Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 5611/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt đề án “đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực của cán bộ, công chức trực tiếp tham gia công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2007 - 2010” tại thành phố do UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 5611/QĐ-UBND
Ngày ban hành 21/12/2007
Ngày có hiệu lực 21/12/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Thành Tài
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 5611/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 12 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG NHẰM NÂNG CAO NĂNG LỰC CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC TRỰC TIẾP THAM GIA CÔNG TÁC XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT GIAI ĐOẠN 2007 - 2010” TẠI THÀNH PHỐ

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010;
Căn cứ Quyết định số 161/2003/QĐ-TTg ngày 04 tháng 8 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức;
Căn cứ Quyết định số 131/2006/QĐ-UBND ngày 01 tháng 9 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Chương trình hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn năm 2006 - 2010;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 3274/TTr-STP-VB ngày 07 tháng 11 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực của cán bộ, công chức trực tiếp tham gia công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2007 - 2010” và dự toán kinh phí thực hiện Đề án năm 2008.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng các sở - ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Thành Tài

 

ĐỀ ÁN

ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG NHẰM NÂNG CAO NĂNG LỰC CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC TRỰC TIẾP THAM GIA CÔNG TÁC XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT GIAI ĐOẠN 2007 - 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5611/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2007 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố)

Phần 1.

CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ ÁN

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ CỦA VIỆC XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Trên cơ sở Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2001 về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010, ngày 04 tháng 8 năm 2003, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 161/2003/QĐ-TTg về Quy chế Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, khẳng định việc bồi dưỡng về nghiệp vụ soạn thảo văn bản là một nội dung cụ thể của kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ mà cán bộ, công chức cần đựơc đào tạo, bồi dưỡng.

Theo đó, Quyết định số 909/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình đổi mới công tác xây dựng, ban hành và nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật đã nêu rõ nhu cầu về tăng cường năng lực của các cơ quan và công chức trực tiếp tham gia vào công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật bằng cách đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng đủ số lượng công chức có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ làm công tác soạn thảo, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu thực tế của từng cơ quan.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 131/2006/QĐ-UBND ngày 01 tháng 9 năm 2006 phê duyệt Chương trình hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn năm 2006 - 2010, giao Sở Tư pháp chủ trì xây dựng và trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực soạn thảo văn bản của đội ngũ cán bộ, công chức các ngành, các cấp trực tiếp tham gia công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật” trên địa bàn thành phố.

II. THỰC TRẠNG VỀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

1. Đánh giá sơ bộ về thực trạng cán bộ, công chức tham gia công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật:

Qua đánh giá thực trạng 5 năm (2001 - 2006), công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của thành phố góp phần rất quan trọng trong việc giữ vững ổn định chính trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố; giải quyết được những yêu cầu mà thực tiễn đặt ra, tạo hành lang pháp lý an toàn, đảm bảo thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa những hiệu quả đạt được, cần khắc phục một số hạn chế trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật như: chưa tuân thủ nghiêm chỉnh về trình tự, thủ tục xây dựng văn bản; chưa có sự đánh giá đúng mức về vị trí, tầm quan trọng của công tác xây dựng văn bản, nhiều dự thảo văn bản chưa đảm bảo chất lượng; hàng năm vẫn còn văn bản có sai sót về nội dung, thẩm quyền, hình thức.

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến chất lượng văn bản chưa đảm bảo và còn nhiều sai sót là do tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức tham gia xây dựng văn bản còn chưa cao, cụ thể như:

- Có kiến thức chuyên ngành nhưng còn thiếu kiến thức pháp luật cơ bản và kỹ năng soạn thảo văn bản.

- Chưa được đào tạo nâng cao về kỹ năng, nghiệp vụ soạn thảo văn bản.

- Kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế; thiếu kỹ năng phân tích, đánh giá chính sách, pháp luật; chưa chú trọng tổng kết thực tiễn.

- Kiến thức pháp lý tổng quát và chuyên ngành, đặc biệt là về nội dung hội nhập kinh tế quốc tế của đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham gia công tác xây dựng văn bản còn hạn chế hoặc chưa đựơc cập nhật, bổ sung đầy đủ.

[...]