ỦY
BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
********
Số:
64/2007/QĐ-UBND
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
**************
TP.
Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 4 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA SỞ GIÁO DỤC VÀ
ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 166/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ quy định
trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 21/2004/TTLT-BGD&ĐT-BNV ngày 23 tháng 7 năm
2004 của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân quản lý Nhà
nước về giáo dục và đào tạo ở địa phương;
Căn cứ Quyết định số 4310/QĐ-UB-NCVX ngày 20 tháng 12 năm 1994 của Ủy ban nhân
dân thành phố Hồ Chí Minh về ban hành quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách
nhiệm quản lý Nhà nước của Sở, cơ quan ngang Sở thuộc Ủy ban nhân dân thành phố;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Công văn số 336/GDĐT-TC
ngày 15 tháng 02 năm 2007 và của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 259/TTr-SNV
ngày 02 tháng 4 năm 2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết
định này Quy chế tổ chức và hoạt động của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố.
Điều 2. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào
tạo thành phố có trách nhiệm tổ chức triển khai và thực hiện các nội dung, điều
khoản được phê duyệt tại Quy chế này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực
thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 4.
Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nội
vụ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng các Sở - ngành thành phố và Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH / THƯỜNG TRỰC
Nguyễn Thành Tài
|
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ HỒ
CHÍ MINH
(Kèm theo Quyết định số 64/2007/QĐ-UBND ngày 24 tháng 4 năm 2007 của Ủy ban
nhân dân thành phố)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Sở Giáo dục và Đào tạo là
cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, tham mưu và giúp Ủy ban
nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực giáo dục và
đào tạo (trừ đào tạo nghề) trên địa bàn thành phố, về các dịch vụ công thuộc phạm
vi quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo theo quy định của pháp luật và phân cấp của
Ủy ban nhân dân thành phố.
Sở Giáo dục và Đào tạo có tư cách pháp nhân, có con dấu
riêng, được cấp kinh phí hoạt động thường xuyên từ ngân sách và được mở tài khoản
tại Kho bạc Nhà nước để hoạt động theo quy định.
Trụ sở làm việc của Sở Giáo dục và Đào tạo đặt tại số 70 đường
Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2.
Sở Giáo dục và Đào tạo chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công
tác của Ủy ban nhân dân thành phố; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm
tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sở Giáo dục và Đào tạo
có trách nhiệm báo cáo các công tác của Sở đối với Ủy ban nhân dân thành phố và
Bộ Giáo dục và Đào tạo theo định kỳ hoặc khi được yêu cầu.
Chương 2:
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN
Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Giáo dục
và Đào tạo
1. Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các quyết định,
chỉ thị về quản lý lĩnh vực giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý của địa
phương và phân công của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chịu trách nhiệm về nội dung
các văn bản đã trình.
2. Xây dựng và trình Ủy ban nhân dân thành phố chương trình
quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm, các dự án phát triển giáo dục và đào tạo
phù hợp với quy hoạch, kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
Tổ chức thực hiện sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt.
3. Phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho Ủy ban
nhân dân thành phố quyết định về phân công, phân cấp hoặc ủy quyền quản lý giáo
dục, đào tạo cho Ủy ban nhân dân quận - huyện và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy
ban nhân dân thành phố theo quy định của pháp luật.
4. Tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm
về việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo, chương
trình, kế hoạch phát triển và giáo dục đào tạo ở thành phố; tuyên truyền phổ biến
giáo dục pháp luật và thông tin về giáo dục và đào tạo.
5. Về quản lý trường học:
a) Phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng và trình Ủy
ban nhân dân thành phố quy hoạch mạng lưới các trường trung học phổ thông,
trung học cơ sở, trường bổ túc văn hóa, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp hướng
nghiệp và các trung tâm giáo dục thường xuyên của thành phố.
b) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố mức thu học phí để
Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố quyết định theo quy
định của pháp luật; chịu trách nhiệm kiểm tra việc thu, chi học phí của các trường
học trên địa bàn thành phố.
c) Chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra và phát huy quyền tự chủ hoạt
động của các trường trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị sự nghiệp
khác theo quy định của pháp luật và theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân thành phố.
d) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các quy
định về thành lập, sáp nhập, chia tách, đình chỉ hoạt động, giải thể các trường
trung học cơ sở, tiểu học, mầm non; Hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân quận -
huyện, Ủy ban nhân dân phường - xã triển khai thực hiện sau khi được ban hành.
Giúp Ủy ban nhân dân thành phố quản lý Nhà nước về tổ chức và hoạt động các trường
đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và các cơ sở thuộc hệ thống giáo dục
quốc dân trên địa bàn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và phân công của
Ủy ban nhân dân thành phố.
e) Thẩm định và chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định các
đề án, hồ sơ thành lập, sáp nhập, chia tách, đình chỉ hoạt động, giải thể các
trường trung học phổ thông trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.
g) Quản lý, chỉ đạo công tác tuyển sinh, thi cử, xét duyệt,
cấp phát văn bằng, chứng chỉ theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo; cấp bằng
tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông.
h) Quản lý, chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện mục tiêu,
chương trình nội dung kế hoạch và các hoạt động giáo dục đối với các trường,
các cơ sở giáo dục đào tạo được Ủy ban nhân dân thành phố phân cấp ủy quyền cho
Sở quản lý theo điều lệ, quy chế, tiêu chuẩn, định mức và các quy định của
Nhà nước, của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
6. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định cấp
phép hoạt động cho các tổ chức dịch vụ du học tự túc trên địa bàn thành phố; chịu
trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của tổ chức này theo quy định của
pháp luật.
7. Quản lý cán bộ, công chức, viên chức thuộc ngành giáo dục
và đào tạo ở thành phố theo phân cấp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố. Tổ
chức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức,
viên chức ngành giáo dục thuộc thành phố quản lý.
8. Chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị sự nghiệp giáo dục trực thuộc
lập kế hoạch biên chế; tổng hợp và lập kế hoạch biên chế sự nghiệp giáo dục
toàn thành phố theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền quản lý biên chế.
9. Tổ chức, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện quy định
của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Kế toán trong việc lập và chấp hành dự toán,
kiểm tra quyết toán Nhà nước, thực hiện chế độ báo cáo kế toán, công khai tài
chính... theo quy định hiện hành. Tổ chức, tổng hợp việc lập dự toán thu, chi,
phương án phân bổ dự toán ngân sách và báo cáo quyết toán ngân sách toàn ngành
theo đúng pháp luật.
10. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố về chương trình,
biện pháp và tổ chức thực hiện cải cách hành chính Nhà nước thuộc lĩnh vực giáo
dục và đào tạo trên địa bàn thành phố; phối hợp với các cơ quan có liên quan
tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo thực hiện xã hội hóa hoạt động
giáo dục và đào tạo.
11. Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện về chuyên
môn, nghiệp vụ đối với Phòng Giáo dục, các trường, các cơ sở giáo dục và đào tạo
trực thuộc các Sở - ngành khác.
12. Chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành và Ủy ban nhân dân
quận - huyện tổ chức thực hiện công tác phổ cập giáo dục trên địa bàn thành phố.
13. Tổ chức ứng dụng các kinh nghiệm, thành tựu khoa học -
công nghệ tiên tiến trong giáo dục, tổng kết kinh nghiệm, sáng kiến của địa
phương; quản lý, chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ trong các trường,
các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở quản lý.
14. Hướng dẫn, chỉ đạo phong trào thi đua, xây dựng và nhân
điển hình tiên tiến trong lĩnh vực giáo dục đào tạo trên địa bàn thành phố.
15. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các quy
định về bảo quản, sử dụng tài sản và cơ sở vật chất trường học, công tác phát
hành sách giáo khoa, ấn phẩm giáo dục, thiết bị, thí nghiệm và các phương tiện
giáo dục khác; chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra thực hiện các quy định đó
sau khi đã ban hành.
16. Thực hiện hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo theo
quy định của pháp luật và phân công của Ủy ban nhân dân thành phố.
17. Thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật, giải quyết
khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý các vi phạm pháp luật về
các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Sở theo quy định của pháp luật.
18. Thực hiện những nhiệm vụ khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố
giao.
Chương 3:
TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ CHẾ ĐỘ
LÀM VIỆC
Điều 4. Tổ chức bộ máy của Sở Giáo dục và Đào
tạo gồm
1. Lãnh đạo Sở: Giám đốc và các Phó Giám đốc. Số lượng các
Phó Giám đốc do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định tùy theo tình hình thực tế.
Giám đốc Sở chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố
và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Sở.
Việc bổ nhiệm Giám đốc và các Phó Giám đốc Sở do Ủy ban
nhân dân thành phố quyết định theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ Giáo
dục và Đào tạo quy định và theo các quy định của Nhà nước về quản lý cán bộ.
2. Cơ cấu tổ chức của Sở Giáo dục và Đào tạo:
a) Văn phòng Sở.
b) Thanh tra Sở.
c) Các Phòng chuyên môn, nghiệp vụ:
- Phòng Giáo dục Mầm non.
- Phòng Giáo dục Tiểu học.
- Phòng Giáo dục Trung học
- Phòng Giáo dục chuyên nghiệp - Đào tạo bồi dưỡng giáo dục.
- Phòng Giáo dục Thường xuyên.
- Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục.
- Phòng Kế hoạch - Tài chính.
- Phòng Tổ chức - Cán bộ.
d) Các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trực thuộc (đính kèm
phụ lục danh sách các đơn vị trực thuộc).
Biên chế của Sở Giáo dục và Đào tạo do Ủy ban nhân dân
thành phố giao trong tổng chỉ tiêu biên chế hành chính, sự nghiệp của thành phố.
Điều 5. Chế độ làm việc
1. Sở Giáo dục và Đào tạo làm việc theo chế độ Thủ trưởng,
Giám đốc
Sở Giáo dục và Đào tạo là người quyết định, chỉ đạo, điều hành toàn bộ các mặt
hoạt động của Sở, sắp xếp tổ chức, bộ máy các phòng ban chuyên môn của Sở sau
khi có sự thỏa thuận của Giám đốc Sở Nội vụ thành phố.
2. Giúp Giám đốc theo dõi từng
lĩnh vực công tác có các Phó Giám đốc do Giám đốc phân công và chịu trách nhiệm
trước Giám đốc Sở, Ủy ban nhân dân thành phố về nhiệm vụ được phân công.
Chương 4:
CÁC MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 6. Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo
1. Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ
sự chỉ đạo, lãnh đạo của Bộ và sự hướng dẫn về nghiệp vụ, chuyên môn của các cơ
quan chuyên môn của Bộ, đảm bảo sự thống nhất của ngành trong cả nước và sự
phân cấp quản lý của Trung ương. Sở có trách nhiệm báo cáo tình hình hoạt động
và kế hoạch định kỳ hoặc đột xuất theo quy định của Bộ. Tham gia đầy đủ các cuộc
hội nghị do Bộ Giáo dục và Đào tạo triệu tập.
2. Về các chủ trương lớn của Bộ, Giám đốc Sở phải báo cáo
xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố để triển khai thực hiện. Các
chủ trương lớn của Ủy ban nhân dân thành phố có liên quan đến nghiệp vụ quản lý
ngành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phải báo cáo lên Bộ để Bộ có hướng dẫn
chỉ đạo về mặt chuyên môn, nghiệp vụ.
3. Trường hợp Bộ chưa nhất trí với chủ trương của Ủy ban nhân
dân thành phố hoặc những chủ trương quyết định của Bộ, Sở xét thấy không phù hợp
với tình hình thực tiễn của thành phố, Giám đốc Sở kịp thời báo cáo lãnh đạo Ủy
ban nhân dân thành phố và đề xuất kiến nghị cụ thể để Ủy ban nhân dân thành phố
làm việc với Bộ trưởng hoặc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Điều 7. Đối với Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân
dân thành phố
1. Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm báo cáo về những vấn
đề liên quan đến ngành giáo dục, đào tạo của thành phố cho Ủy ban nhân dân
thành phố và Hội đồng nhân dân thành phố, chuẩn bị các nội dung để trả lời chất
vấn, kiến nghị của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố những vấn đề liên quan
đến ngành Giáo dục và Đào tạo.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo chịu sự chỉ đạo của Ủy ban nhân
dân thành phố và sự kiểm tra, giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố đối với
các hoạt động quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo. Giám đốc Sở có trách nhiệm
báo cáo định kỳ, đột xuất tình hình và kế hoạch tổ chức hoạt động của Sở Giáo dục
và Đào tạo cho Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định; tham gia đầy đủ các cuộc
họp do Ủy ban nhân dân thành phố triệu tập, tổ chức và kiểm tra việc thực hiện
các quyết định, chỉ thị, công văn của Ủy ban nhân dân thành phố liên quan đến
cơ quan, đơn vị trong ngành giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố.
Các văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thi hành
quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố phải ban hành chậm nhất là 10 ngày kể
từ ngày nhận được văn bản của Ủy ban nhân dân thành phố. Nếu văn bản hướng dẫn
mang tính chất liên ngành, Sở Giáo dục và Đào tạo phải phối hợp các ngành liên
quan có văn bản hướng dẫn thời gian không quá 15 ngày, kể từ ngày nhận văn bản
của Ủy ban nhân dân thành phố.
3. Đối với những vấn đề
vượt quá thẩm quyền của Giám đốc Sở và những vấn đề đang được bàn bạc giữa các
Giám đốc Sở - ngành hoặc giữa Giám đốc Sở với Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận -
huyện chưa nhất trí, tùy theo tính chất và phạm vi vấn đề Giám đốc Sở báo cáo
lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố để xem xét, quyết định.
Điều 8. Đối với Sở - ngành thành phố
Mối quan hệ giữa các sở - ngành là quan hệ phối hợp và tạo
điều kiện cho nhau cùng thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý Nhà nước theo ngành,
lĩnh vực công tác và đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Ủy ban nhân dân thành
phố giao.
Khi giải quyết vấn đề thuộc thẩm quyền của Sở có liên quan
đến Sở - ngành khác, Sở chủ động bàn bạc, lấy ý kiến Thủ trưởng các Sở - ngành
đó (bằng văn bản). Nếu Sở - ngành được hỏi ý kiến sau 15 ngày (theo chế độ làm
việc) không trả lời thì coi như đã đồng ý với đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Điều 9. Đối với Ủy ban nhân dân các quận - huyện
1. Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các
quận - huyện thực hiện các nội dung quản lý Nhà nước về ngành lĩnh vực do Sở phụ
trách theo nội dung được phân cấp quản lý, tạo điều kiện để các quận - huyện
làm tốt trách nhiệm, nhiệm vụ của mình trong việc quản lý ngành, lĩnh vực công
tác trên địa bàn địa phương.
2. Chỉ đạo, hướng dẫn các quận - huyện về chuyên môn, nghiệp
vụ của ngành, lĩnh vực công tác do Sở quản lý.
Điều 10. Đối với các tổ chức Đảng, Đoàn thể
1. Đối với các Ban của
Thành ủy, Sở có mối quan hệ trực tiếp, thường xuyên báo cáo để thông qua đó tiếp
nhận những chủ trương, định hướng và chỉ đạo của Thành ủy, ý kiến của các Ban về
những vấn đề có liên quan đến nội dung hoạt động của Sở.
2. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong quá trình thực
hiện nhiệm vụ của Sở, tạo điều kiện cho các đoàn thể và Hội tham gia ý kiến với
Sở trong việc xây dựng chủ trương, chế độ chính sách có liên quan đến ngành.
3. Đối với những vấn đề lớn, có
liên quan đến đoàn thể quần chúng nào thì Giám đốc Sở phải mời tham gia hoặc hỏi
ý kiến (bằng văn bản) lãnh đạo của đoàn thể quần chúng đó trước khi trình Ủy
ban nhân dân thành phố.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Các đơn vị trực thuộc Sở
Giáo dục và Đào tạo phải quán triệt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Giáo
dục và Đào tạo đã được quy định trong Quy chế này để xây dựng các mối quan hệ tốt
và chịu sự quản lý Nhà nước của cấp trên Ngành Giáo dục và Đào tạo.
Điều 12.
Trong quá trình thực hiện, Quy chế tổ chức và hoạt động của Sở Giáo dục và Đào
tạo sẽ được Ủy ban nhân dân thành phố xem xét bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh cho
phù hợp thực tế theo đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo./.
PHỤ LỤC
CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
(Kèm theo Quyết định số 64/2007/QĐ-UBND ngày 24 tháng 4 năm 2007 của Ủy ban
nhân dân thành phố)
Khối Trung học phổ thông:
1. Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân.
2. Trung học phổ thông Trưng Vương.
3. Trung học phổ thông Giồng Ông Tố.
4. Trung học phổ thông Chuyên Trần Đại Nghĩa.
5. Trung học phổ thông Thủ Thiêm.
6. Trung học phổ thông Lê Quý Đôn.
7. Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai.
8. Trung học phổ thông Nguyễn Trãi.
9. Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Thọ.
10. Trung học phổ thông Hùng Vương.
11. Trung học phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong.
12. Trung học phổ thông Mạc Đĩnh Chi.
13. Trung học phổ thông Bình Phú
14. Trung học phổ thông Lê Thánh Tôn.
15. Trung học phổ thông Ngô Quyền.
16. Trung học phổ thông Tân Phong.
17. Trung học phổ thông Lương Văn Can.
18. Trung học phổ thông Ngô Gia Tự.
19. Trung học phổ thông Tạ Quang Bửu.
20. Trung học phổ thông Chuyên NK TDTT Nguyễn Thị Định.
21. Trung học phổ thông Nguyễn Huệ.
22. Trung học phổ thông Phước Long.
23. Trung học phổ thông Long Trường.
24. Trung học phổ thông Nguyễn Du.
25. Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến.
26. Trung học phổ thông Thạnh Lộc.
27. Trung học phổ thông Nguyễn Hiền.
28. Trung học phổ thông Võ Trường Toản.
29. Trung học phổ thông Trường Chinh.
30. Trung học phổ thông Nguyễn Thượng Hiền.
31. Trung học phổ thông Nguyễn Chí Thanh.
32. Trung học phổ thông Trần Phú.
33. Trung học phổ thông Tân Bình.
34. Trung học phổ thông Tây Thạnh
35. Trung học phổ thông Thanh Đa.
36. Trung học phổ thông Gia Định.
37. Trung học phổ thông Võ Thị Sáu.
38. Trung học phổ thông Phan Đăng Lưu.
39. Trung học phổ thông Phú Nhuận.
40. Trung học phổ thông Hàn Thuyên.
41. Trung học phổ thông Gò Vấp.
42. Trung học phổ thông Nguyễn Công Trứ.
43. Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo
44. Trung học phổ thông An Nhơn Tây.
45. Trung học phổ thông Củ Chi.
46. Trung học phổ thông Trung Phú.
47. Trung học phổ thông Quang Trung.
48. Trung học phổ thông Trung Lập.
49. Thiếu sinh quân
50. Trung học phổ thông Phú Hòa.
51. Trung học phổ thông Tân Thông Hội.
52. Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt.
53. Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Cầu.
54. Trung học phổ thông Bà Điểm.
55. Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ.
56. Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Tiến.
57. Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Huân.
58. Trung học phổ thông Thủ Đức.
59. Trung học phổ thông Tam Phú.
60. Trung học phổ thông Hiệp Bình
61. Trung học phổ thông An Lạc.
62. Trung học phổ thông Đa Phước.
63. Trung học phổ thông Bình Chánh.
64. Trung học phổ thông Lê Minh Xuân.
65. Trung học phổ thông Long Thới.
66. Trung học phổ thông Bình Khánh
67. Trung học phổ thông Cần Thạnh.
68. Trung học phổ thông Ten Lơ Man.
69. Trung học phổ thông Marie Curie.
70. Trung học phổ thông Trần Khai Nguyên
71. Trung học phổ thông Nam Sài Gòn.
72. Trung học phổ thông Quốc tế Việt Úc
73. Trung học phổ thông Nguyễn Thái Bình.
74. Trung học phổ thông Hoàng Hoa Thám.
75. Trung học phổ thông Nguyễn An Ninh
76. Trung học phổ thông Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
77. Trung học phổ thông Nguyễn Trung Trực.
Khối trực thuộc:
78. Trường Cao đẳng Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.
79. Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục.
80. Trường Cao đẳng Kinh tế.
81. Trường Cao đẳng kỹ thuật Lý Tự Trọng.
82. Trung học Sư phạm Mầm non.
83. Trung học KT và NV Phú Lâm.
84. Trung học KT và NV Nguyễn Hữu Cảnh.
85. Trung học KT và NV Nam Sài Gòn.
86. Trung học KT và NV Thủ Đức.
87. Trung tâm GDKTTH Lê Thị Hồng Gấm.
88. Trung học phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu.
89. Trung tâm NCGD trẻ khuyết tật.
90. Trung tâm GDTX Lê Quý Đôn.
91. Trung tâm GDTX Chu Văn An.
92. Trung tâm GDTX tiếng Hoa.
93. Trung tâm Thông tin và Chương trình Giáo
dục
94. Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học thành phố Hồ
Chí Minh
95. Trường Mầm non thành phố.
96. Trường Mầm non Thực hành 19/5.
97. Trường Mầm non Nam Sài Gòn
98. Báo Giáo dục TP. Hồ Chí Minh.
99. Công ty Sách - Thiết bị trường học.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH
PHỐ