Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 55/2004/QĐ-BNV phê duyệt Điều lệ Hội Di sản văn hóa Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 55/2004/QĐ-BNV
Ngày ban hành 17/08/2004
Ngày có hiệu lực 10/09/2004
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Đặng Quốc Tiến
Lĩnh vực Quyền dân sự,Văn hóa - Xã hội

BỘ NỘI VỤ

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Số: 55/2004/QĐ-BNV

Hà Nội, ngày 17 tháng 08 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU LỆ HỘI DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Căn cứ Sắc lệnh số 102/SL-L004 ngày 20/5/1957 quy định về quyền lập Hội.
Căn cứ Nghị định số 45/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội Vụ.
Căn cứ Nghị định của Chính phủ số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội.
Xét đề nghị của Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Bản Điều lệ của Hội Di sản văn hóa Việt Nam đã được Đại hội thành lập Hội Di sản văn hóa Việt Nam thông qua ngày 26 tháng 7 năm 2004.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Phi chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Đặng Quốc Tiến

 

ĐIỀU LỆ

HỘI DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM

Chương 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tên gọi, biểu trưng

1. Tên chính thức: Hội Di sản văn hóa Việt Nam.

2. Tên tiếng Anh: Cultural Heritage Association of Vietnam.

3. Tên viết tắt: CHAV.

4. Hội có biểu trưng và bài hát chính thức.

Điều 2. Tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực hoạt động.

Hội Di sản văn hóa Việt Nam (sau đây gọi tắt là Hội) là tổ chức xã hội nghề nghiệp tập hợp các tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động nghề nghiệp hoặc có tâm huyết với di sản văn hóa nhằm góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo tinh thần của Luật Di sản văn hóa.

Điều 3. Phạm vi hoạt động

Hội hoạt động trong phạm vi cả nước, chịu sự quản lý nhà nước và bảo trợ của Bộ Văn hóa – Thông tin. Hội quan hệ thường xuyên với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Nguyên tắc chung về tổ chức và hoạt động

Tổ chức và hoạt động của Hội thực hiện theo nguyên tắc: tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí, tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, quyết định theo đa số, tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và Điều lệ Hội.

Điều 5. Tư cách pháp nhân, trụ sở

Hội hoạt động độc lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu (dấu tròn ướt và dấu nổi nhỏ) và tài khoản riêng. Trụ sở Trung ương Hội đặt tại Hà Nội. Hội có văn phòng đại diện tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và khu vực.

Chương 2

[...]