Quyết định 556/TTg năm 1995 điều chỉnh Quyết định 327/CT năm 1992 về chương trình quốc gia về tạo mới và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 556/TTg
Ngày ban hành 12/09/1995
Ngày có hiệu lực 12/09/1995
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Trần Đức Lương
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 556/TTg

Hà Nội, ngày 12 tháng 9 năm 1995

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUYẾT ĐỊNH SỐ 327/CT NGÀY 15/9/1992 CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Để thực hiện Chương trình 327 tập trung, đạt hiệu quả cao, phù hợp thực tiễn;
Xét đề nghị của Ban chỉ đạo Chương trình 327 Trung ương và các Bộ trưởng: Lâm nghiệp, Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi trong phiê họp ngày 13 tháng 6 năm 1995.

QUYẾT ĐỊNH

A- MỤC TIÊU, PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH 327

Điều 1. Từ năm 1996 trở đi, Chương trình 327 thực chất là chương trình quốc gia về tạo mới và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Chương trình này thực hiện theo dự án, chủ yếu theo phương thức lâm nông kết hợp, lấy hộ gia đình dự án làm động lực thực hiện, chủ dự án là "bà đỡ" làm dịch vụ hai đầu cho hộ, nhằm bảo đảm năng lực phòng hộ bền vững của quốc gia; góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, củng cố quốc phòng, an ninh, sử dụng có hiệu quả đất đai, từng bước nâng cao đời sống và gắn lợi ích của hộ với lợi ích quốc gia.

- Việc phủ xanh đồi núi trọc để tạo mới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, lấy trồng mới là chủ yếu, chỉ khoanh nuôi tái sinh rừng nơi thực sự có hiệu quả, phải thực hiện tập trung, dứt điểm để tạo thành rừng phòng hộ liền khoảnh, liền vùng.

- Việc bảo vệ rừng chủ yếu là đối với rừng đặc dụng; rừng phòng hộ chỉ bảo vệ có trọng điểm, những nơi xung yếu còn bị chặt phá rừng làm rẫy. Đối với rừng hiện có nói chung, thì Bộ Lâm nghiệp, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, sử dụng các tổ chức, lực lượng kiểm lâm, các nguồn vốn khác... để bảo vệ.

- Việc trồng mới rừng sản xuất và trồng rừng phân tán, không thuộc Chương trình 327.

- Việc phủ xanh đồi núi trọc chủ yếu bằng cây công nghiệp, cây ăn quả, đồng cỏ chăn nuôi đại gia súc, không thuộc chương trình 327. Các dự án nông lâm công nghiệp được khẳng định có diện tích rừng phòng hộ khoảng 30% và diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả có tán che phủ như cây rừng cộng lại chiếm từ 50% trở lên so với diện tích dự án, vẫn được đầu tư theo Chương trình 327.

- Về công tác định canh định cư là một vấn đề lớn về kinh tế - xã hội của miền núi, sử dụng nguồn vốn riêng không thuộc Chương trình 327. Từ năm 1996 trở di, tất cả các dự án định canh định cư độc lập đang được đầu tư bằng nguồn vốn 327 đều tách khỏi Chương trình 327.

- Đối với hộ đồng bào dân tộc du canh du cư đốt phá rừng làm rẫy nằm trong địa bàn của các dự án lâm nông và nông lâm hiện có thuộc rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, vẫn do các dự án này phụ trách và được thực hiện theo quy chế như các dự án 327 khác.

B- QUY MÔ, CƠ CẤU, MẬT ĐỘ VÀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI RỪNG PHÒNG HỘ, RỪNG ĐẶC DỤNG

Điều 2. Bộ Lâm nghiệp cùng Uỷ ban Nhân dân tỉnh quy hoạch và xác định rõ lâm phần của rừng phòng hộ, rừng đặc dụng của từng tỉnh, và cả nước theo hướng sau đây:

- Rừng phòng hộ, với tổng diện tích trên 8 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên hiện có khoảng 4,5 triệu ha, trọng tâm là rừng phòng hộ đầu nguồn của các sông lớn, các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện của quốc gia, rừng phòng hộ xung yếu ven biển (tách từ quyết định 773/TTg sang) và một số đồi núi trọc tập trung có ý nghĩa môi sinh phòng hộ quan trọng ở đồng bằng.

- Rừng đặc dụng, với tổng diện tích từ 1 đến 1,2 triệu ha, mà chủ yếu là rừng tự nhiên hiện có, gồm các vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên và một số khu bảo tồn di tích lịch sử trọng yếu.

Từ năm 1996 đến 2010, phấn đấu tạo mới rừng để phủ xanh được hầu hết đồi núi trọc quy hoạch cho rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, bình quân mỗi năm trồng mới và khoanh nuôi tái sinh rừng đạt khoảng 250 ngàn ha; đồng thời thực hiện các chính sách cần thiết để bảo vệ cho được diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng hiện có.

Điều 3: Cơ cấu, mật độ cây trồng đối với rừng phòng hộ đầu nguồn là trồng hỗn giao theo sinh thái nhiều tầng gồm nhiều loài cây rừng bản địa gỗ quý, chủ yếu lấy giống từ rừng nguyên sinh với mật độ bình quân 1.600 cây/ha. Trong đó, khoảng 40% là các loài cây rừng bản địa và 60% cây phụ trợ, kể cả cây công nghiệp, cây ăn quả, cây đặc sản lâu năm như nhãn, mít, xoài, hồi... Hoặc trồng theo sinh thái đan xen: băng rừng băng cỏ; băng rừng băng cây công nghiệp, cây ăn quả, băng rừng băng cây lương thực... Đối với rừng phòng hộ ven biển, rừng ngập mặn... thì mật độ cây trồng cao hơn (nhưng đơn giá trồng rừng thấp hơn). Đối với một số ít dự án rừng đặc dụng, thực hiện trồng rừng theo luận chứng kinh tế kỹ thuật được duyệt.

Để bảo đảm lợi ích của Nhà nước với lợi ích của người nhận khoán rừng, Bộ Lâm nghiệp xây dựng, trình Chính phủ chính sách đối với bảo vệ và tạo mới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng theo hướng như sau:

- Trồng rừng mới: toàn bộ cây rừng bản địa thuộc sở hữu của Nhà nước; còn các loại cây rừng phụ trợ khi được khai thác, thì người trồng rừng được hưởng 2/3 và Nhà nước 1/3 sản phẩm, nhưng việc khai thác cây phụ trợ này phải thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật.

- Bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng: người nhận khoán được hưởng một tỷ lệ hợp lý về giá trị tăng trưởng của rừng do công bảo vệ, chăm sóc rừng mà có.

Ngoài ra, người nhận khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh, trồng rừng được hưởng các sản phẩm do trồng xen dưới tán rừng và được hưởng toàn bộ hoa, quả trên cây rừng (nếu có).

C- CƠ CẤU VỐN, CƠ CHẾ CẤP PHÁT, THANH QUYẾT TOÁN VỐN:

Điều 4: Nhà nước dành các nguồn vốn: ngân sách trong nước, vốn viện trợ và vốn vay của nước ngoài (nếu có) cho chương trình 327 và điều hoà các nguồn vốn đó cho từng ngành, từng địa phương một cách hợp lý; tỉnh nào có nhiều vốn viện trợ nước ngoài về rừng thì giảm hoặc ngừng đầu tư bằng vốn Chương trình 327; các nguồn vốn của các chương trình có liên quan không được ghi chung vào Chương trình này. Nguồn vốn của chương trình quốc gia về rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, gồm: vốn đầu tư, cho vay, kinh phí chuyển, dãn dân, và quản lý phí, khuyến lâm, khuyến nông đều tập trung vào một đầu mối để giao kế hoạch và cấp phát qua hệ thống kho bạc Nhà nước. Tất cả nguồn vốn của các dự án 327 của các ngành, kể cả quốc phòng, nội vụ, đoàn thanh niên... đều thống nhất giao cho tỉnh, trừ một số dự án cần thiết trực thuộc Bộ.

Tuỳ điều kiện cụ thể, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ trưởng chuyên ngành có trách nhiệm giao kế hoạch phù hợp đối với từng dự án hướng chung như sau:

- Vốn đầu tư trực tiếp về rừng và vốn cho hộ dự án vay hỗ trợ để sản xuất lâm nông kết hợp chiếm khoảng 74% vốn chương trình. Trong đó, tiền đầu tư khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh, chăm sóc, trồng mới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng 60%; tiền chi phí cho 3 khâu: đo đạc tạm để giao đất trồng rừng, khoản khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ rừng; thiết kế theo quy trình trên thực địa, nghiệm thu trồng rừng mới khoảng: 1,5 - 2% tiền cho hộ dự án vay không lãi để hỗ trợ trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, làm kinh tế vườn, chăn nuôi đại gia súc: 12%.

[...]