Quyết định 62/2006/QĐ-BNN phê duyệt Chiến lược phát triển giống cây lâm nghiệp giai đoạn 2006-2020 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 62/2006/QĐ-BNN
Ngày ban hành 16/08/2006
Ngày có hiệu lực 23/09/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Cao Đức Phát
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ
PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Số: 62/2006/QĐ-BNN

Hà Nội, ngày 16 tháng 8 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIỐNG CÂY LÂM NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2006-2020

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ  Pháp lệnh giống cây trồng số 15/2004/PL-UBTVQH11 đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI thông qua ngày 24/3/2004;
Căn cứ  Quyết định số 17/2006/QĐ-TTg ngày 20/01/ 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Quyết định số 225/1999/QĐ-TTg ngày 10/12/1999 về Chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi và giống cây lâm nghiệp đến năm 2010;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược phát triển giống cây lâm nghiệp giai đoạn 2006-2020, với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu của Chiến lược:

a) Mục tiêu tổng quát:

Xây dựng ngành giống lâm nghiệp hiện đại, đảm bảo cung cấp đủ giống có chất lượng cao phục vụ nhu cầu trồng rừng; áp dụng khoa học công nghệ mới theo hướng sử dụng ưu thế lai, từng bước áp dụng công nghệ sinh học trong lai tạo giống, giữ được tính đa dạng sinh học; hình thành hệ thống sản xuất và dịch vụ giống cây lâm nghiệp được quản lý chặt chẽ, phù hợp với cơ chế thị trường.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Mục tiêu về cung cấp giống: đến năm 2010 bảo đảm cung cấp 60% giống từ nguồn giống được công nhận, trong đó 40% giống từ nhân giống sinh dưỡng cho trồng rừng; đến năm 2015 bảo đảm cung cấp 80% giống từ nguồn giống được công nhận, trong đó 50% giống từ nhân giống sinh dưỡng cho trồng rừng.

- Mục tiêu về quản lý giống: đến hết năm 2006 xây dựng và hoàn thiện đầy đủ các văn bản có liên quan đến quản lý giống cây lâm nghiệp, đến hết năm 2008 cơ bản hoàn thành các tiêu chuẩn kỹ thuật về giống cây lâm nghiệp; hoàn thiện bộ máy và công cụ quản lý đủ để kiểm soát chất lượng giống cây lâm nghiệp theo thủ tục giám sát chuỗi hành trình giống đối với các loài cây trồng chính vào năm 2007.

- Mục tiêu về nghiên cứu giống: chọn tạo được nhiều giống mới có năng suất cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh hại và các điều kiện bất lợi. Đảm bảo rừng được trồng từ sau năm 2020, đối với cây mọc nhanh năng suất bình quân 30m3/ha/năm, cây gỗ lớn đạt 15m3/ha/năm.

- Mục tiêu về nguồn lực: Đến năm 2010, về cơ bản bảo đảm đủ cán bộ, nhân viên hoạt động trong lĩnh vực giống bao gồm cả nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống. Trang thiết bị, vật tư kỹ thuật quan trọng được hiện đại ngang bằng với các nước trong khu vực. Hình thành mạng lưới sản xuất và cung ứng giống theo hướng xã hội hoá nghề giống cây lâm nghiệp với nhiều thành phần tham gia (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình và cá nhân).

2. Nội dung của Chiến lược:

2.1 Định hướng về sản xuất, cung ứng giống cây lâm nghiệp

a) Loài cây ưu tiên phát triển giống:

- Nhóm cây lấy gỗ phục vụ trồng rừng kinh tế:

+ Gỗ lớn: Dầu rái, Tếch, Xoan ta, Thông caribea, Sao đen, Keo các loại.

+ Gỗ nhỏ: Các giống được công nhận của các loài Bạch đàn, Keo, Tràm.

- Nhóm loài cây trồng làm giàu rừng, trồng bổ sung trong khoanh nuôi rừng: Giổi xanh, Giổi nhung, Lát hoa, Re gừng, Chiêu liêu, Sồi phảng, Huỷnh, Vạng trứng, Xoan đào, Muồng đen.

- Nhóm loài cây lâm sản ngoài gỗ: Quế, Hồi, Sở, Trám, Tre trúc, Song mây, Trầm gió, Thông nhựa.

- Nhóm loài cây trồng rừng phòng hộ: Phòng hộ đầu nguồn gồm các loài cây như trong làm giàu rừng; phòng hộ đất cát ven biển: Xoan chịu hạn, Trôm, Phi lao, Keo chịu hạn; phòng hộ đất ngập nước: Tràm, Đước, Vẹt,  Mấm trắng.

b) Xây dựng hệ thống nguồn giống

- Quy hoạch hệ thống nguồn giống trong phạm vi cả nước trên cơ sở rà soát đăng ký lại nguồn giống hiện có.

- Tuyển chọn bổ sung nguồn giống mới để tác động chuyển hoá (khoảng 2.700 ha).

- Xây dựng khoảng 2.900 ha rừng giống, vườn giống mới chất lượng cao theo hướng: rừng giống cho các loài cây có biến dị di truyền không lớn hoặc trồng trên diện tích nhỏ, trên cơ sở chọn lọc cây trội để lấy vật liệu nhân giống; vườn giống hữu tính cho các loài cây bản địa dài ngày để vừa cung cấp giống được cải thiện vừa bảo tồn nguồn gen; vườn giống vô tính cho các loài cây mọc nhanh bản địa hoặc nhập nội có khả năng nhân giống sinh dưỡng, để nhanh chóng có giống chất lượng cao và cung cấp vật liệu gốc.

- Tổ chức đăng ký và cấp chứng chỉ cho rừng giống, vườn giống đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ