Quyết định 682/QĐ-UB năm 2003 phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2001-2010

Số hiệu 682/QĐ-UB
Ngày ban hành 12/03/2003
Ngày có hiệu lực 12/03/2003
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Văn Mễ
Lĩnh vực Thương mại

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 682/QĐ-UB

Huế, ngày 12 tháng 3 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT “QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ THỜI KỲ 2001-2010“

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 2l/6/1994;

- Cứ Quyết định số 1344/QĐ-UB ngày 14/6/2001 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt đề cương và dự toán dự án “Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2001-2010”;

- Căn cứ Công văn số 5307/TM/KHTK ngày 23/12/2002 của Bộ Thương mại về việc góp ý quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2010;

- Xét báo cáo tổng hợp “Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2001-2010” do Viện Nghiên cứu thương mại thực hiện tháng 4/2002;

- Xét đề nghị của Sở Thương mại tại Tờ trình số 41/KH-STM ngày 30/01/2003 và đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại tờ trình số 177/TH-SKH ngày 04/3/2003.

Điều I:

Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2001-2010 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Tên dự án:

Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2001-2010

2. Quan điểm, mục tiêu phát triển

2.1. Quan điểm phát triển

- Phát triển thương mại tỉnh Thừa Thiên Huế tương xứng với tiềm năng và khai thác tối đa lợi thế so sánh của các tiểu vùng trong toàn tỉnh. Phát triển thương mại trở thành đòn bẩy để phát triển các ngành sản xuất và dịch vụ khác, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lao động xã hội, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Phát triển thị trường Thừa Thiên Huế theo hướng mở cửa, gắn thị trường trong nước với thị trường ngoài nước, trước hết với thị trường vùng kinh tế trọng điểm Nam Trung Bộ, Bắc Bộ và cả nước nhằm tổ chức tốt lưu thông hàng hoá, kích thích tiêu dùng trong dân cư, đồng thời từng bước hội nhập với thị trường thế giới theo hướng đa phương hoá, đa dạng hoá các mối quan hệ hợp tác kinh tế thương mại.

- Phát triển thương mại tỉnh Thừa Thiên Huế trên cơ sở khơi dậy và phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh. Thương nghiệp quốc doanh giữ vai trò chủ đạo, định hướng mở rộng thị trường và mặt hàng kinh doanh góp phần ổn định thị trường và giá cả.

- Phát triển thương mại tỉnh Thừa Thiên Huế theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chú trọng tới hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, đồng thời đảm bảo yêu cầu xã hội như tạo thêm việc làm cho người lao động, ổn định cuộc sống của đồng bào các vùng khó khăn, bảo vệ tốt môi trường sinh thái, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

- Phát triển thương mại tỉnh Thừa Thiên Huế theo hướng hiện đại hoá và văn minh thương nghiệp, chú trọng đầu tư nâng cấp mạng lưới cơ sở vật chất kỹ thuật kinh doanh thương mại, lấy thị trường đô thị làm trọng tâm, hỗ trợ thúc đẩy thị trường nông thôn.

2.2. Mục tiêu phát triển

Phấn đấu đến năm 2010 đạt các mục tiêu chủ yếu sau:

- Phấn đấu đưa tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ xã hội và doanh thu dịch vụ tăng bình quân thời kỳ 2001-2010 từ 15-16%, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân thời kỳ 2001-2010 là 16-19%/năm, kim ngạch nhập khẩu tăng 16-19%/năm, phấn đấu đến năm 2010 đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 150-175 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu 95-120 triệu USD.

- Từng bước mở rộng và phát triển lưu thông hàng hoá trên thị trường của tỉnh và mở rộng thị trường ra các tỉnh lân cận cũng như thị trường ngoài nước. Phấn đấu đưa thị trường hoạt động ổn định, không để xảy ra các biến động lớn về giá cả và sự thiếu hụt các mặt hàng thiết yếu, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng với quy mô lớn, ổn định và có giá trị xuất khẩu cao.

- Phát triển thị trường thành thị theo hướng văn minh hiện đại, củng cố và mở rộng mạng lưới thương nghiệp dịch vụ ở thị trường nông thôn. Thông qua việc tổ chức tốt thị trường và lưu thông hàng hoá, làm cho thương nghiệp thực sự là đòn bẩy thúc đẩy sản xuất phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, góp phần chuyển dịch cơ cấu, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.

- Đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, coi hoạt động xuất nhập khẩu là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất và có ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Khai thác thị trường xuất khẩu theo hướng đa phương hoá, tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận với thị trường thế giới. Tổ chức nguồn hàng xuất khẩu mới, chú trọng xuất khẩu dịch vụ và xuất khẩu lao động.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại. Củng cố, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước theo hướng vừa chuyên môn hoá, vừa đa dạng hoá các lĩnh vực, các ngành kinh doanh phù hợp với nền thương mại hiện đại, đảm bảo thương nghiệp phải thực sự làm tốt chức năng hướng dẫn, vừa thúc đẩy quá trình sản xuất và tiêu dùng của dân cư, chú trọng đến các khu vực nhân dân có thu nhập thấp.

- Chú trọng đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất- kỹ thuật, từng bước hiện đại hoá phương tiện hoạt động, đáp ứng yêu cầu kinh doanh ở mức cao hơn với chi phí lưu thông thấp nhất. Bên cạnh các trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại, cần chú trọng phát triển hệ thống chợ, cửa hàng, nhất là chợ ở khu vực nông thôn.

- Nâng cao vai trò và hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại trên địa bàn nhằm thực hiện chức năng định hướng thị trường, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi chủ thể kinh doanh phát triển kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh theo kỷ cương, pháp luật.

[...]