Quyết định 642/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ nội tỉnh trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 642/QĐ-UBND
Ngày ban hành 14/03/2023
Ngày có hiệu lực 14/03/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Lê Anh Quân
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 642/QĐ-UBND

Hải Phòng, ngày 14 tháng 3 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KHẢ NĂNG TIẾP NHẬN NƯỚC THẢI, SỨC CHỊU TẢI CỦA NGUỒN NƯỚC SÔNG, HỒ NỘI TỈNH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG GIAI ĐOẠN 2021-2025

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 06 năm 2012;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;

Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 20/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số 65/2015/TT-BTNMT ngày 21/12/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;

Căn cứ Thông tư số 76/2017/TT-BTNMT ngày 29/12/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ;

Căn cứ Quyết định số 154/QĐ-TCMT ngày 15/02/2019 của Tổng cục môi trường về việc ban hành hướng dẫn kỹ thuật tính toán sức chịu tải nguồn nước sông;

Căn cứ các Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố: số 1295/QĐ-UBND ngày 25/5/2020 về việc phê duyệt Đề cương Đề án Đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ trên địa bàn thành phố Hải Phòng; số 3834/QĐ-UBND ngày 21/12/2020 về việc phê duyệt Dự toán kinh phí thực hiện Đề án; số 1137/QĐ-UBND ngày 20/4/2021 về việc phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện lập Đề án;

Căn cứ Công văn số 8485/TCMT-QLCL ngày 22/12/2022 của Tổng Cục Môi Trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ý kiến đối với kết quả Đề án Đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ trên địa bàn thành phố Hải Phòng”;

Căn cứ kết quả thẩm định của Hội đồng nghiệm thu kết quả Đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ trên địa hàn thành phố Hải Phòng được thành lập tại Quyết định số 3823/QĐ-UBND ngày 14/11/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 779/STNMT-TTr ngày 30/12/2022 và Công văn số 879/STNMT-KSTNN ngày 03/3/2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ nội tỉnh trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025, phục vụ công tác kiểm soát nguồn thải, xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt sông, hồ nội tỉnh có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường (Chi tiết tại Phụ lục 1, Phụ lục 2 kèm theo).

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Là đầu mối tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố quản lý tổng hợp danh mục các nguồn nước sông, hồ được đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải môi trường nước quy định tại Điều 1 Quyết định. Chủ trì tổng hợp, tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố xem xét quyết định cập nhật, điều chỉnh Danh mục trong trường hợp cần thiết để đảm bảo các quy định của pháp luật hiện hành.

b) Thông báo tới Ủy ban nhân dân các huyện, quận và các Sở, ban, ngành liên quan các khu vực môi trường nước mặt không còn khả năng chịu tải, tiếp nhận nước thải theo từng thông số ô nhiễm quy định tại Điều 1 Quyết định để phối hợp quản lý danh mục.

c) Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố không phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cấp giấy phép môi trường các dự án đầu tư mới, cấp đổi, cấp lại, điều chỉnh gia hạn các dự án có hoạt động xả nước thải trực tiếp vào môi trường nước mặt không còn khả năng chịu tải theo Điều 1 của Quyết định, trừ trường hợp chủ dự án đầu tư có phương án xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng nước mặt trước khi thải vào môi trường tiếp nhận hoặc có phương án tuần hoàn, tái sử dụng để không làm phát sinh thêm nước thải hoặc trường hợp dự án đầu tư xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi, cải thiện môi trường khu vực bị ô nhiễm.

d) Tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng ngừa và kiểm soát nguồn thải vào nguồn nước mặt; xác định mục tiêu, lộ trình giảm xả thải vào môi trường nước mặt không còn khả năng chịu tải; xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ nội tỉnh và các nguồn nước mặt khác trên địa bàn tỉnh có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường đảm bảo quy định hiện hành.

e) Chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về số liệu, tính đầy đủ, hợp lý, hợp pháp của hồ sơ, kết quả thẩm định Đề án.

2. Ủy ban nhân dân các quận, huyện:

a) Chủ trì quản lý danh mục các nguồn nước sông, hồ nội tỉnh được đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải môi trường nước trên địa bàn, theo ngành, lĩnh vực, đối tượng quản lý; Chủ động tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) xem xét quyết định cập nhật, điều chỉnh danh mục trong trường hợp cần thiết để đảm bảo các quy định của pháp luật hiện hành.

b) Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố hoặc chủ động quyết định không phê duyệt, cấp mới, cấp lại, cấp đổi, điều chỉnh gia hạn thời gian giấy phép môi trường các dự án đầu tư có hoạt động xả nước thải trực tiếp vào môi trường nước mặt không còn khả năng chịu tải theo Điều 1 của Quyết định trừ trường hợp chủ dự án đầu tư có phương án xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng nước mặt trước khi thải vào môi trường tiếp nhận hoặc có phương án tuần hoàn, tái sử dụng để không làm phát sinh thêm nước thải hoặc trường hợp dự án đầu tư xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi, cải thiện môi trường khu vực bị ô nhiễm theo phân cấp thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao.

c) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện kiểm soát nguồn ô nhiễm, quản lý các nguồn thải trên địa bàn. Chủ động xác định mục tiêu, lộ trình giảm xả thải vào môi trường nước mặt không còn khả năng chịu tải trên địa bàn, lĩnh vực, ngành, đối tượng quản lý. Thực hiện các giải pháp phòng ngừa phòng ngừa, cải tạo, xử lý ô nhiễm môi trường nước mặt trên địa bàn và theo ngành, lĩnh vực, đối tượng quản lý, đảm bảo thực hiện thành công chỉ tiêu về môi trường nước tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.

[...]