BỘ
QUỐC PHÒNG
------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------
|
Số:
59/2002/QĐ-BQP
|
Hà
Nội, ngày 23 tháng 04 năm 2002
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ NHIỆM VỤ CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ QUÂN ĐỘI ĐỐI VỚI CÔNG
TÁC GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG.
BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC
PHÒNG
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng
12 năm 2001.
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 12 tháng 11 năm 1996.
Căn cứ Nghị định số 41/CP ngày 05 tháng 7 năm 1996 của Chính phủ về chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ quốc phòng.
Căn cứ Nghị định số 15/2001/NĐ-CP ngày 01 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ về
Giáo dục quốc phòng.
Thực hiện Chỉ thị số 62/CT/TW ngày 12 tháng 2 năm 2001 của Bộ chính trị Ban chấp
hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về tăng cường công tác giáo dục quốc phòng
toàn dân trước tình hình mới.
Xét đề nghị của Đồng chí Tổng tham mưu trưởng.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Quyết định
này quy định nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị quân đội trong việc thực hiện Chỉ thị
62/ CT/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về tăng cường công tác
giáo dục quốc phòng toàn dân trước tình hình mới và Nghị định số 15/2001/NĐ-CP
của Chính phủ về công tác giáo dục quốc phòng.
Điều 2. Bộ Tổng tham mưu là cơ quan trung tâm hiệp đồng với các cơ
quan chức năng của Bộ quốc phòng, giúp Thủ trưởng Bộ quốc phòng phối hợp với
các cơ quan chức năng của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ
quan Trung ương, các đoàn thể chính trị - xã hội (sau đây gọi tắt là Bộ, Ban,
Ngành) có liên quan chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác Giáo dục quốc phòng được
quy định tại Điều 9 của Nghị định số 15/2001/NĐ-CP về Giáo dục quốc phòng (sau
đây gọi tắt là Nghị định 15/CP); Thông tư liên tịch số
4086/2001/TTLT-BQP-BGD&ĐT-BLĐTB & XH- BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định
số 15/2001/NĐ-CP về giáo dục quốc phòng (sau đây gọi tắt là Thông tư số
4086/TTLT); tổ chức,quản lý, chỉ đạo cơ quan
chuyên trách Giáo dục quốc phòng giúp Hội đồng Giáo dục quốc phòng Trung ương
và Bộ quốc phòng phối hợp, hiệp đồng với các cơ quan chức năng của các Bộ, Ban,
ngành triển khai thực hiện công tác Giáo dục quốc phòng.
1.
Cục Dân quân tự vệ
a- Là cơ quan thường trực của Bộ quốc phòng và Hội
đồng Giáo dục quốc phòng Trung ương về công tác Giáo dục quốc phòng, có nhiệm vụ
giúp Bộ quốc phòng trong quản lý nhà nước về Giáo dục quốc phòng ; giúp Bộ tổng
tham mưu, Bộ quốc phòng, Hội đồng giáo dục quốc phòng Trung ương tổng hợp, tham
mưu, đề xuất toàn diện về công tác Giáo dục quốc phòng; tổ chức phối hợp, hiệp
đồng với cac cơ quan chức năng trong quân đội và các Bộ, ban, ngành, thực hiện
các nhiệm vụ quy định tại Điều 9 của Nghị định 15/CP và Thông tư 4086/TTLT. Nhiệm
vụ cụ thể:
b- Tổng hợp tình hình, nghiên cứu, đề xuất với Bộ
tổng tham mưu, Bộ quốc phòng soạn thảo và tham gia soạn thảo các văn bản phục vụ
cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý công tác Giáo dục quốc phòng của Đảng,
Chính phủ, Hội đồng Giáo dục quốc phòng Trung ương, Bộ quốc phòng, Bộ Tổng tham
mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành.
c- Đề xuất về tổ chức, nội dung, phương pháp
Giáo dục quốc phòng cho từng đối tượng; xây dựng kế hoạch và tổ chức phối hợp
các cơ quan chức năng xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, tài liệu
nghiên cứu, giảng dạy và học tập môn Giáo dục quốc phòng phù hợp với từng đối
tượng quy định tại khoản 1, 2 và 3- Điều 6 của Nghị định 15/CP; là cơ quan thường
trực của Hội đồng thẩm định Bộ quốc phòng về chương trình, giáo trình, tài liệu
Giáo dục quốc phòng, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng; giúp Hội đồng thẩm định của
Bộ xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện thẩm định chương trình, giáo trình
Giáo dục quốc phòng, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho các đối tượng nói trên.
d- Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ quốc
phòng, các Bộ, Ban, ngành giúp bộ quốc phòng và Hội đồng Giáo dục quốc phòng
Trung ương theo dõi chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình Giáo dục quốc phòng
cho các đối tượng quy định tại Điều 6 của Nghị định 15/CP giúp Bộ quốc phòng
tham gia quản lý , chỉ đạo hoạt động của các trung tâm Giáo dục quốc phòng học
sinh, sinh viên và các câu lạc bộ thể thao hướng nghiệp quốc phòng, kỹ thuật
quân sự hoạt động đúng quy chế, đạt hiệu quả thiết thực.
đ- Cùng với Vụ giáo dục quốc phòng (Bộ giáo dục
và đào tạo) và các cơ quan chức năng có liên quan của các Bộ, xây dựng kế hoạch
và tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý môn học giáo
dục quốc phòng; tham gia xây dựng quy hoạch mạng lưới trung tâm Giáo dục quốc
phòng gắn với mạng lưới các trường Đại học, Cao đẳng trên phạm vi toàn quốc; chủ
trì phối hợp với Cục kế hoạch - Đầu tư, Cục tài chính và các cơ quan liên quan
của Bộ quốc phòng, Bộ giáo dục và đào tạo, lập dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp
các trung tâm Giáo dục quốc phòng, các câu lạc bộ thể thao quốc phòng, các dự
án đầu tư thuộc lĩnh vực Giáo dục quốc phòng do Bộ quốc phòng quản lý, báo cáo
thủ trưởng Bộ quốc phòng trình Chính phủ phê duyệt.
e- Chuẩn bị nội dung, kế hoạch công tác của Hội
đồng Giáo dục quốc phòng Trung ương, giúp Ban thư ký Hội đồng tổ chức các phiên
họp của Hội đồng và triển khai thực hiện . Quan hệ chặt chẽ với các thành viên
của Hội đồng giáo dục quốc phòng Trung ương, các Bộ, Ban, ngành, Uỷ ban nhân
dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để nắm kết quả thực hiện nhiệm vụ
Giáo dục quốc phòng.
g- Đôn đốc, kiểm tra, tham gia thanh tra và tổng
hợp toàn diện việc thực hiện công tác Giáo dục quốc phòng, báo cáo Bộ tổng tham
mưu, Bộ quốc phòng, Hội đồng Giáo dục quốc phòng Trung ương kết quả thực hiện
công tác Giáo dục quốc phòng và đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả
công tác Giáo dục quốc phòng ; phối hợp với Văn phòng Bộ tổng tham mưu, văn
phòng Bộ quốc phòng và các cơ quan liên quan, chuẩn bị nội dung và công tác bảo
đảm cho hội nghị sơ kết, tổng kết công tác giáo dục quốc phòng.
h- Trong thực hiện nhiệm vụ của mình, Cục Dân
quân tự vệ được cung cấp tài liệu, thông tin cần thiết có liên quan đến Giáo dục
quốc phòng; tham gia các đoàn đi nghiên cứu, học tập trao đổi kinh nghiệm công
tác Giáo dục quốc phòng và phòng thủ dân sự ở nước ngoài; nghiên cứu khoa học về
công tác Giáo dục quốc phòng.
2.
Cục Nhà trường
a- Chỉ đạo thực hiện kế hoạch bồi dưỡng kiến thức
quốc phòng cho cán bộ chủ chốt theo phân cấp ở Học viện quốc phòng, trường quân
sự quân khu và trường quân sự Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tham gia
biên soạn, chỉnh lý bổ sung chương trình, giáo trình, tài liệu bồi dưỡng kiến
thức quốc phòng cho cán bộ chủ chốt các cấp theo kế hoạch của Bộ.
b- Chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường quân đội thực
hiện kế hoạch của Bộ quốc phòng về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản
lý công tác Giáo dục quốc phòng.
3.
Cục Quân lực
a- Chủ trì phối hợp với Cục Dân quân - tự vệ, Vụ
giáo dục quốc phòng (Bộ giáo dục và đào tạo), Cục cán bộ (Tổng cục chính trị)
và các cơ quan chức năng có liên quan, tham mưu giúp Thủ trưởng Bộ quốc phòng về
tổ chức biên chế cơ quan giáo dục quốc phòng trong cơ quan Bộ quốc phòng, các
quân khu và cơ quan quân sự cấp tỉnh, huyện; tổ chức biên chế sĩ quan biệt phái
làm công tác quản lý và giảng dạy Giáo dục quốc phòng theo quy định tại khoản 1
- Điều 13; khoản 2 và 3 - Điều 14 của Nghị định 15/CP.
b- Chỉ đạo, hướng dẫn các quân khu bảo đảm súng,
đạn huấn luyện cho các đối tượng theo quy định tại điểm 1.2 - khoản 1 - mục II
về phạm vi trách nhiệm của Bộ quốc phòng trong Thông tư số 4086/TTLT.
4.
Cục Tác chiến, Dục Quân huấn
Phối hợp với Cục Dân quân - Tự vệ, Cục quân lực,
các quân chủng, binh chủng về tổ chức, quy hoạch, xây dựng và quản lý chặt chẽ
các câu lạc bộ thể thao hướng nghiệp quốc phòng, ky thuật quân sự hoạt động đạt
hiệu quả thiết thực, an toàn, giữ bí mật quốc phòng, quân sự; xây dựng hướng dẫn
tiêu chuẩn, quy cách học cụ, thao trường, sân bãi tập kỹ thuật, chiến thuật, điều
lệnh phù hợp với chương trình Giáo dục quốc phòng cho các đối tượng thuộc hệ thống
Giáo dục quốc dân, để Bộ giáo dục và đào tạo có cơ sở hướng dẫn các trường thuộc
quyền và các trung tâm Giáo dục quốc phòng thực hiện, trình cấp có thẩm quyền
phê duyệt.
Điều 3. Tổng Cục
chính trị
Cùng với Bộ tổng tham mưu giúp Bộ quốc phòng phối
hợp với cơ quan chức năng của các Bộ, Ban, Ngành, chỉ đạo tổ chức thực hiện
công tác giáo dục quốc phòng quy định tại Điều 9 của Nghị định 15/CP.
1.
Cục tư tưởng - văn hoá.
Là cơ quan trực tiếp giúp Tổng cục chính trị phối
hợp với các cơ quan chức năng thực hiện công tác Giáo dục quốc phòng như quy định
tại Điều 9 của Nghị định 15/CP. Nhiệm vụ cụ thể:
a- Chủ trì và phối hợp với các cơ quan chức năng
của Bộ quốc phòng, thực hiện công tác Giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý
thức trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội và lực lượng dân quân tự vệ,
lực lượng dự bị động viên đối với công tác quốc phòng toàn dân nói chung và
công tác Giáo dục quốc phòng nói riêng.
b- Chỉ đạo các cơ quan thuộc quyền (thông tấn
báo chí, phát thanh, truyền hình, tuyên truyền cổ động, văn hoá văn nghệ, phát
hành phim quân đội), sáng tác các tác phẩm, thông qua các loại hình nghệ thuật,
tuyên truyền vận động toàn dân, trọng tâm là đội ngũ cán bộ công chức và thế hệ
trẻ, học sinh, sinh viên nâng cao ý thức, kiến thức quốc phòng và kỹ thuật, chiến
thuật quân sự.
c- Tham gia xây dựng chương trình, thẩm định
nghiệm thu giáo trình, tài liệu Giáo dục quốc phòng các nội dụng liên quan đến
quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, Nhà nước.
d- Giúp Tổng cục chính trị, Bộ quốc phòng phối hợp
các cơ quan chức năng của Bộ quốc phòng, Ban tổ chức Cán bộ chính phủ, Ban tổ
chức Trung ương xây dựng tiêu chuẩn kiến thức quốcphòng cho cán bộ viên chức
các cấp, các ngành của Đảng, Nhà nước, trình cấp có thẩm quyền ban hành.
2.
Cục Cán bộ
a- Phối hợp với Cục Quân lực (Bộ Tổng tham mưu)
và các cơ quan chức năng có liên quan, xây dựng về mặt tổ chức, bảo đảm chất lượng,
số lượng đội ngũ sĩ quan biệt phái công tác ở một số Bộ, ngành, học viện, trường
chính trị, hành chính, đoàn thể và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
trọng điểm như quy định tại khoản 1 - Điều 13, khoản 2 và 3 - Điều 14 của Nghị
định 15/CP. Tham mưu cho Thủ trưởng Tổng cục chính trị, Bộ quốc phòng phối hợp
với Bộ giáo dục và Đào tạo thống nhất quy định phân cấp, quản lý và sử dụng đội
ngũ sĩ quan biệt phái làm công tác Giáo dục quốc phòng.
b- Giúp Bộ quốc phòng phối hợp với Bộ giáo dục
và Đào tạo, Bộ lao động-Thương binh và xã hội, Ban tổ chức cán bộ Chính phủ, Bộ
tài chính, nghiên cứu xây dựng các quy định bảo đảm về chế độ, quyền lợi của
giáo viên, cán bộ quản lý công tác Giáo dục quốc phòng như quy định tại Điều 17
của Nghị định 15/CP, trình cấp có thẩm quyền ban hành.
c-Phối hợp với Cụ tư tưởng - văn hoá xây dựng
tiêu chuẩn kiến thức quốc phòng cho giáo viên giáo dục quốc phòng, cán bộ, viên
chức các cấp, các ngành của Đảng, Nhà nước.
3.
Cục Tổ chức
Giúp Tổng cục Chính trị, Bộ quốc phòng phối hợp
với các cơ quan chức năng trong và ngoài quân đội, nghiên cứu mô hình tổ chức Đảng
trong đội ngũ sĩ quan biệt phái ở các Bộ, các trường cao đẳng, đại học các
trung tâm Giáo dục quốc phòng.
4.
Cục Chính sách
Giúp Tổng cục Chính trị phối hợp với các cơ quan
chức năng trong và ngoài quân đội, tham mưu cho Bộ quốc phòng và Chính phủ,
nghiên cứu, đề xuất về thực hiện chế độ, chính sách đối với các tổ chức và cá nhân
trong thực hiện công tác Giáo dục quốc phòng.
5.
Các cơ quan báo chí, văn hoá - văn nghệ trong quân đội
Căn cứ vào nhiệm vụ Tổng cục chính trị giao, phối
hợp với cơ quan liên quan, sáng tác các tác phẩm, thông qua các loại hình nghệ
thuật để tuyên truyền nâng cao ý thức, kiến thức quốc phòng cho nhân dân nói
chung và cán bộ, viên chức và thế hệ trẻ trong quân đội, trong học sinh, sinh
viên nói riêng.
Điều 4. Tổng
Cục hậu cần
1. Chỉ đạo Cục quân nhu phối hợp với Cục Dân
quân - Tự vệ và các cơ quan liên quan, hướng dẫn các văn bản về tiêu chuẩn, quy
cách quân trang cho giáo viên giảng dạy Giáo dục quốc phòng và sinh viên trong
các trung tâm Giáo dục quốc phòng để Bộ giáo dục và đào tạo hướng dẫn các trung
tâm giáo dục quốc phòng, các trường thuộc hệ thống Giáo dục quốc dân mua sắm
theo quy định, trình cấp có thẩm quyền ban hành.
2. Bảo đảm hậu cần cho các câu lạc bộ thể thao
hướng nghiệp quốc phòng, kỹ thuật quân sự và các trung tâm giáo dục quốc phòng,
các trường đào tạo nghề do Bộ quốc phòng quản lý theo chỉ đạo của Bộ quốc
phòng.
Điều 5. Tổng Cục
kỹ thuật
1. Chỉ đạo nghiên cứu cải tiến vũ khí, mô hình,
học cụ phục vụ cho công tác giáo dục quốc phòng theo kế hoạch hợp đồng của Bộ tổng
tham mưu.
2. Bảo đảm công tác kỹ thuật cho các câu lạc bộ
hướng nghiệp quốc phòng, kỹ thuật quân sự và các trung tâm giáo dục quốc phòng,
các trường đào tạo nghề do Bộ quốc phòng quản lý theo chỉ đạo của Bộ quốc
phòng.
Điều 6. Các Cục
trực thuộc Bộ quốc phòng
1. Cục kế hoạch và đầu tư
a-Cùng với Cục Dân quân - tự vệ và các cơ quan
liên quan, tham mưu cho thủ trưởng Bộ quốc phòng về lập dự án đầu tư xây dựng,
nâng cấp các trung tâm giáo dục quốc phòng, các câu lạc bộ thể thao quốc phòng,
các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực Giáo dục quốc phòng do Bộ quốc phòng quản lý.
b-Tham gia cùng Cục dân quân - Tự vệ phối hợp với
Vụ giáo dục quốc phòng và các cơ quan chức năng liên quan của Bộ giáo dục và
đào tạo trong việc lập các dự án đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các trung tâm
Giáo dục quốc phòng và các dự án đầu tư khác thuộc lĩnh vực Giáo dục quốc phòng
do Bộ giáo dục và đào tạo quản lý.
2.
Cục Tài chính
Căn cứ nhiệm vụ công tác Giáo dục quốc phòng của
các cơ quan, đơn vị và hoạt động của Hội đồng giáo dục quốc phòng Trung ương,
hướng dẫn về yêu cầu, nội dung, thời gian lập dự toán ngân sách chi cho công
tác Giáo dục quốc phòng ; xem xét, tổng hợp dự toán chi cho công tác Giáo dục
quốc phòng, trình Bộ phê duyệt. Tổ chức bảo đảm, kiểm tra quá trình chi tiêu và
thanh toán kinh phí Giáo dục quốc phòng.
Điều 7. Các học
viện.
1.-Học
viện quốc phòng
a- Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ quốc
phòng, Ban tổ chức Trung ương, Ban tổ chức Cán bộ chính phủ, xây dựng chương
trình, biên soạn giáo trình, tài liệu và thực hiện kế hoạch bồi dưỡng kiến thức
quốc phòng cho cán bộ cao cấp chủ chốt từ cấp tỉnh đến cấp Bộ, cấp cục, vụ, viện
và tương đương thuộc các Bộ, Ban, ngành, theo kế hoạch của Bộ quốc phòng, Ban tổ
chức Trung ương, Ban tổ chức cán bộ Chính phủ.
b- Chuẩn bị và cử giảng viên giảng dạy môn học
giáo dục quốc phòng cho các lớp đào tạo tập trung tại trường và đào tạo tại chức
của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Học viện hành chính Quốc gia theo
hợp đồng của từng học viên; tham gia biên soan chương trình, giáo trình Giáo dục
quốc phòng cho các đối tượng; hỗ trợ các học viện, trường đại học giảng dạy môn
học Giáo dục quốc phòng; đào tạo, tâp huấn giáo viên và cán bộ quản lý công tác
giáo dục quốc phòng theo phân công của Bộ.
c- Tham gia nghiên cứu khoa học về công tác Giáo
dục quốc phòng cho các đối tượng mà Học viên đảm nhiệm nói riêng và các hoạt động
công tác giáo dục quốc phòng toàn dân nói chung để phục vụ các chương trình, đề
án của Hội đồng Giáo dục quốc phòng Trung ương và Bộ quốc phòng.
2.
Học viện chính trị - quân sự
Tham gia biên soạn giáo trình, tài liệu Giáo dục
quốc phòng; nghiên cứu khoa học về Giáo dục quốc phòng; đào tạo, tập huấn giáo
viên và cán bộ quản lý giáo dục quốc phòng theo phân công của Bộ quốc phòng.
Chuẩn bị và cử giảng viên giáo dục quốc phòng giúp Phân viện Hà nội, phân viện
Đà nẵng (thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), trường Phụ nữ Trung
ương, Học viện thanh thiếu niên Trung ương giảng dạy môn học Giáo dục quốc
phòng cho các lớp đào tạo tập trung tại trường và đào tạo tại chức do địa
phương, Bộ, ngành tổ chức theo hợp đồng của từng trường; hỗ trợ, giúp các trường
thuộc hệ thống Giáo dục quốc dân thực hiện môn học Giáo dục quốc phòng.
3.
Học Viện Lục Quân
Tham gia biên soạn giáo trình, tài liệu Giáo dục
quốc phòng ; nghiên cứu khoa học về Giáo dục quốc phòng; đào tạo, tập huấn giáo
viên, cán bộ quản lý Giáo dục quốc phòng giúp Phân viện Thành phố Hồ Chí Minh
(Thuộc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Phân viện Thành phố Hồ Chí
Minh (thuộc Học viện Hành chính quốc gia) giảng dạy môn Giáo dục quốc phòng cho
các lớp đào tạo tập trung tại trường và đào tao tại chức do địa phương, Bộ,
ngành, tổ chức theo hợp đồng của từng trường; hỗ trợ giúp các trường thuộc hệ
thống giáo dục quốc dân thực hiện giảng dạy môn học Giáo dục quốc phòng.
Điều 8. Các
Quân khu
Chỉ đạo Phòng Dân quân - tự vệ phối hợp với các
cơ quan, đơn vị thuộc quyền và các đơn vị đóng quân trên địa bàn thực hiện toàn
diện công tác Giáo dục quốc phòng toàn dân; phối hợp với các cơ quan quản lý
giáo dục và đào tạo, cơ quan liên quan ở địa phương thực hiện công tác Giáo dục
quốc phòng cho các đối tượng quy định tại Điều 6 của Nghị định 15/CP; bồi dưỡng
giáo viên, cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách Giáo dục quốc phòng cho các
trường chính trị, các trường trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, dạy
nghề. Nhiệm vụ cụ thể:
1. Tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc
phòng cho cán bộ chủ chốt cấp huyện, sở, ban, ngành cấp tỉnh và tương đương ở
trường quân sự quân khu; trường quân sự tỉnh, thành phố. Chỉ đạo cơ quan quân sự
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh) phối hợp với cơ
quan chức nang của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân Tỉnh, xây dựng kế hoạch và tổ chức
bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ chủ chốt cấp xã, phòng, ban cấp huyện
và tương đương tại trường quân sự tỉnh; Trung tâm giáo dục chính trị huyện (quận)
và giúp đỡ trường chính trị Tỉnh thực hiện chương trình môn học giáo dục quốc
phòng.
2. Phối hợp với các cơ quan chức năng của ngành
giáo dục và đào tạo giúp Bộ quốc phòng theo dõi, chỉ đạo các trung tâm Giáo dục
quốc phòng trên đia bàn; bồi dưỡng giáo viên , cán bộ chuyên trách, bán chuyên
trách Giáo dục quốc phòng cho ácc trường chính trị tỉnh, thành phố và các trường
trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, doanh nghiệp; quản lý đội ngũ sĩ
quan biệt phái trong các trường đại học, cao đẳng và các trung tâm giáo dục quốc
phòng theo phân công của Bộ.
3. Chỉ đạo cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh,
huyện và các đơn vị thuộc quyền, bảo đảm súng AK, CKC cấp 3, 4 và đạn huấn luyện
cho môn học Giáo dục quốc phòng theo quy định tại điểm 1, 2 khoản 1 - Mục II về
phạm vi trách nhiệm của Bộ quốc phòng trong Thông tư liên tịch số 4086/TTLT
giúp các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn về giáo viên, sân bãi, thao trường,
cơ sở vật chất huấn luyện theo khả năng của từng đơn vị.
4. Phòng Dân quân tự vệ quân khu, Ban Dân quân -
Tự vệ cấp tỉnh, Trợ lý Dân quân - Tự vệ cấp huyện là cơ quan thường trực; tổng
hợp toàn diện về công tác giáo dục quốc phòng; giúp lãnh đạo, chỉ huy từng cấp
phối hợp, hiệp đồng với các cơ quan chức năng có liên quan thực hiện công tác
Giáo dục quốc phòng và tổ chức kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ, công
tác Giáo dục quốc phòng.
Điều 9. Quân chủng
phòng không-Không quân, Hải quân và các Binh chủng
1. Căn cứ vào yêu cầu, nhu cầu xây dựng lực
lương dự bị, tuyển chọn nhân tài, phổ cập kiến thức quân sự của quân chủng,
binh chủng cho các đối tượng, trước hết là thế hệ trẻ, để tổ chức xây dựng các
câu lạc bộ thể thao hướng nghiệp quốc phòng, kỹ thuật quân sự, làm nòng cốt cho
phong trào thể thao quốc phòng, phục vụ nhiệm vụ chính trị trong nước và thi đấu
quốc tế. Thống nhất với các cơ quan chức năng của Bộ quốc phòng, xây dựng đề án
thành lập và dự án đầu tư xây dựng các câu lạc bộ thể thao hướng nghiệp quốc
phòng, kỹ thuật quân sự trình cấp có thẩm quyền quyết định. Quản lý chỉ đạo các
câu lạc bộ hoạt động có hiệu quả thiết thực, an toàn, phù hợp từng lợi hình câu
lạc bộ và giữ bí mật quân sự, quốc phòng.
2. Chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc quyền đóng quân
trên địa bàn tham gia công tác Giáo dục quốc phòng cho học sinh, sinh viên;
giúp đỡ về giáo viên, vũ khí, sân bãi, thao trường và tham gia các hoạt động
Giáo dục quốc phòng ở địa phương.
3. Phòng Quân sự địa phương (Quân chủng Hải quân
), Ban Giáo dục quốc phòng (Quân chủng Phòng không - không quân), có trách nhiệm
tham mưu giúp quân chủng thực hiện toàn diện công tác Giáo dục quốc phòng toàn
dân.
Điều 10. Các cơ quan, đơn vị, nhà trường, viện nghiên cứu không nằm
trong quy định từ Điều 1 đến Điều 8 của Quyết định này
Chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc quyền thực hiện
công tác Giáo dục quốc phòng theo yêu cầu của Bộ quốc phòng; phối hợp với các
cơ quan quân sự địa phương, giúp các cơ sở giáo dục và đào tạo về giáo viên, vũ
khí huấn luyện, sân bãi, thao trường, cơ sở vật chất huấn luyện theo điều kiện
và khả năng của đơn vị để giúp các cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện môn học
Giáo dục quốc phòng.
Điều 11. Kinh phí bảo đảm cho thực hiện nhiệm vụ Giáo dục quốc
phòng.
1. Hàng năm các cơ quan, đơn vị căn cứ vào nhiệm
vụ Giáo dục quốc phòng được Bộ quốc phòng giao, lập dự toán kinh phí Giáo dục
quốc phòng trong tổng dự toán kinh phí của cơ quan, đơn vị mình, trình cấp có
thẩm quyền phê duyệt.
2. Cơ quan thường trực chuyên trách công tác
Giáo dục quốc phòng (Cục dân quân - tự vệ) căn cứ vào chương trình, kế hoạch,
công tác Giáo dục quốc phòng , bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho các đối tượng
và hoạt động của Hội đồng Giáo dục quốc phòng Trung ương tổng hợp dự toán kinh
phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quản lý, sử dụng kinh phí chi cho công
tác Giáo dục quốc phòng, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho các đối tượng và hoạt
động của Hội đồng giáo dục quốc phòng Trung ương Luật ngân sách Nhà nước và Điều
lệ công tác tài chính của Quân đội nhân dân Việt nam.
Điều 12. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày
ký; các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 13. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị căn cứ vào nhiệm vụ được
giao trong quyết định này, triển khai thực hiện; hàng tháng, quý, năm báo cáo kết
quả về Bộ quốc phòng (qua Cục Dân quân - Tự vệ - Bộ tổng tham mưu) để tổng hợp
báo cáo Hội đồng Giáo dục quốc phòng Trung ương theo chế độ quy định.
|
BỘ
TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
Phạm Văn Trà
|