Luật Đất đai 2024

Quyết định 571/QĐ-TTg năm 2025 thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 571/QĐ-TTg
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Ngày ban hành 12/03/2025
Ngày công báo Đã biết
Lĩnh vực Bộ máy hành chính
Loại văn bản Quyết định
Người ký Phạm Minh Chính
Ngày có hiệu lực Đã biết
Số công báo Đã biết
Tình trạng Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 571/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 12 tháng 3 năm 2025

QUYẾT ĐỊNH

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 18 tháng 02 năm 2025;

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 02 năm 2025;

Căn cứ Kết luận số 127-KL/TW ngày 28 tháng 02 năm 2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị;

Căn cứ Quyết định số 23/2023/QĐ-TTg ngày 18 tháng 9 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo) gồm các thành viên sau đây:

1. Trưởng ban: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình.

2. Các Phó Trưởng Ban:

- Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban thường trực;

- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.

3. Các Ủy viên:

- Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

- Bộ trưởng Bộ Tài chính;

- Bộ trưởng Bộ Xây dựng;

- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường;

- Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

- Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ;

- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Bộ trưởng Bộ Y tế;

- Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo;

- Đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng;

- Đại diện lãnh đạo Bộ Công an;

- Đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao;

- Đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao;

- Đại diện lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

- Đại diện lãnh đạo Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Đại diện lãnh đạo Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội;

- Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long.

Điều 2. Chức năng của Ban Chỉ đạo

Ban Chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành trong việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.

Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo

1. Nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.

2. Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình tổ chức thực hiện, bảo đảm theo đúng quy định của Trung ương, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.

3. Nhiệm vụ cụ thể của thành viên Ban Chỉ đạo

a) Bộ trưởng Bộ Nội vụ

- Tham mưu, trình Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025; Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, Công chức.

Thời hạn hoàn thành: Trước ngày 15 tháng 5 năm 2025.

- Tham mưu, trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp.

Thời hạn hoàn thành: Trước ngày 10 tháng 4 năm 2025.

- Hướng dẫn việc lập hồ sơ đề nghị xét công nhận Vùng an toàn khu, Xã an toàn khu, Xã đảo; rà soát, công nhận là ĐVHC thuộc diện nghèo, đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; rà soát, điều chỉnh các chính sách thuộc lĩnh vực lao động - xã hội và chính sách đối với người có công tại ĐVHC thực hiện sắp xếp.

Thời hạn hoàn thành: Trước ngày 15 tháng 4 năm 2025.

- Thực hiện nhiệm vụ cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo theo quy định tại Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo; tham mưu tổ chức các cuộc họp, các hoạt động khác của Ban Chỉ đạo và Trưởng Ban Chỉ đạo.

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương có liên quan trong việc đôn đốc xây dựng đề án của các địa phương; tổ chức thẩm định liên ngành; trình Chính phủ để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồ sơ đề án sắp xếp ĐVHC các cấp của địa phương, bảo đảm tiến độ và chất lượng theo quy định.

- Hướng dẫn việc quản lý công tác văn thư, lưu trữ khi sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh và tổ chức lại ĐVHC cấp xã.

Thời hạn hoàn thành: Trước ngày 15 tháng 4 năm 2025.

b) Bộ trưởng Bộ Tư pháp

- Tham mưu, trình Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trình Quốc hội ban hành Nghị quyết xử lý một số vấn đề liên quan đến chuyển tiếp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương khi sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.

Thời hạn hoàn thành: Trước ngày 15 tháng 5 năm 2025.

- Ban hành văn bản hướng dẫn xử lý vấn đề phát sinh thuộc lĩnh vực hộ tịch, đăng ký biện pháp bảo đảm khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp.

Thời hạn hoàn thành: Trước ngày 15 tháng 4 năm 2025.

c) Lãnh đạo Bộ Quốc phòng

Ban hành hướng dẫn rà soát, xác định ĐVHC thuộc khu vực biên giới, trọng điểm về quốc phòng; xây dựng khu vực phòng thủ quân sự khi tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp; tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ tại các ĐVHC thực hiện sắp xếp, tổ chức lại.

Thời hạn hoàn thành: Trước ngày 15 tháng 4 năm 2025.

d) Lãnh đạo Bộ Công an

Ban hành hướng dẫn thu hồi con dấu cũ, khắc con dấu, thay đổi địa chỉ cư trú của công dân do thay đổi địa giới và tên gọi của ĐVHC với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân và định danh điện tử; việc rà soát, cung cấp số liệu về nhân khẩu thực tế tại ĐVHC các cấp và hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực lý lịch tư pháp.

Thời hạn hoàn thành: Trước ngày 15 tháng 4 năm 2025.

đ) Bộ trưởng Bộ Tài chính

- Ban hành hướng dẫn việc thực hiện nguồn vốn đầu tư công và việc điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030; việc xác định ưu đãi đầu tư; thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp thay đổi địa giới hành chính; thay đổi thông tin giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép kinh doanh của cá nhân, tổ chức.

- Ban hành hướng dẫn công tác lập dự toán, định mức chi; quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí; việc miễn phí, lệ phí khi thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ có liên quan của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; xử lý trụ sở, tài sản làm việc tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức ở ĐVHC thực hiện sắp xếp, tổ chức lại.

Thời hạn hoàn thành: Trước ngày 15 tháng 4 năm 2025.

e) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường

- Ban hành hướng dẫn việc rà soát, bổ sung, điều chỉnh các vấn đề liên quan đến xây dựng nông thôn mới và các chính sách theo Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, các dự án, tiểu dự án, hoạt động thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của các ĐVHC thực hiện sắp xếp, tổ chức lại.

- Ban hành hướng dẫn chỉnh lý hồ sơ địa chính, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và cơ sở dữ liệu đất đai; cung cấp số liệu diện tích tự nhiên của các ĐVHC thực hiện sắp xếp, tổ chức lại.

Thời hạn hoàn thành: Trước ngày 15 tháng 4 năm 2025.

g) Bộ trưởng Bộ Xây dựng

Ban hành hướng dẫn rà soát quy hoạch đô thị và đánh giá chất lượng đô thị của các ĐVHC thực hiện sắp xếp, tổ chức lại.

Thời hạn hoàn thành: Trước ngày 15 tháng 4 năm 2025.

h) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Ban hành hướng dẫn rà soát, điều chỉnh và xác định ĐVHC có di tích được công nhận, xếp hạng là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di sản lịch sử quốc gia đặc biệt của các ĐVHC thực hiện sắp xếp, tổ chức lại.

Thời hạn hoàn thành: Trước ngày 15 tháng 4 năm 2025.

i) Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Ban hành hướng dẫn về chính quyền điện tử, chính quyền số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; về xây dựng hệ thống dữ liệu kết nối, liên thông giữa chính quyền địa phương cấp cơ sở (cấp xã), cấp tỉnh và liên thông với trung ương.

Thời hạn hoàn thành: Trước ngày 15 tháng 4 năm 2025.

k) Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo

- Ban hành hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại các ĐVHC thực hiện sắp xếp, tổ chức lại.

- Ban hành hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với ĐVHC cấp xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thủ tục rà soát, xác định xã khu vực III, II, I, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại các ĐVHC thực hiện sắp xếp, tổ chức lại.

Thời hạn hoàn thành: Trước ngày 15 tháng 4 năm 2025.

l) Bộ trưởng Bộ Y tế

Ban hành hướng dẫn về sắp xếp, tổ chức cơ sở y tế tại các ĐVHC thực hiện sắp xếp, tổ chức lại.

Thời hạn hoàn thành: Trước ngày 15 tháng 4 năm 2025.

m) Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ban hành hướng dẫn bảo đảm duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục, đào tạo công lập tại các ĐVHC thực hiện sắp xếp, tổ chức lại.

Thời hạn hoàn thành: Trước ngày 15 tháng 4 năm 2025.

n) Thành viên Ban Chỉ đạo là đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn giải quyết các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.

o) Các bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ Chính phủ giao chịu trách nhiệm xem xét, giải quyết theo thẩm quyền khó khăn, vướng mắc và theo đề xuất, kiến nghị của các địa phương; trường hợp vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét.

Điều 4. Tổ chức hoạt động của Ban Chỉ đạo

1. Trưởng Ban Chỉ đạo có quyền hạn, trách nhiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Quyết định số 23/2023/QĐ-TTg ngày 18 tháng 9 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành. Trưởng Ban Chỉ đạo sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ; Phó Trưởng Ban và các thành viên Ban Chỉ đạo được sử dụng con dấu của bộ, ngành nơi công tác khi ký ban hành các văn bản của Ban Chỉ đạo.

2. Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, giúp Trưởng ban trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình công tác của Ban Chỉ đạo; xây dựng Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo trình Trưởng ban ký ban hành.

Bộ Nội vụ sử dụng bộ máy của mình để thực hiện nhiệm vụ giúp việc cho Ban Chỉ đạo, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo; tổng hợp, báo cáo các hoạt động chung của Ban Chỉ đạo và thực hiện một số nhiệm vụ khác do Trưởng ban giao.

3. Các cơ quan có thành viên tham gia Ban Chỉ đạo sử dụng bộ máy hiện có của mình để thực hiện nhiệm vụ giúp việc cho Ban Chỉ đạo, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.

Điều 5. Kinh phí hoạt động

Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo do ngân sách nhà nước bảo đảm và được bố trí trong kinh phí hoạt động thường xuyên của Bộ Nội vụ.

Điều 6. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

2. Ban Chỉ đạo tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các thành viên quy định tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

THỦ TƯỚNG




Phạm Minh Chính

32
Tiện ích dành riêng cho tài khoản TVPL Basic và TVPL Pro
Tiện ích dành riêng cho tài khoản TVPL Basic và TVPL Pro
Tiện ích dành riêng cho tài khoản TVPL Basic và TVPL Pro
Tải về Quyết định 571/QĐ-TTg năm 2025 thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Tải văn bản gốc Quyết định 571/QĐ-TTg năm 2025 thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chưa có văn bản song ngữ
Văn bản được hướng dẫn - [0]
[...]
Văn bản được hợp nhất - [0]
[...]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
[...]
Văn bản bị đính chính - [0]
[...]
Văn bản bị thay thế - [0]
[...]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
[...]
Văn bản được căn cứ - [0]
[...]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [1]
[...]
Văn bản đang xem
Quyết định 571/QĐ-TTg năm 2025 thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu: 571/QĐ-TTg
Loại văn bản: Quyết định
Lĩnh vực, ngành: Bộ máy hành chính
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
Người ký: Phạm Minh Chính
Ngày ban hành: 12/03/2025
Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày đăng: Đã biết
Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản liên quan cùng nội dung - [0]
[...]
Văn bản hướng dẫn - [0]
[...]
Văn bản hợp nhất - [0]
[...]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
[...]
Văn bản đính chính - [0]
[...]
Văn bản thay thế - [0]
[...]
[...] Đăng nhập tài khoản TVPL Basic hoặc TVPL Pro để xem toàn bộ lược đồ văn bản
Triển khai chính quyền điện tử, chính quyền số đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số, đồng thời kiến tạo hệ thống dữ liệu liên thông giữa cấp xã, cấp tỉnh và Trung ương được hướng dẫn bởi Công văn 687/BKHCN-CĐSQG năm 2025 có hiệu lực từ ngày 07/04/2025
Thực hiện Quyết định số 571/QĐ-TTg ngày 12/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (gọi tắt là Ban Chỉ đạo), Bộ Khoa học và Công nghệ được giao nhiệm vụ hướng dẫn triển khai chính quyền điện tử, chính quyền số đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số, đồng thời kiến tạo hệ thống dữ liệu liên thông giữa cấp xã, cấp tỉnh và Trung ương. Để triển khai hiệu quả, Bộ đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Về rà soát, hoàn thiện thể chế, văn bản định hướng, chiến lược, chương trình, kế hoạch

- Đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát, cập nhật, bổ sung các nội dung triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW và phân công lại các nhiệm vụ trong các Nghị quyết, Chiến lược, Chương trình, Kế hoạch, Chỉ thị… về phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, chuyển đổi số phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương mới, đảm bảo đồng bộ với thời hạn hiệu lực của quyết định tổ chức lại đơn vị hành chính.

- Đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát, cập nhật, ban hành Khung kiến trúc số cấp bộ, Khung kiến trúc số cấp tỉnh phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương mới và phù hợp với Khung kiến trúc chính phủ số Việt Nam, phiên bản 4.0 (đã được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành tại Quyết định số 292/QĐ-BKHCN ngày 25/3/2025). Thời hạn hoàn thành: trong vòng 15 ngày kể từ khi có quyết định của cấp có thẩm quyền về việc tổ chức lại đơn vị hành chính.

2. Về các nền tảng số, hệ thống thông tin phục vụ chính phủ điện tử, chính phủ số, chuyển đổi số

- Đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát, cập nhật, tổ chức lại các nền tảng số, hệ thống thông tin đang được vận hành, khai thác hoặc đang trong giai đoạn thiết kế, xây dựng, phát triển, đảm bảo phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương mới, sẵn sàng hoạt động ngay khi quyết định tổ chức lại đơn vị hành chính có hiệu lực.

Các bộ, ngành, địa phương tham khảo nguyên tắc rà soát, cập nhật, tổ chức lại các nền tảng số, hệ thống thông tin tại Phụ lục kèm theo.

- Đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát, cập nhật các quy định, quy trình, quy chế quản lý, vận hành, khai thác các nền tảng số, hệ thống thông tin ngay sau khi các nền tảng số, hệ thống thông tin đó được tổ chức lại. Thời hạn hoàn thành: trong vòng 15 ngày kể từ khi quyết định của cấp có thẩm quyền về việc tổ chức lại đơn vị hành chính có hiệu lực (dự kiến 15/7/2025).

- Đối với các nền tảng, hệ thống thông tin quy mô toàn quốc, đề nghị các bộ ngành liên quan chủ động rà soát, điều chỉnh và hướng dẫn triển khai đến địa phương. Thời hạn hoàn thành: ngày 15/5/2025.

3. Về dữ liệu

Các bộ, ngành, địa phương:

- Đồng bộ và liên thông dữ liệu giữa cấp xã, tỉnh và Trung ương sau khi tổ chức lại đơn vị hành chính, tránh gián đoạn hoặc trùng lặp thông tin.

- Thực hiện sao lưu, dự phòng dữ liệu định kỳ nhằm bảo vệ thông tin quan trọng, đồng thời xây dựng các biện pháp, giải pháp bảo đảm an toàn dữ liệu, phòng chống rủi ro mất mát hoặc rò rỉ dữ liệu.

- Tổ chức bàn giao dữ liệu đầy đủ, minh bạch giữa các đơn vị hành chính trước và sau khi sắp xếp; duy trì khả năng tra cứu dữ liệu cũ phục vụ công tác quản lý và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

- Đảm bảo duy trì kết nối hiện có, tăng cường chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống địa phương và Trung ương, đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số.

- Thu thập, cập nhật, điều chỉnh dữ liệu chính xác, có tính kế thừa; bảo đảm tính toàn vẹn, tin cậy, an ninh, an toàn.

- Lưu trữ, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng dữ liệu bảo đảm hiệu quả, đơn giản, thuận tiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện dịch vụ công, thủ tục hành chính và các hoạt động khác.

4. Về hạ tầng kỹ thuật

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Rà soát, đánh giá hiện trạng hạ tầng kỹ thuật hiện có tại các đơn vị hành chính thuộc, trực thuộc; Xây dựng phương án điều chỉnh, hợp nhất hạ tầng kỹ thuật đảm bảo hạ tầng kỹ thuật cho chuyển đổi số ngay sau khi sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính, phù hợp với các điều kiện thực tiễn của từng địa phương, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.

- Đảm bảo hạ tầng kỹ thuật vận hành thông suốt, không gây nên sự gián đoạn hoạt động của các nền tảng số, hệ thống thông tin, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi (có các giải pháp dự phòng).

5. Về kết nối, liên thông dữ liệu giữa chính quyền cấp xã, cấp tỉnh và trung ương

- Các bộ, ngành, địa phương duy trì hoạt động ổn định, đảm bảo không gián đoạn các dịch vụ trên Nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh; Bám sát tình hình thực tế sáp nhập, hợp nhất, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính để cấu hình, điều chỉnh các dịch vụ cho phù hợp.

- Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ duy trì hoạt động ổn định, đảm bảo không gián đoạn các dịch vụ đã cung cấp trên Nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia và trên các nền tảng, hệ thống thông tin phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu.

6. Về công tác số hóa tài liệu

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo hướng dẫn tại văn bản số 851/BNV-CVT<NN ngày 01/4/2025 của Bộ Nội vụ.

7. Các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc lập kế hoạch và bố trí kinh phí để triển khai chính quyền điện tử, chính quyền số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Đồng thời, duy trì và phát triển hệ thống dữ liệu liên thông giữa cấp xã, cấp tỉnh và Trung ương, đồng bộ với việc bàn giao, quản lý tài sản, tài chính trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm.

Tài liệu hướng dẫn chi tiết về nguyên tắc rà soát, cập nhật và tổ chức lại nền tảng số, hệ thống thông tin được đính kèm tại Phụ lục.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Khoa học và Công nghệ (Cục Chuyển đổi số quốc gia) để được hướng dẫn, hỗ trợ.

Đầu mối liên hệ: ông Đỗ Lập Hiển, Quyền Trưởng phòng Dịch vụ số, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Tel: 0916033555).
...
PHỤ LỤC NGUYÊN TẮC THAM KHẢO RÀ SOÁT, CẬP NHẬT, TỔ CHỨC LẠI CÁC NỀN TẢNG SỐ, HỆ THỐNG THÔNG TIN

I. Nguyên tắc chung

Trong quá trình rà soát, cập nhật và tổ chức lại các nền tảng số, hệ thống thông tin (HTTT) và cơ sở dữ liệu quốc gia, các đơn vị cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

- Ưu tiên trải nghiệm của người dùng: Đảm bảo người dân, doanh nghiệp và các bên liên quan có thể truy cập, khai thác các HTTT và cơ sở dữ liệu trên một giao diện thống nhất, dễ sử dụng và thân thiện.

- Tiết kiệm chi phí đầu tư: Tránh trùng lặp hệ thống, tận dụng tối đa hạ tầng, dữ liệu và nguồn lực hiện có để giảm thiểu chi phí.

- Đảm bảo tính liên tục, không gián đoạn dịch vụ: Các HTTT và cơ sở dữ liệu phải duy trì hoạt động ổn định trong suốt quá trình điều chỉnh, cập nhật hoặc hợp nhất, không làm gián đoạn quá trình vận hành và khai thác.

- Kế thừa và tối ưu hệ thống hiện có: Đánh giá các HTTT và cơ sở dữ liệu cũ để lựa chọn giải pháp tối ưu, tránh lãng phí tài nguyên và đảm bảo hiệu quả sử dụng.

- An toàn thông tin mạng, an ninh mạng: Tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, bảo mật dữ liệu và bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.

II. Nguyên tắc cụ thể cho các hệ thống phổ biến

Các nguyên tắc dưới đây áp dụng cho các loại HTTT phổ biến trong quá trình tổ chức lại đơn vị hành chính:

1. Đối với Cổng/Trang Thông tin điện tử của các bộ, ngành, địa phương

- Sử dụng một cổng/trang thông tin điện tử duy nhất cho đơn vị mới sau sáp nhập hoặc hợp nhất, đảm bảo giao diện thống nhất và thân thiện với người dùng.

- Hợp nhất nội dung và dữ liệu từ các cổng/trang thông tin cũ, đảm bảo không mất mát dữ liệu và duy trì khả năng truy cập thông tin quan trọng.

- Giữ nguyên hoặc chuyển hướng URL (API) quan trọng để tránh gây ra gián đoạn cho các truy vấn từ bên ngoài.

- Tích hợp các tính năng nâng cao như tìm kiếm thông minh, hỗ trợ đa nền tảng (web, di động) và tương thích với hệ thống định danh số.

2. Đối với HTTT giải quyết thủ tục hành chính

- Đảm bảo cung cấp một giao diện truy cập thống nhất (Cổng Dịch vụ công thống nhất) để người dân và doanh nghiệp dễ dàng khai thác và sử dụng dịch vụ công.

- Đối với phân hệ giải quyết thủ tục hành chính:

+ Nếu tiếp tục duy trì các phân hệ hiện có, phải đảm bảo kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa các hệ thống; đồng bộ và hợp nhất dữ liệu hồ sơ thủ tục hành chính; đảm bảo khả năng truy xuất lịch sử xử lý hồ sơ trước và sau khi sáp nhập hoặc hợp nhất.

+ Nếu kết thúc hoạt động của một số phân hệ, phải nghiên cứu và lựa chọn phương án sử dụng phân hệ có năng lực vận hành tốt nhất, tiết kiệm thời gian và nguồn lực, đảm bảo quy trình xử lý thủ tục hành chính không bị gián đoạn.

3. Đối với Hệ thống Quản lý văn bản điều hành

- Sử dụng một hệ thống quản lý văn bản điều hành duy nhất sau khi các cơ quan sáp nhập hoặc hợp nhất, đảm bảo tính liên tục và thuận tiện trong xử lý, lưu trữ văn bản.

- Hợp nhất dữ liệu từ các hệ thống cũ, đảm bảo không mất mát dữ liệu và duy trì lịch sử xử lý văn bản để phục vụ tra cứu và theo dõi công tác chỉ đạo, điều hành.

- Duy trì khả năng liên thông với Trục liên thông văn bản quốc gia, đảm bảo văn bản điện tử được luân chuyển thông suốt và đúng quy trình; phối hợp với Văn phòng Chính phủ để điều chỉnh tên các đơn vị theo cơ cấu tổ chức mới.

- Chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ trên một nền tảng thống nhất, đảm bảo đồng bộ trong xử lý văn bản giữa các cấp và đơn vị trực thuộc.

- Tích hợp, cấu hình và điều chỉnh các tính năng theo cơ cấu tổ chức mới, chẳng hạn như ký số, tự động phân luồng xử lý văn bản và quy trình nghiệp vụ để nâng cao hiệu suất làm việc.

4. Đối với Hệ thống Email

- Hợp nhất hệ thống email thành một hệ thống duy nhất cho đơn vị mới sau sáp nhập hoặc hợp nhất, đảm bảo tính đồng bộ trong quản lý và sử dụng. Mỗi cán bộ, công chức sẽ có một địa chỉ email công vụ.

- Duy trì khả năng truy cập các thư điện tử cũ và xem xét triển khai phương án kỹ thuật để tự động chuyển tiếp email từ địa chỉ cũ sang địa chỉ mới trong thời gian đầu.

- Tích hợp hệ thống email với danh bạ điện tử theo cơ cấu tổ chức mới, giúp người dùng dễ dàng tra cứu thông tin liên hệ và tránh mất kết nối khi chuyển đổi hệ thống.

5. Đối với Hệ thống thông tin báo cáo

- Hợp nhất hệ thống thông tin báo cáo trên một nền tảng chung để đảm bảo tính đồng bộ.

- Chuẩn hóa chỉ tiêu báo cáo và mô hình dữ liệu, đảm bảo thống nhất trong phương thức thu thập và xử lý dữ liệu.

- Duy trì khả năng liên thông với HTTT Báo cáo quốc gia, đảm bảo các báo cáo của đơn vị mới được cập nhật kịp thời theo yêu cầu của Chính phủ.

6. Đối với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu dùng chung toàn quốc

Các cơ quan, đơn vị quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu dùng chung toàn quốc:

- Đánh giá hiện trạng và lập kế hoạch chuyển đổi:

+ Đánh giá toàn diện hiện trạng của cơ sở dữ liệu bao gồm: cấu trúc dữ liệu, quy mô, mức độ khai thác, các tài khoản truy cập, cơ chế phân quyền theo cơ cấu tổ chức cũ, hệ thống kết nối - chia sẻ dữ liệu hiện hành.

+ Xây dựng kế hoạch chuyển đổi chi tiết: xác định rõ các bước chuyển đổi, mốc thời gian, nguồn lực kỹ thuật - nhân sự; thực hiện sao lưu, lập phương án dự phòng dữ liệu để đảm bảo an toàn trong quá trình chuyển đổi.

- Cập nhật, điều chỉnh các cấu hình và tổ chức lại dữ liệu:

+ Cập nhật các thông tin hành chính (mã định danh đơn vị, tên đơn vị, phân cấp hành chính…) và cấu hình hệ thống phù hợp với mô hình tổ chức mới sau sáp nhập.

+ Tổ chức lại dữ liệu để đảm bảo tính nhất quán và đồng bộ, bao gồm việc hợp nhất và làm sạch dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu cũ (nếu có), cập nhật mã định danh và các trường thông tin liên quan đến đơn vị hành chính mới; xác lập cơ chế đánh dấu và phân biệt dữ liệu cũ/mới phục vụ truy xuất và báo cáo.

+ Thiết lập cơ chế lưu giữ, truy cập dữ liệu lịch sử về đơn vị hành chính cũ để đảm bảo tính liên tục trong quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công.

- Đảm bảo tính liên tục và khả năng truy cập:

+ Duy trì hoạt động ổn định của hệ thống cơ sở dữ liệu trong suốt quá trình chuyển đổi, không làm gián đoạn dịch vụ hoặc ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp.

+ Rà soát, cập nhật hệ thống tài khoản người dùng và phân quyền truy cập theo cơ cấu tổ chức mới, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, đúng người - đúng vai trò - đúng thẩm quyền.

- Công bố hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật:

+ Xây dựng và công bố tài liệu hướng dẫn kỹ thuật cho bộ, ngành, địa phương về việc cập nhật, kết nối, khai thác và chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia trong giai đoạn tổ chức lại đơn vị hành chính.

+ Thiết lập đầu mối hỗ trợ kỹ thuật và quy trình phản hồi nhanh các tình huống phát sinh trong quá trình triển khai.

- Phối hợp liên ngành và chuẩn hóa pháp lý dữ liệu

+ Phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông để cập nhật đồng bộ mã định danh đơn vị hành chính, đảm bảo phù hợp với danh mục, quy chuẩn quốc gia.

+ Rà soát các quy định pháp lý liên quan đến lưu trữ, khai thác, chia sẻ dữ liệu và cập nhật các văn bản nội bộ (quy chế vận hành, quy trình phối hợp…) cho phù hợp với thực tiễn tổ chức lại hành chính.

Xem nội dung VB
Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo
...
3. Nhiệm vụ cụ thể của thành viên Ban Chỉ đạo
...
i) Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Ban hành hướng dẫn về chính quyền điện tử, chính quyền số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; về xây dựng hệ thống dữ liệu kết nối, liên thông giữa chính quyền địa phương cấp cơ sở (cấp xã), cấp tỉnh và liên thông với trung ương.

Thời hạn hoàn thành: Trước ngày 15 tháng 4 năm 2025.
Triển khai chính quyền điện tử, chính quyền số đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số, đồng thời kiến tạo hệ thống dữ liệu liên thông giữa cấp xã, cấp tỉnh và Trung ương được hướng dẫn bởi Công văn 687/BKHCN-CĐSQG năm 2025 có hiệu lực từ ngày 07/04/2025