Quyết định 663/QĐ-UBND năm 2022 về Đề án Xây dựng và Phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu 663/QĐ-UBND
Ngày ban hành 05/04/2022
Ngày có hiệu lực 05/04/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Trần Anh Thư
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 663/QĐ-UBND

An Giang, ngày 05 tháng 4 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU GẠO TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2025 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương được Quốc hội thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội thông qua ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 21 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Thông báo số 125-TB/TU ngày 24 tháng 02 năm 2022 của Tỉnh ủy An Giang về việc Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Dự thảo Đề án “Xây dựng và Phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2023 và tầm nhìn đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 74/TTr-SCT ngày 23 tháng 3 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Đề án Xây dựng và Phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 (đính kèm).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ CT, Bộ NNPTNT, Bộ KHCN;
- TTTU, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Sở: CT, NNPTNT, KHCN, KHĐT, TC, TTTT;
- Trung tâm XTTMĐT tỉnh;
- Hội Nông dân tỉnh, LMHTX tỉnh;
- Cục Thuế tỉnh, Cục Thống kê;
- UBND các huyện, thị xã và thành phố;
- LĐ VP UBND tỉnh;
- Phòng: KTN, KTTH, HCTC;
- Lưu: VT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Anh Thư

 

ĐỀ ÁN

XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU GẠO TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2025 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 663/QĐ-UBND ngày 05 tháng 4 năm 2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)

PHẦN I

1. Sự cần thiết để xây dựng, ban hành Đề án

Việt Nam là một quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu đạt sản lượng 6,15 triệu tấn với kim ngạch 3,07 tỷ USD, vượt qua Thái Lan về sản lượng và xếp hàng thứ 2 trên thế giới, xếp sau Ấn Độ về xuất khẩu gạo (năm 2020, Ấn Độ xuất khẩu đạt 13 triệu tấn). Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 6,24 triệu tấn, đạt 3,29 tỷ USD, tăng 7,16% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.

- Trong những năm gần đây, gạo Việt Nam tham gia các kỳ thi đấu xảo gạo ngon nhất thế giới và đã đạt được thành tích khá tốt, như giống gạo Lộc Trời 1 - của Tập đoàn Lộc Trời-An Giang đã đạt TOP 3 gạo ngon nhất thế giới vào năm 2015; năm 2018, giống gạo Lộc Trời 28 (hay còn gọi là gạo Thiên Vương) đoạt giải nhất tại Hội nghị thương mại Gạo đại lục lần thứ 5 tại Trung Quốc, trong kỳ thi này, gạo Lộc Trời 28 của An Giang vượt qua gạo Hom Mali nổi tiếng của Thái Lan….

Tuy nhiên, theo đánh giá, sự thành công đó chỉ dừng lại ở một nội dung đơn lẻ của cuộc thi, của từng doanh nghiệp tham gia; vấn đề quản lý chất lượng, tổ chức sản xuất, quảng bá thương hiệu của địa phương còn hạn chế, dẫn đến phân tán nhiều nguồn lực trong vấn đề xúc tiến thương mại và chiến lược thị trường tiêu thụ gạo.

Việt Nam chúng ta cũng như tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) có thế mạnh về trồng lúa, nhiều tiến bộ khoa học được áp dụng cả trong khâu trồng trọt, canh tác lẫn chế biến, đóng gói xuất khẩu, tuy nhiên hệ thống lại để xây dựng thương hiệu thì đến nay vẫn chưa được bắt đầu, chỉ dừng lại thương hiệu của từng doanh nghiệp đơn lẻ như đã nêu.

An Giang, với thế mạnh là nông nghiệp, ngành hàng lúa gạo trong các năm qua đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế- xã hội địa phương, hàng năm sản lượng gạo chế biến của tỉnh đạt gần 2 triệu tấn, trong đó xuất khẩu khoảng 500.000 tấn, tuy nhiên vấn đề đồng bộ về tiêu chuẩn chất lượng còn hạn chế, lượng gạo tiêu thụ trong nước và xuất khẩu được đóng túi có thương hiệu còn ít. Ngoài ra, quy mô diện tích trồng lúa cũng như năng suất canh tác của tỉnh gần như đã tiệm cận với các điều kiện phát triển của tỉnh, vì vậy vấn đề thương hiệu, chất lượng được xem là công cụ đột phá mới nhằm tăng giá trị sản xuất, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng lúa gạo trong thời gian tới.

- Tên đề án: Đề án Xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Tỉnh An Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

- Cơ quan ban hành: Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang.

- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư.

- Cơ quan phối hợp: Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Thông tin- Truyền thông; Cục Thống kê; Cục Thuế; Hội Nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh; UBND huyện, thị, thành phố.

- Đơn vị tham gia thực hiện (đối tượng thụ hưởng): các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh lúa gạo, các hợp tác xã và các hộ nông dân trồng lúa.

[...]