KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 32/2005/CT-TTG NGÀY 10/10/2005 CỦA THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ “VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KIỂM TRA, XỬ LÝ VĂN BẢN QUY PHẠM
PHÁP LUẬT”
(Ban hành kèm theo Quyết định số : 58/2006/QĐ-UBND ngày 03 tháng 3 năm 2006
của Ủy ban nhân dân Tỉnh Bình Dương )
Phần I.
MỤC ĐÍCH
- Tăng cường nhận thức các sở, ngành, địa phương
và đội ngũ công chức, viên chức làm công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật
về sự cần thiết và ý nghĩa, vai trò của hoạt động kiểm tra, rà soát văn bản quy
phạm pháp luật; tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc triển
khai đồng bộ công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.
- Phát hiện, xử lý (sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ,
thay thế) kịp thời và đúng quy định của pháp luật đối với những văn bản do địa
phương ban hành có nội dung trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình
phát triển kinh tế-xã hội.
Phần II.
YÊU CẦU VÀ CÁC BIỆN PHÁP
THỰC HIỆN NHẰM TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KIỂM TRA VĂN BẢN Ở ĐỊA PHƯƠNG
1. Tổ chức quán triệt Chỉ thị số
32/2005/CT-TTG.
- Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức
hội nghị quán triệt cho cán bộ lãnh đạo và cán bộ làm công tác kiểm tra văn bản
quy phạm pháp luật của địa phương; cán bộ lãnh đạo Văn phòng Hội đồng nhân dân,
Văn phòng Ủy ban nhân dân các cấp.
- Thời gian thực hiện: quý II/2006.
2. Kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ làm
công tác kiểm tra văn bản.
a) Thủ trưởng các sở, ngành cấp tỉnh, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm bố trí công chức có năng
lực, trình độ, phẩm chất để làm công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp
luật theo thẩm quyền được giao; bố trí trang thiết bị làm việc và các điều kiện
đảm bảo khác cho công tác kiểm tra văn bản;
b) Từng bước xây dựng đội ngũ cộng tác
viên kiểm tra văn bản:
+ Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp các sở, ban,
ngành, tổ chức hữu quan để thực hiện;
+ Thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức có
trách nhiệm cử công chức, viên chức tham gia đội ngũ cộng tác viên kiểm tra văn
bản theo đề nghị của Sở Tư pháp và theo Quy định tại Nghị định 135/2003/NĐ-CP
ngày 14/11/2003 của Chính phủ “về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật”.
+ Thời gian: Quý IV/2006.
c) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ:
Sở Tư pháp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra văn bản cho đội ngũ công
chức và cộng tác viên kiểm tra văn bản, cán bộ Tư pháp địa phương, cán bộ pháp
chế các sở, ban, ngành tỉnh… (có thể kết hợp lồng ghép trong các đợt tập huấn
thường xuyên định kỳ về công tác văn bản).
3. Xây dựng các văn bản làm cơ sở pháp
lý.
- Sở Tư pháp xây dựng, tham mưu Ủy ban nhân dân
tỉnh ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác kiểm tra văn bản;
- Sở Tư pháp phối hợp Sở Tài chính hướng dẫn dự
toán, quyết toán kinh phí kiểm tra văn bản.
4. Tổ chức công tác tự kiểm tra và kiểm
tra văn bản theo thẩm quyền.
- Các cơ quan ban hành văn bản phải thường xuyên
tổ chức tự kiểm tra văn bản do mình ban hành; tổ chức rà soát, kiểm tra, xử lý
kịp thời và đúng quy định của pháp luật văn bản do mình ban hành có sai sót hoặc
khi tình hình kinh tế xã hội đã thay đổi; khi cơ quan nhà nước cấp trên ban
hành văn bản mới làm cho nội dung văn bản mình đã ban hành không còn phù hợp;
khi nhận được yêu cầu, kiến nghị, thông báo của cơ quan, người có thẩm quyền kiểm
tra văn bản hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác và phản ánh của các phương
tiện thông tin đại chúng về văn bản do mình ban hành có dấu hiệu trái pháp luật
hoặc không còn phù hợp.
- Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng phòng Tư pháp giúp
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện việc kiểm tra văn bản theo thẩm quyền
quy định tại Điều 13 của Nghị định 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003.
Phần III.
KẾ HOẠCH TỔ CHỨC ĐỢT KIỂM
TRA, XỬ LÝ VĂN BẢN TRÊN TOÀN TỈNH (THỰC HIỆN ĐIỂM E, KHOẢN 1, CHỈ THỊ
32/2005/CT-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ)
- Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa
phương tập trung thực hiện đợt kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật đang
còn hiệu lực pháp luật trong các ngành, lĩnh vực quy định tại bản Phụ lục 1
kèm theo kế hoạch này, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành
mình, cấp mình, cần tích cực hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2006.
- Việc Báo cáo kết quả đợt kiểm tra văn bản với Ủy
ban nhân dân tỉnh phải đảm bảo đúng tiến độ kế hoạch đề ra tại Mục 3, Phần III
của Kế hoạch này để Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo theo yêu cầu của Thủ tướng
Chính phủ.
1. Phạm vi, đối tượng văn bản cần phải kiểm
tra
+ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân;
+ Quyết định, Chỉ thị của Ủy ban nhân dân;
+ Quyết định, Chỉ thị của Chủ tịch Ủy ban nhân
dân có chứa quy phạm pháp luật;
+ Các văn bản của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân, Thủ trưởng các sở, ban, ngành được ban hành với thể thức không phải
là văn bản quy phạm pháp luật (ví dụ: Công văn, Công văn liên ngành, thông báo,
kế hoạch …) nhưng có chứa quy phạm pháp luật.
2. Các bước thực hiện
- Bước 1: Sưu tập đầy đủ những văn bản
quy định về lĩnh vực quản lý của sở, ngành mình (bao gồm cả những trường hợp
trong văn bản quy phạm pháp luật chỉ có một số quy phạm có liên quan đến lĩnh vực
quản lý của sở, ngành mình chứ không phải toàn bộ nội dung văn bản).
- Bước 2: Lập danh mục văn bản đã được tập
hợp, trình tự sắp xếp theo thứ bậc hiệu lực pháp lý của văn bản từ cao xuống thấp.
Trong từng loại văn bản (Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị, Công văn) thì sắp xếp
theo thứ tự thời gian từ văn bản ban hành trước đến văn bản ban hành sau.
Đối với cấp huyện, xã, văn bản sắp xếp theo từng
lĩnh vực, chuyên ngành và theo thời gian ban hành. (theo phụ lục 2)
- Bước 3: Kiểm tra, xử lý văn bản
Tiến hành nghiên cứu, kiểm tra từng văn bản, từng
quy phạm của văn bản trong danh mục văn bản; so sánh đối chiếu giữa các văn bản
của địa phương với văn bản Trung ương, văn bản của địa phương với nhau để phát
hiện những điểm sai trái, chồng chéo, mâu thuẫn, không còn phù hợp.
Kết quả của bước này là lập được danh mục văn bản
cần hủy bỏ, đình chỉ thi hành, sửa đổi, bổ sung hoặc cần ban hành văn bản mới
thay thế. (Phụ lục 3, kèm theo kế hoạch).
3. Tiến độ thực hiện
- Các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã gửi Báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý văn bản về Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh
và Sở Tư pháp trước ngày 15/6/2006.
- Sở Tư pháp chịu trách nhiệm tổng hợp kết quả
kiểm tra trên toàn tỉnh, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 30 tháng 06
năm 2006.
Phần IV.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đối với các sỏ, ban, ngành: tổ chức rà
soát, kiểm tra, kiến nghị xử lý theo quy định đối với những văn bản thuộc lĩnh
vực quản lý nhà nước của ngành mình do cơ quan mình đã tham mưu (hay phối hợp với
cơ quan khác tham mưu) Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành; tự xử
lý những văn bản do chính cơ quan, ngành mình ban hành mà phát hiện có sai sót.
2. Đối với cấp huyện: tổ chức rà soát, kiểm
tra, xử lý (hoặc kiến nghị xử lý theo Luật định) đối với các văn bản pháp luật
do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành, đồng thời chỉ đạo cấp
xã thực hiện tốt công tác kiểm tra, xử lý văn bản.
3. Sở Tài chính có trách nhiệm bố trí
kinh phí đảm bảo cho công tác kiểm tra văn bản theo quy định của pháp luật .
4. Căn cứ kế hoạch này, Lãnh đạo các sở,
ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm khẩn trương tổ chức
triển khai, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện công tác rà soát, kiểm tra, xử lý văn bản
ở ngành, địa phương mình, phối hợp chặt chẽ với cơ quan tư pháp cùng cấp, các
cơ quan, ngành có liên quan trong quá trình tập hợp, xử lý văn bản nhằm đảm bảo
chất lượng kiểm tra.
Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để chỉ đạo, kiểm tra tình hình ban hành văn
bản, tình hình kiểm tra văn bản ở một số ngành, địa phương.
Quá trình triển khai, nếu có khó khăn, vướng mắc
hoặc phát sinh mới thì các sở, ban, ngành, địa phương phản ánh kịp thời về Sở
Tư pháp để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.