ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 682/QĐ-UBND
|
Hà Nam, ngày 11 tháng 05 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH HÀ NAM GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sử dụng năng lượng tiết
kiệm và hiệu quả ngày 28 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 21/2011/NĐ-CP
ngày 29 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành
Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công
Thương tại Tờ trình số 395/TTr-SCT ngày 05 tháng 5 năm 2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình sử dụng năng lượng tiết
kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016-2020 (sau đây gọi tắt
là Chương trình) với những nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu tổng
quát
- Triển khai Chương trình mục tiêu quốc
gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Hà Nam, góp
phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xã hội
bền vững.
- Nâng cao nhận thức của các tổ chức,
cá nhân về sử dụng năng lượng; tạo chuyển biến từ nhận thức sang hành động cụ
thể để sử dụng năng lượng tiết kiệm
và hiệu quả.
2. Mục tiêu cụ thể
- Phấn đấu tiết kiệm từ 5 ÷ 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu trên địa bàn tỉnh;
- Phổ biến và thúc đẩy sử dụng các
trang thiết bị hiệu suất cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ tiết kiệm năng lượng,
thay thế dần các trang thiết bị có hiệu suất thấp, tiến tới loại bỏ các trang
thiết bị có công nghệ lạc hậu. Nâng cao hiệu suất, phấn đấu giảm mức tiêu hao
năng lượng đối với một số nhóm ngành sử dụng nhiều năng lượng;
- Xây dựng mô hình quản lý sử dụng
năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để áp dụng vào thực tế cho các doanh nghiệp sử
dụng năng lượng trọng điểm trong giai đoạn 2016 - 2020 và
mở rộng áp dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh;
- Triển khai các giải pháp công nghệ
sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong chiếu sáng công cộng, áp dụng
chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng cho 100% công trình chiếu sáng
công cộng xây dựng mới và cải tạo lại;
- Áp dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng
cao chất lượng lưới điện phân phối, giảm tổn thất điện năng. Phấn đấu đến năm
2020, tổn thất điện năng còn dưới 4,8%;
- Thực hiện kiểm
soát, quản lý các dự án đầu tư sử dụng nhiều năng lượng, tài nguyên hoặc có khả
năng gây ô nhiễm môi trường.
3. Nhiệm vụ, giải
pháp
3.1. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao
nhận thức cho cộng đồng, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
a) Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên
truyền bằng các hình thức đa dạng đến các tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao nhận
thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
b) Thường xuyên cập nhật, giới thiệu
các mô hình, giải pháp, công nghệ tiết kiệm năng lượng, hệ thống quản lý năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm
và hiệu quả thông qua hội thảo, hội nghị tập huấn và trên các phương tiện thông
tin đại chúng...
3.2. Sử dụng công nghệ, trang thiết bị
tiết kiệm năng lượng, năng lượng mới, năng lượng tái tạo
a) Tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn
nâng cao năng lực tiếp nhận công nghệ tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp;
b) Phối hợp với các tổ chức, đơn vị
chuyên ngành trình diễn mô hình quản lý năng lượng, công nghệ sản xuất và các
loại sản phẩm tiết kiệm năng lượng;
c) Khuyến khích các tổ chức, cá nhân
đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất, ứng dụng các loại sản phẩm, thiết bị sử dụng năng
lượng mới, năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường.
3.3. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và
hiệu quả trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất
a) Hướng dẫn, kiểm tra các doanh nghiệp,
các cơ sở sản xuất trong việc xây dựng, thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng
tiết kiệm và hiệu quả, trong đó bố trí sản xuất hợp lý, đảm bảo sử dụng điện
đúng công suất và biểu đồ phụ tải đã đăng ký trong hợp đồng
mua bán điện;
b) Tổ chức các lớp tập huấn về quản
lý năng lượng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; phổ biến các tài liệu về quản
lý năng lượng, kiểm toán năng lượng; hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất
lập kế hoạch đầu tư nâng cấp, cải tiến, hợp lý hóa công nghệ sử dụng năng lượng
tiết kiệm, từng bước loại bỏ công nghệ lạc hậu, hiệu suất sử dụng năng lượng thấp;
c) Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ
sở sản xuất tiêu thụ nhiều điện năng sản xuất kinh doanh vào giờ thấp điểm.
d) Xây dựng mô hình quản lý sử dụng
năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý năng lượng
tại doanh nghiệp;
e) Yêu cầu các nhà đầu tư xây dựng mới,
mở rộng cơ sở sản xuất phải lắp đặt dây chuyền công nghệ tiên tiến, sử dụng
năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thân thiện với môi trường.
3.4. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và
hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp
a) Áp dụng các giải pháp tiết kiệm
năng lượng trong quy hoạch, tổ chức sản xuất nông nghiệp phải đảm bảo yêu cầu sử
dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
b) Xây dựng quy hoạch hệ thống thủy lợi
tối ưu; vận hành, khai thác hợp lý công suất tổ máy trong
các trạm bơm tưới, tiêu của hệ thống thủy lợi;
c) Hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình
chăn nuôi tập trung xây dựng hầm Biogas cung cấp năng lượng cho sinh hoạt.
3.5. Sử dụng năng lượng tiết kiện và
hiệu quả trong kinh doanh, dịch vụ
a) Thực hiện sử dụng năng lượng tiết
kiệm và hiệu quả trong hoạt động xây dựng, chiếu sáng, quản lý phương tiện, thiết
bị; hạn chế sử dụng thiết bị công suất lớn tiêu thụ nhiều điện năng, sử dụng điện
vào mục đích quảng cáo, trang trí vào giờ cao điểm;
b) Kiểm soát, duy tu, bảo dưỡng phương
tiện, thiết bị sử dụng năng lượng để giảm tổn thất năng lượng trong hoạt động dịch
vụ.
3.6. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và
hiệu quả trong hoạt động giao thông vận tải
a) Thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức
giao thông, duy trì đảm bảo trận tự an toàn giao thông theo hướng văn minh, hiện
đại góp phần giảm tiêu hao năng lượng và ô nhiễm môi trường;
b) Tham gia ứng dụng các mô hình sử dụng
nhiên liệu sinh học làm nhiên liệu thay thế xăng dầu đối với một số phương tiện
vận tải;
c) Khuyến khích tổ chức, cá nhân kinh
doanh vận tải ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành vận tải nhằm nâng cao
hiệu quả sử dụng năng lượng trong hoạt động vận tải.
3.7. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và
hiệu quả trong các công trình tòa nhà, cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước
và hộ gia đình
a) Các tòa nhà, công sở xây dựng mới
phải thiết kế tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên; sử dụng các thiết bị tiết kiệm
năng lượng; lắp đặt bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời;
b) Xây dựng mô hình quản lý và sử dụng
năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các tòa nhà;
c) Triển khai phát động "Hộ sử dụng
năng lượng tiết kiệm và hiệu quả" hoặc "Gia đình tiết kiệm điện"
trên địa bàn tỉnh;
d) Các cơ quan, công sở xây dựng kế
hoạch thay thế sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng và xây dựng nội quy sử
dụng điện trong cơ quan;
e) Khuyến khích lắp đặt, sử dụng các
thiết bị có dán nhãn tiết kiệm năng lượng trong hộ gia đình.
3.8. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và
hiệu quả trong chiếu sáng công cộng
a) Kiểm tra, đánh giá chế độ chiếu
sáng công cộng theo các tiêu chuẩn chiếu sáng hiện hành, đảm bảo nguyên tắc chiếu sáng hiệu quả, tiết kiệm;
b) Xây dựng kế hoạch và giải pháp tiết
kiệm điện trong hệ thống chiếu sáng đô thị; đầu tư sử dụng
thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao, thay thế bóng đèn và thiết bị chiếu sáng tiết
kiệm điện, từng bước nghiên cứu sử dụng thiết bị chiếu
sáng sử dụng năng lượng mặt trời;
c) Áp dụng hệ thống thiết bị điều khiển
tự động đóng cắt đảm bảo chiếu sáng hợp lý theo thời gian ban đêm cho các hệ thống
chiếu sáng công cộng.
d) Các khu đô thị, khu công nghiệp...xây
dựng kế hoạch dần thay thế đèn chiếu sáng có hiệu suất thấp bằng đèn tiết kiệm
điện.
3.9. Thực hiện các biện pháp giảm tổn
thất điện năng trong điều hành cung ứng điện:
a) Đẩy mạnh áp dụng công nghệ lưới điện
hiện đại, có năng suất lao động cao, đảm bảo chất lượng điện năng, độ tin cậy
cung cấp điện, giảm tỷ lệ tổn thất điện năng;
b) Hàng năm yêu cầu các doanh nghiệp
đăng ký biểu đồ phụ tải, nhu cầu sử dụng điện, từ đó xây dựng kế hoạch cung cấp
điện cho phù hợp, đảm bảo chất lượng điện cho các tổ chức,
cá nhân và doanh nghiệp sử dụng.
4. Kinh phí thực
hiện
Nguồn kinh phí được huy động từ các
nguồn: Ngân sách nhà nước thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ngân sách tỉnh,
vốn doanh nghiệp, vốn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn
kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
5. Tổ chức thực
hiện
5.1. Sở Công Thương
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành
liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố hướng dẫn, giám sát, kiểm tra
việc thực hiện Chương trình đảm bảo theo đúng yêu cầu và quy định của pháp luật.
- Góp ý kế hoạch thực hiện Chương
trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố; hướng dẫn các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất
lập kế hoạch chi tiết thực hiện Chương trình này;
- Tổ chức thông tin tuyên truyền về nội
dung Chương trình đã được phê duyệt đến các tổ chức, đơn vị liên quan và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu áp dụng các cơ chế
chính sách ưu đãi của nhà nước nhằm khuyến
khích ứng dụng công nghệ mới tiết kiện năng lượng, dự án thay thế thiết bị, đèn
chiếu sáng bằng chủng loại tiết kiệm
điện trên địa bàn tỉnh theo đề xuất của Sở, ngành, địa phương liên quan.
- Tổng hợp, báo cáo định kỳ hàng năm
về tình hình triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh gửi Bộ Công
Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan liên quan theo quy định. Trong quá
trình triển khai thực hiện Chương trình này, nếu có vướng
mắc, Sở Công Thương báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
5.2. Sở Tài chính chủ trì cùng Sở Kế
hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan cân đối, bố trí kinh phí
thực hiện Chương trình; hướng dẫn sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình theo
đúng các quy định hiện hành.
5.3. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với
các Sở, ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn, thông tin xây dựng tòa nhà tiết kiệm
năng lượng; giới thiệu các giải pháp trong xây dựng tòa nhà đảm bảo sử dụng
năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
5.4. Sở Thông tin và Truyền thông,
Báo Hà Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh chủ động phối hợp cùng Sở Công Thương, Công ty Điện lực Hà Nam tuyên truyền, phổ biến rộng
rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức về sử dụng
năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các đối tượng sử dụng năng lượng và nhân
dân.
5.5. Các Sở, ngành có liên quan: Căn
cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố trong quá trình thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm
và hiệu quả. Tổng hợp kết quả thực hiện Chương trình, định
kỳ hàng năm gửi báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Công Thương).
5.6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố: Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiết kiệm năng lượng theo thẩm quyền; xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình sử dụng năng lượng
tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn (gửi Sở Công Thương theo dõi); có trách nhiệm
chỉ đạo, kiểm tra triển khai thực hiện trong phạm vi quản lý của mình, tổng hợp
báo cáo định kỳ hàng năm tình hình thực hiện Chương trình gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Công Thương).
5.7. Công ty Điện lực Hà Nam
- Đáp ứng đầy đủ điện năng cho sản xuất
kinh doanh dịch vụ và sinh hoạt; đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện quản lý
nhu cầu điện năng phù hợp với khả năng cung cấp;
- Thực hiện các biện pháp kiểm tra,
kiểm soát và đầu tư, nâng cấp kịp thời nhằm giảm tổn thất điện năng khâu phân
phối và kinh doanh;
- Tuyên truyền và vận động sử dụng điện
tiết kiệm, hướng dẫn khách hàng sử dụng điện theo biểu đồ phụ tải tối ưu để hệ
thống điện vận hành hiệu quả; định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện
Chương trình gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Công Thương).
5.8. Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp
cung ứng và sử dụng năng lượng xây dựng kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và
hiệu quả gắn với kế hoạch sản xuất, kinh doanh; tích cực nghiên cứu áp dụng mô
hình quản lý, giải pháp tiết kiệm năng lượng; đầu tư đổi mới, cải tiến hợp lý
hóa dây chuyền công nghệ thực hiện Chương trình sử dụng
năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc
các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Giám đốc
Công ty Điện lực Hà Nam; các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Bộ Công Thương (để
b/c);
- TTTU, HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch,
các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- Báo Hà Nam, Đài phát Truyền
hình tỉnh;
- VPUB: LĐVP (3), các CV liên
quan;
- Lưu: VT, KT (T).
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm Sỹ Lợi
|