Quyết định 699/QĐ-LĐTBXH năm 2010 phê duyệt dự án Tăng cường kỹ năng nghề do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 699/QĐ-LĐTBXH
Ngày ban hành 07/06/2010
Ngày có hiệu lực 07/06/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Đàm Hữu Đắc
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 699/QĐ-LĐTBXH

Hà Nội, ngày 07 tháng 06 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DỰ ÁN TĂNG CƯỜNG KỸ NĂNG NGHỀ

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 9/11/2006 của Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009, Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ văn bản số 792/TTg-QHQT ngày 17/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục dự án “Tăng cường kỹ năng nghề”, vay vốn ADB;
Căn cứ văn bản số 2775/BKH-KTĐN ngày 28/4/2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc phê duyệt danh mục dự án “Tăng cường kỹ năng nghề”, vay vốn ADB;
Xét Tờ trình số 46/TTr-TCDN ngày 27/5/2010 của Tổng cục Dạy nghề về việc phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Tăng cường kỹ năng nghề vay vốn ODA của ADB (kèm theo hồ sơ);
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đầu tư dự án Tăng cường kỹ năng nghề với những nội dung sau:

1. Tên dự án: Tăng cường kỹ năng nghề

2. Nhà Tài trợ: Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

3. Cơ quan chủ quản: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

4. Chủ dự án/Cơ quan quản lý thực hiện dự án:

- Khoản vay từ nguồn ADF thông thường: Tổng cục Dạy nghề.

- Khoản vay từ nguồn ADF Hard term: Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

5. Thời gian thực hiện dự án: 05 năm (2010 - 2015).

6. Mục tiêu đầu tư:

- Mục tiêu dài hạn.

+ Dự án nhằm góp phần giảm thiểu thiếu hụt kỹ năng ở một số nghề trọng điểm.

- Mục tiêu ngắn hạn:

+ Xây dựng một số trường cao đẳng nghề (bao gồm cả dự kiến thí điểm đầu tư 01 nghề để đào tạo trình độ cao đẳng nghề ở một trường cao đẳng không nằm trong mạng lưới các cơ sở dạy nghề) để đào tạo công nhân có kỹ năng nghề cao hơn ở 15 nghề trọng điểm đầu tư trong dự án bao gồm: công nghệ ô tô, hàn, cắt gọt kim loại, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp, cơ điện tử, điều khiển tàu biển, khai thác máy tàu thủy, vận hành và sửa chữa thiết bị lạnh, quản trị mạng máy tính, quản trị cơ sở dữ liệu, lập trình máy tính, kỹ thuật chế biến món ăn, quản trị khách sạn.

+ Khu vực tư nhân và các doanh nghiệp tham gia xây dựng các khóa đào tạo để giải quyết các thiếu hụt kỹ năng.

+ Cơ cấu tổ chức mới được hình thành để thúc đẩy sự tham gia có hiệu quả của các ngành vào quản lý dạy nghề.

7. Nội dung dự án và kết quả dự án:

a) Nội dung cơ bản của dự án

Cấu phần 1: Cải thiện chất lượng và hiệu quả của dạy nghề

- Hệ thống đánh giá kỹ năng và cấp văn bằng chứng chỉ được thực hiện.

- Xây dựng các chương trình và giáo trình dạy nghề với sự tham gia của các ngành;

- Tiêu chuẩn nghề nghiệp của giáo viên dạy nghề được xây dựng;

- Hệ thống kiểm định chất lượng: Xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình kiểm định chất lượng chương trình đào tạo nghề, tổ chức đào tạo cho các kiểm định viên và cán bộ Tổng cục Dạy nghề, tiến hành kiểm định các cơ sở đào tạo và các chương trình đào tạo trong dự án;

- Xây dựng hệ thống thông tin dạy nghề (VTIS);

[...]