CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA SỞ
THUỶ SẢN NGHỆ AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 65/2007/QĐ-UBND ngày 17/5/2007)
Chương I
CHỨC
NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA SỞ THUỶ SẢN
Điều 1. Vị trí, chức năng:
1. Sở Thuỷ sản
là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức
năng quản lý nhà nước về thuỷ sản thuộc địa phận tỉnh Nghệ An, bao gồm: nuôi
trồng, khai thác, chế biến, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản; các dịch
vụ thuỷ sản trong nội địa và trên biển (gọi chung là: lĩnh vực thủy sản).
2. Sở Thuỷ sản
thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên nghiệp của Bộ Thuỷ sản
3. Sở Thuỷ sản
chấp hành sự quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện về các hoạt động, tổ chức của
UBND tỉnh.
4. Tham mưu
giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp kinh doanh trên lĩnh
vực thuỷ sản theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn:
1. Trình UBND
tỉnh phê duyệt chiến lược, quy hoạch phát triển, kế hoạch dài hạn, 5 năm và
hàng năm; các chương trình, dự án, chính sách về hoạt động thuỷ sản trên địa bàn
tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các
địa phương và quy hoạch phát triển ngành thuỷ sản.
2. Trình UBND
tỉnh ban hành các quyết định, chỉ thị về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của
Sở Thuỷ sản theo quy định của pháp luật.
3. Ban hành
các văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền quản lý của Sở
Thuỷ sản.
4. Tổ chức
thực hiện; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra tổ chức thực hiện các chủ
trương, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật, các chiến lược, đề án, quy
hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển thuỷ sản đã được phê duyệt thuộc phạm
vi quản lý nhà nước của Sở; tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật
về thủy sản.
5. Lĩnh vực về
nuôi trồng thuỷ sản:
a) Quản lý
phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo quy hoạch và kế hoạch.
b) Quản lý và
thúc đẩy việc phát triển các nguồn giống và giống mới đảm bảo chất lượng, hướng
dẫn, chỉ đạo phát triển hệ thống các trại giống thuỷ sản, giám sát quản lý các
hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu giống thuỷ sản theo quy định và hướng dẫn
của Bộ Thuỷ sản.
c) Thực hiện
quản lý tiêu chuẩn, chất lượng, hướng dẫn việc sử dụng thức ăn nuôi trồng thuỷ
sản, thú y thuỷ sản, các loại vật tư, hoá chất, chế phẩm sinh học dùng trong
nuôi trồng thuỷ sản, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát và
quản lý sử dụng vật tư, hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm giữ vệ sinh
môi trường thuỷ sản theo tiêu chuẩn quy định. Tổ chức kiểm dịch động, thực vật
thủy sản và động vật lưỡng cư trên địa bàn tỉnh. Phối hợp xây dựng hệ thống
quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh thuỷ sản theo quy định của pháp luật.
d) Xây dựng
quy hoạch cơ sở hạ tầng phục vụ cho nuôi trồng thuỷ sản, thẩm định các dự án về
xây dựng hạ tầng thuỷ sản thuộc thẩm quyền.
6. Về lĩnh vực
khai thác thủy sản:
a) Quản lý các
hoạt động khai thác thuỷ sản trong nội địa và trên vùng biển của tỉnh phù hợp
với quy hoạch, kế hoạch, mùa vụ và các quy định của pháp luật liên quan đến
việc khai thác nguồn lợi thuỷ sản.
b) Quản lý ngư
trường, bãi cá được phân cấp. Cấp, thu hồi giấy phép khai thác thuỷ sản theo
quy định của pháp luật.
c) Quản lý các
nghề, phương tiện, ngư lưới cụ, mùa vụ khai thác thuỷ sản theo quy định, hướng
dẫn của Bộ Thuỷ sản.
d) Tổ chức chỉ
đạo việc thực hiện đăng ký, đăng kiểm, kiểm tra an toàn kỹ thuật các phương
tiện, thiết bị hoạt động nghề cá, thẩm định phê duyệt các hồ sơ thiết kế đóng
mới hoặc cải hoán tàu cá (được Bộ Thuỷ sản phân cấp).
7. Về chế biến
thương mại thuỷ sản:
a) Hướng dẫn,
giám sát, kiểm tra việc sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển lưu thông sản
phẩm thuỷ sản theo các tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
hàng hoá thuỷ sản (theo quy định của Bộ Thuỷ sản). Phối hợp với các cơ quan
chức năng cấp (thu hồi) giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn sản xuất, chế biến
thuỷ sản.
b) Chỉ đạo,
quản lý, kiểm tra việc xây dựng, phát triển các cơ sở chế biến thuỷ sản, nuôi
trồng thuỷ sản, cơ sở hạ tầng nghề cá theo quy hoạch và kế hoạch phát triển của
ngành và địa phương.
c) Cập nhật xử
lý, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân và các đơn vị
liên quan về các vấn đề thuộc chủ trương, chính sách quản lý và phát triển thuỷ
sản, về tình hình thị trường, hàng hoá thuỷ sản. Hướng dẫn, chỉ đạo xúc tiến các
hoạt động thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuỷ sản,
tìm kiếm thông tin thị trường, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản
trong và ngoài nước.
8. Về lĩnh vực
bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản:
a) Giám sát,
bảo vệ các loài thuỷ sản cần được bảo vệ, tái tạo theo danh mục Bộ Thuỷ sản quy
định, chỉ đạo thực hiện quy định và hướng dẫn của Bộ Thuỷ sản về các vùng, các
loài thuỷ sản cấm khai thác, hạn chế khai thác, cấm nhập hoặc xuất khẩu, các
biện pháp bảo vệ môi trường thuỷ sản.
b) Tham mưu
cho UBND tỉnh quy định cụ thể các vùng, các loài thuỷ sản cấm khai thác, hạn
chế khai thác.
c) Tổ chức
điều tra, nghiên cứu, đánh giá, quản lý, bảo vệ sự phát triển bền vững các
nguồn lợi thuỷ sản, xây dựng các khu bảo tồn nội địa, khu bảo tồn biển được Bộ
Thuỷ sản phân cấp thuộc địa phận tỉnh Nghệ An.
d) Tổ chức chỉ
đạo các hoạt động dập tắt dịch bệnh thuỷ sản và phục hồi môi trường sau khi dập
tắt dịch bệnh trình UBND tỉnh quyết định công bố hoặc bãi bỏ quyết định công bố
dịch bệnh thuỷ sản, kiểm tra điều kiện, thực hiện cấp và thu hồi chứng chỉ hành
nghề thú y thuỷ sản theo quy định của pháp luật.
9. Về dịch vụ
hậu cần thuỷ sản:
a) Quản lý,
phát triển cơ khí thuỷ sản và hệ thống cảng cá, bến cá theo quy hoạch đã được
phê duyệt.
b) Quản lý các
cơ sở, dịch vụ khai thác, chế biến, nuôi trồng thuỷ sản phù hợp với quy hoạch
và quy định của pháp luật.
10. Về công
tác khuyến ngư, ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực thuỷ sản.
a) Tổ chức chỉ
đạo thực hiện công tác khuyến ngư.
b) Tổ chức
nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, các tiến bộ kỹ thuật để phát triển
thuỷ sản, hướng dẫn, phổ biến thông tin về kỹ thuật, công nghệ nuôi trồng, đánh
bắt, chế biến, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, môi trường các hệ sinh
thái thuỷ sản.
11. Tổ chức
chỉ đạo, thẩm định, giám định, kiểm tra và thực hiện các dự án trong tỉnh và dự
án có vốn đầu tư nước ngoài về thuỷ sản thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh.
12. Quản lý và
chỉ đạo hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở, chỉ đạo, hướng dẫn,
kiểm tra nghiệp vụ chuyên môn đối với phòng thuỷ sản hoặc phòng có chức năng
quản lý thuỷ sản tại các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò.
Quản lý nhà
nước đối với hoạt động doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thuỷ
sản theo quy định của pháp luật.
13. Thực hiện
sự chỉ đạo của Bộ Thuỷ sản, UBND tỉnh và phối hợp với UBND các huyện, thành,
thị tổ chức thực hiện công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, an toàn
đi biển và bảo hộ lao động trong ngành thuỷ sản.
14. Thanh tra,
kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý các vi phạm pháp luật về thuỷ sản
theo thẩm quyền.
15. Quản lý tổ
chức bộ máy, biên chế, thực hiện các chế độ chính sách liên quan đến công tác
tổ chức cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên
chức nhà nước trong ngành thuỷ sản. Thực hiện cải cách hành chính trong ngành
thuỷ sản.
16. Quản lý
hành chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách được phân bổ theo
quy định của pháp luật. Thực hiện công tác thông tin, thống kê, tổng hợp, báo
cáo các cơ quan chức năng về công tác quản lý và tình hình hoạt động trong
ngành thuỷ sản.
17. Thực hiện
các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và sự phân công của UBND tỉnh.
Chương II
CƠ
CẤU, TỔ CHỨC, BIÊN CHẾ
Điều 3. Cơ cấu tổ chức
Lãnh đạo Sở:
Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc
Các phòng
chuyên môn nghiệp vụ:
1. Phòng Tổ
chức hành chính
2. Phòng Kế
hoạch tài chính
3. Phòng Quản
lý kỹ thuật
4. Phòng Quản
lý nghề cá.
Các đơn vị
trực thuộc:
1. Chi cục Bảo
vệ nguồn lợi thuỷ sản
2. Trung tâm Giống
thuỷ sản
3. Trung tâm
Khuyến ngư
4. Ban quản lý
Cảng cá
Điều 4. Biên chế
1. Căn cứ vào
khối lượng, tính chất, đặc điểm quản lý lĩnh vực thuỷ sản của địa phương, Giám
đốc Sở Thuỷ sản phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết
định biên chế hàng năm của Sở Thuỷ sản.
2. Việc bố trí
cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thuỷ sản do Giám đốc Sở quyết định, căn cứ
vào chức danh, tiêu chuẩn, cơ cấu ngạch công chức, viên chức của nhà nước, phù
hợp với trình độ năng lực và điều kiện thực tiễn của đơn vị.
3. Công tác
tuyển dụng, thuyên chuyển cán bộ, công chức của Sở thực hiện theo quy định hiện
hành của Nhà nước.
Điều 5. Chế độ làm việc, trách nhiệm
Thực hiện theo
chế độ thủ trưởng.
1. Giám đốc Sở:
a) Là người
đứng đầu, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ trưởng Bộ
Thuỷ sản và trước pháp luật về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở
và các công việc khác được phân công, uỷ quyển.
b) Có trách
nhiệm báo cáo với UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản về tổ chức,
hoạt động của cơ quan mình; xin ý kiến về những vấn đề vượt quá thẩm quyền và
báo cáo công tác trước HĐND và UBND tỉnh khi có yêu cầu.
2. Các Phó
Giám đốc: là người giúp Giám đốc, thực hiện nhiệm vụ do Giám đốc phân công, uỷ
quyền; giúp Giám đốc chỉ đạo một số mặt công tác và chịu trách nhiệm trước Giám
đốc Sở và trước pháp luật về các nhiệm vụ được phân công, uỷ quyền. Khi giám
đốc vắng mặt, một Phó Giám đốc được Giám đốc phân công, uỷ nhiệm điều hành các
hoạt động của cơ quan Sở Thuỷ sản hoặc phân công một Phó Giám đốc điều hành một
số hoạt động của cơ quan Sở.
3. Các Trưởng
phòng, Giám đốc các đơn vị trực thuộc:
Là người phụ
trách Phòng (đơn vị), chịu trách nhiệm trước Giám đốc và Phó Giám đốc Sở.
4. Các Phó
trưởng phòng, Phó Giám đốc các đơn vị:
Là người giúp
việc Trưởng phòng, Giám đốc đơn vị, chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng, Giám
đốc đơn vị, Giám đốc Sở, Phó Giám đốc Sở.
5. Các chuyên
viên, cán bộ Sở làm việc theo sự phân công của lãnh đạo Phòng (đơn vị) và lãnh
đạo Sở về nhiệm vụ được giao.
Chương III
TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6. Trách nhiệm thi hành:
1. Sở Thuỷ sản
phối hợp với Sở Nội vụ căn cứ nhiệm vụ cụ thể của Sở Thuỷ sản, xây dựng tiêu
chuẩn chức danh, cơ cấu tổ chức của từng phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc và
xác định số lượng biên chế hàng năm trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, đảm bảo
đáp ứng thực hiện các nhiệm vụ được giao.
2. Giao Giám
đốc Sở Thuỷ sản xây dựng quy chế hoạt động, quy định chức năng nhiệm vụ của các
phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc để thực hiện tốt bản quy định này.
Trong quá
trình thực hiện nếu có vấn đề cần bổ sung, sửa đổi cho phù hợp, Sở Thuỷ sản
phối hợp với Sở Nội vụ trình UBND tỉnh quyết định.