Chỉ thị 03/CT-UBND năm 2024 tăng cường chỉ đạo, thực hiện công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng do tỉnh Hải Dương ban hành

Số hiệu 03/CT-UBND
Ngày ban hành 28/06/2024
Ngày có hiệu lực 28/06/2024
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Hải Dương
Người ký Lưu Văn Bản
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự,Thủ tục Tố tụng

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/CT-UBND

Hải Dương, ngày 28 tháng 6 năm 2024

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO, THỰC HIỆN CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ TẠI CỘNG ĐỒNG VÀ TÁI HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG

Thực hiện Luật Thi hành án hình sự (THAHS) năm 2019, Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật THAHS về tái hòa nhập cộng đồng. Trong thời gian qua công tác thi hành án hình sự (THAHS) tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ) tại cộng đồng và đã được các cấp, các ngành chức năng quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện và có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng hiệu quả nâng cao, đảm bảo cho bản án, quyết định của Tòa án được thi hành nghiêm minh (tổng số người chấp hành án hình sự tại cộng đồng: năm 2022 là 2.068 người; năm 2023 là 2.052 người và người trong diện tái hòa nhập cộng đồng: năm 2022 là 2.272 người; năm 2023 là 2.370 người). Hạn chế được số người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và người tái hòa nhập cộng đồng vi phạm nghĩa vụ, vi phạm pháp luật và tái phạm tội góp phần bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được vẫn còn tồn tại, hạn chế như: (1)Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số sở, ban, ngành và UBND cấp huyện chưa kịp thời trong việc ban hành các văn bản triển khai thực hiện; chưa chỉ đạo, kiểm tra đối với UBND, Công an xã, phường, thị trấn trong việc thực hiện nhiêm vụ được quy định trong Luật THAHS. Công tác quản lý, giám sát, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành án hình sự tại cộng đồng, chưa có sự tham gia theo dõi của các ban, ngành, đoàn thể, quần chúng nhân dân; (2)Việc phổ biến giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật về THAHS tại cộng đồng và THNCĐ của một số sở, ban, ngành và UBND cấp huyện chưa kịp thời; việc người chấp hành án hình sự tại cộng đồng vi phạm nghĩa vụ, phạm tội mới, bỏ trốn còn xảy ra (năm 2022 chiếm 0.6%; năm 2023 chiếm 0.48%); tỷ lệ người THNCĐ vi phạm pháp luật và tái phạm tội (năm 2022 chiếm 3.0%; năm 2023 chiếm 2.8%); (3)Việc xây dựng và duy trì hoạt động của các mô hình tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành án phạt tù trở về địa phươnghiệu quả chưa cao, còn mang tính hình thức; (4)Việc bố trí kinh phí cho công tác THAHS tại cộng đồng và THNCĐ còn hạn chế; việc tổ chức dạy nghề, giải quyết việc làm, giúp đỡ người chấp hành án phạt tù THNCĐ của một số sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố chưa được nhiều; nhiều người THNCĐ không có việc làm.

Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, nâng cao hiệu quả công tác THAHS tại cộng đồng và THNCĐ trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về THAHS tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng

- Các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác THAHS tại cộng đồng và THNCĐ, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng để quan tâm, cảm hoá, giáo dục người lầm lỗi tại gia đình và cộng đồng dân cư, thường xuyên góp phần bảo đảm an ninh trật tự, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.

- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn và UBND các cấp trong thực hiện công tác THAHS tại cộng đồng và THNCĐ. Đẩy mạnh công tác thanh tra hoạt động khám, chữa bệnh, lập hồ sơ bệnh án, kết luận tình trạng bệnh đối với người phải chấp hành án phạt tù, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, vi phạm. Chú trọng các hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp, đào tạo nghề, vay vốn, tìm việc làm tạo thu nhập cho người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, giảm thiểu nguy cơ tái phạm tội.

2. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về THAHS tại cộng đồng và THNCĐ

- Các sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện phối hợp với các cơ quan thông tin và truyền thông, Báo, Đài phát thanh truyền hình, Công an các đơn vị tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về THAHS tại cộng đồng và THNCĐ cho cán bộ, công nhân viên chức thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình; đồng thời tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, những mô hình, điển hình thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người THAHS tại cộng đồng và THNCĐ đến từng gia đình, người chấp hành án hình sự tại cộng đồng, người tái hòa nhập cộng đồng hướng họ trở thành người công dân có ích cho xã hội.

- Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các cơ quan thông tin và truyền thông trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân tăng cường nội dung, thời lượng thông tin, tuyên truyền về công tác THAHS tại cộng đồng và THNCĐ trên các báo, tạp chí, ấn phẩm, chuyên đề, chương trình phát thanh, truyền hình, trang thông tin điện tử (website)…nhằm từng bước xoá bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, huy động sự tham gia tích cực, tự giác của toàn xã hội trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ người THAHS tại cộng đồng và THNCĐ.

3. Công an tỉnh

- Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương trong công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng theo quy định của Luật THAHS năm 2019; triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm, giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù được quy định tại Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật THAHS về tái hòa nhập cộng đồng, Kế hoạch số 1045/KH-UBND ngày 04/4/2019 của UBND tỉnh Hải Dương về thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 05/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 2597/KH-UBND ngày 21/7/2020 của UBND Hải Dương về triển khai thực hiện Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù; Thông tư

10/2024/TT-BCA ngày 15/3/2024 của Bộ Công an quy định về công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù của lực lượng Công an nhân dân. Tham mưu hướng dẫn việc triển khai xây dựng mô hình THNCĐ của các huyện, thị xã, thành phố.

- Tăng cường tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự, Công an các xã, phường, thị trấn và cán bộ của các cơ quan, đơn vị liên quan để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ và kỹ năng trong việc tổ chức quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và người chấp hành xong án phạt tù về địa phương.

- Chỉ đạo Cơ quan THAHS Công an tỉnh tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra định kỳ, đột xuất công tác THAHS tại cộng đồng và THNCĐ đối với Cơ quan THAHS Công an các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn.

- Chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị này, định kỳ tổng hợp, báo cáo Bộ Công an, UBND tỉnh để chỉ đạo.

4. Sở Tư pháp

- Thực hiện tốt việc cập nhật thông tin về tình hình án tích của người chấp hành xong hình phạt tù và thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan chức năng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, phù hợp để thực hiện có hiệu quả công tác THAHS tại cộng đồng và THNCĐ.

- Chủ động phối hợp với Tòa án, Công an, Cơ quan thi hành án dân sự trong việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, làm cơ sở xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích cho công dân, giúp những người có án tích được xóa án tích, thuận lợi hơn trong việc THNCĐ.

5. Cục Thi hành án dân sự tỉnh

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan thi hành án dân sự các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thi hành dứt điểm phần dân sự trong các bản án, quyết định hình sự của Tòa án theo quy định; đối với các trường hợp có đủ điều kiện miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật thì xem xét lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự theo quy định.

- Cung cấp thông tin, chuyển giao giấy tờ, tiền, tài sản, việc thu, nộp tiền, tài sản có liên quan đến người được thi hành án dân sự; phối hợp với Cơ quan THAHS Công an tỉnh và cơ quan liên quan trong thi hành án đối với pháp nhân thương mại.

- Chỉ đạo Chi cục thi hành án dân sự các huyện, thị xã, thành phố kịp thời cấp Giấy xác nhận kết quả thi hành án cho người phải thi hành án khi đã thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với Ban tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Nhà báo tỉnh, Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông, đặc biệt là Báo Hải Dương, Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Phát thanh cấp huyện, Đài Truyền thanh cấp xã trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền triển khai Chỉ thị này; tăng cường tin, bài, phóng sự tuyên truyền về công tác THAHS tại cộng đồng và THNCĐ, kết hợp lồng ghép với các nội dung, hình thức tuyên truyền khác cho phù hợp, thiết thực, hiệu quả.

7. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hải Dương

[...]