Quyết định 681/QĐ-UBND năm 2024 về Đề án: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh Kon Tum (giai đoạn 2025-2030)

Số hiệu 681/QĐ-UBND
Ngày ban hành 18/10/2024
Ngày có hiệu lực 18/10/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Lê Ngọc Tuấn
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 681/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 18 tháng 10 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH ĐỀ ÁN: “NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TÁI HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG CHO NGƯỜI CHẤP HÀNH XONG ÁN PHẠT TÙ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM (GIAI ĐOẠN 2025-2030)”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Bộ Luật hình sự năm 2015; Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015; Luật Thi hành án hình sự năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng;

Căn cứ Kế hoạch số 3184/KH-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù cư trú trên địa bàn tỉnh Kon Tum;

Xét đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh tại Tờ trình số 4354/TTr-CAT-PC10 ngày 27 tháng 9 năm 2024.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2025-2030”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Giám đốc Công an tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3 (t/h);
- Bộ Công an (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh (đ/b);
- Báo Kon Tum;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- VP UBND tỉnh: CVP, các PCVP;
- Lưu: VT, NC.CNA.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Ngọc Tuấn

 

ĐỀ ÁN

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TÁI HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG CHO NGƯỜI CHẤP HÀNH XONG ÁN PHẠT TÙ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM (GIAI ĐOẠN 2025-2030)
(Kèm theo Quyết định số 681/QĐ-UBND ngày18 tháng10 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Đặc điểm tình hình, kết quả công tác tái hòa nhập cộng đồng

Qua gần 05 năm thực hiện Luật Thi hành án hình sự năm 2019, Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng (sau đây gọi tắt là Nghị định 49/2020/NĐ-CP) và các văn bản có liên quan; công tác bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực[1]. Luật Thi hành án hình sự năm 2019 được ban hành đã tạo hành lang pháp lý và thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật; mọi bản án và quyết định thi hành án của Tòa án nhân dân các cấp được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng và chấp hành nghiêm túc; đồng thời, từng bước cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghƿa Việt Nam trong giai đoạn mới; thể hiện tính nhân đạo, nhân văn, chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta trong phòng, chống tội phạm và xử lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ người phạm tội; định hướng nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm và ổn định cuộc sống cho người chấp hành xong án phạt tù, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác tái hòa nhập cộng đồng (sau đây gọi tắt là THNCĐ) và thực tiễn tại địa phương; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành văn bản để triển khai thực hiện[2]. Quá trình triển khai thực hiện, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được những kết quả quan trọng, tích cực như: hầu hết người chấp hành xong án phạt tù về địa phương thấy được lỗi lầm, được quan tâm quản lý, giáo dục, giúp đỡ xóa bỏ định kiến, mặc cảm, tự ti để tìm kiếm việc làm và ổn định cuộc sống, giải quyết được một phần gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác tái hòa nhập cộng đồng đã được nâng lên rõ rệt; các nội dung, biện pháp hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng đã đi vào trọng tâm, trọng điểm; trở thành phong trào sâu rộng, đều khắp từ cấp tỉnh đến cơ sở, nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác tái hòa nhập cộng được duy trì, nhân rộng; lực lượng Công an các cấp đã tích cực phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương triển khai thực hiện và cơ bản đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra[3].

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế, như:

- Cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm, vay vốn hoặc vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống còn nhiều hạn chế, chưa hiệu quả. Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có điều kiện làm việc, thu nhập ổn định còn e ngại, có tư tưởng định kiến, không an tâm khi tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc hoặc khi được giao theo dõi, quản lý, giúp đỡ.

- Kinh phí để thực hiện công tác bảo đảm THNCĐ còn hạn chế; chưa có quy định cụ thể về chế độ, chính sách hỗ trợ cho người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước được giao nhiệm vụ trực tiếp theo dõi, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tại cộng đồng; quy định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, đúng quy định.

- Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa làm hết chức năng, nhiệm vụ, còn e ngại tiếp xúc với người chấp hành xong án phạt tù nên việc thực hiện chỉ dừng lại ở mức độ phát động phong trào, còn nặng tính hình thức, chưa thực sự gần gǜi để tìm hiểu, động viên, hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của người chấp hành xong án phạt tù tại cộng đồng.

2. Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế

[...]