Quyết định 6299/QĐ-BCT năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt Nam - Lào đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 6299/QĐ-BCT
Ngày ban hành 15/07/2014
Ngày có hiệu lực 15/07/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Vũ Huy Hoàng
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6299/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 15 tháng 07 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP, THƯƠNG MẠI TUYẾN BIÊN GIỚI VIỆT NAM - LÀO ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt Nam - Lào đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm phát triển

a) Phát triển công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt Nam - Lào với cơ cấu hợp lý, dựa trên cơ sở khai thác một cách hiệu quả các tiềm năng lợi thế về tài nguyên thiên nhiên (khoáng sản, lâm sản, thủy điện) và về thương mại (hệ thống các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ).

b) Phát triển công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt Nam - Lào dựa trên tổng hòa các mối liên kết và quan hệ hợp tác phát triển giữa các địa bàn tuyến biên giới, giữa tuyến biên giới với tuyến sau (trong nội địa) và giữa tuyến biên giới phía Việt Nam với tuyến biên giới phía Lào.

c) Phát triển công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt Nam - Lào trên cơ sở phát triển cơ sở sản xuất, kinh doanh có quy mô phù hợp, tốc độ tăng trưởng nhanh và hiệu quả, đóng góp trước hết và chủ yếu cho phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc sinh sống trên tuyến biên giới; từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương trên tuyến biên giới với mặt bằng kinh tế - xã hội chung của đất nước.

d) Phát triển công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt Nam - Lào kết hợp chặt chẽ với bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy du lịch, tăng cường giao lưu văn hóa và hợp tác quốc tế, phòng chống buôn lậu và bảo vệ môi trường sinh thái; góp phần xây dựng tuyến biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện và phát triển bền vững.

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu tổng quát

Phấn đấu đưa công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt Nam - Lào từ chỗ chậm phát triển, kém phát triển trở thành phát triển (giai đoạn đến năm 2020) và phát triển mạnh, làm nòng cốt trong các khu vực kinh tế động lực phát triển của địa phương (tầm nhìn đến năm 2030) với cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng hợp lý, phát huy cao độ các lợi thế so sánh về tài nguyên và thương mại; kết quả hoạt động của ngành công nghiệp, thương mại đóng góp tỷ trọng chủ yếu vào quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế của các địa phương trên tuyến biên giới.

2.2. Mục tiêu cụ thể

a) Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp toàn tuyến giai đoạn 2014 - 2020 đạt khoảng 17,5%/năm, trong đó, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản tăng 12,5%/năm, công nghiệp chế biến tăng 18%/năm và công nghiệp sản xuất, phân phối điện, nước tăng 19%/năm; giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tuyến biên giới tăng bình quân 17%/năm.

b) Tốc độ tăng trưởng bình quân tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn tuyến giai đoạn 2014-2020 đạt khoảng 21,5%/năm; kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào tăng bình quân 15%/năm, trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng 25%/năm, kim ngạch nhập khẩu tăng 8,7%/năm; giá trị tăng thêm của ngành thương mại tuyến biên giới tăng bình quân 18,5%/năm.

3. Định hướng phát triển

3.1. Ngành công nghiệp

a) Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản

- Đẩy mạnh hoạt động thăm dò, điều tra, khảo sát để lập bản đồ khoáng sản của tuyến, trong đó trọng tâm là các mỏ trữ lượng lớn và khoáng sản quý hiếm.

- Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác, bảo đảm tính hợp lý và ổn định của chuỗi giá trị: khai thác, sơ chế hoặc chế biến thô tại chỗ và cung ứng nguyên liệu, bán thành phẩm cho chế biến tinh ở các trung tâm công nghiệp. Hạn chế, tiến tới xóa bỏ việc khai thác và sơ chế để xuất khẩu khoáng sản thô. Ưu tiên khai thác các mỏ trữ lượng lớn, có điều kiện khai thác thuận lợi. Tăng cường hợp tác đầu tư, liên doanh liên kết qua biên giới với phía Lào trong khai thác, chế biến khoáng sản. Kết hợp khai thác, chế biến khoáng sản với bảo vệ môi trường và giữ gìn tài nguyên khác.

b) Công nghiệp chế biến nông lâm sản

- Tập trung phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế về tài nguyên, nguyên liệu, như công nghiệp chế biến nông-lâm sản, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng... Đồng thời, phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp mà địa bàn tuyến biên giới có nhu cầu lớn và đặc thù, như công nghiệp cơ khí chế tạo nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp, nghề rừng của đồng bào các dân tộc.

- Chú trọng phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp cùng lúc đáp ứng các nhu cầu: nhu cầu tại chỗ, nhu cầu của địa bàn khác trong nước và nhu cầu cho xuất khẩu, trước hết là xuất khẩu biên mậu với phía Lào. Gắn sản xuất với thị trường, đưa sản phẩm chế biến, chế tạo vào các chợ, trung tâm mua sắm, siêu thị trên địa bàn. Ưu tiên phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp được chế biến, chế tạo trong các cụm công nghiệp gần các cửa khẩu hoặc trong các khu kinh tế cửa khẩu.

c) Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng

[...]