Quyết định 603/QĐ-UBND năm 2021 Đề án đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 603/QĐ-UBND
Ngày ban hành 30/09/2021
Ngày có hiệu lực 30/09/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Văn Sơn
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 603/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 30 tháng 9 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH, XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ HƯỚNG TỚI CHÍNH QUYỀN SỐ TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/ 2019;

Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030";

Căn cứ Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15 /7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030;

Căn cứ Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025;

Căn cứ Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 18/11/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Đề án đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký,

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành thuộc tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh quản lý; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nội vụ; báo cáo
- Thường trực Tỉnh uỷ;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 2; (thực hiện)
- Chánh VP, PCVP UBND tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh; (đăng tải)
- Lưu: VT, NC. (P.Hà)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sơn

 

ĐỀ ÁN

ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH, XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ HƯỚNG TỚI CHÍNH QUYỀN SỐ TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
 (Ban hành kèm theo Quyết định số: 603/QĐ-UBND ngày 30/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. Sự cần thiết xây dựng Đề án

Cải cách hành chính là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong những năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, toàn diện công tác cải cách hành chính và đã đạt được nhiều kết quả: Nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân, tổ chức về cải cách hành chính được nâng lên; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị được phát huy; kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) tỉnh Tuyên Quang năm 2020 đạt 83,81%, tăng 0,99% so với năm 2019 và tăng 14,91% so với năm 2012 là năm đầu tiên thực hiện chấm điểm công tác CCHC (xếp thứ 35/63 tỉnh, thành phố, tăng 20 bậc so với năm 2012)[1]; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Sipas) năm 2020 đạt 82,25% tăng 20,73% so với năm 2014[2]. Thể chế hành chính tiếp tục được hoàn thiện, chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được chú trọng; chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) có chuyển biến qua công tác kiểm soát, ban hành mới, rà soát, đơn giản hóa, mở rộng hình thức, phạm vi công khai, minh bạch TTHC. Tổ chức bộ máy tiếp tục được sắp xếp tinh gọn hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế; thực hiện tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức linh hoạt, đúng quy định; công tác đánh giá cán bộ, công chức được thực hiện thông qua giao nhiệm vụ đột phá, đổi mới gắn với sản phẩm. Tài chính công tiếp tục được cải cách theo hướng nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước được đẩy mạnh, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong thi tuyển, chấm điểm cải cách hành chính và khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách hành chính của tỉnh so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra còn một số hạn chế, như: Công tác chỉ đạo, điều hành tại một số cơ quan, đơn vị chưa sâu sát, kịp thời, thiếu quyết liệt; còn tình trạng trễ hẹn trong giải quyết TTHC của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC còn hạn chế, chất lượng cải cách TTHC chưa cao; triển khai tiếp nhận, giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn hạn chế, chưa thu hút được rộng rãi người dân, tổ chức tham gia sử dụng dịch vụ; tỷ lệ hồ sơ phát sinh đối với các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích thấp; người dân chưa thực sự hài lòng với chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công. Tỷ lệ đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, tự bảo đảm một phần chi thường xuyên còn thấp; tỷ lệ giảm chi trực tiếp ngân sách cho đơn vị sự nghiệp chưa đạt 10% so với năm 2015. Việc xây dựng Chính quyền điện tử còn chưa đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị. Việc hình thành các hệ thống dữ liệu dùng chung chưa đầy đủ; việc kết nối, liên thông giữa các phần mềm quản lý chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị còn khó khăn.

Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục xác định “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh cải cách hành chính; ứng dụng khoa học - công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập. Nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội” là một trong năm nhiệm vụ trọng tâm nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền phục vụ, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15 /7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 nêu quan điểm: "Quán triệt chủ trương của Đảng về cải cách hành chính là một trong những đột phá phát triển đất nước; gắn cải cách hành chính đồng bộ với cải cách lập pháp, cải cách tư pháp và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cải cách hành chính phải xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp"; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030, trong đó nêu quan điểm “Phát triển Chính phủ số một cách tổng thể, toàn diện, phát huy kết quả đạt được, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, có giải pháp, cách làm đột phá mang tính khác biệt, để cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Chính phủ điện tử vào năm 2021 và hình thành Chính phủ số vào năm 2025”.

[...]