Quyết định 606/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt “Quy hoạch điều chỉnh phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”

Số hiệu 606/QĐ-UBND
Ngày ban hành 06/03/2014
Ngày có hiệu lực 06/03/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Nguyễn Đình Xứng
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 606/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 06 tháng 03 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT “QUY HOẠCH ĐIỀU CHỈNH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ; Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/1/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Thông tư số 03/2008/TT-BKHĐT ngày 01 tháng 7 năm 2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 114/2009/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 12/2007/QĐ-BCT ngày 26 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ trên phạm vi toàn quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1999/QĐ-UBND ngày 19 tháng 7 năm 2006 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ tỉnh Thanh Hóa đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”;

Căn cứ Quyết định số 1104/QĐ-UBND ngày 19 tháng 4 năm 2012 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề cương Quy hoạch điều chỉnh phát triển hệ thống chợ tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025;

Căn cứ Công văn số 12533/BCT-TTTN ngày 25 tháng 12 năm 2012 của Bộ Công Thương về việc góp ý dự thảo Quy hoạch điều chỉnh phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 3716/TTr-SCT ngày 23 tháng 12 năm 2013 về việc đề nghị phê duyệt Đề án “Quy hoạch điều chỉnh phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”; kèm theo Hồ sơ và Biên bản thẩm định dự án Quy hoạch điều chỉnh phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 ngày 13 tháng 9 năm 2013 của Hội đồng thẩm định Dự án quy hoạch chợ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch điều chỉnh phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” với nội dung chính như sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển

- Quy hoạch chợ phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển thương mại, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, sản phẩm, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch khác có liên quan.

- Quy hoạch vị trí xây dựng chợ phải thuận tiện cho hoạt động kinh doanh; đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định, đáp ứng yêu cầu nâng cấp, mở rộng, hợp lý về cự ly, khoảng cách giữa các chợ và với các siêu thị, trung tâm thương mại; không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn giao thông, môi trường sinh thái.

- Phát triển chợ phải đảm bảo đa dạng về loại hình và cấp độ, phù hợp với quy mô sản xuất, kinh doanh, quy mô dân số, tập quán tiêu dùng; kết hợp hài hòa giữa xây mới với cải tạo, nâng cấp, giữa truyền thống với hiện đại nhằm duy trì và phát huy truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc và văn minh thương mại.

- Phát triển chợ phải gắn với đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, trở thành nguồn lực chủ yếu đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây dựng chợ; ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ khuyến khích đầu tư xây dựng các chợ vùng cao, vùng Xã, các xã bãi ngang ven biển.

- Ưu tiên phát triển các chợ chuyên doanh, chợ đầu mối, chợ trung tâm, chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế; phát triển chợ nông thôn với quy mô hợp lý, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa; không nâng cấp các chợ đã xây dựng ở vị trí không phù hợp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông, gây ô nhiễm môi trường hoặc hoạt động kém hiệu quả.

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu chung

Phát triển mạng lưới chợ phải đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu và nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân, hướng đến xây dựng nền thương mại văn minh, hiện đại, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Đến năm 2015, xây mới 77 chợ, nâng hạng 23 chợ; hệ thống chợ toàn tỉnh có kết cấu và phân bổ hợp lý; nâng cao trình độ quản lý của Ban quản lý các chợ theo hướng chuyện nghiệp; từng bước áp dụng phương thức giao dịch, kinh doanh hiện đại ở các chợ đầu mối, chợ hạng I, chợ chuyên doanh.

- Đến năm 2020, toàn tỉnh có 594 chợ, trong đó có 20 chợ hạng I; 52 chợ hạng II và 522 chợ hạng III; toàn tỉnh có 572 xã (phường)/637xã (phường) có chợ.

[...]