THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 620/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 10
tháng 7 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN CƠ CẤU LẠI TẬP ĐOÀN BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG VIỆT
NAM GIAI ĐOẠN ĐẾN HẾT NĂM 2025
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015,
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức
Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất,
kinh doanh tại doanh nghiệp, ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 17 tháng 6 năm 2020; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư
công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật
Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật
Thi hành án dân sự ngày 11 tháng 01 năm 2022;
Căn cứ Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính
trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp
lần thứ tư;
Căn cứ Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2018 của
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban
Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 25/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Chính
phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 23/2022/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2022 của Chính
phủ về thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ
sở hữu tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
Căn cứ Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của
Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài
sản tại doanh nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2020 của
Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của
Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một
thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần;
Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10
năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng
vốn, tài sản tại doanh nghiệp và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP
ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015
của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn,
tài sản tại doanh nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02 tháng 7 năm 2021 của Thủ
tướng Chính phủ về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn
nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn
2021-2025;
Căn cứ Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập
đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025”;
Căn cứ Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có
vốn nhà nước giai đoạn 2022-2025;
Xét đề nghị của Ủy ban
Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tại các công văn: số 1689/TTr-UBLV ngày
15 tháng 8 năm 2023, số 1714/TTr-UBQLV ngày 16 tháng 8 năm 2023, số 2627/TTr-UBQLV
ngày 30 tháng 11 năm 2023, số 201/UBQLV-CNHT ngày 02 tháng 02 năm 2024, số 1062/TTr-UBQLV
ngày 30 tháng 5 năm 2024, số 1351/TTr-UBQLV ngày 25 tháng 6 năm 2024,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều
1. Phê duyệt “Đề án cơ cấu lại Tập đoàn
Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn đến hết năm 2025” (sau đây gọi
là Đề án) gồm các nội dung sau:
I. MỤC
TIÊU
- Xây dựng và phát triển
VNPT thành Tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, năng động, hiệu quả, hiện đại có
năng lực cạnh tranh ở trong nước và quốc tế; thực hiện tốt nhiệm vụ công ích;
góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
- Đến năm 2025, trở thành
Tập đoàn công nghệ lấy hạ tầng số, công nghệ số và dịch vụ số làm chủ đạo, sở hữu
và khai thác nền tảng, hạ tầng trụ cột của hạ tầng số quốc gia, là nhà sáng tạo
tiên phong nghiên cứu làm chủ công nghệ số và cung cấp hệ sinh thái số trong mọi
lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội, dựa trên thế mạnh về các nền tảng số, công
nghệ lõi và an toàn an ninh mạng.
- Tiên phong phát triển
và ứng dụng các công nghệ cốt lõi (ảo hóa hạ tầng, công nghệ điện toán đám mây,
AI/Big Data...) để chuyển đổi mô hình mạng lưới viễn thông - công nghệ thông
tin (CNTT) hướng tới việc cung cấp hạ tầng số, nền tảng cung cấp và kết nối hub
- gateway, thông minh hóa sản xuất các sản phẩm dịch vụ số cho nền kinh tế số,
chính phủ số và xã hội số.
- Áp dụng phương thức quản
trị hiện đại; rà soát, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; hoàn thiện hệ thống quy
trình, quy chế nội bộ, công khai, minh bạch thông tin, bộ máy tổ chức tinh gọn,
hiệu lực hiệu quả, sắp xếp lại nguồn nhân lực phù hợp với năng lực, trình độ, từng
cấp cán bộ, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nội bộ
và kiểm soát rủi ro; phát hiện sớm và kịp thời xử lý các tồn tại, yếu kém; tuân
thủ các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định của pháp luật.
- Phấn đấu tổng doanh thu
toàn Tập đoàn giai đoạn đến hết năm 2025 đạt 287.933 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà
nước toàn Tập đoàn giai đoạn đến hết năm 2025 đạt 26.046 tỷ đồng.
II. ĐỊNH
HƯỚNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP CƠ CẤU LẠI DOANH NGHIỆP GIAI ĐOẠN ĐẾN HẾT NĂM 2025
1.
Ngành nghề kinh doanh: Tiếp tục kinh doanh
những ngành, nghề kinh doanh được quy định tại Quyết định số 2129/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Phương án cơ cấu lại VNPT giai đoạn 2018-2020 theo quy định
của pháp luật và những ngành, nghề kinh doanh sau:
a) Ngành, nghề kinh doanh
chính:
- Cung ứng dịch vụ trung
gian thanh toán (dịch vụ cổng thanh toán điện tử; dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ;
dịch vụ Ví điện tử).
- Nghiên cứu khoa học và
phát triển công nghệ.
b) Ngành, nghề liên quan
phục vụ trực tiếp ngành, nghề kinh doanh chính:
- Truyền hình và cung cấp
chương trình thuê bao.
- Thương mại điện tử, đại
lý hàng hóa, bảo hiểm, đại lý xổ số thông qua cung ứng dịch vụ trung gian thanh
toán.
- Các dịch vụ liên quan đến
chuyển đổi số.
- Xuất bản các sản phẩm số
và phần mềm, chương trình.
2. Đổi mới
quản trị doanh nghiệp
a) Đẩy mạnh thực hiện cơ
cấu lại về quản trị doanh nghiệp, tập trung vào các nội dung sau:
- Hoàn thiện thể chế quản
lý;
- Kiện toàn tổ chức bộ
máy quản lý, điều hành;
- Đổi mới, nâng cao hiệu
quả công tác quản lý tài chính, kế toán;
- Quản lý sử dụng lao động
hiệu quả, cải cách cơ chế tiền lương;
- Phát triển và đào tạo nâng
cao chất lượng nguồn nhân lực;
- Đẩy mạnh ứng dụng công
nghệ hiện đại, kỹ thuật mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng
suất lao động trong toàn Tập đoàn; tăng cường công tác dự báo, quản trị rủi ro,
công nghệ thông tin và chuyển đổi số;
- Tăng cường công tác
thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ; phòng chống tham nhũng, lãng phí.
b) Áp dụng thông lệ quốc
tế trong việc đổi mới quản trị doanh nghiệp
- Tiếp tục phối hợp với
các Bộ, ngành để đề xuất hoàn thiện thể chế quản lý, cơ chế, chính sách theo hướng
tăng tính chủ động cho VNPT trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với cơ
chế thị trường và thông lệ quốc tế trong khung khổ quy định pháp luật.
- Đón đầu và ứng dụng xu
hướng chuyển đổi số trong công tác quản trị, điều hành; triển khai thành công
công tác chuyển đổi số của VNPT.
- Từng bước nghiên cứu,
áp dụng quản trị công ty trong doanh nghiệp nhà nước theo hướng dẫn của OECD và
tuân thủ chuẩn mực cao về thực hiện hoạt động kinh doanh có trách nhiệm.
- Xây dựng lộ trình và thực
hiện áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) theo quy định và hướng
dẫn của Bộ Tài chính.
- Tăng cường công tác dự
báo, các giải pháp quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế; áp dụng số hóa vào quản
trị rủi ro.
- Tạo môi trường làm việc
minh bạch, dân chủ, sáng tạo và phát triển; thay đổi mô hình quản trị nguồn
nhân lực theo hướng hiện đại, tối ưu hóa chi phí đầu tư vào tài sản cố định
CAPEX (Capital Expenditure), chi phí hoạt động OPEX (Operating Expenditure),
nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, giảm chi phí thông qua
thiết lập các bộ phận dùng chung (shared services), các trung tâm xuất sắc
(COE) trên địa bàn, trên toàn quốc...
3.
Phương án cơ cấu lại nhân sự, tổ chức bộ máy quản lý
- Tiếp tục rà soát, đánh
giá và sắp xếp lại nhân sự trong bộ máy điều hành để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu
và nâng cao hiệu quả công việc; thường xuyên đánh giá và có các giải pháp phù hợp
để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bố trí, sắp xếp, lao động tại VNPT phù hợp
với yêu cầu công việc trong tình hình mới.
- Chỉ đạo các đơn vị
thành viên cơ cấu lại nhân sự theo hướng tinh gọn, phù hợp chiến lược phát triển
và yêu cầu sản xuất kinh doanh phù hợp với cơ chế tiền lương gắn với hiệu quả sản
xuất kinh doanh và năng suất lao động; tăng cường phát triển, đào tạo đội ngũ
nhân lực, tỷ lệ lao động có đủ năng lực triển khai sản phẩm, dịch vụ số; xây dựng
đội ngũ chuyên gia theo tiêu chuẩn quốc tế với nhiều lĩnh vực như hạ tầng số, dịch
vụ số, viễn thông, kinh tế/quản lý...triển khai có hiệu quả các công cụ công nghệ
số hỗ trợ quản trị nguồn nhân lực.
- Hoàn thiện bộ máy quản
lý điều hành tại công ty mẹ và tại các đơn vị thành viên để có cấu trúc và quy
mô phù hợp với đặc điểm tình hình, nhu cầu công việc, đáp ứng tốt nhất yêu cầu
nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và Chiến lược phát triển của VNPT.
- Tập trung các đầu mối,
giảm trung gian trong việc xử lý, giải quyết công việc cũng như ra quyết định.
Phân rõ trách nhiệm của từng bộ phận, tránh chồng chéo trong công việc của các
Ban/Văn phòng.
- Đặt mục tiêu hiệu quả
trong xử lý, giải quyết công việc lên hàng đầu.
4. Định
hướng đầu tư đổi mới công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh
nghiệp
- Đầu tư phát triển và
thúc đẩy có tính trọng điểm việc ứng dụng các công nghệ cao, công nghệ mới như
5G, IoT, AI, Big Data, M2M... để làm cơ sở kinh doanh, tăng trưởng doanh thu hạ
tầng số, dịch vụ số phù hợp với chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất kinh
doanh và đầu tư phát triển 5 năm.
- Tham gia cung cấp môi
trường số, kết nối số, tương tác và giao dịch số cho các tổ chức doanh nghiệp;
tiếp tục phát triển hợp tác, hỗ trợ các Tập đoàn, Tổng công ty, cộng đồng doanh
nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình triển khai chuyển đổi số, chuyển sang kinh
doanh trên môi trường số, môi trường ảo.
5. Kế hoạch
sắp xếp Công ty mẹ, các đơn vị thành viên của VNPT đến hết năm 2025
a) Công ty mẹ - VNPT và
các đơn vị hạch toán phụ thuộc, gồm:
- Tiếp tục duy trì Công
ty mẹ - VNPT là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ
100% vốn điều lệ.
- Sắp xếp, tổ chức lại
các đơn vị hạch toán phụ thuộc như sau:
+ Sắp xếp, tổ chức lại
Chi nhánh VNPT tại 63 VNPT tỉnh, thành phố theo hướng tinh gọn, kinh doanh có
hiệu quả.
+ Tổ chức lại Trung tâm Bồi
dưỡng Nghiệp vụ III thành Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực.
- Tiếp tục duy trì Bệnh
viện Bưu điện, Bệnh viện Đa khoa Bưu điện là các đơn vị sự nghiệp trực thuộc
Công ty mẹ - VNPT.
b) Danh mục doanh nghiệp
do VNPT tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ:
- Công ty TNHH một thành
viên Cáp quang (FOCAL).
c) Danh mục doanh nghiệp do
VNPT tiếp tục nắm giữ trên 50% vốn điều lệ:
- Công ty cổ phần Công
nghệ Công nghiệp Bưu chính Viễn thông (VNPT Technology);
- Công ty cổ phần Dịch vụ
số liệu Toàn cầu (GDS);
- Công ty cổ phần Truyền
thông Quảng cáo đa phương tiện (SMJ);
- Công ty cổ phần Vật tư
Bưu điện (POTMASCO).
d) Danh mục doanh nghiệp
do VNPT tiếp tục nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ:
- Công ty ACASIA (ACASIA
COMMUNICATIONS SDN BHD tại Malaysia);
- Công ty ATH (ASEAN
TELEKOM HOLDINGS SDN BHD tại Malaysia);
- Công ty TNHH VNPT
Global HK;
- Công ty cổ phần Cáp
quang Việt Nam (VINA - OFC);
- Công ty cổ phần Dịch vụ
Viễn thông và in Bưu điện (PTP);
- Công ty cổ phần Truyền
thông những Trang vàng Việt Nam (VNYP);
- Công ty cổ phần Đầu tư
Phát triển Công nghệ và Truyền thông (NEO).
- Công ty cổ phần Quản lý
và Khai thác Tòa nhà VNPT (PMC);
- Công ty cổ phần Thanh
toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS);
- Công ty TNHH VKX (VKX);
- Công ty cổ phần Công
nghệ VFT (VFT);
- Công ty cổ phần HACISCO
(HACISCO);
- Công ty cổ phần Điện nhẹ
Viễn thông (LTC);
- Công ty cổ phần Xây lắp
và Phát triển Bưu điện Gia Lai (GPT);
- Công ty cổ phần dịch vụ
Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT);
- Công ty cổ phần Tư vấn
- Đầu tư và Phát triển Bưu điện Hà Nội (HADIC);
- Công ty cổ phần Xây lắp
và Dịch vụ Bưu điện Cà Mau (CTAS-JSC);
- Công ty cổ phần CADICO
(CADICO);
- Công ty cổ phần Viễn
thông TELVINA Việt Nam (TELVINA);
- Công ty cổ phần Dịch vụ
Kỹ thuật Viễn thông (TST);
- Công ty cổ phần
COKYVINA (COKYVINA);
- Công ty cổ phần KASATI
(KASATI);
- Công ty cổ phần Thiết bị
Bưu điện (POSTEF);
đ) Danh mục doanh nghiệp
VNPT thoái vốn (tỷ lệ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ hoặc thoái toàn bộ vốn góp):
- Công ty cổ phần Hạ tầng
và Dịch vụ Việt Nam (VNISCO);
- Liên doanh Cáp đồng Lào
- Việt (LVCC);
- Công ty TNHH Sản xuất Thiết
bị Viễn thông (TELEQ);
- Công ty cổ phần Dịch vụ
Thương mại và Xây lắp Viễn thông Đà Lạt (DTC);
- Công ty cổ phần Phát
triển Viễn thông Bắc Miền Trung (CTD);
- Công ty cổ phần Xây lắp
Bưu điện Hải Phòng (HPPC);
- Quỹ đầu tư chứng khoán
Sài Gòn A2 (SFA2);
- Công ty cổ phần Xây lắp
Bưu điện Miền Trung (CTC);
- Công ty cổ phần Đầu tư
- Xây dựng Viễn thông Đồng Tháp (DTC);
- Ngân hàng TMCP Hàng hải
Việt Nam (MSB);
- Công ty cổ phần Vật liệu
Xây dựng Bưu điện (PCM);
- Công ty cổ phần Đầu tư
Xây dựng Bưu chính Viễn thông Vũng Tàu (VPC);
- Công ty cổ phần Đầu tư
xây dựng và Phát triển hạ tầng Viễn thông (QTC);
- Công ty cổ phần Dịch vụ
Xây dựng Công trình Bưu điện (PTCO);
- Công ty cổ phần Xây lắp
và Dịch vụ Bưu điện Kiên Giang (KAS);
- Công ty cổ phần Thiết kế
Viễn thông Tin học Đà Nẵng (DNTD);
- Công ty cổ phần VINACAP
KIM LONG (VINACAP KIM LONG);
- Công ty Cổ phần Khách sạn
Bưu điện Nha Trang (PTHOTEL);
- Công ty cổ phần Các hệ
thống viễn thông VINECO (VINECO);
- Công ty cổ phần Viễn
thông VTC (VTC);
- Công ty Stream Net tại
Myanmar (STREAM NET);
- Công ty cổ phần Phát
triển Dịch vụ Học tập và Giải trí trực tuyến (NET2E);
- Công ty cổ phần Thanh
toán điện tử VNPT (VNPT EPAY);
- Công ty cổ phần Công
nghệ và Truyền thông Việt Nam (VNTT);
- Công ty cổ phần Viễn
thông - Tin học Bưu điện (CTIN);
- Công ty cổ phần Truyền
thông VMG (VMG).
e) Doanh nghiệp khác có vốn
góp của VNPT:
- Tổng công ty Dịch vụ Viễn
thông (VNPT-Vinaphone) và Tổng công ty Truyền thông (VNPT-Media): VNPT thực hiện
sắp xếp theo đề án riêng (định hướng sáp nhập theo quy định của pháp luật) theo
phê duyệt của cấp thẩm quyền.
6. Lộ
trình thực hiện đến hết năm 2025:
- Tập trung tổ chức lại
hoạt động sản xuất kinh doanh để (đến hết năm 2025) giải quyết các vướng mắc, tồn
tại (nếu có) của VNPT và các đơn vị thành viên; đẩy mạnh công tác thoái vốn.
- Các doanh nghiệp thành
viên có mô hình tổ chức tinh gọn, có tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động
hiệu quả, có trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại tương đương với các
nước trong khu vực, đáp ứng đầy đủ chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp;
hình thành đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, có trình độ cao, phẩm chất đạo đức tốt.
- Củng cố, phát triển một
số doanh nghiệp thành viên có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh
tranh trong khu vực và quốc tế trong các lĩnh vực kinh doanh chính của VNPT.
III. TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
Các Bộ, cơ quan có liên
quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc, giám sát việc thực
hiện các nội dung được phê duyệt trong Đề án, cụ thể như sau:
1. Ủy ban Quản lý vốn nhà
nước tại doanh nghiệp
a) Chỉ đạo VNPT thực hiện
Đề án; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ
quan thanh tra, kiểm tra các nội dung báo cáo, đề xuất. Kịp thời xử lý những vướng
mắc phát sinh; trong trường hợp không thực hiện được do điều kiện khách quan,
chủ động rà soát, kiến nghị điều chỉnh Quyết định này phù hợp với quy định của
pháp luật để báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, có văn bản chỉ đạo.
b) Trong Quý III năm
2024, phê duyệt hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt phương án sắp
xếp lại Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông và Tổng công ty Truyền thông báo đảm
phù hợp với quy định pháp luật (định hướng sáp nhập vào Công ty mẹ).
c) Trên cơ sở báo cáo, đề
xuất của VNPT tại điểm d khoản 4 phần III điều 1 Quyết định này, chủ trì, phối
hợp với các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp và các
cơ quan liên quan làm rõ tính cấp thiết, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để hoàn
thiện đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của VNPT ban hành
kèm theo Nghị định số 25/2016/NĐ-CP ngày 06
tháng 4 năm 2016 của Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
d) Đôn đốc, kiểm tra,
giám sát việc thực hiện của VNPT đối với Đề án và Quyết định này; báo cáo cấp
có thẩm quyền kết quả thực hiện theo quy định tại Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng
Chính phủ.
2. Bộ Tài chính và Ban Chỉ
đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp theo thẩm quyền đôn đốc, kiểm tra việc
thực hiện của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, VNPT đối với Đề án
và Quyết định này.
3. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu
tư, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội theo thẩm
quyền phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong việc thực
hiện nhiệm vụ được giao.
4. Hội đồng thành viên
VNPT
a) Trong Quý III năm
2024, tổ chức phổ biến, quán triệt các quan điểm, mục tiêu và các nội dung Đề
án trong toàn Tập đoàn nhằm tạo sự đồng thuận, nhất trí cao từ VNPT đến các đơn
vị thành viên, từ cán bộ lãnh đạo các đơn vị đến người lao động trong quá trình
triển khai thực hiện.
b) Xây dựng phương án tổ
chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với Đề án được phê duyệt. Theo thẩm quyền, sắp
xếp, tổ chức lại 63 VNPT tỉnh, thành phố theo hướng tinh gọn, kinh doanh có hiệu
quả, bảo đảm công khai, minh bạch, tính hiệu lực, hiệu quả của tổ chức bộ máy,
nhân sự, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện; tổ chức lại Trung tâm Bồi dưỡng
Nghiệp vụ III thành Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực; xây dựng và thực hiện
phương án thoái vốn các doanh nghiệp nêu tại điểm đ khoản 5 mục II Điều này
đúng quy định của pháp luật và Quyết định này.
c) Xây dựng, trình Ủy ban
Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để báo cáo cấp có thẩm quyền phương án sắp
xếp lại Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông và Tổng công ty Truyền thông báo đảm
phù hợp với quy định pháp luật.
d) Rà soát kỹ các nội
dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của VNPT ban hành
kèm theo Nghị định số 25/2016/NĐ-CP ngày 06
tháng 4 năm 2016 của Chính phủ, đối chiếu với quy định pháp luật hiện hành, làm
rõ tính cấp thiết, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của việc sửa đổi, bổ sung, báo
cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét.
đ) Trường hợp không thực
hiện được do điều kiện khách quan, chủ động rà soát, kịp thời báo cáo Ủy ban Quản
lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để trình cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh.
e) Định kỳ báo cáo Ủy ban
Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Đổi mới và
Phát triển doanh nghiệp tình hình triển khai, kết quả thực hiện Đề án này và
các nội dung theo quy định tại Quyết định số 360/QĐ-TTg
ngày 17 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.
5. Văn phòng Chính phủ
Theo dõi, đôn đốc việc thực
hiện Quyết định này theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Điều
2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể
từ ngày ký ban hành.
Điều
3. Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại
doanh nghiệp; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và
Truyền thông, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội; Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi
mới và Phát triển doanh nghiệp; Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn
thông Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: TC, KH&ĐT, TP, TT&TT, NV, LĐ-TB&XH;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Đảng ủy Khối doanh nghiệp TW;
- Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp;
- Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, ĐMDN (2b).
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Lê Minh Khái
|