THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
55/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 07 tháng 02
năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ LẬP QUY HOẠCH BẢO QUẢN, TU BỔ, PHỤC HỒI DI TÍCH QUỐC
GIA ĐẶC BIỆT CHÙA ĐỌI SƠN (CHÙA LONG ĐỌI SƠN), TỈNH HÀ NAM ĐẾN NĂM 2030, TẦM
NHÌN 2050
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ
chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24
tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng
6 năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 166/2018/NĐ-CP
ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục
lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ,
phục hồi di tích quốc gia đặc biệt chùa Đọi Sơn, (chùa Long Đọi Sơn), tỉnh Hà
Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050, với những nội dung sau:
1. Phạm vi, ranh
giới lập quy hoạch
a) Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch:
Diện tích là 82,4 ha, bao gồm: Di tích quốc gia đặc biệt chùa Đọi Sơn (chùa
Long Đọi Sơn) với khoanh vùng Khu vực bảo vệ I có diện tích 3,18 ha, Khu vực bảo
vệ II có diện tích 11,37 ha; khu vực mở rộng và khu vực chuyển tiếp có diện
tích là 67,85 ha.
b) Ranh giới lập quy hoạch: Phía Bắc
giáp đường huyện ĐH.08; phía Nam giáp đường mòn trên núi Đọi; phía Đông giáp đường
tỉnh ĐT.493; phía Tây giáp đường trong khu dân cư và trường bắn.
Quy mô và ranh giới cụ thể được xác định
cụ thể tại bước lập quy hoạch.
2. Đối tượng nghiên
cứu lập quy hoạch
a) Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ
thuật quốc gia đặc biệt chùa Đọi Sơn (chùa Long Đọi Sơn), không gian cảnh quan,
môi trường sinh thái xung quanh; các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể,
di sản tư liệu, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, hiện vật
khảo cổ, lễ hội gắn với di tích.
b) Các yếu tố về sinh thái, địa hình,
địa thế, kinh tế - xã hội, đô thị, dân cư trong khu vực nghiên cứu; các thể chế
chính sách liên quan và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông kết nối
trong khu vực quy hoạch; tình hình sử dụng đất khu vực xung quanh di tích.
c) Vai trò, mối liên hệ của chùa Đọi
Sơn (chùa Long Đọi Sơn) với các di tích, công trình, địa điểm du lịch khác của
tỉnh Hà Nam và vùng lân cận để kết nối, phát triển du lịch.
d) Công tác quản lý, bảo vệ, đầu tư
xây dựng và phát huy giá trị di tích.
3. Mục tiêu lập quy
hoạch
a) Nhận diện đầy đủ giá trị và hoàn
thiện hệ thống hồ sơ, dữ liệu của di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đọi Sơn
(chùa Long Đọi Sơn).
b) Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá
trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chùa Đọi Sơn thành nơi giới thiệu, tôn vinh văn hóa, nghệ thuật dân gian gắn với
các thiết chế văn hóa làng xã, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống văn
hóa dân tộc. Hình thành điểm du lịch lịch sử, văn hóa hấp dẫn, kết nối với các
điểm di tích, điểm du lịch khác, tạo thành chuỗi dịch vụ văn hóa, mô hình du lịch
phù hợp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam.
c) Làm căn cứ pháp lý cho việc quản
lý và triển khai các dự án thành phần về đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ
thuật, bảo quản, tu bổ phục hồi di tích theo quy hoạch được phê duyệt. Xây dựng
quy định và giải pháp quản lý, kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh
quan khu vực di tích.
d) Xác lập hoàn chỉnh ranh giới các
khu vực bảo vệ, phát huy giá trị di tích làm cơ sở cắm mốc giới, phân khu chức
năng và cơ cấu, chỉ tiêu sử dụng đất (các khu di tích, khu dân cư, khu bảo vệ
môi trường sinh thái...). Định hướng tổ chức không gian, bố trí hạ tầng kỹ thuật
phù hợp với các giai đoạn bảo tồn, phát huy giá trị di tích.
đ) Định hướng kế hoạch, lộ trình và
nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị.
4. Nội dung Nhiệm vụ
lập quy hoạch
a) Xác định yêu cầu nghiên cứu, khảo
sát, đánh giá hiện trạng di tích; nghiên cứu, đánh giá yếu tố kinh tế - xã hội
và môi trường tự nhiên liên quan đến nội dung quy hoạch
- Nghiên cứu, khảo sát di tích:
+ Khảo sát, điều tra, sưu tầm tư liệu
về di tích; chụp ảnh, đo vẽ ghi các hạng mục kiến trúc hiện hữu; khảo sát đo đạc
địa hình tỷ lệ 1/500 các khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích.
+ Khảo sát, đánh giá tình trạng kỹ
thuật của các hạng mục công trình hiện hữu tại di tích; phân tích các giá trị
di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu
+ Khảo sát thực trạng quản lý, bảo tồn
và phát huy giá trị di tích; tình hình đầu tư các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi
di tích; hoạt động du lịch và các hoạt động văn hóa khác.
- Nghiên cứu, khảo sát khu vực lập
quy hoạch:
+ Khảo sát, đánh giá hiện trạng sử dụng
đất, cơ sở hạ tầng khu vực lập quy hoạch (bao gồm toàn bộ diện tích các khu vực
khoanh vùng bảo vệ di tích); hiện trạng kiến trúc, xây dựng khu vực xung quanh
di tích, trong đó có mặt đứng kiến trúc các tuyến giáp ranh khu vực lập quy hoạch.
+ Khảo sát, đánh giá hệ thống giao
thông nội bộ, hạ tầng kỹ thuật kết nối di tích với các công trình, địa điểm du
lịch trong khu vực. Nhận diện nguy cơ xung đột giữa bảo tồn, phát huy giá trị
di tích với sự gia tăng đô thị hóa trong khu vực quy hoạch.
+ Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội
và rà soát các chủ trương, chính sách, quy hoạch, dự án của thị xã Duy Tiên và
tỉnh Hà Nam có tác động đến việc lập và triển khai quy hoạch di tích; dự báo
phát triển và xác định các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khu vực quy hoạch; tình
hình đầu tư các dự án có liên quan đến phát huy giá trị di tích; thực trạng hoạt
động du lịch; phân tích các nguyên nhân ảnh hưởng đến hoạt động bảo tồn và phát
huy giá trị di tích.
b) Xác định đặc trưng và giá trị tiêu
biểu của di tích
- Nhận diện các yếu tố cấu thành di
tích, nêu bật hệ giá trị và đánh giá khả năng khai thác giá trị của các yếu tố
cấu thành đó, làm cơ sở đề xuất các dự án bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn
với phát triển du lịch.
- Các đặc trưng về phân bố, cấu trúc
không gian cảnh quan di tích; hình thức kiến trúc, kết cấu, kỹ thuật, vật liệu
và phương thức xây dựng, tạo tác các công trình kiến trúc trong khu vực di
tích; hệ thống di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến di tích.
c) Nội dung và định hướng bảo quản,
tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích; định hướng tổ chức không gian kiến
trúc, cảnh quan và xây dựng công trình mới
- Xác định ranh giới khu vực bảo vệ
I, khu vực bảo vệ II; kiến nghị về việc điều chỉnh mở rộng hay thu hẹp khu vực
bảo vệ di tích, để phù hợp với thực tế quản lý và phát huy giá trị di tích; xác
định các khu vực bảo vệ cảnh quan; các khu vực hạn chế, kiểm soát xây dựng; các
khu vực cho phép xây dựng mới; giải tỏa các vi phạm lấn chiếm và phương án tái
định cư (nếu có).
- Định hướng phát huy giá trị di tích
gắn với phát triển du lịch bền vững, tổ chức các sự kiện văn hóa, lịch sử gắn với
di tích và không gian cảnh quan; xác định tuyến du lịch kết nối với các điểm di
tích khác của tỉnh Hà Nam và vùng phụ cận.
- Quy hoạch không gian kiến trúc cảnh
quan; xác định danh mục các hạng mục di tích cần được bảo quản, tu bổ, phục hồi
và mức độ bảo quản, tu bổ, phục hồi đối với từng hạng mục di tích; nguyên tắc
và giải pháp cơ bản đối với việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; biện pháp quản lý và bảo vệ đối với di vật, cổ vật, bảo vật
quốc gia... hiện có tại di tích. Xác định các công trình phụ trợ cần thiết phải
xây dựng mới phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
- Định hướng xây dựng hệ thống hạ tầng
kỹ thuật đồng bộ tại di tích; tổ chức giao thông kết nối giữa các công trình chức
năng trong khu di tích và điểm di tích, điểm du lịch, tuyến du lịch của tỉnh,
thành phố; bố trí điểm đỗ xe, điểm dịch vụ phục vụ khu di tích.
- Dự báo tác động môi trường và đề xuất
các biện pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường
trong khu vực quy hoạch.
d) Kế hoạch thực hiện quy hoạch
- Thời kỳ và tầm nhìn quy hoạch: Thời
kỳ quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Đề xuất danh mục các nhóm dự án
thành phần, phân kỳ đầu tư, thứ tự ưu tiên đến năm 2030, bao gồm: (i) Nhóm dự
án tu bổ, phục hồi di tích và định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh
quan và xây dựng công trình mới, hạ tầng kỹ thuật; (ii) Nhóm khai thác, phát
huy giá trị di tích và định hướng phát huy di tích gắn với phát triển du lịch bền
vững; (iii) Nhóm án nâng cao năng lực quản lý và phát huy giá trị di tích gắn với
phát triển du lịch bền vững.
- Đề xuất nguồn vốn, giải pháp huy động
các nguồn lực, phân bổ nguồn vốn và lộ trình đầu tư; các giải pháp quản lý, cơ
chế thực hiện, phối hợp liên ngành, bảo đảm triển khai thành công quy hoạch.
5. Hồ sơ sản phẩm
quy hoạch và tổ chức thực hiện
a) Hình thức, quy cách thể hiện bản đồ,
thành phần hồ sơ sản phẩm quy hoạch bảo đảm tuân thủ theo quy định tại Luật Di
sản văn hóa; Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ
quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự
án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và
các quy định pháp luật khác có liên quan. Cụ thể:
- Thuyết minh tổng hợp đồ án quy hoạch;
Tờ trình phê duyệt quy hoạch và dự thảo Quyết định phê duyệt quy hoạch.
- Hệ thống bản đồ, bản vẽ, bao gồm:
+ Bản đồ vị trí di tích và mối liên hệ
với di tích khác trong khu vực nghiên cứu quy hoạch (tỷ lệ 1/5.000).
+ Bản đồ hiện trạng sử dụng đất, kiến
trúc, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật và bản đồ quy hoạch xây dựng khu vực đã được
phê duyệt (tỷ lệ 1/2.000).
+ Bản đồ tỷ lệ 1/500 - 1/2.000: (i) Bản
đồ xác định khu vực bảo vệ và cắm mốc giới di tích; khu vực cần giải tỏa vi phạm
di tích; (ii) Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng; phương án quy hoạch bảo quản, tu
bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích; (iii) Bản đồ định hướng tổ chức không
gian, kiến trúc, cảnh quan, xây dựng công trình mới và hạ tầng kỹ thuật.
- Bản chụp các văn bản và tài liệu
khác có liên quan: Ý kiến của tổ chức, cá nhân có liên quan và cộng đồng tại
khu vực lập quy hoạch; văn bản thẩm định, phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch; tờ
trình phê duyệt, dự thảo quyết định phê duyệt quy hoạch và các văn bản khác có
liên quan.
- Hồ sơ lưu trữ đồ án quy hoạch theo
quy định của pháp luật về lưu trữ (bao gồm định dạng tài liệu điện tử đối với
các thành phần hồ sơ nêu trên).
b) Tổ chức thực hiện
- Tiến độ: Thời gian lập quy hoạch
không quá 24 tháng kể từ ngày Nhiệm vụ lập Quy hoạch được phê duyệt.
- Trách nhiệm:
+ Cấp phê duyệt: Thủ tướng Chính phủ;
+ Cơ quan chủ trì thẩm định và trình
phê duyệt: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
+ Cơ quan tổ chức lập quy hoạch: Ủy
ban nhân dân tỉnh Hà Nam.
+ Đơn vị, tổ chức tư vấn: Tổ chức lựa
chọn đơn vị tư vấn theo quy định hiện hành của pháp luật.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam bố trí nguồn
vốn, phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch và các chi phí khác có liên quan đến
công tác lập quy hoạch; chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
và các bộ, ngành liên quan tổ chức lập, trình duyệt quy hoạch theo quy định của
pháp luật.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam, các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ
quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ
tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng,
Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Nam;
- Cục DSVH (Bộ VHTTDL);
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ: TH, KTTH, CN, NN, QHĐP;
- Lưu: VT, KGVX
(3b).
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Trần Hồng Hà
|