Quyết định 715/QĐ-KTNN năm 2016 về Đề cương kiểm toán chuyên đề Việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 do Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành

Số hiệu 715/QĐ-KTNN
Ngày ban hành 21/04/2016
Ngày có hiệu lực 21/04/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Kiểm toán Nhà nước
Người ký Đoàn Xuân Tiên
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Kế toán - Kiểm toán

KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 715/QĐ-KTNN

Hà Nội, ngày 21 tháng 4 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ CƯƠNG KIỂM TOÁN CHUYÊN ĐỀ VIỆC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN CƠ CẤU LẠI HỆ THỐNG CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Kiểm toán nhà nước 2015;

Căn cứ Quyết định số 1905/QĐ-KTNN ngày 29/12/2015 của Tổng Kiểm toán nhà nước về kế hoạch kiểm toán năm 2016 của Kiểm toán nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 1906/QĐ-KTNN ngày 29/12/2015 của Tổng Kiểm toán nhà nước về giao kế hoạch kiểm toán năm 2016 cho các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 350/QĐ-KTNN ngày 31/3/2015 của Tổng Kiểm toán nhà nước về ban hành Đề cương kiểm toán chuyên đề “ Việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015”;

Xét đề nghị của: Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề cương kiểm toán chuyên đề Việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 thay thế Đề cương kiểm toán chuyên đề “Việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” ban hành kèm theo Quyết định số 350/QĐ-KTNN ngày 31/3/2015 của Tổng Kiểm toán nhà nước.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Vụ trưởng Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Lãnh đạo KTNN;
- Văn phòng KTNN;
- KTNN chuyên ngành VII;
- Các vụ: TCCB, TH, PC, CĐ&KSCL;
- Thanh tra KTNN; TT KH&BDCB;
- Lưu: VT.

KT. TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
PHÓ TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC




Đoàn Xuân Tiên

 

ĐỀ CƯƠNG

KIỂM TOÁN CHUYÊN ĐỀ VIỆC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN CƠ CẤU LẠI HỆ THỐNG CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 715/QĐ-KTNN ngày 21/4/2016 của Tổng Kiểm toán Nhà nước)

PHẦN THỨ NHẤT

NHỮNG VẤN ĐỀ TỔNG QUAN VỀ CÔNG TÁC CƠ CẤU LẠI

I. TỔNG QUAN VỀ ĐỀ ÁN CƠ CẤU LẠI HỆ THỐNG CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG GIAI ĐOẠN 2011-2015 THEO QUYẾT ĐỊNH 254/QĐ-TTG NGÀY 01/03/2012 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

1. Mục tiêu và quan Điểm về cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng

1.1. Mục tiêu

Cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện hệ thống các tổ chức tín dụng để đến năm 2020 phát triển được hệ thống các tổ chức tín dụng đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình có khả năng cạnh tranh lớn hơn và dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế về hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế.

Trong giai đoạn 2011 - 2015, tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của các tổ chức tín dụng; cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng; nâng cao trật tự, kỷ cương và nguyên tắc thị trường trong hoạt động ngân hàng. Phấn đấu đến cuối năm 2015 hình thành được ít nhất 1 - 2 ngân hàng thương mại có quy mô và trình độ tương đương với các ngân hàng trong khu vực.

1.2. Quan Điểm cơ cấu lại

Thứ nhất, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và từng tổ chức tín dụng là một quá trình thường xuyên, liên tục nhằm khắc phục những khó khăn, yếu kém và chủ động đối phó với những thách thức để các tổ chức tín dụng không ngừng phát triển một cách an toàn, hiệu quả, vững chắc và đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Thứ hai, củng cố, phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng đa dạng về sở hữu, quy mô và loại hình phù hợp với đặc Điểm và trình độ phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Hệ thống các tổ chức tín dụng bao gồm các ngân hàng lớn, hoạt động lành mạnh đóng vai trò làm trụ cột trong hệ thống, có khả năng cạnh tranh trong khu vực, đồng thời có những ngân hàng vừa và nhỏ, tổ chức tín dụng phi ngân hàng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu dịch vụ ngân hàng của mọi tầng lớp trong xã hội. Nâng cao vai trò, vị trí chi phối, dẫn dắt thị trường của các tổ chức tín dụng Việt Nam, đặc biệt là bảo đảm các ngân hàng 100% vốn của Nhà nước và ngân hàng có cổ phần chi phối của Nhà nước (sau đây gọi chung là ngân hàng thương mại nhà nước) thật sự là lực lượng chủ lực, chủ đạo của hệ thống các tổ chức tín dụng, đồng thời có đủ năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Thứ ba, khuyến khích việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại các tổ chức tín dụng theo nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật. Để bảo đảm an toàn, ổn định của hệ thống, một số tổ chức tín dụng có mức độ rủi ro, nguy cơ mất an toàn cao sẽ được áp dụng các biện pháp xử lý đặc biệt theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, thực hiện cơ cấu lại toàn diện về tài chính, hoạt động, quản trị của các tổ chức tín dụng theo các hình thức, biện pháp và lộ trình thích hợp. Hình thức và biện pháp cơ cấu lại tổ chức tín dụng được áp dụng phù hợp với đặc Điểm cụ thể của từng tổ chức tín dụng.

[...]