Quyết định 645/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Bình Thuận đến năm 2030

Số hiệu 645/QĐ-UBND
Ngày ban hành 15/03/2021
Ngày có hiệu lực 15/03/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Đức Hòa
Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 645/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 15 tháng 3 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030;

Căn cứ Kế hoạch số 4905/KH-UBND ngày 24 tháng 12 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ tỉnh Bình Thuận đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 194/TTr-SKHCN ngày 24 tháng 02 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Bình Thuận đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chương trình) với những nội dung sau đây:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Bình Thuận, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Đến năm 2025

- Bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm thực hiện công tác quản lý về quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả và quyền đối với giống cây trồng tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

- 100% các trường đại học, cao đẳng, tổ chức nghiên cứu trong tỉnh được tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.

- Tối thiểu 50% sản phẩm được công nhận là sản phẩm quốc gia, sản phẩm, dịch vụ lợi thế, chủ lực của tỉnh và sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ.

b) Đến năm 2030

- Số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 5%/năm.

- Số lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tăng trung bình 5%/năm.

- Số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu tăng trung bình 7%/năm.

- Số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 5%/năm.

- Số lượng đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả tăng trung bình 5%/năm.

- Tối thiểu 70% sản phẩm được công nhận là sản phẩm quốc gia, sản phẩm, dịch vụ lợi thế, chủ lực của tỉnh và sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ.

II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

1. Hình thành, tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội

[...]