Quyết định 669/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Số hiệu 669/QĐ-UBND
Ngày ban hành 27/04/2018
Ngày có hiệu lực 27/04/2018
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Nguyễn Tăng Bính
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
QUẢNG NGÃI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 669/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 27 tháng 04 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP NĂM 2018

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm;

Căn cứ Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 21/3/2017 của Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới;

Căn cứ Quyết định số 219/QĐ-BNN-QLCL ngày 23/01/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018;

Căn cứ Kế hoạch số 42/KH-UBND ngày 19/3/2018 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi năm 2018;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1195/TTr-SNNPTNT ngày 23/4/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, như sau:

I. Mục tiêu

Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm; phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi và khai thác, nuôi trồng thủy sản; giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.

II. Chỉ tiêu cụ thể

- Đến cuối năm 2018, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm quy định về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong các loại sản phẩm thịt, thủy sản; ô nhiễm vi sinh trong thịt, thủy sản giảm 10% so với năm 2017.

- Nâng tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) (cơ sở xếp loại A, B) tăng 10% so với năm 2017.

III. Các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm

1. Công tác chỉ đạo, điều hành, hoàn thiện chế chính sách, pháp luật

- Ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN) và sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh.

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định công tác quản lý chất lượng VTNN và ATTP nông lâm thủy sản.

- Tham gia góp ý các văn bản Quy phạm pháp luật, các văn bản có liên quan trong công tác quản lý chất lượng VTNN và ATTP trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản.

2. Công tác truyền thông, thông tin về an toàn thực phẩm

- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chất lượng VTNN và ATTP nông lâm thủy sản, chú trọng tuyên truyền các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; cũng như các quy định về xử phạt hành chính, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về ATTP theo quy định của pháp luật; tuyên truyền việc không đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, không thực hiện sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm nguyên liệu có tạp chất.

- Chủ động phối hợp với cơ quan truyền thông cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, phản ánh đúng đắn công tác quản lý VTNN và bảo đảm ATTP; tăng cường truyền thông, quảng bá cho các cơ sở sản xuất kinh doanh VTNN chất lượng cao, thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn; công khai các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định của pháp luật về chất lượng VTNN và ATTP.

- Thông tin kịp thời, đầy đủ kết quả điều tra, truy xuất và xử lý các vụ việc vi phạm được thực hiện về an toàn nông, lâm, thủy sản.

- Cập nhật công khai kết quả phân loại A, B, C của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản.

3. Công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm

- Tổ chức lấy mẫu giám sát ATTP, tập trung vào thực phẩm tươi sống (rau, củ, quả, thịt, thủy sản) nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo và thanh tra, truy xuất, xử lý tận gốc các trường hợp nông sản, thủy sản thực phẩm không đảm bảo an toàn.

[...]