UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 718/QĐ-UBND
|
Vĩnh Long,
ngày 15 tháng 5 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG HỢP
TÁC QUỐC TẾ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ
ban nhân dân, ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 2214/QĐ-TTg, ngày
14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tăng cường hợp tác quốc tế
hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số;
Căn cứ Công văn số 297/UBDT-HTQT, ngày
31/3/2014 của Uỷ ban Dân tộc về việc triển khai Đề án Tăng cường hợp tác quốc tế
hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số,
Xét Tờ trình số 107/TTr-SNV ngày 06/5/2014 của
Trưởng ban Dân tộc tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thực hiện
Đề án Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng
bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Điều 2. Giao Trưởng ban Dân tộc Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các
sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã tổ chức thực hiện Kế hoạch
này.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng ban Dân tộc, thủ trưởng
các cơ quan, đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu
lực kể từ ngày ký./.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Thanh
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC QUỐC TẾ HỖ
TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 718/QĐ-UBND ngày 15/5/2014 của Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)
Thực hiện Quyết định số
2214/QĐ-TTg, ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tăng cường
hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu
số; và Công văn số 297/UBDT-HTQT, ngày 31/3/2014 của Uỷ ban Dân tộc về việc triển
khai Đề án Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng
bào dân tộc thiểu số,
Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế
hoạch triển khai thực hiện Đề án Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển
kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn như sau:
I. THỰC TRẠNG DÂN SỐ - DÂN TỘC TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH:
Vĩnh Long là một trong 13 tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu
Long có diện tích tự nhiên 1.457,2 km2 chiếm tỷ lệ 0,4% so với cả nước,
đất nông nghiệp 118.946 ha chiếm 80,2% diện tích tự nhiên. Trong đó diện tích đất
trồng cây hằng năm 76.230 ha, đất trồng cây lâu năm 42.221 ha.
Dân số toàn tỉnh 1.024.707 người,
chiếm 6,8% so với vùng và 1,4 % dân số cả nước. Vĩnh Long là tỉnh có cơ cấu đa
dân tộc với 20 thành phần dân tộc (Kinh, Tày, Thái, Mường, Khmer, Hoa, Nùng,
Hmông, Dao, Ê đê, Ba Na, Chăm, Cơ Ho, Hrê, Thổ, Khơ Mú, Tà Ôi, Chơ Ro, Hà Nhì,
Lào). Ngoài người Kinh, các dân tộc thiểu số có 26.915 người, nữ 13.895 chiếm
khoảng 2,7% dân số toàn tỉnh; trong đó người Khmer chiếm gần 2,1% dân số của tỉnh
(có 5.611 hộ với 21.820 người, nữ 10.429); người Hoa và các dân tộc khác chiếm
khoảng 0,6%, trong đó dân tộc Hoa có 1.445 hộ, 4.879 người, nữ 2.479; các dân tộc
khác là 216 người, nữ 104 (Nguồn: số liệu Tổng điều tra dân số ngày 01/4/2009).
Người Khmer sống tập trung ở 48 ấp,
11 xã, phường và 01 thị trấn thuộc 04 huyện Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm và thị
xã Bình Minh. Đời sống người Khmer còn khó khăn, hầu hết sống bằng nghề nông, một
bộ phận làm thuê mướn và làm ở các khu công nghiệp. Người Hoa sống tập trung ở
phường 1, thành phố Vĩnh Long, thị trấn Trà Ôn, huyện Trà Ôn, thị trấn Vũng
Liêm, huyện Vũng Liêm và thị trấn Cái Vồn, huyện Bình Minh.
Tổng số hộ nghèo dân tộc thiểu số
trên địa bàn tỉnh là 1.507 hộ, tỷ lệ 23,11%; hộ cận nghèo dân tộc thiểu số 819
hộ, tỷ lệ 12,56%.
II. MỤC TIÊU:
1.
Mục tiêu tổng quát:
-
Hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho vùng dân tộc
thiểu số.
- Đẩy mạnh giảm nghèo vùng dân tộc
thiểu số, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc; phát triển nguồn
nhân lực vùng dân tộc thiểu số; tăng cường số lượng, phát triển nguồn nhân lực
và đào tạo đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số; củng cố hệ thống chính trị
cơ sở và giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc.
2. Mục tiêu cụ thể:
- Nâng cao dân trí, phát triển
giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc; đảm bảo
100% có trường học kiên cố; 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường; phát triển
hệ thống trường Dân tộc nội trú cấp tỉnh và cấp huyện. Trong đó, xây dựng 2 Trường
Trung học cơ sở Dân tộc Nội trú liên huyện, địa điểm tại huyện Trà Ôn và thị xã
Bình Minh;
- Đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế, xã
hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất,
đẩy nhanh công tác xoá đói giảm nghèo.
- Xây dựng các phòng đọc sách ở
các điểm chùa Phật giáo Nam tông Khmer.
- Bảo tồn và phát huy bản sắc văn
hoá dân tộc; hỗ trợ đầu tư nhạc cụ (nhạc ngũ âm) và đào tạo nghệ nhân sử dụng
thành thạo nhạc cụ; trang bị mới 04 ghe ngo.
- Đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi
trường và đầu tư mở rộng, kéo dài đường ống nước ở các nhà máy nước tập trung.
- Nâng cao năng lực xây dựng chính
sách cho đội ngũ cán bộ liên quan đến công tác dân tộc.
III. ĐỐI TƯỢNG
VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN:
- Đối
tượng thu hút: Chính phủ các nước; các tổ chức quốc tế song phương, đa phương;
các tổ chức NGO và các cá nhân ở nước ngoài.
- Đối
tượng thụ hưởng: Vùng dân tộc thiểu số, trong đó ưu tiên các xã, ấp đặc biệt
khó khăn; hộ nghèo, cận nghèo và các dân tộc thiểu số ít người.
- Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2014 - 2020.
IV. NỘI DUNG KẾ HOẠCH:
1. Phát triển giáo dục,
đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí:
- Trên địa bàn tỉnh có 19 dân tộc sinh sống,
trong đó dân tộc thiểu số có 26.915 người. Năm học 2013 - 2014 số học sinh dân
tộc thiểu số đang học ở ba cấp là 3.581 em. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 01
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú cấp tỉnh, chỉ đào tạo học sinh từ trung học phổ
thông (cấp ba).
- Do nhu cầu và củng cố, phát triển mạng lưới,
quy mô các trường phổ thông dân tộc nội trú ở các huyện có đông đồng bào dân tộc
thiểu số sinh sống. Trong đó, có nhu cầu xây dựng 2 Trường Dân tộc nội trú liên
huyện, dự kiến địa điểm tại huyện Trà Ôn và thị xã Bình Minh. Tuyển học sinh
dân tộc thiểu số ở bậc trung học cơ sở.
- Kinh phí dự kiến đầu tư xây dựng 02 Trường Dân
tộc nội trú là 60.000 triệu đồng.
2. Phòng đọc sách ở các điểm
chùa Phật giáo Nam tông Khmer:
- Tỉnh có 13 chùa Phật giáo Nam tông
Khmer, năm 2013 số lượng sư sãi có 231 vị (có 01 vị Hòa thượng, 03 Thượng tọa,
94 vị Tỳ khưu và 133 sị Sa di). Có 13 Ban quản trị chùa với 91 thành viên. Chùa
Khmer luôn phát huy tốt vai trò là trung tâm văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu
số, củng cố cộng đồng, chỗ dựa tinh thần bền vững và là nơi để tổ chức lễ hội
truyền thống tôn giáo hay phong tục cổ truyền dân tộc đều diễn ra hầu hết ở
Chùa.
- Hiện tại các chùa Phật giáo Nam tông Khmer
chưa có hoặc đã xuống cấp trầm trọng ở các hạng mục Phòng đọc sách. Do đó, cần
hỗ trợ đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu cần thiết trong việc nâng cao dân
trí ở vùng dân tộc; cũng như trong việc tuyên truyền chủ trương chính sách của
Đảng, pháp luật của Nhà nước và nơi trưng bày văn hoá nghệ thuật, trang phục
truyền thống và là nơi sinh hoạt, tập hợp cộng đồng.
- Kinh phí dự kiến đầu tư xây dựng Phòng đọc
sách ở 13 chùa Phật giáo Nam tông Khmer: 13 chùa x 700 triệu đồng = 9.100 triệu
đồng.
3. Đầu tư cơ sở hạ tầng
kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số:
- Nhu cầu xây dựng 10km đường giao thông nông
thôn ở ấp Sóc Ruộng, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn. Kinh phí dự kiến 20.000 triệu đồng.
- Phòng học tập cộng đồng, dự kiến đầu tư xây dựng
ở địa điểm 13 chùa Phật giáo Nam tông Khmer: 13 x 1.000 triệu đồng = 13.000 triệu
đồng.
Tổng kinh phí dự kiến: 33.000 triệu đồng.
4. Đảm bảo nước sạch, vệ
sinh môi trường:
Hiện tại, ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu
số sinh sống đều được đầu tư công trình nhà máy nước tập trung. Tuy nhiên, vẫn
còn nhiều hộ dân chưa được hưởng lợi từ công trình nước, do đường ống chính của
nhà máy nước chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Hiện tại còn khoảng 2.148 hộ
có nhu cầu sử dụng nước sạch.
Tỉnh có nhu cầu mở rộng hệ thống đường ống nước
(ở huyện Tam Bình và huyện Trà ôn), với kinh phí dự kiến ban đầu từ 7.000 triệu
đồng.
5. Bảo tồn, phát triển văn hoá,
xã hội vùng dân tộc thiểu số:
- Phát triển toàn diện văn hoá dân tộc thiểu số;
chính sách giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hoá, tín ngưỡng
truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số.
- Hiện nay tỉnh có nhu cầu cần được đầu tư hỗ trợ
13 nhạc cụ (nhạc ngũ âm) và đào tạo nghệ nhân sử dụng thành thạo: 13 x 500 triệu
đồng = 6.500 triệu đồng.
- Đầu tư hỗ trợ và trang bị mới 04 ghe ngo cho
04 huyện, thị xã (Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm và thị xã Bình Minh) có đông đồng
bào dân tộc thiểu số sinh sống: 04 x 1.000 triệu đồng = 4.000 triệu đồng.
Tổng kinh phí thực hiện dự kiến 10.500 triệu đồng.
6. Nâng cao năng lực xây dựng
chính sách cho đội ngũ cán bộ liên quan đến công tác dân tộc:
Tổ chức tập huấn, đào tạo, thu hút và xây dựng
chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ công chức đang công tác trong lĩnh vực quản
lý nhà nước về công tác dân tộc.
Kinh phí dự kiến 10.000 triệu đồng.
V. TỔNG KINH PHÍ THỰC HIỆN KẾ
HOẠCH.
Kinh phí dự kiến: 129.600.000.000 đồng. (Một
trăm hai mươi chín tỷ sáu trăm triệu đồng).
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Giao Trưởng ban Dân tộc phối hợp với Sở Kế hoạch
và Đầu tư, Sở Tài chính, Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Liên hiệp các tổ chức
hữu nghị tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm và thị xã Bình
Minh tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch.
2. Trong quá trình thực hiện nếu gặp khó khăn,
các đơn vị phản ánh kịp thời về Ban Dân tộc để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân
dân tỉnh chỉ đạo giải quyết.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Đề án Tăng cường
hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu
số trên địa bàn tỉnh./.
BẢNG PHỤ LỤC
TT
|
Tên công trình/dự án
|
Kinh phí
(triệu đồng)
|
Địa điểm
(huyện, thị xã)
|
1
|
Trường Dân tộc nội trú liên huyện
|
30.000
|
Trà Ôn
|
2
|
Trường Dân tộc nội trú liên huyện, thị xã
|
30.000
|
Bình Minh
|
3
|
Phòng đọc sách ở 13 chùa Phật giáo Nam tông Khmer
|
9.100
|
Trà Ôn, Tam Bình, Bình Minh, Vũng Liêm
|
4
|
Phòng học tập cộng đồng ở 13 chùa Phật giáo Nam tông Khmer
|
13.000
|
Trà Ôn, Tam Bình, Bình Minh, Vũng Liêm
|
5
|
Mở rộng hệ thống đường ống nước
|
7.000
|
Tam Bình, Trà Ôn
|
6
|
Xây dựng đường giao thông nông thôn
|
20.000
|
Trà Ôn
|
7
|
Hỗ trợ mới 04 ghe ngo
|
4.000
|
Trà Ôn, Tam Bình, Bình Minh, Vũng Liêm
|
8
|
Nâng cao năng lực xây dựng chính sách cho đội ngũ cán bộ liên quan đến
công tác dân tộc
|
10.000
|
Trà Ôn, Tam Bình, Bình Minh, Vũng Liêm
|
9
|
Hỗ trợ mới 13 bộ nhạc cụ (nhạc ngũ âm)
|
6.500
|
Trà Ôn, Tam Bình, Bình Minh, Vũng Liêm
|
Tổng cộng
|
129.600
|
|