ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
55/2013/QĐ-UBND
|
Ninh Thuận,
ngày 29 tháng 8 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH ĐỀ ÁN “CHUNG TAY XÂY DỰNG NINH THUẬN XANH - SẠCH -
ĐẸP”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng
11 năm 2005;
Căn cứ Quyết định số 1222/QĐ-TTg ngày 22
tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển
kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 28 tháng 9
năm 2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận về tăng cường sự lãnh đạo của các
cấp ủy Đảng thực hiện chủ trương xây dựng và phát triển Ninh Thuận xanh - sạch
- đẹp giai đoạn 2012 - 2015 và những năm tiếp theo;
Căn cứ Nghị quyết số 06/2013/NQ-HĐND ngày 16
tháng 7 năm 2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Chung tay
xây dựng Ninh Thuận xanh - sạch - đẹp”;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và
Môi trường tại Tờ trình số 1925/TTr-STNMT ngày 01 tháng 8 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Chung tay xây dựng
Ninh Thuận xanh - sạch - đẹp”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký
ban hành.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc
các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
và thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Đức Thanh
|
ĐỀ ÁN
CHUNG TAY XÂY DỰNG NINH THUẬN XANH - SẠCH - ĐẸP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 55/2013/QĐ-UBND ngày 29 tháng 8 năm 2013 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
Phần I
TỔNG QUAN VỀ XANH - SẠCH
- ĐẸP
I. Căn cứ pháp lý và tình
hình thực tế ở địa phương
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh
Thuận lần thứ XII, nhiệm kỳ 2011 - 2015, Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 28 tháng 9
năm 2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng
thực hiện chủ trương xây dựng và phát triển Ninh Thuận xanh - sạch - đẹp giai
đoạn 2012 -2015 và những năm tiếp theo và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế
- xã hội của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định việc bảo vệ
môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và toàn
dân; với mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành một tỉnh xanh và có môi trường
sống tốt; thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đạt chuẩn đô thị loại II vào năm
2015.
Trong những năm qua, việc đầu tư phát triển hệ
thống cây xanh, vườn hoa và tăng cường hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác
thải ở các khu vực đô thị trong tỉnh được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh quan
tâm, chú trọng và đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, diện tích cây
xanh, vườn hoa ở các khu vực đô thị trong tỉnh vẫn còn thấp so với yêu cầu và
được đầu tư chủ yếu từ nguồn ngân sách Nhà nước; đồng thời việc huy động các
nguồn lực xã hội để tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển cây xanh đô thị chưa
được quan tâm đúng mức, chưa tạo thành một phong trào sâu rộng trong toàn dân.
Vì vậy, việc xây dựng Đề án “Chung tay xây dựng Ninh Thuận xanh - sạch - đẹp”
là nhằm huy động các nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia phát triển hệ thống
cây xanh, vườn hoa và đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý rác thải tại các khu vực
đô thị trong tỉnh.
II. Thực trạng chung về xanh,
sạch, đẹp
1. Về cây xanh: tính đến năm 2011, diện tích đất
cây xanh đô thị tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đạt bình quân 4m2 /người và
tại các thị trấn đạt bình quân 1m2/người, tỷ lệ đất trồng cây xanh tại các khu
du lịch, các điểm tham quan đạt bình quân là 7% (chi tiết tại Phụ lục 1 và Phụ
lục 5 đính kèm). Với thực trạng cây xanh đô thị và khu du lịch như trên, so với
tiêu chuẩn đánh giá phân loại đô thị tại Thông tư số 34/2009/TT-BXD của Bộ Xây
dựng ngày 30 tháng 9 năm 2009 quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số
42/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ về việc phân loại đô thị
(quy định diện tích đất cây xanh đô thị loại II phải từ 7 - 10m2/người, đô thị
loại V phải từ 5 - 7m2/người) và Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7801:2008 - Quy hoạch
phát triển khu du lịch tiêu chuẩn thiết kế (quy định tỷ lệ đất cho khu cây xanh
công viên, cảnh quan tại các khu du lịch thuộc vùng núi cao phải từ 55 - 60% tổng
diện tích đất của khu du lịch, vùng trung du phải từ 45 - 50% tổng diện tích đất
của khu du lịch và vùng đồng bằng, ven biển phải từ 25 - 30% tổng diện tích đất
của khu du lịch) thì chỉ tiêu này còn khá thấp. Nguyên nhân của tồn tại này chủ
yếu là: công tác chăm sóc, phát triển cây xanh đô thị trong thời gian qua mặc
dù được chú trọng đầu tư nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu; đồng thời việc huy
động các nguồn lực xã hội để tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển cây xanh đô
thị chưa được quan tâm đúng mức, chưa tạo thành một phong trào sâu rộng trong
toàn dân. Hệ thống vườn ươm phục vụ cho phát triển cây xanh đô thị chưa được
quan tâm đầu tư. Quy hoạch chi tiết cây xanh các đô thị chưa triển khai thực hiện
dẫn đến tình trạng cây xanh đường phố phát triển tự phát, pha tạp nhiều chủng
loại, không phù hợp điều kiện khí hậu nên khả năng phát triển chậm, thiếu tính
thẩm mỹ và đặc thù của địa phương.
2. Về thu gom, xử lý rác thải: mô hình cộng đồng
cùng tham gia quản lý rác thải và mô hình thu gom rác không tiếp đất tiếp tục
triển khai có hiệu quả và đã xoá bỏ các điểm tập kết, trung chuyển rác ứ đọng
qua ngày tại các khu vực đô thị trong tỉnh. Tính đến năm 2012, có 116/117 (đạt
97%) thôn, khu phố của thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và 29/33 (đạt 88%) thôn,
khu phố (làng nghề gốm Bầu Trúc thuộc khu phố 7 và khu phố 12 của thị trấn Phước
Dân đã được tổ chức thu gom rác thải, riêng làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp thuộc
khu phố 11 và khu phố 13 của thị trấn Phước Dân chưa được tổ chức thu gom rác
thải) của các thị trấn có tổ chức thu gom rác thải; tỷ lệ thu gom rác thải của
thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và các thị trấn tương ứng là 94% và 81% (chi tiết
tại Phụ lục 6 đính kèm). Tại các khu du lịch và các điểm tham quan, chỉ có khu
du lịch Bình Sơn - Ninh Chữ là có tổ chức thu gom rác thải, các khu du lịch và
các điểm tham quan khác như: khu du lịch Vĩnh Hy, khu du lịch Cà Ná, tháp
PoKlong Giarai, thác Chapơr, … chưa tổ chức thu gom rác thải (chi tiết tại Phụ
lục 7 đính kèm). Như vậy, công tác thu gom rác thải tại các khu vực đô thị
trong tỉnh được chính quyền các địa phương tổ chức thực hiện khá tốt. Tuy
nhiên, hoạt động này tại các khu du lịch và các điểm tham quan và tại các làng
nghề chưa được quan tâm, chú trọng.
3. Về hoa: tính đến năm 2011, tỷ lệ vườn hoa tại
thành phố Phan Rang - Tháp Chàm là khá thấp, bình quân khoảng 0,43m2/người (chi
tiết tại Phụ lục 8 đính kèm) so với quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCXDVN
362:2005 là 1,6 m2/người đối với đô thị loại V và 2,5 - 2,8m2/người đối với đô
thị loại I và loại II.
Phần II
NỘI DUNG ĐỀ ÁN
I. Mục đích, ý nghĩa, yêu cầu
và căn cứ dự toán Đề án
1. Mục đích
- Huy động các nguồn lực của toàn xã hội để phát
triển hệ thống cây xanh, vườn hoa, tăng cường thu gom, xử lý rác thải tại các
khu vực đô thị, các khu du lịch và các điểm tham quan; góp phần phát triển
thành phố Phan Rang - Tháp Chàm trở thành thành phố xanh, sạch, đẹp hướng đến
văn minh và hiện đại và đạt chuẩn đô thị loại II vào năm 2015;
- Nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi cán bộ
và từng người dân đối với công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh, hoa và
giữ gìn vệ sinh môi trường.
2. Ý nghĩa
- Góp phần điều hoà khí hậu, bảo vệ môi trường
và tạo cảnh quan môi trường các khu vực đô thị và nơi công cộng;
- Làm thay đổi suy nghĩ và hành động về bảo vệ,
chăm sóc cây xanh và hoa, giữ gìn vệ sinh môi trường trong cộng đồng dân cư; từng
bước nâng cao chất lượng môi trường sống của nhân dân.
3. Yêu cầu
- Tuyên truyền, vận động để toàn Đảng bộ, chính
quyền và nhân dân trong tỉnh hiểu rõ đây là Đề án nâng cao chất lượng cuộc sống
của từng người dân để tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm chung tay xây dựng Ninh
Thuận xanh - sạch - đẹp;
- Cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân
Ninh Thuận phải vào cuộc một cách quyết liệt, thực chất và bền vững, xác định
đây là nhiệm vụ trọng tâm, phải tập trung chỉ đạo thực hiện thường xuyên.
II. Mục tiêu
1. Mục tiêu chung: xây dựng Ninh Thuận trở thành
tỉnh “xanh - sạch - đẹp” và trở thành “điểm đến của Việt Nam trong tương lai”.
Trong đó, trọng tâm của “xanh” là tăng cường trồng cây; “sạch” là đẩy mạnh thu
gom rác thải và “đẹp” là công viên, vườn hoa, cây cảnh.
2. Mục tiêu cụ thể.
a) Về phát triển cây xanh, vườn hoa.
- Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.
+ Về cây xanh: đến năm 2015, diện tích đất cây
xanh đô thị đạt 7m2/người và đến năm 2020 đạt 10m2/người theo chuẩn đô thị loại
II được quy định tại Thông tư số 34/2009/TT-BXD của Bộ Xây dựng ngày 30 tháng 9
năm 2009 - Quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 42/2009/NĐ-CP
ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ về việc phân loại đô thị.
+ Về vườn hoa: đến năm 2015, diện tích vườn hoa
đạt 1,6m2/người và đến năm 2020 đạt 2,5m2/người theo TCXDVN 362:2005 - Quy hoạch
cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị - tiêu chuẩn thiết kế.
- Các thị trấn và trung tâm huyện lỵ: diện tích
đất cây xanh đô thị đến năm 2015 đạt 3m2/người và đến năm 2020 đạt 5m2/người
theo chuẩn đô thị loại V được quy định tại Thông tư số 34/2009/TT-BXD ngày 30
tháng 9 năm 2009 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định
số 42/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ về việc phân loại đô thị.
Riêng các khu phố: 7, 11, 12, 13 của thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước nơi
có hai làng nghề gốm Bầu Trúc và dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp diện tích đất cây xanh đến
năm 2018 đạt được là 5m2/người theo quy định tại Thông tư số 34/2009/TT-BXD
ngày 30 tháng 9 năm 2009 của Bộ Xây dựng.
- Các khu du lịch và các điểm tham quan: đến năm
2015, tỷ lệ diện tích đất trồng cây xanh đạt 25% theo TCVN 7801:2008;
b) Về thu gom và xử lý rác thải tại các đô thị.
- Đến năm 2013, 100% rác thải tại các điểm tham
quan và các khu du lịch trong tỉnh đều được thu gom, xử lý hợp vệ sinh và duy
trì tỷ lệ này đến năm 2020.
- Đến năm 2015, 100% rác thải sinh hoạt của
thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, các thị trấn và trung tâm huyện lỵ được thu gom,
xử lý hợp vệ sinh và duy trì tỷ lệ này đến năm 2020. Riêng các khu phố: 7, 11,
12, 13 của thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước nơi có hai làng nghề gốm Bầu
Trúc và dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp tỷ lệ rác thải được thu gom đến năm 2014 là 100%
và duy trì tỷ lệ này đến năm 2020.
3. Phạm vi áp dụng của Đề án.
a) Về không gian: gồm thành phố Phan Rang - Tháp
Chàm, các thị trấn, trung tâm huyện lỵ, các khu du lịch và các điểm tham quan,
hai làng nghề truyền thống: gốm Bầu Trúc và dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp thuộc thị trấn
Phước Dân, huyện Ninh Phước. Riêng nội dung xanh - sạch - đẹp ở khu vực nông
thôn sẽ đưa vào Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 theo
Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 24 tháng 5 năm 2011 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh
khoá XII;
b) Địa bàn triển khai vận động: là các đơn vị cơ
sở, bao gồm 03 địa bàn trọng yếu là cộng đồng dân cư; cơ quan, công sở; nơi
công cộng;
c) Đối tượng vận động: là các tầng lớp nhân dân
đang sinh sống và làm việc tại Ninh Thuận. Căn cứ vào tính chất và yêu cầu, việc
triển khai Đề án cần tập trung vào 03 nhóm đối tượng vận động chính:
- Nhân dân ở địa bàn dân cư.
- Cán bộ, công chức, người lao động ở cơ quan,
công sở, doanh nghiệp.
- Học sinh, sinh viên ở các trường học và thanh
thiếu niên;
d) Về thời gian: từ năm 2013 đến năm 2020.
III. Kế hoạch và kinh phí thực
hiện
1. Căn cứ lập dự toán và phân bổ nguồn kinh phí
a) Việc lập dự toán chi phí thực hiện Đề án được
căn cứ trên các định mức và đơn giá chuyên ngành đô thị nói chung và chuyên
ngành công viên cây xanh nói riêng như: định mức dự toán bổ sung chuyên ngành
công viên cây xanh tỉnh Ninh Thuận (tại Quyết định số 135/2009/QĐ-UBND ngày 08
tháng 5 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận), tập đơn giá chuyên ngành
đô thị tỉnh Ninh Thuận (tại Quyết định số 138/2009/QĐ-UBND ngày 08 tháng 5 năm
2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận) và có tham khảo một số định mức kinh
tế - kỹ thuật khác có liên quan của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn
và một số tỉnh bạn (chi tiết tại Phụ lục 10 đính kèm);
b) Về phân bổ nguồn kinh phí:
- Đối với nguồn vốn ngân sách tỉnh: đảm bảo toàn
bộ chi phí ươm cây giống; trồng cây xanh lần đầu và trồng dặm hằng năm tại 82
tuyến đường hiện hữu và các thị trấn; trồng và duy trì cây xanh, cây hoa, cây cảnh
tại 25 công viên ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (không tính các công viên của
các dự án đầu tư); toàn bộ chi phí cho hoạt động vận chuyển và hỗ trợ một phần
chi phí thu gom và xử lý rác thải.
- Đối với nguồn đóng góp của nhân dân: thông qua
việc bảo vệ, chăm sóc, duy trì cây xanh hằng năm tại 82 tuyến đường hiện hữu ở
thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và các tuyến đường ở các thị trấn.
- Đối với nguồn vốn từ các dự án đầu tư (giao
thông, thoát nước đô thị, khu đô thị mới, … ): đảm bảo toàn bộ chi phí ươm, trồng
và duy trì cây xanh, cây hoa, cây cảnh giống trồng lần đầu và trồng dặm hằng
năm tại 28 tuyến đường còn lại ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, 16 khu đô thị
mới và các công viên tại các khu đô thị mới.
2. Kế hoạch và kinh phí phát triển cây xanh và
vườn hoa đến năm 2020
a) Giai đoạn 2013 - 2015
- Thành phố Phan Rang - Tháp chàm: tổ chức trồng
mới và trồng bổ sung 45.356 cây xanh, 3.512.365 cây hoa, 9.366 cây cảnh ra hoa
và cây cảnh tạo hình (gọi chung là cây cảnh) tại các tuyến đường, công viên và
tại các khu đô thị mới trên địa bàn thành phố, với tổng kinh phí thực hiện khoảng
133,576 tỷ đồng (chi tiết tại Phụ lục 1 và Phụ lục 8 đính kèm). Trong đó:
+ Đề án đảm nhận việc trồng 22.763 cây xanh,
1.696.463 cây hoa, 4.524 cây cảnh tại 82 tuyến đường hiện hữu và 25 công viên
(chi tiết tại Phụ lục 1, Phụ lục 2 và Phụ lục 8 đính kèm), với tổng kinh phí
khoảng 65,263 tỷ đồng, cụ thể là:
* Các chi phí: ươm cây xanh, cây hoa và cây cảnh
giống trồng lần đầu tại 82 tuyến đường và 25 công viên; trồng dặm hằng năm cây
hoa và cây cảnh tại 25 công viên; duy trì cây xanh, cây hoa và cây cảnh tại 25
công viên do ngân sách Nhà nước đảm nhận (chi tiết tại Phụ lục 1 và Phụ lục 8
đính kèm), khoảng 58,619 tỷ đồng.
* Chi phí duy trì cây xanh trồng tại 82 tuyến đường
do nhân dân đóng góp bằng công lao động, khoảng 6,644 tỷ đồng.
+ Số cây xanh, cây hoa và cây cảnh còn lại được
trồng tại 28 tuyến đường hiện hữu, 05 công viên và 16 khu đô thị mới, khoảng
68,311 tỷ đồng do các dự án đầu tư đảm nhận.
- Các thị trấn và trung tâm huyện lỵ: tổ chức trồng
mới và trồng bổ sung khoảng 10.190 cây xanh tại các tuyến đường của các thị trấn
và trung tâm huyện lỵ chưa có hoặc còn thiếu cây xanh, với tổng kinh phí thực
hiện khoảng 8,883 tỷ đồng (chi tiết các khoản chi tại Phụ lục 1 đính kèm), cụ
thể là:
+ Chi phí ươm và trồng cây xanh do ngân sách Nhà
nước đảm nhận, khoảng 2,177 tỷ đồng (chiếm 26%).
+ Chi phí duy trì cây xanh do nhân dân đóng góp
bằng công lao động, khoảng 6,706 tỷ đồng (chiếm 74%).
- Các khu du lịch và các điểm tham quan: tổ chức
trồng khoảng 4.300 cây xanh tại các khu du lịch: Bình Sơn - Ninh Chữ, Cà Ná,
Vĩnh Hy, tháp PoKlong Garai và các điểm tham quan trong tỉnh với tổng kinh phí
thực hiện khoảng 3,747 tỷ đồng (chi tiết tại Phụ lục 5 đính kèm) từ nguồn thu
hoạt động tham quan, du lịch và đóng góp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt
động du lịch;
b) Giai đoạn 2016 - 2020
- Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm: tổ chức trồng
mới và trồng bổ sung ước khoảng 51.333 cây xanh, 5.054.736 cây hoa, 13.479 cây
cảnh tại các tuyến đường, công viên và tại các khu đô thị mới trên địa bàn
thành phố, với tổng kinh phí thực hiện ước khoảng 320,622 tỷ đồng (chi tiết tại
Phụ lục 3 và Phụ lục 9 đính kèm). Trong đó:
+ Đề án đảm nhận việc tổ chức trồng 32.243 cây
xanh, 1.040.867 cây hoa, 2.777 cây cảnh tại công viên khu dân cư Đông Nam, công
viên khu dân cư Tây Bắc và công viên biển ven sông Dinh (chi tiết tại Phụ lục 3
và Phụ lục 9 đính kèm), với tổng kinh phí ước khoảng 116,197 tỷ đồng, cụ thể
là:
* Chi phí ươm cây xanh, cây hoa, cây cảnh giống
trồng lần đầu, trồng dặm hằng năm và duy trì cây xanh, cây hoa, cây cảnh tại 03
công viên do ngân sách Nhà nước đảm nhận, khoảng 114,866 tỷ đồng.
* Chi phí duy trì số cây xanh đã trồng vào năm
2015 tại 42 tuyến đường do nhân dân đóng góp bằng công lao động, khoảng 1,329 tỷ
đồng.
+ Số cây xanh, cây hoa và cây cảnh còn lại được
trồng tại 16 khu đô thị mới, ước khoảng 204,425 tỷ đồng do các dự án đầu tư đảm
nhận.
- Các thị trấn và trung tâm huyện lỵ: tổ chức trồng
khoảng 14.00 cây xanh tại các tuyến đường của các thị trấn và trung tâm huyện lỵ
với tổng kinh phí thực hiện ước khoảng 14,283 tỷ đồng (chi tiết tại Phụ lục 3
đính kèm), cụ thể là:
+ Chi phí ươm cây xanh giống và trồng do ngân
sách Nhà nước đảm nhận, khoảng 2,993 tỷ đồng (chiếm 21%);
+ Chi phí duy trì cây xanh do nhân dân đóng góp
bằng công lao động, khoảng 11,29 tỷ đồng (chiếm 79%).
3. Về thu gom và xử lý rác thải: tiếp tục triển
khai và nhân rộng mô hình cộng đồng cùng tham gia quản lý rác thải và mô hình
thu gom rác thải không tiếp đất của thành phố Phan Rang - Tháp Chàm ra toàn tỉnh
và phấn đấu đạt được các chỉ tiêu sau:
Đến năm 2013, tất cả các khu du lịch và các điểm
tham quan đều có đội vệ sinh thu gom rác thải, lắp đặt đầy đủ các công trình vệ
sinh và 100% rác thải tại các khu vực này đều được thu gom và chuyển về nhà máy
xử lý rác thải để xử lý. Tổng chi phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử
lý rác thải tại các khu du lịch và các điểm tham quan khoảng 0,646 tỷ đồng/năm
(chi tiết tại Phụ lục 7 đính kèm), được lấy từ nguồn thu hoạt động tham quan,
du lịch và đóng góp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch.
Đến năm 2015, toàn bộ thành phố Phan Rang - Tháp
Chàm, các thị trấn và trung tâm huyện lỵ đều có đội vệ sinh thu gom rác thải và
100% rác thải sinh hoạt tại các khu vực đô thị của tỉnh đều được chuyển xử lý tại
nhà máy xử lý rác thải, các đơn vị có chức năng xử lý chất thải rắn và tại các
bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh. Tổng chi phí cho hoạt động thu gom, vận
chuyển và xử lý rác thải đến năm 2015 khoảng 27,425 tỷ đồng/năm (chi tiết tại
Phụ lục 6 đính kèm), cụ thể là:
- Chi phí cho hoạt động thu gom rác thải: khoảng
10,1 tỷ đồng/năm (chiếm 37%), trong đó: ngân sách Nhà nước đảm nhận khoảng 6,4
tỷ đồng/năm; phần còn lại khoảng 3,7 tỷ đồng/năm được lấy từ nguồn thu phí vệ
sinh.
- Chi phí cho hoạt động vận chuyển rác thải: khoảng
12,3 tỷ đồng/năm (chiếm 45%), do ngân sách Nhà nước đảm nhận.
- Chi phí hỗ trợ xử lý rác thải: khoảng 5,025 tỷ
đồng/năm (chiếm 18%) do ngân sách Nhà nước đảm nhận.
IV. Giải pháp
1. Giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo: tăng cường
vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của
các cấp chính quyền trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ “Chung tay xây dựng Ninh
Thuận xanh - sạch - đẹp”, nhất là thay đổi tư duy và trách nhiệm của người đứng
đầu; đồng thời, phải xác định đây là cuộc vận động lớn, sâu rộng trong toàn tỉnh,
phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên, liên tục.
2. Giải pháp về quy hoạch:
- Tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết hệ
thống cây xanh và vườn hoa thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, các thị trấn và
trung tâm huyện lỵ. Đây là cơ sở quan trọng để phát triển hệ thống cây xanh và
kêu gọi xã hội hoá việc đầu tư cây xanh tại các khu đô thị trong tỉnh;
- Rà soát quỹ đất cây xanh đô thị để có kế hoạch
quản lý và sử dụng cho phù hợp. Khi quy hoạch khu đô thị, khu dân cư mới phải đảm
bảo đủ diện tích cây xanh theo các tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam hiện hành;
- Tăng cường hệ thống cây xanh tại các khu vực
công cộng như dải phân cách các tuyến đường, vỉa hè, tiểu đảo giao thông, bến
xe, bãi đậu xe, trạm chờ xe buýt…;
- Đối với các khu dân cư và đường phố cũ: tiến
hành cải tạo và chỉnh trang để có quỹ đất trồng cây xanh và hoa. Đối với các cơ
quan, công sở, trường học: cải tạo và thay thế dần các loại cây không còn phù hợp,
trồng thêm một số cây có hoa đẹp và mùi thơm.
3. Giải pháp về cây giống:
- Nhiệm vụ ươm và cung cấp cây giống được giao
cho các tổ chức lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh thuộc ngành Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn quản lý như các công ty lâm nghiệp Nhà nước, các ban quản lý rừng
triển khai thực hiện và xem đây là nhiệm vụ công ích của các đơn vị này đối với
việc phát triển cây xanh và vườn hoa đô thị của tỉnh;
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc các
thành phần kinh tế tham gia ươm, cung cấp giống hoa, cây cảnh ra hoa và cây cảnh
tạo hình.
4. Giải pháp về huy động các nguồn lực:
- Nghiên cứu, xây dựng và ban hành các cơ chế,
chính sách đẩy mạnh xã hội hoá nhằm huy động các nguồn lực xã hội tham gia phát
triển cây xanh, vườn hoa, thu gom và xử lý rác thải tại các khu vực đô thị của
tỉnh, trong đó chú trọng triển khai các biện pháp huy động theo phương châm Nhà
nước và nhân dân cùng làm;
- Thực hiện chủ trương mỗi nhà trồng một cây
xanh theo quy hoạch và giao cho các hộ gia đình trồng, chăm sóc và bảo vệ cây
xanh trước nhà. Khuyến khích cá nhân, tổ chức, cộng đồng tham gia các dịch vụ
thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải, phát triển cây xanh. Huy động sự
đóng góp của các tổ chức và cá nhân bằng tiền hoặc công lao động để trồng, bảo
vệ, chăm sóc cây xanh, vườn hoa tại các khu vực đô thị của tỉnh;
- Từng bước cân đối và bố trí đủ nguồn ngân sách
cho phát triển hệ thống cây xanh, vườn hoa, thu gom rác thải tại các khu vực đô
thị của tỉnh.
5. Giải pháp về tăng cường công tác quản lý nhà
nước:
- Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số
35/2011/CT-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng
cường công tác quản lý và phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận;
- Hoàn thành việc lập và triển khai Đề án chi tiết
phát triển cây xanh và vườn hoa cho các khu vực đô thị của tỉnh đến năm 2020;
- Các dự án khu đô thị mới, khu du lịch và các dự
án đầu tư phải đảm bảo bố trí đủ diện tích cây xanh, vườn hoa và các điểm trung
chuyển rác thải đúng với thiết kế và báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được
phê duyệt;
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý
nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là các vi phạm
về giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng.
6. Giải pháp về tuyên truyền, giáo dục:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để
cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm và
tạo sự đồng thuận về quan điểm và mục tiêu trong xây dựng và phát triển Ninh
Thuận xanh - sạch - đẹp; về khát vọng phát triển Ninh Thuận xanh - sạch - đẹp
trong nhân dân;
- Phát động phong trào toàn dân chung tay xây dựng
Ninh Thuận xanh -sạch - đẹp bằng nhiều hình thức nhằm thu hút cộng đồng dân cư
tích cực tham gia, hưởng ứng. Qua đó, nêu gương điển hình trong phong trào toàn
dân chung tay xây dựng Ninh Thuận xanh - sạch - đẹp; đồng thời phê phán các
hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường;
- Tăng cường giáo dục môi trường trong các trường
học, tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao ý thức tự giác bảo vệ môi trường, thấm
sâu tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước của học sinh, sinh viên trong tỉnh.
Phần III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh
- Cụ thể hoá, tiêu chí hoá việc lồng ghép các
nhiệm vụ của Đề án vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn
hoá ở khu dân cư” trong giai đoạn mới; tiếp tục phối hợp với Ủy ban nhân dân
các huyện, thành phố xây dựng và nhân rộng mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ
môi trường” ra toàn tỉnh;
- Tổ chức tuyên truyền, vận động các tầng lớp
nhân dân trong tỉnh hiểu rõ những lợi ích và ý nghĩa của Đề án, từ đó tự nguyện
thực hiện tốt nghĩa vụ giữ gìn vệ sinh môi trường, tích cực hưởng ứng chủ
trương mỗi nhà trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh trước nhà.
2. Trách nhiệm của các sở, ngành, Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố
a) Sở Tài nguyên và Môi trường
- Theo dõi và định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả
thực hiện Đề án cho Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý
nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Lồng ghép các nội dung, nhiệm vụ của Đề án vào
các kế hoạch liên tịch phối hợp hành động bảo vệ môi trường đã ký với Ủy ban Mặt
trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Tỉnh Đoàn thanh
niên, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công an tỉnh và tổ chức
triển khai có hiệu quả các kế hoạch liên tịch này.
- Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh
đưa nội dung xây dựng và phát triển Ninh Thuận xanh - sạch - đẹp vào chuyên mục
“Tạp chí Tài nguyên và Môi trường” trên sóng truyền hình để cung cấp kịp thời,
đúng định hướng các thông tin về quá trình triển khai thực hiện Đề án đến với
đông đảo bạn xem đài trong tỉnh; góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ
môi trường của người công dân; cổ động và nêu gương điển hình trong phong trào
toàn dân chung tay xây dựng Ninh Thuận xanh - sạch - đẹp; đồng thời tham mưu, xử
lý theo quy định của pháp luật các hành vi bị nghiêm cấm về bảo vệ môi trường;
b) Sở Xây dựng
- Hoàn thành công tác lập quy hoạch cây xanh, vườn
hoa, quản lý chất thải rắn của tỉnh đến năm 2020 để làm cơ sở pháp lý cho việc
quản lý và đầu tư, kêu gọi xã hội hoá phát triển hệ thống cây xanh, vườn hoa và
thu gom rác thải đô thị. Thực hiện quy hoạch quỹ đất xây dựng vườn ươm cây và
hoa giống đô thị và tham mưu cơ chế phát triển hệ thống vườn ươm cây xanh và
hoa đô thị trên địa bàn đảm bảo cho nhu cầu trồng mới cây xanh đô thị.
- Chủ trì và phối hợp với Ủy ban nhân dân các
huyện và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm cùng các sở, ngành có liên quan lập Đề
án chỉnh trang các khu đô thị, khu dân cư tập trung để tạo quỹ đất trồng cây
xanh, trồng hoa và xây dựng các công trình vệ sinh công cộng.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các cơ
chế chính sách huy động các nguồn lực xã hội tham gia phát triển hệ thống cây
xanh, vườn hoa, thu gom rác thải, cấp nước sạch và vệ sinh môi trường tại các
khu đô thị và khu dân cư tập trung.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử
lý nghiêm các hành vi vi phạm về quy hoạch, bảo vệ cây xanh, vườn hoa; thu gom,
vận chuyển và đổ rác thải; lấn chiếm và sử dụng hè, đường không đúng quy định.
- Là đầu mối giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo,
theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ cây
xanh, hoa, thu gom rác thải tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung trên địa
bàn tỉnh và định kỳ hằng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình thực hiện;
c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố nghiên cứu phát triển các giống cây xanh, hoa, cây cảnh
phù hợp trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo các tổ chức lâm nghiệp xây dựng kế hoạch
ươm và cung cấp cây xanh, hoa và cây cảnh giống cho các đơn vị và địa phương trồng
theo kế hoạch của Đề án và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây xanh, hoa,
cây cảnh;
d) Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch
- Chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tổng
hợp báo cáo kết quả thực hiện Đề án tại các khu du lịch, điểm tham quan.
- Lồng ghép các nội dung, nhiệm vụ của Đề án với
phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” trong giai đoạn mới.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý
các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường du lịch và nếp sống văn hoá;
đ) Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Xây dựng cơ chế, chính sách để tăng cường nguồn
lực và đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư để đầu tư cho hoạt động phát triển cây
xanh, vườn hoa, xử lý chất thải, trong đó chú trọng triển khai các biện pháp
huy động theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.
- Tổng hợp, cân đối và bố trí vốn đầu tư hằng
năm cho đầu tư xây dựng các công viên, vườn hoa và phát triển cây xanh công cộng;
e) Sở Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư
tham mưu bố trí kinh phí thực hiện Đề án hằng năm.
- Phối hợp với sở, ngành, Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố xây dựng cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực để phát triển
hệ thống cây xanh, vườn hoa và công tác thu gom rác thải đô thị;
f) Sở Giáo dục và Đào tạo
- Xây dựng và triển khai thực hiện chương trình
trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh, vườn hoa; thu gom rác thải và vệ sinh môi trường
trong các trường học trên địa bàn tỉnh.
- Phát động phong trào “Trường học xanh - sạch -
đẹp”, lồng ghép với phong trào thi đua “Trường học thân thiện - Học sinh tích cực”
và đưa tiêu chí này trở thành chỉ tiêu thi đua toàn ngành;
g) Sở Nội vụ: giúp Ủy ban nhân dân tỉnh đưa tiêu
chí “xanh - sạch - đẹp” để phân loại và công nhận danh hiệu thi đua công chức,
viên chức và người lao động hằng năm; đồng thời, theo dõi, tổng hợp và định kỳ
báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình thực hiện tiêu chí này;
h) Tỉnh Đoàn Ninh Thuận
- Huy động các tổ chức cơ sở đoàn, đoàn viên
thanh niên tham gia công tác trồng, chăm sóc cây xanh và hoa. Xây dựng và triển
khai kế hoạch ra quân vào dịp Tết trồng cây hằng năm.
- Phát động phong trào “Thanh niên vì môi trường
Ninh Thuận xanh - sạch - đẹp” để huy động lực lượng đoàn viên thanh niên tham
gia thực hiện Đề án; xây dựng và đưa tiêu chí “xanh - sạch - đẹp” trở thành
tiêu chí thi đua tổ chức cơ sở đoàn, phân loại chất lượng đoàn viên hằng năm;
i) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các sở,
ngành có liên quan xây dựng các đề án, kế hoạch phát triển cây xanh đô thị,
công viên, vườn hoa hằng năm và 5 năm để làm cơ sở cho bố trí vốn thực hiện.
Căn cứ các quy hoạch, đề án, kế hoạch phát triển cây xanh đô thị, công viên, vườn
hoa đã được phê duyệt, hàng năm cân đối nguồn ngân sách địa phương tập trung đầu
tư phát triển cây xanh đô thị, xây dựng các công viên, vườn hoa nhằm tăng dần mật
độ diện tích phủ xanh đô thị.
- Đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các cơ
chế, chính sách huy động các nguồn lực; kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia
phát triển cây xanh, vườn hoa, thu gom và xử lý rác thải.
- Chỉnh trang các khu đô thị, khu dân cư tập
trung để tạo quỹ đất trồng cây xanh, trồng hoa và xây dựng các công trình vệ
sinh công cộng. Thực hiện tốt việc quản lý cây xanh trên địa bàn mình quản lý
theo quy định tại Quyết định số 107/2007/QĐ-UBND ngày 17 tháng 5 năm 2007 của Ủy
ban nhân dân tỉnh.
- Chỉ đạo mỗi xã, phường thành lập một tổ tự quản
về môi trường theo quy định của Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường để người dân có
điều kiện kiểm tra, đôn đốc và giám sát các tổ chức, cá nhân thực hiện quy định
giữ gìn vệ sinh môi trường; rà soát và bổ sung các nội dung về giữ gìn vệ sinh
môi trường vào các hương ước, quy ước của các thôn, khu phố để người dân tham
gia công tác trồng, chăm sóc cây xanh; thu gom tập kết và xử lý rác thải, chất
thải, …
- Thành lập các tổ kiểm tra quy tắc đô thị tại các
phường để giúp Ủy ban nhân dân phường trong việc thanh tra, kiểm tra xử lý các
hành vi vi phạm: trật tự công cộng; gây ảnh hưởng đến việc giữ gìn vệ sinh
chung; khai thác, sử dụng hệ thống thoát nước công cộng; bảo vệ cây xanh, công
viên và vườn hoa; thu gom, vận chuyển và đổ rác thải, … theo quy định tại Nghị
định số 149/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về xử phạt vi phạm
hành chính trong lĩnh vực du lịch; Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 02
năm 2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng;
kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản
lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; Nghị định số
73/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm
hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
- Tăng cường tuyên truyền về nhận thức, tinh thần
tự giác, ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân trong việc chung tay,
góp sức phát triển Ninh Thuận xanh - sạch - đẹp. Chú trọng giáo dục thế hệ trẻ
về ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ cây xanh, giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất
là khát vọng phát triển Ninh Thuận xanh - sạch - đẹp; từ đó hình thành nếp sống
đẹp, văn minh và đi đầu hưởng ứng các phong trào thi đua xây dựng Ninh Thuận
xanh - sạch - đẹp;
k) Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và Báo
Ninh Thuận: tổ chức biên soạn nội dung chương trình phát thanh, truyền hình về
trách nhiệm bảo vệ môi trường của người công dân; phổ cập nâng cao hiểu biết về
môi trường, cung cấp thông tin về bảo vệ môi trường, cổ động các phong trào
toàn dân bảo vệ môi trường, nêu gương điển hình trong phong trào toàn dân chung
tay xây dựng Ninh Thuận xanh - sạch - đẹp; phê phán các hành vi vi phạm pháp luật
về bảo vệ môi trường;
l) Các sở, ngành và các tổ chức đoàn thể khác:
trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xây dựng các chương trình, kế hoạch
và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ đề ra tại Đề
án.
3. Trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh
doanh, dịch vụ; hộ gia đình và cá nhân
a) Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ
- Triển khai và duy trì thường xuyên việc trồng,
chăm sóc cây xanh, hoa, cây cảnh và thu gom rác thải ở trước và trong phạm vi
cơ sở mình. Tuyên truyền, vận động, khuyến khích người lao động tích cực hưởng ứng,
tham gia các phong trào toàn dân bảo vệ môi trường, phong trào toàn dân chung
tay xây dựng Ninh Thuận xanh - sạch - đẹp.
- Đóng góp bằng công lao động, bằng tiền hoặc bằng
hiện vật để cùng chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm
vụ đề ra tại Đề án;
b) Hộ gia đình và cá nhân
- Có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ cây xanh trước
nhà; khuyến khích trồng cây xanh, hoa cảnh theo quy hoạch và thu gom rác thải tại
nơi sinh sống của mình để góp phần cải thiện môi trường sống.
- Có trách nhiệm tham gia đầy đủ hoạt động vệ
sinh môi trường công cộng, làm sạch khu phố, ngõ xóm. Khuyến khích việc đóng
góp bằng công lao động, bằng tiền hoặc bằng hiện vật để cùng chính quyền địa
phương thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ đề ra tại Đề án.
4. Chế độ thông tin, báo cáo
- Giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối
giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện Đề án
cho Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 30 tháng 12 hằng năm;
- Các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố theo nhiệm vụ phân công, định kỳ 01 lần/năm báo cáo kết quả thực hiện
Đề án cho Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) trước
ngày 20 tháng 12 hằng năm.
Trong quá trình triển khai nếu có phát sinh khó
khăn, vướng mắc kịp thời phản ánh với Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tài
nguyên và Môi trường) để hướng dẫn tháo gỡ./.