Quyết định 7052/QĐ-BCT năm 2010 phê duyệt “Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên tuyến hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2025” do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 7052/QĐ-BCT
Ngày ban hành 31/12/2010
Ngày có hiệu lực 31/12/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Vũ Huy Hoàng
Lĩnh vực Thương mại

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7052/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT “QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG THƯƠNG MẠI TRÊN TUYẾN HÀNH LANG KINH TẾ LẠNG SƠN - HÀ NỘI - HẢI PHÒNG - QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020, CÓ XÉT ĐẾN NĂM 2025”

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Thông tư số 17/2010/TT-BCT ngày 05 tháng 05 năm 2010 của Bộ Công Thương Quy định về nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thương mại;
Căn cứ Quyết định số 1340/QĐ-BCT ngày 17 tháng 3 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt đề cương và dự toán “Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên tuyến hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh giai đoạn 2009 - 2020, có xét đến năm 2025”;
Xét tờ trình số 422/TTr-VNCTM ngày 03 tháng 12 năm 2010 của Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên tuyến hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2025” với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển

- Phát triển kết cấu hạ tầng thương mại tuyến hành lang kinh tế trên cơ sở khai thác và phát huy các lợi thế địa - kinh tế, các tiềm năng và nguồn lực của mỗi địa phương và của hai thị trường Việt Nam - Trung Quốc, thúc đẩy việc xây dựng khu mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN, đảm bảo phát triển kinh tế.

- Phân bố mạng lưới kết cấu hạ tầng thương mại trên tuyến hành lang kinh tế hợp lý và có trọng điểm, phù hợp với quy hoạch phát triển hành lang kinh tế, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của các ngành kinh tế.

- Phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên tuyến hành lang kinh tế phù hợp với nhu cầu sử dụng dịch vụ bán buôn, bán lẻ và các dịch vụ phụ trợ, phù hợp với quy mô giao dịch, dòng lưu chuyển hàng hóa, điều kiện giao thông vận tải.

- Phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên tuyến hành lang kinh tế bền vững và hiệu quả theo hướng đa dạng hóa các thành phần tham gia đầu tư; kết hợp truyền thống với hiện đại và tuân thủ các tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật đối với từng loại hình, tăng cường áp dụng các phương thức giao dịch hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng của các dịch vụ và thúc đẩy hiện đại hóa các ngành sản xuất.

- Phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên tuyến hành lang kinh tế đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái và giữ vững an ninh quốc gia.

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu chung

Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên tuyến hành lang nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho phát triển và hợp tác phát triển thương mại giữa các tỉnh/thành phố, giữa các doanh nghiệp dọc tuyến và doanh nghiệp nước thứ ba, đưa hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành điểm tăng trưởng mới của hợp tác kinh tế thương mại hai nước Việt Nam - Trung Quốc và đóng vai trò quan trọng trong hợp tác kinh tế thương mại ASEAN - Trung Quốc.

- Tạo ra sức hấp dẫn của tuyến hành lang để thu hút đầu tư, thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế - thương mại giữa các tỉnh của Việt Nam với tỉnh Quảng Tây và các tỉnh khác của Trung Quốc, các nước ASEAN, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng ngành thương mại.

- Xây dựng một cấu trúc hạ tầng thương mại hiện đại, tạo cơ sở phát huy vai trò của thương mại trong việc dẫn dắt các ngành sản xuất của các địa phương dọc tuyến và thu hút người lao động địa phương đặc biệt là nông dân và đồng bào miền núi tham gia vào hoạt động thương mại.

- Bảo đảm cho các dòng lưu chuyển hàng hóa ổn định; kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và nhu cầu tiêu dùng của các địa phương đọc tuyến, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, giảm nhập siêu, tiến tới cân bằng xuất - nhập khẩu cả nước.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Đến năm 2015, hoàn thành một cách cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại trên tuyến hành lang, trong đó tập trung đầu tư các khu thương mại và trung tâm bán buôn; công tác quản lý, khai thác các công trình hạ tầng thương mại đi vào nề nếp, xây dựng được môi trường cạnh tranh lành mạnh; thúc đẩy quá trình lưu thông và xuất nhập khẩu hàng hóa, góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn tuyến hành lang đạt tốc độ tăng bình quân 20%/năm; Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua tuyến hành lang đạt tốc độ tăng bình quân là 19%/năm; giá trị tăng thêm ngành thương mại trên toàn tuyến đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 11,2%/năm giai đoạn 2011-2015.

- Đến năm 2020, hoàn thành cơ bản việc xây dựng các công trình hạ tầng thương mại trên tuyến hành lang kinh tế theo quy hoạch, bao gồm các khu thương mại hoạt động theo mô hình khu thương mại tự do; trung tâm bán buôn, trung tâm trung chuyển hàng hóa và kho vận với đầy đủ các chức năng; chợ bán buôn nông sản, sở giao dịch hàng hóa; trung tâm mua sắm và các siêu thị tạo cơ sở đưa:

+ Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn tuyến hành lang kinh tế đạt tốc độ tăng bình quân 22%/năm giai đoạn 2016-2020;

+ Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên toàn tuyến hành lang đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 21%/năm.

+ Giá trị tăng thêm ngành thương mại trên toàn tuyến đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 13,4%/năm giai đoạn 2016-2020.

- Đến năm 2025, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại trên tuyến hành lang kinh tế có tính thống nhất, trình độ quản lý và kinh doanh hiện đại góp phần thúc đẩy tăng trưởng cao về lưu thông hàng hóa, dịch vụ.

3. Định hướng phát triển

3.1. Định hướng phát triển khu thương mại

Xây dựng các khu thương mại trở thành nơi hoạt động giao dịch, đàm phán thương mại, xuất - nhập khẩu hàng hóa, triển lãm hội chợ, các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, tư vấn, vui chơi - giải trí, ăn uống, khách sạn …

[...]