nhiệm phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch
và Đầu tư, các cơ quan nêu tại khoản 2 của Điều này, Ban công tác liên ngành về
TBT tỉnh và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan có biện pháp đảm bảo việc
thi hành các nghĩa vụ của Hiệp định TBT có liên quan đến địa phương.
Điều 4. Nhiệm vụ của Văn
phòng TBT Bình Thuận, các đầu mối TBT và các tổ chức, cá nhân có liên quan
1. Nhiệm vụ của Văn phòng TBT Bình Thuận: Văn
phòng TBT Bình Thuận thực hiện nhiệm vụ thông báo và hỏi đáp về TBT trong phạm
vi quản lý của tỉnh, thực hiện các nhiệm vụ theo sự điều phối của Văn phòng TBT
Việt Nam và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khác trong mạng lưới TBT Việt Nam
và của tỉnh theo quy định. Nhiệm vụ cụ thể bao gồm:
a) Nhiệm vụ thông báo cho Văn phòng TBT Việt
Nam:
- Thông báo các văn bản pháp quy kỹ thuật, quy
chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp đã, đang và sẽ áp dụng thuộc phạm
vi quản lý của tỉnh có khả năng cản trở thương mại đối với các nước thành viên
WTO.
Đối với các dự thảo văn bản có liên quan đến nội
dung nêu trên, thời hạn thông báo ít nhất là 65 ngày trước khi ban hành (trừ
trường hợp khẩn cấp);
- Thông báo các thỏa thuận quốc tế do Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh ký theo thẩm quyền liên quan đến văn bản pháp quy kỹ thuật,
quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp thuộc phạm vi quản lý của tỉnh;
việc chấp nhận hay hủy bỏ của các cơ quan hoặc tổ chức trong tỉnh đối với quy
chế thực hành tốt trong xây dựng, ban hành và áp dụng tiêu chuẩn.
b) Nhiệm vụ hỏi đáp về TBT:
- Nhận và trả lời các câu hỏi, thông tin liên
quan đến việc ban hành và áp dụng các văn bản pháp quy kỹ thuật, quy chuẩn kỹ
thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp tại địa phương và các vấn đề khác có liên
quan khi có yêu cầu chuyển đến từ Văn phòng TBT Việt Nam hoặc các cơ quan, tổ
chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước;
- Tiếp nhận và chuyển các thông báo về TBT của
các nước thành viên WTO đến các bên quan tâm tại tỉnh, chú ý các hiệp hội doanh
nghiệp, doanh nghiệp lớn của tỉnh khi đang có khả năng bị kiện, tranh chấp quốc
tế về TBT bằng fax hoặc email trong vòng 24 giờ ngày làm việc kể từ khi nhận được
thông báo từ Văn phòng TBT Việt Nam;
- Gửi về Văn phòng TBT Việt Nam các câu hỏi hoặc
đề nghị cung cấp tài liệu của các bên quan tâm tại địa phương về các văn bản
pháp quy kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy trình đánh giá sự phù hợp
của các nước thành viên WTO.
c) Các nhiệm vụ khác:
- Tuân thủ chặt chẽ nghiệp vụ thông báo và hỏi
đáp theo hướng dẫn của Văn phòng TBT Việt Nam;
- Nghiên cứu, đề xuất biện pháp về nguồn lực với
Ủy ban nhân dân tỉnh nhằm đảm bảo hoạt động có hiệu quả;
- Tham gia hoạt động hợp tác quốc tế có liên
quan đến việc triển khai thực hiện nghĩa vụ minh bạch hóa của Hiệp định TBT
theo đề xuất của Văn phòng TBT Việt Nam và sự phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến
thức về Hiệp định TBT tại địa phương; tư vấn, đào tạo về tiêu chuẩn đo lường chất
lượng có liên quan đến hàng rào kỹ thuật trong thương mại theo yêu cầu của các
tổ chức, cá nhân;
- Thực hiện nhiệm vụ thư ký Ban công tác liên
ngành về TBT của tỉnh;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến TBT
theo phân công của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (thông qua Chi cục Trưởng
Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng).
2. Nhiệm vụ của các Điểm TBT: các Điểm TBT thực
hiện nhiệm vụ thông báo và hỏi đáp thuộc phạm vi quản lý của ngành, thực hiện
nhiệm vụ theo sự điều phối của Văn phòng TBT Bình Thuận, có sự phối hợp chặt chẽ
với các cơ quan khác để hoàn thành nhiệm vụ. Nhiệm vụ cụ thể bao gồm:
a) Rà soát, phát hiện và thông báo cho Văn phòng
TBT Bình Thuận các văn bản pháp quy kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình
đánh giá sự phù hợp trong phạm vi quản lý của ngành đã, đang và sẽ ban hành có
khả năng cản trở thương mại đối với các nước thành viên của WTO.
Đối với các dự thảo văn bản có liên quan đến nội
dung nêu trên, thời hạn thông báo ít nhất là 70 ngày trước khi ban hành (trừ
trường hợp khẩn cấp), để Văn phòng TBT Bình Thuận xem xét về sự phù hợp của văn
bản với các yêu cầu của Hiệp định TBT và thông báo cho Văn phòng TBT Việt Nam
theo quy định;
b) Cung cấp tài liệu cần thiết cho Văn phòng TBT
Bình Thuận về những vấn đề quản lý của ngành về TBT;
c) Trực tiếp nhận và trả lời các thông tin liên
quan đến việc ban hành và áp dụng các văn bản pháp quy kỹ thuật, quy chuẩn kỹ
thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp của địa phương thuộc phạm vi quản lý của
ngành khi có yêu cầu chuyển đến từ Văn phòng TBT Bình Thuận, hoặc các tổ chức,
cá nhân trong và ngoài tỉnh hoặc gửi về Văn phòng TBT Bình Thuận các câu hỏi,
các đề nghị cung cấp tài liệu của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc ngành mình quản
lý về các văn bản pháp quy kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy trình
đánh giá sự phù hợp của các nước thành viên WTO có liên quan đến hoạt động của
mình.
3. Nhiệm vụ và quyền hạn của các tổ chức, cá
nhân khác có liên quan gồm:
Các tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền góp ý
dự thảo các văn bản pháp quy kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự
phù hợp của các nước thành viên WTO; hỏi hoặc đề nghị Văn phòng TBT Bình Thuận,
các Điểm TBT cung cấp tài liệu về các quy định kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy trình
đánh giá sự phù hợp của các nước thành viên WTO hoặc các vấn đề có liên quan đến
TBT.
Điều 5. Phối hợp giữa Văn
phòng TBT, các Điểm TBT và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan
1. Văn phòng TBT Bình Thuận là cơ quan duy nhất
của tỉnh thực hiện chức năng thông báo về hàng rào kỹ thuật trong thương mại đến
Văn phòng TBT Việt Nam. Các đầu mối TBT khác thực hiện chức năng này thông qua
Văn phòng TBT Bình Thuận.
2. Đối với chức năng hỏi đáp được thực hiện theo
nguyên tắc: Điểm TBT nào chịu trách nhiệm đối với vấn đề chuyên môn chứa đựng
trong nội dung câu hỏi sẽ có trách nhiệm trả lời hoặc phối hợp với Văn phòng
TBT Bình Thuận để cùng trả lời. Trong trường hợp không có khả năng trả lời, Đầu
mối TBT đó phải chuyển câu hỏi đến tổ chức thích hợp để xem xét trả lời.
3. Các Điểm TBT chịu trách nhiệm về thời gian và
tính chính xác chuyên môn chuyên ngành khi thực hiện các nhiệm vụ thông báo và
hỏi đáp đối với các vấn đề thuộc ngành mình quản lý.
4. Trong trường hợp vấn đề chuyên môn có liên
quan đến nhiều sở, ngành thì cơ quan chịu trách nhiệm chính đối với vấn đề
chuyên môn đó phải phối hợp với các sở, ngành khác có liên quan để xử lý vấn đề
đó trên cơ sở đồng thuận.
Trong trường hợp không đạt được sự đồng thuận đối
với vấn đề nêu trên thì đưa vấn đề đó lên Ban công tác liên ngành về TBT của tỉnh
lấy ý kiến và thống nhất đưa ra kết luận cuối cùng để làm cơ sở cho Văn phòng
TBT Bình Thuận hoặc Điểm TBT chịu trách nhiệm trực tiếp gửi trả lời cho bên
quan tâm.
5. Các Điểm TBT của tỉnh chịu trách nhiệm tiếp
nhận và xử lý những góp ý nhận được từ các cơ quan có liên quan, có trách nhiệm
cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đối với dự thảo văn bản quy phạm
pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật, và quy trình đánh giá hợp quy thuộc phạm vi quản
lý của ngành mình, đảm bảo các văn bản trên phù hợp với các nguyên tắc của Hiệp
định TBT.
Chương III
KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG
Điều 6. Kinh phí hoạt động
Kinh phí hoạt động của Văn phòng TBT Bình Thuận
được cân đối trong dự toán chi sự nghiệp khoa học và công nghệ hàng năm của tỉnh
và nguồn thu từ dịch vụ trả lời hỏi đáp về TBT theo quy định hiện hành (nếu
có).
Kinh phí hoạt động của các Điểm TBT được sử dụng
từ dự toán chi thường xuyên hàng năm đơn vị.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm giúp UBND tỉnh tổ chức
triển khai thực hiện Quy chế này trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, có trách nhiệm
xây dựng và hướng dẫn các đầu mối TBT thực hiện quy trình thông báo và hỏi đáp
về hàng rào kỹ thuật trong thương mại trên địa bàn tỉnh phù hợp với Quyết định
số 09/2006/QĐ-BKHCN ngày 04/5/2006 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban
hành Quy định về quy trình thông báo và hỏi đáp của mạng lưới Cơ quan Thông báo
và Điểm hỏi đáp của Việt Nam về hàng rào kỹ thuật trong thương mại và điều kiện
thực tế của tỉnh.
Điều 8. Các cơ quan quy định tại Điều 4 của Quy chế này và các tổ chức,
cá nhân có liên quan có trách nhiệm tổ chức thi hành các nghĩa vụ mà Hiệp định
TBT yêu cầu và theo quy định của Quy chế này.
Điều 9. Quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nếu có những nội
dung không phù hợp hoặc cần sửa đổi, bổ sung, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
tổng hợp những kiến nghị, đề xuất, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.